0971.659.624 thuvienxaydungvn@gmail.com
Cao độ nền xây dựng nhìn từ quy hoạch xây dựng đến thực tiễn quản lý
Trong thời gian vừa qua, vấn đề cao độ nền xây dựng (hay gọi là cốt nền) được các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh khá rầm rộ, có nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh việc xác định cao độ nền, quy hoạch chiều cao, quản lý và cung cấp thông tin về cốt nền. Xin được trình bày một cách tổng quát vấn đề này như sau:

Cao độ nền xây dựng do người thiết kế chuyên ngành chuẩn bị kỹ thuật đô thị tính toán và xác định. Cao độ này được xác định cho từng khu vực, trục đường phố chính hoặc cho toàn đô thị trong các đồ án quy hoạch chung và được cụ thể hóa trong quy hoạch chi tiết quy định cụ thể của Luật Xây dựng 2003. Việc xác định cao độ nền khống chế nhằm bảo đảm thoát nước mạnh cho nền khu vực thiết kế, góp phần bảo vệ an toàn cho các công trình được xây dựng tại đô thị, quyết định cho việc phòng chống ngập úng, tạo nên sự phối hợp hợp lý giữa nền và hệ thống đường đô thị, sự kết nối giữa các công trình đường day, đường ống và giữa công trình này với đường giao thông… ngoài ra còn góp phần quan trọng trong các giải pháp về tổ hợp không gian và tổ chức mặt bằng các công trình kiến trúc với nền đất xây dựng.

            Mức độ chính xác của việc xác định cao độ nền xây dựng tùy thuộc vào nhiều yếu tố, có thể ví dụ một số điểm như sau: chất lượng công tác khảo sát đo đạc địa hình để lập bản đồ, chất lượng của các tài liệu, số liệu về điều kiện tự nhiên, địa chất, phì văn, các số liệu thống kê tình hình ngập úng lũ lụt… trình độ và năng lực của cán bộ thiết kế.

            Quy định về xác định cao độ nền xây dựng là một yêu cầu bắt buộc được nghiên cứu và thiết kế trong quy hoạch xây dựng đô thị. Luật Xây dựng 2003, Nghị định số 08/2005/NĐ/CP ngày 24/1/2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng, các phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 15/2005/TT-BXĐ ngày 19/8/2005 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn, lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch đã quy định và hướng dẫn rất cụ thể yêu cầu phải xác định cao độ nền xây dựng cho từng loại quy hoạch. Trong quy hoạch chung xây dựng đô thị chỉ xác định cao độ nền xây dựng khóng chế cho từng khu vực, trên các trục đường giao thông chính và nếu đủ điều kiện có thể xác định cho toàn đô thị. Trong quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị thì việc xác định bao gồm từ cốt nền đường, hè đường, nền công trình xây dựng đến các công trình hạ tầng kỹ thuật khác trên khu vực được lập quy hoạch chi tiết. Việc yêu cầu nghiên cứu kỹ hơn, sâu hơn, cụ thể và chính xác hơn có ý nghĩa quan trọng thì đây là một trong những cơ sở thông tin đầu vào không thể thiếu được phục vụ cho cấp phép xây dựng, thiết kế kỹ thuật trong dự án đầu tư xây dựng công trình. Cần khẳng định rằng trong các văn bản quan trọng được ban hành trước đây và hiện nay, quy hoạch chiều cao, thiết kế cao độ nền xây dựng là nội dung yêu cầu bắt buộc phải được xác định trong thuyết minh trong hồ sơ dự án quy hoạch xây dựng chung và quy hoạch chi tiết.

            Quy hoạch chiều cao trong thiết kế và phê duyệt các đề án xây dựng đô thị: Mặc dù có nhiều văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện nhưng công tác chuẩn bị, quy hoạch chiều cao và xác định cao độ nền chưa được quan tâm một cách đúng mức. Cán bộ thiết kế do nhiều nguyên nhân (thời gian, kinh phí, thiếu tài liệu và có thể cả thiếu trách nhiệm) đã bỏ qua nhiều nội dung cần phải có khi thiết kế quy hoạch chiều cao và xác định cao độ nền. Trong đồ án quy hoạch chung xác định các cao độ xây dựng khống chế chủ yếu còn thiếu cơ sở. Trong nhiều bản vẽ quy hoạch chi tiết, quy hoạch chiều cao được nghiên cứu sơ sài hoặc có khi không thiết kế dẫn đến việc xác định cao độ xây dựng chỉ được thể hiện tại một số điểm khống chế mà không cụ thể và chính xác hơn ở nhiều khu vực. Trong thẩm định phần lớn chỉ quan tâm đến tổ chức, không gian, hướng phát triển đô thị, mạng lưới giao thông, chỉ giới xây dựng, ít khi đặt vấn đề sâu về chuẩn bị kỹ thuật, quy hoạch chiều cao và các yêu cầu về cao độ nền. Nhiều địa phương phê duyệt quy hoạch xây dựng chưa đồng bộ, tại Hà Nội phần lớn quy hoạch chi tiết các quận, huyện được phê duyệt chủ yếu là quy hoạch sử dụng đất và giao thông, còn nhiều đồ án quy hoạch hạ tầng kỹ thuật trong đó các quy hoạch chiều cao chưa được phê duyệt, tại TP Hồ Chí Minh cũng có trường hợp tương tự.      

            Chất lượng thiết kế chưa cao, công tác thẩm định kéo dài, phê duyệt không đồng bộ là những khó khăn cho cán bộ quản lý khi đối mặt với việc quản lý xây dựng nói chung và các tác nghiệp cần thiết nói riêng (ví dụ như cấp phép xây dựng phải cấp cả cao độ nền xây dựng).

            Quản lý cao độ nền xây dựng trong đô thị, cơ quan quản lý quy hoạch hoặc quản lý xây dựng ở địa phương là cơ quan quản lý cao độ nền xây dựng. Ví dụ ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh là Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Sở Xây dựng tại các địa phương còn lại. Cấp huyện còn tùy theo sự phân cấp của từng địa phương. Trên cơ sở các quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chính quyền các cấp phải tổ chức công bố đồ ắn quy hoạch xây dựng thuộc địa giới hành chính mình quản lý. Đối với quy hoạch chung thì nội dung công bố theo quy định của người có thẩm quyền phê duyệt, đối với  quy hoạch chi tiết thì phải công bố toàn bộ nội dung và quy định về quản lý quy hoạch của đồ án xây dựng.

            Cơ quan quản lý xây dựng các cấp có trách nhiệm cung cấp thông tin về địa điểm, chỉ giới xây dựng, chỉ giới đường đỏ, cốt xây dựng… và các thông tin có liên quan đến quy hoạch khi tổ chức cá nhân có yêu cầu trong phạm vi đồ án xây dựng do mình quản lý. Thực tế nhận thức vai trò và tầm quan trọng của cao độ nền xây dựng trong đô thị còn nhiều hạn chế từ cơ quan quản lý, chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, thanh tra, kiểm tra và người dân. Đồng thời xem xét, cơ quan cấp phép xây dựng không cấp cao độ nền (như các giấy phép xây dựng cho người dân tại dự án nút giao thông Ngã Tư Sở), thanh tra chỉ kiểm tra xây bao nhiêu tầng, có phép hay không, hiếm khi kiểm tra nền công trình được xây dựng theo cao độ nào. Phần lớn người dân chỉ quan tâm đến chỉ giới xây dựng, phá dỡ vào sâu bao nhiêu mét, ít người quan tâm đến cao độ nền và ngoài ra cũng không yêu cầu cấp phép cốt nền đến khi có chuyện xảy ra mới khiếu nại thắc mắc. Tư vấn thiết kế đường đô thị chưa tuân thủ nghiêm túc các cao độ khống chế của đường và nền hai bên theo quy hoạch chi tiết được cấp có thẩm quyền phê duyệt, dẫn đến khi thi công phê duyệt giữa đường và nền hai bên có sự chênh lệch nhau. Sự thiếu phối hợp giữa các cơ quan quản lý xây dựng với nhau, giữa ban quản lý dự án với cơ quan quản lý và ngay cả trong ban quản lý dư án với tư vấn thiết kế liên quan tới quy hoạch, cấp phép, sự phù hợp của dự án xây dựng với quy hoạch xây dựng được cấp ở thẩm quyền phê duyệt.

            Qua những nội dung phân tích ở trên, cần nâng cao chất lượng nghiên cứu thiết kế đồ án quy hoạch, xây dựng đô thị, đặc biệt các đồ án chi tiết bởi vì đây là cơ sở giúp cho các cơ quan quản lý cấp phép xây dựng và giúp chủ đầu tư lập dự án, thiết kế công trình. Phù hợp với quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt là yêu cầu bắt buộc khi thẩm định các dự án, điều này thật sự có ý nghĩa khi lập dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường đô thị. Cần công bố công khai các đồ án, đặc biệt đối với  quy hoạch chi tiết thì phải công bố toàn bộ nội dung và quy định về quản lý quy hoạch xây dựng của đồ án này. Khi cấp phép xây dựng phải cung cấp đủ các thông tin về cao độ nền, chỉ giới xây dựng theo quy định hiện hành. Tổ chức rà soát các cự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt các dự án liên quan đến đường đô thị cần phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc như đã xảy ra tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Cần tăng cường năng lực trách nhiệm vửa các cơ quan quản lý quy hoạch, xây dựng và chính quyền sở tại trong việc phối hợp, cung cấp thông tin, giám sát, kiểm tra các dự án triển khai trên địa bàn.

                                                                                                                                                                   PGS. TS. Nguyễn Hồng Tiến

  • Tags