0971.659.624 thuvienxaydungvn@gmail.com
Cầu Long Biên - từ giao thông sang văn hóa
Khái niệm di tích và di sản ngày nay đã mở rộng. Vào nửa sau thế kỷ XIX, ở Âu Châu người ta nói tới khái niệm cổ kính và cổ vật. Cùng với sự phát triển của các bộ môn khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và đặc biệt của nền kỹ nghệ, dần đã xuất hiện những khái niệm di tích kiến trúc, di tich khảo cổ học, di tích lịch sử, di tích văn hóa. Ở nửa sau thế kỷ XX, quá khứ không chỉ được nhìn nhận hạn chế bởi những thiết chế vật chất đơn chiếc, mà còn chuyển sang những khái niệm bao trùm và thấu triệt hơn: di sản lịch sử, di sản văn hóa vật thể ra phi vật thể, di sản đô thị, di sản thiên nhiên v.v…

Trong một nhận thức rộng mở và khách quan hơn về lịch sử, người ta còn lưu ý tới việc giữ gìn những di tích và di sản của giai đoạn lịch sử mới vừa trôi qua. Và như vậy cần phải coi những công trình kỹ thuật  là di tích hoặc di sản. Thực vậy, sản phẩm kiến tạo ngàn năm của nhân loại là những công trình kiến trúc bằng gỗ - gạch - đá và những gì còn sót lại trong số chúng mà hễ có giá trị, thì được công nhận là di tích. Ngoài những sản phẩm kiến tạo truyền thống ấy, khoa học và công nghệ thời nay tạo tác nên những công trình, thậm chí những kỳ quan kỹ thuật mang dấu ấn trí tuệ sáng tạo và dấu ấn thời đại. Những công trình ấy, đứng vững trong thời gian và hàm chứa giá trị lịch sử, trước tiên, rồi giá trị với tư cách là nhân chứng của tiến bộ khoa học và công nghệ, phải được nhìn nhận những di tích hoặc di sản, xứng đáng để tiếp tục tồn tại và khai thác không chỉ từ công năng sản sinh ra chúng, mà từ phương diện văn hóa, giáo dục và du lịch. Chúng tiếp tục hữu ích cho đời nay và những đời sau.

Cầu Long Biên ở Hà Nội, từ nhận thức ấy nên được đánh giá và công nhận là di tích, hoặc để dễ bề ứng xử hơn, là di sản đô thị, có những giá trị lịch sử, giá trị về kỹ thuật - công nghệ về cảnh quan đô thị.

Từ phương tiện kỹ thuật xây dựng cầu cống, cầu Long Biên được thiết kế và xây dựng chủ yếu vào cuối thế kỷ XIX, không chỉ thuộc loại có độ dài nhất trên thế giới vào thời ấy, mà còn thể hiện những thành tựu của công nghệ xây dựng cầu, chí ít tương ứng với trình độ quốc tế đương thời. Cầu Mống ở Sài Gòn, cầu Trường Tiền ở Huế, cầu Long Biên ở Hà Nội và còn có thể vài chiếc cầu khác nữa, là sản phẩm của hãng Eiffel, lừng danh bởi tác giả của tháp mang tên người kỹ sư tài ba và kiệt suất. Cùng với những chiếc cầu này, các công trình kỹ thuật như nhà máy nước Vạn Niên ở Huế, cấu trúc kim loại của nhà bưu điện thành phố Hồ Chí Minh, tháp nước tại vườn hoa Hàng Đậu Hà Nội… tạo nên một di sản kiến trúc - kỹ thuật đặc sắc, mà ta chưa khảo cứu kỹ và cũng chưa sắp đặt vào vị trí tương ứng trong quỹ kiến trúc -  đô thị và vật chất ở nước ta.


 

Cần nói thêm một điểm khác, mà trước nay bởi nhiều nguyên nhân làm ta e ngại nói ra – cầu Long Biên, hệ thống đường bộ và đặc biệt là đường sắt, hệ thống đài quan sát khí tượng, các công trình thủy lợi do người Pháp xây dựng, với công Đức của người Việt ta, chính là một bộ phận tiêu biểu của công cuộc hội nhập đầu tiên của Việt Nam với thế giới đương đại. Tất nhiên cuộc hội nhập ấy không do ta chủ động, song thử hình dung, nếu không có cái bước đi dài ấy, chúng ta chẳng những có ít cái để kế thừa, đến nay mà sự tiến triển chung khó lường đang ở chặng bước nào.

Trong năm qua đó đã có nhiều chiếc cầu mới bắc qua sông Cả: Chương Dương, Thăng Long Thanh Trì, Vĩnh Tuy. Song những cái cầu này xem ra chỉ đảm nhiệm vai trò giao thông.Chúng hầu như không tham gia vào việc góp phần tạo dựng và khắc họa hóa khung  cảnh cho con sông bao la, chảy ngày càng ở giữa đô thị. Cầu Long Biên, duy nhất, tạo điểm nhấn trong không gian ít bị chi phối bởi sức hút thị giác và hơn nữa bởi những hình ảnh dễ nhớ và chốn kinh kỳ, vốn không sắn những hình ảnh để nhìn thấy một lần là nhớ mãi  và nhận diện như một tín hiệu đặc trưng. Hình ảnh chùa Một Cột, gác khuê văn tuy tinh tế và đặc sắc, song có lẽ vẫn chưa đủ cho một thành phố có nhiều những khung cảnh sinh động và gần gũi, mà chưa hẳn có nhiều những điểm nhấn thị giác, những đai viền và đường bao của panorama đô thị.

Tóm lại cầu Long Biên có giá trị là chứng nhân của giai đoạn lịch sử cận đại, là một thành tựu của kỹ thuật xây dựng công trình giao thông ở một xứ sở lạc hậu, gắn với những kỷ niệm không phai mờ của cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm (1946 - 1954), đồng thời là một cấu trúc nổi trội về đường bao và đặc sắc trên sông Hồng chảy qua đô thị ma rất thiếu những nhân tố tạo cảnh đô thị. 

Ứng xử thế nào với chiếc cầu vĩ đại và tàn thế này?  

Chúng tôi cho rằng, ứng xử phải lẽ hơn cả chính là xuất phát từ nhận thức: Cùng với thời gian, vai trò của cầu Long Biên với tư cách là phương tiện giao thông giảm thiểu dần, nhường chỗ cho vai trò của nó với tư cách là thiết chế văn hóa - lịch sử. Từ nhận thức này, xin nêu ra một vài gợi ý:

Coi cầu Long Biên là một công trình kiến trúc - kỹ thuậtcó giá trị, cần được bảo tồn – cải tạo và phát huy giá trị với tư cách là một thành phần cấu thành di sản đô thị của Thủ đô. Không nên đặt vấn đề công nhận công trình này là di tích theo Luật di sản văn hóa, bởi nó chưa thể liệt dứt khoát vào diện này và hễ bị coi là di tích, sẽ rất khó tìm ra phương cách ứng xử. Là một công trình di sản, mà nó đích thực là như vậy, ta vừa có thể duy trì nó về cơ bản, vừa cải tạo thích ứng nó  và các mục đích mới. Chính việc sử dụng tích cực nó trong đới sống  xã hội đương đại, mới có được điều kiện kiên quyết cho việc duy trì nó, hữu ích và khả thi.

Với tư cách là một công trình giao thông, chỉ nên tính tới khả năng tận sử dụng nó trong một thời gian quá độ không dài. Sớm muộn cũng phải sử dụng những phương tiện đường sắt hiện đại và đưa tuyến đường sắt ra khỏi nội đô, cho nên việc đưa ra kế hoạch cải tạo và hiện đại hóa nó là không có hiệu quả về lâu dài, chỉ nên quy hoạch cầu thành tuyến dành cho xe máy (trong khoảng thời gian không dài), cho đi bộ và xe đạp.

Hà Nội có hàng ngàn di tích lịch sử - văn hóa - kiến trúc. Song hầu hết đều có quy mô nhỏ, tọa lạc trong những không gian chật hẹp, chưa nói là đang duy trì những công năng cũ từ đó việc tổ chức một không gian với các công năng  và hoạt động đa dạng, dành cho đông đảo quần chúng và có khả năng níu chân khách là hầu như không thể. Cầu Long Biên chính là một công trình, một địa điểm mà có thu hút về nhiều phương diện, lại mà cho phép triển khai những hoạt động đa dạng về tính chất, như trưng bày dạng bảo tàng, sa lông nghệ thuật, bán hàng lưu niệm và các đặc sản làng nghề, dịch vụ ăn uống, giải khát, sinh hoạt cộng động, chụp ảnh đám cưới, dạo mát, tổ chức lế hội v.v… Cầu Long Biên sau trùng tu, cải tạo thích nghi và triển khai các hình thức hoạt động  văn hóa và du lịch, có thể trở thành một viên nam châm thứ hai, sau khu phố cổ, góp phần  giải quyết sự nghèo nàn về thực đơn văn hóa và du lịch, đang là điểm yếu của Thủ đô.

Sau khi được chính quyền thành phố công nhận cầu Long Biên là công trình di sản đô thị, cần thực hiện song song hoặc xen kẽ ba chương trình:

  • Hạn chế dần và tiến tới loại bỏ giao thông đường sắt.
  • Trùng tu nâng cấp và khôi phục về cơ bản, những đặc điểm cơ bản và diện mạo vốn có của cầu.
  • Cải tạo thích nghi để phục vụ các nhu cầu văn hóa và du lịch, trên cơ sở tôn trọng những đặc điểm cấu trúc và hình dáng của cầu.

Ngoài ra, cần tính đến việc giải tỏa các dãy nhà bám chặt chiếc cầu, trả lại cho nó một phần không gian vốn có. Nếu không thực hiện được việc giải phóng này, các hoạt động văn hóa và du lịch sẽ bị hạn chế.

Những đề xuất của công ty Cổ Phần Cầu Rồng và kiến trúc sư Nguyễn Nga chỉ là những ý tưởng ban đầu, thể hiện cách tiếp cận hiện đại đối với một di sản quý hiếm (tầm nhìn từ xa) và vạch ra hướng phát huy tác dụng và khai thác cũng phù hợp với cách ứng xử hiện đại. Những ý tưởng về bảo tàng hóa và sinh động hóa bản thân cây cầu, tổ chức vườn treo trên đường trên đường dẫn lên cầu, tổ chức các gian hàng trong các không gian vòm dưới đường dẫn, bảo tàng mỹ thuật đương đại bên kia sông với hình thái kiến trúc mới lạ vv… là những gợi ý phù hợp, có triển vọng phát huy tốt. Hãy coi đây chỉ là một phác thảo. Phác thảo này chỉ trở thành Dự án khi có sự ủng hộ của Chính quyền thành phố và khi tìm được tiếng nói chung với ngành giao thông.

Tác giả bài viết này muốn đưa thêm một ý tưởng: khoảng không gian ở giữa cầu  nơi có đường xe lửa và rộng chừng 4.0m, hầu hết lên dành cho việc tổ chức một dãy các quầy bán hàng, các điểm giải khát, có vách kính hai bên và mái tre ở trên, theo cách mà ở Âu Châu người ta gọi là pas - sage, một hành lang dài với các ki-ốt và quầy hàng. Với giải pháp này, ta có thể tạo nên CHỢ - CẦU, có sức thu hút đặc biệt.

Chúng ta chớ nên quá đi sớm vào các vấn đề kiến trúc và kỹ thuật. Hãy ủng hộ cho tâm huyết và năng lực sáng tạo của một người phụ nữ - kiến trúc sư từ Paris về với Thủ đô, để dấn thân vào những việc và những khởi xướng, mà mấy ai có đủ gan và chí để dám./.

GS.TS.KTS. Hoàng Đạo Kính 

TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam:

1. Ý tưởng của Bà Nguyễn Nga nhằm tôn tạo Cầu Long biên và phát triển khu vực quanh cầu để tạo ra một không gian văn hóa, nghệ thuật và giải trí đặc sắc của Thủ đô Hà Nội thật là độc đáo và tuyệt vời về nhiều mặt:

• Bảo tồn được một công trình có giá trị lịch sử trong nghề xây dựng cầu trên thế giới. Tại thời điểm xây dựng (1898-1902), đây là một trong 4 cây cầu kim loại dài nhất thế giới, thể hiện tài năng xây dựng của các kỹ sư Pháp. Sơ đồ kết cấu được lựa chọn là nhịp có công-xôn ở hai đầu để đỡ một nhịp đơn gác lên, đã cho phép vượt khẩu độ lớn. Kết cấu nhô cao tại mỗi trụ cầu (để chịu mô men âm) đã tạo ra nét đặc sắc, gợi hình ảnh rồng uốn lưng. Trụ cầu được thi công bằng phương pháp giếng chìm hơi ép, cũng là công nghệ tiên tiến thời bấy giờ, cho phép đưa móng trụ cầu xuống sâu hơn 30 m. Việc xây dựng cầu có nhiều công sức của công nhân Việt Nam, tuy ít học nhưng thông minh và cần cù. (Nhân đây xin lưu ý khi sửa chữa lại cầu nên giữ lại một số đinh ri-vê, đem mạ vàng để làm đồ lưu niệm cho khách tham quan).

• Tuy cầu có thể bảo tồn để dùng cho giao thông đường bộ, thế nhưng khi đó cầu vẫn chỉ là một công trình hạ tầng không mấy ai chú ý, còn theo phương án của Bà Nga thì cầu trở thành không gian văn hóa và nghệ thuật đặc sắc, một không gian công cộng hấp dẫn, giúp tạo ra cảm nhận nơi chốn (sense of place), là không gian giao tiếp giúp tạo ra cảm nhận cộng đồng (sense of community), cảm nhận quy thuộc (sense of belonging).

• Khi đã có đông đảo khách trong nước và nước ngoài lui tới và quen thuộc với cây cầu thì nó trở thành hình tượng đô thị (urban image), giúp tạo ra “thương hiệu” của Hà Nội, rất cần thiết cho tiếp thị đô thị (urban marketing), một loại hoạt động quan trọng trong quản lý đô thị hiện đại nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh đô thị, khiến Hà Nội sớm trở thành một đô thị toàn cầu (global city).

• Ý tưởng của Bà Nga góp phần xây dựng Hà Nội thành đô thị sinh thái (eco-city), đang là xu hướng trong đô thị học hậu hiện đại hướng đến phát triển đô thị bền vững. Vườn treo và cây xanh trên cầu sẽ tác động đến sự phát triển “nông nghiệp đô thị” trong nội thành, khuyến khích phát triển vườn trên mái nhà và đưa cây xanh vào trong nhà. Nông nghiệp đô thị tạo ra không gian thư dãn cho người đô thị và thêm nhiều việc làm cho nông dân không còn đất trong quá trình đô thị hóa (cung cấp cây, con; dịch vụ chăm sóc và cho thuê cây cảnh, thú cảnh…).

• Xây dựng bảo tàng cổ vật tại đài nước Hàng Đậu và bảo tàng nghệ thuật đương đại tại chân cầu phía Gia Lâm đều là những ý tưởng sáng tạo đáng hoan nghênh, làm phong phú thêm sản phẩm du lịch và đời sống tinh thần của người Hà Nội.

2. Hiển nhiên ở mức ý tưởng thì chưa cần đi sâu vào chi tiết, tuy vậy tôi xin tác giả lưu ý thêm đến các giải pháp nhằm duy trì hoạt động trên cầu khi thời tiết xấu và vào mùa đông, mở Triển lãm hoa vào dịp Tết và các hoạt động lễ hội khác nhằm nâng cao hiệu quả khai thác cầu.

3. Tạo không gian đi bộ trên cầu là rất tốt, nhưng vì cầu khá dài do đó nên nghĩ đến việc giúp đỡ đi lại cho trẻ em, người già, người tàn tật. Việc tổ chức nơi đỗ xe và đầu mối giao thông quá cảnh tai hai đầu cầu là rất quan trọng cho viếc khai thác cầu.

4. Cuối cùng, tôi mong các bộ ngành hữu quan và lãnh đạo Thành phố Hà nội chấp nhận ý tưởng rất sáng tạo này, thể hiện tâm huyết của một Việt Kiều đối với Thủ đô và Tổ quốc, và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đem ý tưởng ra thực thi. Tôi cũng rất mong ý tưởng của Bà Nga được sự ủng hộ của Chính phủ Pháp để trở thành một biểu trưng hợp tác của Cộng đồng Pháp ngữ.  

Nguồn tin: ashui.com