0971.659.624 thuvienxaydungvn@gmail.com
Đào tạo cán bộ ngành hạ tầng kỹ thuật đô thị

Điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định Số 445/QĐ-TTg ngày 07/4/2009 đã nêu quan điểm phát triển trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị đó là: “việc hình thành và phát triển hệ thống đô thị Việt Nam phải bảo đảm xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật với cấp độ thích hợp hoặc hiện đại, theo yêu cầu khai thác, sử dụng và chiến lược phát triển của mỗi đô thị”. Để đáp ứng được yêu cầu nêu trên, vấn đề  trình độ của đội ngũ cán bộ trực tiếp xây dựng và quản lý hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị giữ một vai trò rất quan trọng và đặt ra cho  công tác đào tạo cán bộ ngành kỹ thuật hạ tầng đô thị những nhiệm vụ có tính cấp thiết  không chỉ trước mắt mà còn lâu dài nhằm hướng đến sự phát triển bền vững.

Cơ sở hạ tầng đô thị là hệ thống các công trình, các phương tiện kỹ thuật có nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ cho cộng đồng dân cư đô thị và là yếu tố phản ánh mức độ phát triển và tiện nghi sinh hoạt của người dân đô thị theo lối sống đô thị. Cơ sở hạ tầng đô thị gồm cơ sở hạ tầng xã hội và cơ sở hạ tầng kỹ thuật.

Hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật bao gồm hệ thống giao thông, thông tin liên lạc, cung cấp năng lượng (điện, chất đốt, nhiệt sưởi ấm), chiếu sáng công cộng, cấp nước, thoát nước, quản lý các chất thải và các công trình khác.

Trong các đô thị, yếu tố quan trọng nhất để thúc đẩy sự phát triển và thành công của nhiều lĩnh vực kinh tế đó chính là cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Do đó việc đầu tư  xây dựng, nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng kỹ thuật ở đô thị đóng vai trò hết sức quan trọng.

Đô thị càng phát triển thì hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị càng có ý nghĩa quan trọng, sự phát triển của các ngành hạ tầng kỹ thuật đô thị có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của nền sản xuất. Với chức năng làm cầu nối giữa sản xuất với sản xuất, giữa sản xuất với tiêu dùng,  kết cấu hạ tầng đô thị còn tạo nên mối quan hệ chặt chẽ giữa sản xuất và lưu thông, mở rộng thị trường, mở rộng mối quan hệ giao lưu giữa các vùng lãnh thổ trong nước và quốc tế.

Sự hình thành và phát triển, quy mô và định hướng phát triển của đô thị nói chung phụ thuộc vào quy hoạch phát triển không gian đô thị. Quy hoạch phát triển không gian đô thị chỉ được thực hiện có hiệu quả khi hạ tầng kỹ thuật được xây dựng đồng bộ và đi trước một bước. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật ở các đô thị không đồng bộ sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch phát triển quy hoạch chung của các đô thị, bên cạnh đó sự bùng nổ về dân số cũng có thể phá vỡ nhiều kế hoạch trong vấn đề đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật.

Hệ thống các công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị có những đặc tính sau:

- Tính thống nhất, đồng bộ và tổng hợp: Hạ tầng kỹ thuật đô thị là một hệ thống thống nhất và được tổ chức trong một không gian nhất định nhưng phải thực hiện đồng bộ với nhiều đối tượng và nhiều ngành tham gia.

- Tính kinh tế: các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị thường tốn nhiều kinh phí và chiếm từ 25 ~ 40% ngân sách quốc gia. Kinh phí bỏ ra ban đầu lớn, nhưng thu hồi phải có thời gian. Do vậy tính hấp dẫn đầu tư hạn chế.

- Tính xã hội: Hạ tầng kỹ thuật đô thị mang tính xã hội cao và là một hoại hình dịch vụ công cộng phục vụ đa dạng.

- Tính phức tạp: Phức tạp trong công nghệ – kỹ thuật và cả trong quản lý.

- Tính thời gian và không gian: Không gian rộng và thời gian dài.

- Tính an ninh quốc phòng: Hạ tầng kỹ thuật gắn bó mật thiết giữa xây dựng, phát triển và bảo vệ thành quả phát triển.

Điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm của việc tổ chức hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong các đô thị đó là: Cải tạo và xây dựng mới cơsởhạtầng kỹthuật trong các đô thịtheo hướng đồng bộ, hiện đại tùy theo yêu cầu và mức độphát triển của từng đô thị. Chống lũ, lụt từxa cho các đô thị; kết hợp quy hoạch tổng thể phát triển thủy lợi, thủy điện trên các lưu vực sông, trong đó khai thác và vận hành hiệu quả các công trình thủy lợi, thủy điện đầu nguồn.

Về công tác đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị ở nước ta, bên cạnh các mô hình đào tạo theo hướng chuyên sâu cho từng chuyên ngành như cầu đường, cấp thoát nước, kỹ thuật môi trường, hệ thống điện, viễn thông... thì còn có mô hình đào tạo chuyên ngành kỹ thuật hạ tầng đô thị với mục tiêu là đào tạo cán bộ kỹ thuật có kiến thức tổng hợp về xây dựng và quản lý hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị. Mô hình đào tạo này rất phù hợp với vai trò và đặc tính của hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật như đã nêu trên và hỗ trợ hiệu quả cho mô hình đào tạo theo hướng chuyên sâu các chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật riêng lẻ.

Thực tế việc đào tạo chuyên ngành Kỹ thuật hạ tầng đô thị được mở ra từ hơn 40 năm nay, trải qua nhiều giai đoạn phát triển kinh tế xã hội của đất nước, mô hình đào tạo này cũng có những những sự thay đổi về nhiệm vụ và chương trình đào tạo nhằm phù hợp với thực tế trong từng giai đọan. Đến nay đã có nhiều cơ sở đào tạo trên khắp cả nước áp dụng mô hình đào tạo chuyên ngành kỹ thuật hạ tầng đô thị với các cấp học từ Cao đẳng đến Đại học, Sau đại học như đại học Kiến trúc Hà Nội, đại học Xây dựng Hà Nội, đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, đại học Kiến trúc Đà Nẵng, cao đẳng Xây dựng số1, cao đẳng Xây dựng số 3... Tuy nhiệm vụ đào tạo cụ thể ở từng cơ sở có những nét đặc thù khác nhau nhưng đều tập trung những vấn đề mang tính thống nhất, đồng bộ và tổng hợp của hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị gắn bó mật thiết với công tác quy hoạch xây dựng và quản lý đô thị.

Đội ngũ cán bộ chuyên môn được đào tạo theo mô hình chuyên ngành kỹ thuật hạ tầng đô thị với thế mạnh là có kiến thức tổng hợp về lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật có thể làm việc trong các cơ quan quản lý, đơn vị tư vấn, đơn vị xây lắp và các cơ sở nghiên cứu, đào tạo trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị với các nhiệm vụ cụ thể như:

-         Quản lý nhà nước về đô thị, quy hoạch đô thị nói chung và lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật nói riêng.

-         Quản lý các dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật.

-        Tham gia thiết kế quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị (quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết) trong các chuyên ngành thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật và thiết kế tổng hợp đường dây đường ống kỹ thuật.

-        Lập dự án đầu tư và thiết kế xây dựng (thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công) các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị.

-         Thi công xây lắp, giám sát thi công xây lắp các hạng mục công trình trong hệ thống kỹ thuật hạ tầng.

-         Quản lý kỹthuật, khai thác vận hành các công trình trong hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị

-         Nghiên cứu các đề tài khoa học thuộc lĩnh vực chuyên môn và chuyển giao công nghệ.

-        Đào tạo nguồn nhân lực cho ngành và nâng cao nhận thức về lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ quản lý ở các địa phương.

Để có thể làm tốt các mảng công việc tương đối rộng như đã nêu trên, các cán bộ kỹ chuyên ngành kỹ thuật hạ tầng cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ từ các cán bộ kỹ thuật chuyên môn của từng các chuyên ngành hẹp thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật.

Bên cạnh đó, với nền tảng kiến thức cơ sở ngành được đào tạo gắn liền với lĩnh vực quy hoạch và quản lý đô thị, đội ngũ cán bộ kỹ thuật chuyên ngành kỹ thuật hạ tầng sẽ phát huy được tốt nhất vai trò trong việc hoạch định tổng thể và phối hợp đồng bộ các bộ môn chuyên ngành hẹp trong các đồ án quy hoạch xây dựng, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị góp phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng và quản lý hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo hướng đồng bộ, hiện đại.

Thạc sỹ: Vũ Hoàng Điệp - Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội