0971.659.624 thuvienxaydungvn@gmail.com
Đường trên cao không phải là giải pháp tối ưu?

Đường trên cao không giải quyết được tất cả các vấn đề của giao thông đô thị mà còn phải phối hợp với hệ thống giao thông công cộng nữa. Ngoài ra, nếu làm đường trên cao mà không song song mở rộng đường dưới mặt đất, không có mô hình quản lý tốt thì tắc đường vẫn hoàn toàn tắc đường mà thôi.

 Đây là chia sẻ của bà Phạm Thúy Loan Viện Phó Viện Quy hoạch và kiến trúc đô thị với TS xung quanh chủ trương làm 6 tuyến đường trên cao của UBND TP. Hà Nội.

Đường trên cao giúp quản lý tốt hơn vì tự phân luồng giao thông

 Mục đích của đề xuất làm đường trên cao là để giảm ùn tắc giao thông, tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay nguyên nhân chính gây ra việc tắc đường là xe máy, trong đó 90% lưu lượng giao thông là xe máy trong khi mục đích của việc làm đường trên cao là để cho xe ô tô đi chứ không phải xe máy. Thêm vào đó, hoạt động đô thị ở Hà Nội chủ yếu lại ở dưới đất. Như vậy, liệu có phải là tác dụng ngược khi làm đường?

- Bà Phạm Thúy Loan: Cũng không hoàn toàn. Nếu nói đến giải quyết vấn đề giao thông thì việc làm đường trên cao cũng có những giá trị nhất định. ở chỗ đô thị Hà Nội đang phải tiếp nhận một lượng giao thông rất lớn mà dưới mặt đất không còn đủ chỗ thì chỉ còn cách một là xây dựng đường trên cao để các phương tiện giao thông hoạt động hai là xây dựng hệ thống giao thông ngầm dưới mặt đất.

Khi đưa lên cao, không chỉ nói là dành riêng cho ô tô và các phương tiện trọng tải lớn vì nó phù thuộc với giao thông tuyến dài. Bởi, khi có đường trên cao, tự nó sẽ điều tiết phân luồng giao thông. Ví dụ bạn đi từ Vĩnh Tuy sang Láng bạn sẽ chọn đường trên cao vì bạn không tạt ngang tạt dọc. Nhưng nếu nhà bạn ở Trường Chinh thì bạn phải chọn đường dưới đất. Như thế đường trên cao sẽ có tác dụng tách làn giao thông thành hai mảng để có thể chạy được.

Nên nói về mặt giao thông thì đường trên cao cũng có những mặt tích cực của nó chứ không phải không.

Có điều có quá nhiều thứ cần xem xét khi đặt đường trên cao ở đâu, vị trí nào?

- Đúng là còn có những yếu tố khác cần phải xem xét như vị trí đặt, kinh phí, mĩ quan.

Là một kiến trúc sư, nhưng nếu xem xét ở góc độ duy mỹ tôi thấyđường trên cao cũng không làm xấu cảnh quan đô thị cho lắm.

Người Việt Nam mình có cái bảo thủ là không chịu tiếp cận cái mới dù cái cũ không phải là hoàn hảo.

Ví dụ nếu đặt đường trên cao ở Hồ Gươm thì đúng là chúng ta cần thận trọng nhưng nếu đặt đường trên cao ở đường Trường Chinh thì rõ ràng là không có cái gì phải quá e ngại như thế.

Nếu đặt bài toán so sánh, mỗi ngày mình mất một tiếng tắc đường nếu có đường trên cao thì có thể giải quyết được việc chịu đựng này. Mặt khác, đường trên cao trong đô thị cũng không phải là điều gì quá nghiêm trọng. Nếu đặt vấn đề thẩm mỹ lên thì vẫn có thể xem xét giải quyết được.

Malaysia , Singapore cũng có đường trên cao và đặt phù hợp với kiến trúc. Trong một đô thị có những khu vực cảnh quan nhạy cảm thì phải thận trọng khi ứng xử còn không phải xem xét đến công năng giao thông của nó.

Giải quyết giao thông phải giải quyết hệ thống

Khi làm đường trên cao có phải làm song song đường dưới mặt đất?

- Đương nhiên là phải có.

Nếu chỉ làm đường trên cao, cũng không giải quyết được toàn bộ việc tắc đường. Bởi giải quyết giao thông là phải giải quyết hệ thống. Còn chỉ giải quyết một đoạn, một mẩu thì cũng không giải quyết được gì.

Hệ thống cần phải được nhìn nhận là dự báo về nhu cầu giao thông.

Câu chuyện đường Trường Chinh là một ví dụ. hơn 10 năm trước khi làm con đường này, lẽ ra người ta đã phải dự báo được về nhu cầu giao thông trong 5, 10 năm, thậm chí là dài hơi hơn rằng con đường này đã phù hợp với nhu cầu giao thông hay chưa, lúc đó có cần phải làm thêm đường bằng cách làm đường trên cao hay đường ngầm dưới đất hay không?

Mình chỉ thấy chật mà mở rộng mà không dự báo được cái gì cả.

Chính vì không dự báo được trước nên bây giờ con đường đó mới chật như thế. Và để giải quyết thì bây giờ nghĩ đến làm đường trên cao. Thật ra đây chỉ là những giải pháp tình thế. Mà các giải pháp tình thế không thể giải quyết được trọn vẹn vấn đề giao thông. Đây chính là thực trạng ở Hà Nội, toàn là các giải pháp mang tính tình thế.

Cá nhân tôi không có dị ứng gì cả về đường trên cao, bởi tôi nghĩ giải pháp nào cũng có mặt thuận và mặt nghịch của nó. Nhưng mà đường có mở rộng bao nhiêu mà không có biện pháp quản lý tốt thì không bao giờ đủ, mở rộng bao nhiêu cũng vậy mà thôi. Bạn cứ nhìn các con đường mới mở mà xem, vẫn chật như thường.

Bởi giao thông có hai mặt, thiết kế giao thông và quản lý giao thông. Cả hai cái này đều tác động đến giao thông có thông hay không. Vì thế mới nói nếu có một quỹ đường rộng mà không có cách quản lý tốt thì con đường đó vẫn tắc.

Thật ra đường trên cao có một cái hay là cho phép quản lý giao thông tốt hơn đó là khi mà đi trên những tuyến đường liên thông người ta sẽ chọn đường trên cao và ngược lại khi đi trên cung độ ngắn người đi sẽ chọn đường dưới mặt đất. Như vậy, bản thân đường trên cao đã tách làn giao thông. Điều này có thể sẽ hiệu quả hơn nếu bạn cộng bằng hai diện tích đường ở dưới mặt đất. Bởi nếu bạn mở rộng cung đường dưới đất bằng với diện tích định làm trên cao chưa chắc đã quản lý tốt hơn nếu có đường trên cao. Đây là một khía cạnh quản lý giao thông mà đường trên cao có thể giúp nhà quản lý.

Quản lý là phân luông, phân lưu lượng được đảm bảo tốt hơn. Còn hơn là tất cả các phương tiện cùng kéo nhau trên một tuyến đường một cách chậm chạp như thế.

Nếu theo đúng quy hoạch thì tuyến đường trên cao ở trục đô thị khá dày đặc. Điều này liệu có làm che tầm nhìn, gây ô nhiễm thị giác, bụi, tiếng ồn làm ảnh hưởng đến cuộc sống của con người hay không?

- Đường trên cao trên thế giới cũng rất phổ biến và họ đang sử dụng hiệu quả. Nên nhìn nhận vấn đề này ở nhiều khía cạnh chứ không nên chụp mũ cho đường trên cao là ô nhiễm thị giác ngay. Vì không phải cứ đường trên cao là ô nhiễm thị giác. Đôi khi chúng ta rất quan liêu khi nghĩ là đường trên cao có thể làm ô nhiễm thị giác. Cá nhân tôi cho rằng, đường trên cao có thể không ô nhiễm thị giác nhưng mà đó là đòi hỏi về mặt thiết kế và cảm nhận về thị giác rất là nhạy cảm.

Vì chọn hướng phát triển đường trên cao phải chọn quỹ kiến trúc cảnh quan của đô thị một cách cẩn thận. Trên thế giới có nhiều nước quỹ kiến trúc cảnh quan này được xác định cụ thể vì thế bất cứ dự án nào được làm trên vùng đó phải được nghiên cứu rất tỉ mỉ, cụ thể.

Hay như cầu đường bộ ở Hà Nội rất xấu, không phải cái cầu đường bộ xấu bởi ở trên thế giới những cầu đường bộ như thế rất đẹp, nó là yếu tố để trang trí đô thị, chứ không chỉ để giải quyết vấn đề công năng còn ở Hà Nội những chiếc cầu này rất xấu đó là do người ta thiết kế xấu mà thôi.

Bên cạnh đó, ở Hà Nội có nhiều chỗ gây ô nhiễm thị giác hơn nhiều ví dụ như biển quảng cáo còn không giải quyết được thì lo lắng làm gì nếu có đường trên cao sẽ gây ô nhiễm thị giác.

Xin cám ơn bà !

___________

Theo VietBao

  • Tags