0971.659.624 thuvienxaydungvn@gmail.com
Khẩn trương quy hoạch không gian ngầm

Khai thác không gian ngầm đang trở nên cần thiết khi mặt đất không thể “nới rộng” thêm trong khi nhu cầu mặt bằng ngày càng lớn. TP.HCM cũng đã tập trung nghiên cứu, định hướng đầu tư cho công tác khai thác phần diện tích dưới mặt đất. Tuy nhiên, trên thực tế khi triển khai các dự án như bãi đậu xe ngầm, ngầm hóa hệ thống cáp điện, cáp viễn thông... thì gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân, theo ông Nguyễn Hồng Tiến - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng):

 

PGS.TS Nguyn Hng Tiến - Cc trưởng Cc H tng k thut (B Xây dng):

- TP.HCM chưa có bản đồ hiện trạng tổng hợp về công trình ngầm - các công trình ngầm hiện tại do nhiều cơ quan quản lý. Công việc xây dựng bản đồ hiện trạng tổng hợp công trình ngầm này rất khó khăn vì phải khảo sát, điều tra để xác định được vịtrí, số lượng công trình ngầm, công trình có phần ngầm, quy mô của mỗi công trình ngầm... và đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, vì thế không phải một thời gian ngắn là có thểlàm được mà phải có lộ trình cụ thểvà có thứ tự ưu tiên các khu vực. Tuy nhiên, song song với việc lập bản đồ hiện trạng, chúng ta vẫn có thể lập quy hoạch không gian ngầm cho TP để phục vụ cho công tác quản lý xây dựng.

Để lập quy hoạch không gian xây dựng ngầm cần phải dựa trên quy hoạch chung của TP đã được phê duyệt, xác định các khu vực chức năng có khả năng để xây dựng công trình ngầm, cụ thể hoá các tuyến tàu điện ngầm, ga ngầm, bến bãi đỗ xe ngầm... Các nội dung chi tiết đã có quy định tại Nghị định 39/2010. Nếu chúng ta lập được quy hoạch này sẽ giảm thiểu những bất cập trong quá trình quản lý. Mặt khác, công tác quản lý hệ thống công trình ngầm cũng rất cần thiết và quan trọng vì vậy cũng cần thiết phải có quy chế quản lý kịp thời.

TP.HCM đã quy hoạch bãi đỗ xe ngầm nhưng gần 10 năm nay những công trình này vẫn chưa thực hiện được. Các nhà đầu tư thì cho rằng sự chậm trễ đó là do vướng cơ chế, theo ông vấn đề này cụ thể thế nào?

- Thực tế là trong quy hoạch chung TP.HCM được phê duyệt năm 2010 đã có đề cập đến những khu vực dự kiến xây dựng công trình bãi đậu xe ngầm. Tuy nhiên quy hoạch này cũng mới chỉ xác định khu vực mà chưa chỉ ra chính xác địa điểm (vị trí, quy mô). Quy hoạch giao thông của TP phê duyệt năm 2007 cũng mới chỉ xác định chung chứ chưa cụ thể. Vì vậy TP cần chỉ đạo các ngành chức năng điều chỉnh quy hoạch giao thông TP cho phù hợp với quy hoạch chung của TP mới được Thủ tướng phê duyệt năm 2010. Khi điều chỉnh quy hoạch giao thông thì cần làm rõ một số nội dung như: Cụ thể hóa vị trí và quy mô các điểm xây dựng bãi đậu xe ngầm cũng như khả năng đáp ứng của mỗi công trình. Cùng với đó, cần phải xây dựng quy chế phối hợp đa ngành thì những công trình ngầm mới có thể tiến hành thuận lợi.

Các nhà đầu tư còn cho rằng, việc triển khai xây dựng bãi đậu xe ngầm chậm trễ là do ở ta chưa có quy chuẩn?

- Về mặt quy chuẩn xây dựng, công nghệ xây dựng nếu chúng ta chưa có thì cho phép áp dụng quy chuẩn, công nghệ của nước ngoài nên cái đó không đáng lo. Theo tôi, cái khó nhất hiện nay là các quy định có liên quan đến đất đai. Quy định giao đất trên mặt đất đã có và đã rõ, nhưng việc giao sử dụng phần dưới mặt đất thì chưa có tiền lệ. Ví dụ mặt đất công viên Lê Văn Tám do một đơn vị quản lý nhưng khi xây dựng bãi đậu xe ngầm ở đây thì phần dưới mặt đất sẽ do Cty Không gian ngầm quản lý và khai thác. Vậy mối quan hệ giữa phần trên và phần dưới mặt đất sẽ như thế nào? Đây chính là nút thắt cần phải gỡ và có những quy định rõ ràng, chặt chẽ về quyền, nghĩa vụ cũng như mối quan hệ giữa chúng. Khi cấp đất cho công trình ngầm thì không chỉ cấp đủ đất để xây dựng công trình đó mà còn cần phải có đường “tiếp địa” để có đường dẫn xuống công trình ngầm đó.

Thưa ông, trước tình trạng nhiều công trình xây dựng bị lún, tình trạng ngập lụt tại TP.HCM ngày càng diễn biến phức tạp và TP.HCM là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu khiến nhiều người lo ngại nếu triển khai xây dựng nhiều công trình ngầm. Ông giải thích việc này như thế nào?

- Tại nhiều nước người ta đã tận dụng tối đa hệ thống công trình ngầm, đặc biệt các tuy nen để góp phần thoát nước và làm hầm chứa nước khi cần thiết, sau đó có thể tận dụng nguồn nước đó để tưới tiêu. Để đối phó với biến đổi khí hậu thì cần tính toán kỹ cao độ của từng khu vực để đặt các công trình thoát nước có quy mô lớn cũng như có giải pháp thoát nước tức thời hoặc thoát nước cưỡng bức. Về lâu dài phải kết hợp hệ thống tích nước và thoát nước phù hợp.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Theo Báo Xây dựng điện tử

  • Tags