0971.659.624 thuvienxaydungvn@gmail.com
Phần nổi cho công trình ngầm

"Cái gì chui xuống đất rồi sẽ phải chui lên", đó là triết lý của những người thiết kế công trình ngầm. Bên cạnh các hệ thống công trình ngầm rất cần một hệ thống công trình nổi phụ trợ là cầu nối liên kết giữa các hệ thống hạ tầng đô thị với nhau. Thiết kế phần nổi của công trình ngầm chắc chắn là một trong những hạng mục rất quan trọng cần được quan tâm thiết kế. 

 

Đã từ lâu, công trình ngầm ở các nước phát triển được coi là một trong những hạ tầng không thể thiếu để phục vụ nhu cầu đi lại. Công trình ngầm đô thị thường nằm sâu dưới lòng đất, tuy nhiên hệ thống công trình ngầm tiện dụng còn là bao gồm rât nhiều các công trình nổi, nửa chìm nửa nổi rất hữu dụng.

Đơn giản nhất là các lối vào cho các công trình ngầm. Tại các nước đang phát triển, có rất nhiều kinh nghiệm xây dựng lối vào cho các công trình ngầm với hệ thống tàu điện ngầm phổ biến ở các nước trên thê giới hiện nay, xu hướng chung là bố trí những cửa vào ở các góc ngã tư thuận tiện cho giao thông giao cắt với rất nhiều hình thức kiến trúc khác nhau. Những của vào này được trang trí rất đẹp với ánh sáng và màu sắc. Hơn thế nữa, bỏ qua hình thức vuông vức cứng nhắc, rất nhiều các lối vào metro còn được thiết kế có hình khối ấn tượng, có chi tiết trang trí bắt mắt như thiết kế bến metro Bubai của KTS Zaha Hadid, bến metro ở Singapore của KTS Normal Foster. Ở Pháp, thời gian trước đây người ta tổ chức cả các cuộc thi thiết kế lối vào các bến metro ngầm cho các KTS, các nhà thiết kế tham gia. Rất nhiều ý tưởng thiết kế đã được thực hiện tạo nên một phong cách rất riêng cho các lối vào của hệ thống tàu điện ngầm Paris. Dễ thấy các chi tiết trang trí bằng hoa sắt và họa tiết đắp nổi được thêm vào cho kiến trúc các lối đi.

Mẫu nổi tiếng nhất chỉ bao gồm một lan can bằng gang được uốn thành hình ống theo mẫu hình cây cỏ, phía trên có gắn tấm biển đề "Métropolitain", chữ đầy đủ của "métro". Các mẫu này cũng được mô phỏng lại tại nhiều thành phố khác trên thế giới.

Có một hướng thiết kế khác cho loại công trình này. Điển hình có thể thấy ở thành phố Tokyo Nhật Bản, khi diện tích đất đai trở nên chật hẹp, lối lên của công trình ngầm đôi khi chính là tầng dưới của các tòa nhà cao ốc. Lối lên được thiết kế tích hợp sao cho người sử dụng cảm thấy thuận tiện nhất. Hầu như không phải đi bộ nhiều để có thể đến được nơi làm việc. Lên đến mặt đất, dùng thang máy là có thể lên đến nơi làm việc của mình. Trang trí kiến trúc cho phần này cũng tổ hợp đồng bộ với tổng thể. 

Bố trí kiểu này, đã bỏ ranh giới của công trình giao thông và công trình xây dựng, của công trình công cộng và dân dụng. Bản thân lối lên của bến metro năm bên dưới tòa nhà cũng là một mê cung thực sự của hệ thống các không gian phụ trợ khác như: không gian shopping mua sắm, không gian café giải lao, nhà hàng, rạp chiếu phim, thậm chí là cả khách sạn và spa thư giãn. Cái lợi về sử dụng đã rõ, cái lợi về mặt không gian còn lớn hơn vì tránh được nhiều những rác đô thị khi mà cái lối lên xuống được xây dựng “ẩu đả, làm cho xong”.

Tại Việt Nam hiện nay mọi người chỉ đơn giản hiểu công trình nổi là cửa lên của các lối đi bộ hành, hay lối ra của các hầm đường bộ. Nhưng nếu nhìn xa hơn chắc sẽ không khỏi giật mình. Phần nổi hiện nay của công trình ngầm đang đứng ở vị trí nào trong tổng thể cảnh quan kiến trúc đô thị, loại công trình này đã được chăm chút đến thiết kế hay chưa cho xứng tầm với vị trí được đặt tại các góc phố để tạo nên được bộ mặt cảnh quan chung cho đô thị. Khi còn chưa trả lời được những câu hỏi này thì vẫn sẽ còn tình trạng các công trình nổi tự nó tồn tại một cách lặng lẽ và không ai biết, để lâu ngày thậm chí có biết cũng không dám thử. 

Nhìn lại sẽ thấy, lối của của hệ thống giao thông bộ hành được manh nha xây dựng ở Hà Nội hay TP.HCM còn rất nhiều bất cập. Đôi khi mới chỉ là một cái hộp bằng gạch mái bê tông thô kệch mặt tiền kéo cửa sắt hay có mấy song sắt sơn vội. Chính vì vậy, người ở gần còn biết được, người ở xa đến hay người ở ngoại thành về chắc chắn không hiểu nó là cái gì vì thiếu chỉ dẫn thiếu biển báo. Lâu ngày không ai vào, tự cái lối đi không rõ ràng lại trở thành cánh cửa vô hình đóng sập, khiến hầm đi bộ bị để không, làm chỗ cho tệ nạn xã hội phát triển, trong khi người đi bộ vẫn phải mạo hiểm băng qua đường đối mặt với bao hiểm nguy về tai nạn giao thông.

Cũng có những ý kiến khác của các chuyên gia cho rằng, đất nước ta có khí hậu nóng ẩm nên cũng nên hướng đến việc quy hoạch những lối vào hệ thống ngầm đô thị tại phần dưới của các tòa nhà công cộng. Như vậy người sử dụng cũng sẽ tránh được khi có điều kiện khí hậu bất thường xảy ra như : nắng, mưa, gió, bão... Mô hình này đặc biệt hữu dụng với khu vực phố cổ Hà Nội, nơi mà vỉa hè không lớn, nhà xây san sát khó có chỗ đủ rộng để bố trí “cái chui lên”. 

Tuy vậy việc thiết kế cũng cần đạt đến những hướng quy hoạch tổ hợp và bố trí cụ thể.

- Ở các vị trí thích hợp, nên quy hoạch các lối vào công cộng, không chỉ đơn giản là một lỗ hầm nhỏ mà có thể mở rộng thành các mái sảnh lớn, kết nối với hệ hành lang cầu với các tòa nhà, tổ chức kèm theo các bến chờ xe buýt, chỗ nghỉ cho khách bộ hành.

- Nên bố trí sao cho việc sử dụng được thuận tiện nhất, lối đi riêng hay chung đều có chức năng đa nhiệm, cùng lúc có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau.

- Có hình thức và kiểu kiến trúc phù hợp với từng điều kiện cụ thể và không gian văn hóa, môi trường kiến trúc, có hình thức bắt mắt dễ nhận biết, dễ hiểu với mọi tầng lớp nhân dân với các trình độ đào tạo khác nhau. Tránh sự dị biệt hay đơn điệu.

- Có hệ thống biển báo, chiếu sáng, tổ chức an ninh phù hợp đảm bảo được các tiêu chí về nhận diện và an toàn sử dụng của người dân.

- Đảm báo các yêu cầu về an toàn sử dụng như chống cháy nổ, bền vững khi có thiên tai như động đất, lũ lụt; hiệu quả trong phân luồng và tuyến thoát hiểm cho người dân khi có sự cố bất thường tại các công trình ngầm trong lòng đất xảy ra.

- Có trang thiết bị kỹ thuật hướng đến sự tiện nghi và hiện đại như sử dụng công nghệ điều khiển tự động hay bán tự động, sử dụng các hệ thống vận chuyển khách bộ hành như thang máy, thang cuốn.

Hơn là một phần nổi của hệ thống công trình ngầm đô thị, lối vào của các công trình ngầm nhất thiết phải được coi là một hạng mục công trình kiến trúc quan trọng. Loại công trình này phải được xem xét và quy hoạch ngay từ ban đầu trong tổng thể quy hoạch hạ tầng đô thị để đạt được hiệu quả cao nhất, đồng thời mang lại sức sống, sự mời gọi cho nhu cầu sử dụng đối với công trình ngầm. Rất cần có sự tham gia nhiều hơn của xã hội, cộng đồng và cả các kiến trúc sư cùng tạo nên những thiết kế hài hòa cho đô thị.

Theo www.kientrucvietnam.org

  • Tags