0971.659.624 thuvienxaydungvn@gmail.com
Tích hợp thêm công năng cho kiến trúc cầu vượt bộ hành
Tại Việt Nam từ trước tới nay, quy hoạch kiến trúc đô thị và quy hoạch giao thông thường tách rời nhau. Với kiểu thiết kế rập khuôn không mang tính dự báo trước xu hướng và tương lai của giao thông đô thị, các cây cầu vượt hiện nay được dựng lên chỉ là “giải pháp tình thế “ để giảm thiểu ách tác giao thông tại những nơi có nhiều người bộ hành do các kỹ sư nghành giao thông thiết kế, thực hiện. Trong đó có cả các mẫu thiết kế công trình cầu vượt bộ hành tại các nút giao thông.
CongNang1.jpg

Trong tình hình đó, tính thiếu nhất quán, "sự vụ" lại càng được thể hiện, triệt tiêu mục đích của dự án đầu tư xây dựng nút cầu vượt là làm đẹp và tiện nghi cho giao thông cảnh quan đô thị.

Khi công trình kiến trúc ở hai bên đường đã hoàn thiện thì cầu vượt chen vào giữa khu dân cư, gây khó khăn cho cho những ngôi nhà, những hộ dân sống và làm ăn kinh doanh dưới chân cầu.

Hình khối kiến trúc cầu vượt do các kỹ sư ngành giao thông thiết kế với mục tiêu chỉ giải quyết đơn thuần giao thông ngang cho người đi bộ nên kiến trúc đơn điệu nghèo nàn, lọt thỏm vào giữa một không gian đô thị hiện đại. Trong một số trường hợp đã được xây dựng, tỷ lệ “vàng” của cây cầu vượt không khác gì cầu khỉ vùng sông nước đồng bằng Sông Cửu Long. Do tập quán quen đi băng qua đường và trên cầu vượt lại không có gì hấp dẫn, nhiều cầu vượt lại không có mái che nên hiệu quả sử dụng rất thấp do ít người sử dụng. Có cầu vượt tốn phí hàng chục tỷ đồng trở thành hoang phế, nhếch nhác, mất vệ sinh và chứa chấp mầm mống tệ nạn. Đây là một bất cập lớn gây ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị và lãng phí rất lớn vốn đầu tư.

Không chỉ có cầu vượt mang tính “giải pháp tình thế” mà ngay tại những khu đô thị mới hoàn toàn vẫn có những cầu vượt được thiết kế thi công rất công phu, song vẫn chưa đẹp và hiệu quả rất thấp. Tại một vị trí rất đẹp về du lịch như Khách sạn cao cấp Imperial Vũng Tàu xây một cầu vượt cho khách du lịch và khách bộ hành băng qua đường Thùy Vân ra bãi tắm biển song vẫn chưa thu hút được hành khách. Kiến trúc cầu vượt nhỏ, bị “nuốt chửng” bởi không gian rộng lớn nên hiệu ứng nghệ thuật chưa cao, hiệu quả sử dụng rất thấp. Khách nghỉ trong khách sạn vẫn đi băng qua đường ra tắm biển là chủ yếu.

Cũng có những đề xuất xây dựng thay thế các nút cầu vượt bằng kiểu tổ chức giao thông. Theo tôi, các hầm chui qua đường theo kiến trúc châu Âu không phù hợp với khí hậu nước ta. Chỉ cần một trận mưa lớn là ngập lụt, nhiều hầm chui hiện đại tốn kém hàng chục tỷ đồng trở thành hồ nuôi cá.

Đó là những bất cập lớn trong thiết kế và xây dựng cầu vượt, hầm chui hiện nay, đòi hỏi phải có một sự đồng bộ giữa nghệ thuật, kỹ thuật, công năng và kinh tế.

Để tháo gỡ những bất cập trên cần có cơ chế để “cởi trói” cho những nhà đầu tư, người thiết kế... thu hút được người sử dụng.

Cần cấp thiết đưa cầu vượt bộ hành vào các quy hoạch đô thị, đặc biệt tại các vùng tập trung đông dân cư như công viên, chợ, trường học, bệnh viện, khách sạn. Khuyến khích các chủ đầu tư có công trình kiến trúc cao tầng hai bên đường được phép đầu tư làm cầu vượt phục vụ cho chính mình và phục vụ cho nhân dân đi lại. Việc xã hội hóa đầu tư làm cầu vượt sẽ tiết kiệm được rất lớn ngân sách cho nhà nước.

Để cho kiến trúc cầu vượt bộ hành khác với “cầu khỉ” cần có bề rộng 6 - 12m như một cầu đường bộ,quy mô 1 đến 3 tầng... tùy thuộc vào quy hoạch chung. Không gian cầu vượt trở thành nơi hấp dẫn để thu hút khách bộ hành với các khu như siêu thị, nhà hàng, nơi thư giãn ngắm cảnh, giải khát, bán đồ lưu niệm hay làm nhà để xe... Khách bộ hành được đi trong mái che, được thỏa thích ngắm cảnh hay mua sắm. Giải pháp này giúp cho chính quyền các thành phố khuyến khích các chủ đầu tư bỏ vốn ra xây cầu vượt, đồng thời cho họ khai thác không gian hợp lý trên cầu vượt để làm kinh tế, thu hồi vốn đầu tư đã bỏ ra. Nhà nước tiết kiệm được ngân sách và đô thị có các công trình kiến trúc đẹp, hài hòa, ấn tượng.

Cầu vượt chính là mô hình kiến trúc “Nhà trên đường”, kết hợp hài hòa không gian ở và giao thông, khai thác không gian trên đường một cách khoa học, hợp lý để giải quyết bài toán nan giải thiếu đất đai ở các đô thị hiện nay.

Giá như tại khách sạn cao cấp Iimperial Vũng Tàu có một công trình kiến trúc 1-2 tầng băng qua đường làm nhà hàng đặc sản cho khách du lịch, vừa làm cầu vượt cho người đi bộ thì giá trị của Công năng cũng như hiệu ứng nghệ thuật lớn hơn nhiều, nó sẽ tạo ấn tượng trong lòng du khách. Ở Việt Nam có nhiều thành phố ven biển như Phan Thiết, Nha Trang, Đà Nẵng, Quảng Ninh... có những con đường đẹp như thế đang cần những công trình kiến trúc cầu vượt hiện đại, xứng tầm để có thể tạo nên ấn tượng cho kiến trúc Việt Nam.

Xung quanh Núi Lớn, Núi Nhỏ thành phố Vũng Tàu, các vùng như Long Hải, Xuyên Mộc có đường ven biển rất đẹp, nhiều chủ Khách sạn, nhiều cơ quan, doanh nghiệp... đang khát khao những công trình kiến trúc cầu vượt băng qua đường kết hợp công năng nhà hàng, siêu thị để vừa thu hút khách du lịch, vừa làm cầu vượt cho nhân dân khi qua đường. Điều này cũng là vận hội lớn để kích thích sáng tạo nghệ thuật cho các kiến trúc sư có những sáng tạo mới phục vụ cuộc sống và góp phần an toàn giao thông!

Đây cũng chính là giải pháp sáng tạo cho bài toán thiết kế kiến trúc cầu vượt và kinh tế đô thị.

KTS Trần Đình Bá

Nguồn tin: TC Kiến trúc VN