0971.659.624 thuvienxaydungvn@gmail.com
Kỳ đài trong kiến trúc cảnh quan đô thị
So với những năm của thế kỷ 19, bộ mặt cảnh quan ở các đô thị hiện nay đã thay đổi đáng kể. Xuất phát từ chính nhu cầu nội tại của đời sống đô thị, nhiều loại hình kiến trúc đô thị cũng chịu tác động và ảnh hưởng, một số loại hình kiến trúc đã được sinh ra, nhưng cũng có một số loại hình kiến trúc bị hạn chế và dần mất đi, trong đó có l0ại hình kiến trúc cột cờ (hay còn gọi là kỳ đài).

Rất cần có những hướng đi cho loại hình kiến trúc này để tiếp cận được với đời sống cũng như bộ mặt cảnh quan đô thị thời đại mới.

Kiến trúc kỳ đài trong lịch sử

Trong lịch sử, ở cả hương Đông và phương Tây, dưới các triều đại phong kiến, kiến trúc cột cờ hay còn gọi là kỳ đài luôn được coi là một yếu tố quan trọng của quy hoạch các đô thị cổ. Trong quá trình quy hoạch và xây dựng các tòa thành và đô thị, việc xác định vị trí xây dựng cũng như phong cách kiến trúc luôn được coi trọng. Bên cạnh vai trò thể hiện chủ quyền của một thể chế phong kiến đối với đô thị, kiến trúc Kỳ đài còn được nhắc đến như một trong các yếu tố tạo nên các giá trị điểm nhấn trên cao trong đô thị, đặc biệt với các đô thị có địa hình bằng phẳng, ít thay đổi. Kiến trúc kỳ đài cũng như kiểu kiến trúc thời kỳ phong kiến trong lịch sử, đặc biệt tại các nước phong kiến châu Âu cho thấy sự to lớn, hùng vĩ, biểu tượng cho sức mạnh và sự áp đặt của giai cấp phong kiến thống trị đối với các tầng lớp nhân dân khác trong đô thị. Chính vì vậy, một phần nào đó kiến trúc kỳ đài ở các đô thị cổ luôn có sự uy nghiêm, lạnh lùng và lấn át các không gian kiến trúc khác. Trong quá trình xây dựng, việc lựa chọn ví trí xây dựng cũng như hình thức kiến trúc luôn phải tuân theo những niêm luật hết sức chặt chẽ. Ví dụ như cột cờ Hà Nội được quy hoạch xây dựng trên trục Hoàng đạo của kinh thành Thăng Long xưa hay như kỳ đài Huế có vị trí điểm cuối cùng của trục hoàng đạo kinh thành Huế.

Do vai trò xác định chủ quyền, tạo tính ấn tượng cho đông đảo quần chúng nên trong quy hoạch các đô thị cổ, kỳ đài luôn được đặt ở các vị trí cao nhất như các quả đồi, đỉnh núi. Điều này có thể nhận ra tại các đô thị cổ châu Âu. Một vài các công trình còn giữ lại đến ngày nay cho thấy kiến trúc kỳ đài tuy có quy mô không lớn, nhưng vì được đặt ở các vị trí tương đối cao nên vai trò thực sự là điểm nhấn quan trong của đô thị, là nhân tố lớn góp phần tạo nên ấn tượng về hình ảnh đô thị. Với những đô thị tương đối bằng phẳng kỳ đài luôn được quy hoạch chiếm lĩnh có thiết kế chiều cao vượt trội. Về mặt tổng thể không gian kiến trúc đô thị, kỳ đài luôn được coi là một trong những kiến trúc có chiều cao nhất, cao hơn rất nhiều các loại hình kiến trúc nhà ở và dinh thự khác.

Về mặt thiết kế kiến trúc, dù ở phương Đông hay phương Tây, về cơ bản, kiến trúc kỳ đài đều bao gồm 3 phần, phần đế, phần thân và phần ngọn trong đó có bao gồm cả cột treo cờ. Phần chân đế thường được xây dựng mở rộng, có trang trí phù điêu và các họa tiết hoa văn. Phần thân có hình thức dễ được chấp nhận nhất thường là những khối hình trụ đồng nhất, tiết diện hình bát giác, lục lăng như cột cờ Hà Nội, Sơn Tây hay vuông, cũng có một số trường hợp tiết diện hình tròn. Phần ngọn vì nằm ở độ cao lớn nên thường không trang trí nhiều họa tiết như ở phần thân. Tuy nhiên về hình thức kiến trúc lại thường được chọn những hình khối khá ấn tượng như hình vát cạnh, hình răng cưa, nhằm gây sự chú ý và hiệu quả thị giác cho công chúng như các di tích kỳ đài ở châu Âu, Trung Quốc, Việt Nam.

Kiến trúc kỳ đài ngày nay…

Với các đô thị hiện đại, yếu tố kỳ đài đã được loại bỏ trong các thiết kế quy hoạch đô thị. Hầu như không còn các nhu cầu đặt ra phải đầu tư nhiều để xây dựng những kết cấu kiến trúc có chiều cao vượt trội chỉ với một công năng duy nhất là kỳ đài.

Vai trò điểm nhấn cảnh quan trên cao trong các đô thị hiện đại cũng được chuyển giao sang cho những tòa nhà cao tầng. Xu hướng hiện nay thường xây dựng mở rộng theo chiều ngang, có nghĩa là sử dụng các kết cấu kiến trúc cột cờ nhỏ hơn, nhưng được bố trí chiếm một diện tịch đất lớn hơn như các công viên, quảng trường, tuy chiều cao không lớn, như lại tạo nên ấn tượng về sự trải rộng thân thiện và hòa nhập cho đô thị với người dân. Đây cũng có thể kết hợp với nhiều các nhân tố khác như mặt nước, cây xanh, ánh sáng tạo nên những không gian công cộng trong đô thị không chỉ có vai trò làm đẹp mà còn là nơi thư giãn nghỉ ngơi hết sức gần gũi của các tầng lớp nhân dân trong đô thị.

Tại các quốc gia châu Âu hiện nay, rất nhiều các “tượng đài cột cờ” đã được xây dựng. Những công trình này có kiến trúc vừa và nhỏ, tuy nhiên được thiết kế và trang trí tương đối cầu kỳ. Như thể hiện các bức trang trí phù điệu, hay tượng điêu khắc làm biến đổi chức năng như một biểu tượng uy nghiêm trước đây thành một công trình tượng đài trang trí trong đô thị. Vị trí đặt các kiến trúc này cũng tương đối mở hơn so với trước đây. Có thể là các công viên, sảnh trước của tổ hợp tòa nhà cao tầng, thậm chí còn là trên không gian vỉa hè hay đảo giao thông. Khả năng thể hiện biểu cảm cũng rất linh động, không còn cứng nhắc và lạnh lùng như trước đây. Có thể thấy ví dụ này tại công trình cột cờ biểu tượng Thủy quân Mỹ tại thành phố NewYork Mỹ, hay tượng trang trí hình bàn tay trên vỉa hè tại thành phố Zurich (Thụy Sỹ). Các công trình này là một bộ phận trong tổng thể quy hoạch cảnh quan đô thị và thiết kế đô thị hiện đại. Đây cũng là bài học về thiết kế đô thị có thể ứng dụng tại các đô thị ở Việt Nam.

Tại các đô thị Việt Nam hiện nay, đặc biệt các đô thị mới, yếu tố kiến trúc kỳ đài cũng thường không được nhắc đến. Tuy nhiên, trong một số các trường hợp cụ thể, như các đô thị loại thấp, các đô thị vùng biên giới, các đô thị vệ tinh có mật độ xây dựng và tầng cao thấp, được quy hoạch với các chức năng chuyên biệt như du lịch, nghỉ dưỡng... có thể cân nhắc quy hoạch và tổ chúc không gian kiến trúc kỳ đài. Tuy nhiên, điều cốt yếu là phải loại bỏ sự lạnh lùng cách biệt với quần chúng trong thiết kế kiến trúc kỳ đài, làm sao để đạt được các giá trị trang nghiêm nhưng gần gụi.

Với các đô thị hiện nay có các di tích cột cờ lịch sử, cần có chiến lược quy hoạch tốt, gìn giữ và phát huy vai trò tạo dựng bản sắc đô thị. Bảo tồn và gìn giữ không chỉ hình thức kiến trúc của bản thân công trình mà còn cả các giá trị không gian cảnh quan, các giá trị phi vật thể khác mà công trình đó là một bộ phận. Cần phân định rõ những ranh giới giữa kiến trúc mới với di tích lịch sử này, dành cho di tích một không gian đủ lớn và “thở” tránh để di tích cột cờ trở thành một “cái gò nhỏ” trong đô thị do sự lấn át và bùng nổ của kiến trúc cao tầng bằng bê tông và kính.

Với các đô thị có chức năng du lịch. Bên cạnh vai trò thể hiện lá cờ biểu tượng chủ quyền quốc gia, kỳ đài cũng là một bộ phận kiến trúc điểm nhấn trong tổng thể cảnh quan. Quy hoạch tổng thể kỳ đài cũng nên cân nhắc đến, thiết kế tích hợp bổ sung các chức năng phụ hỗ trợ mang tính giải trí văn hóa nghệ thuật nhiều hơn như nhà dịch vụ, không gian sân vườn cây xanh, không gian phụ trợ để có thể thu hút được rộng rãi quần chúng nhân dân đến nghỉ ngơi và tận hưởng vẻ đẹp chung, khiến không gian cột cờ như là một biểu tượng về văn hóa hơn là một kiến trúc uy nghiêm.

Với các đô thị vùng biên giới, cột cờ thường xây tại các vị trí quan trọng như điểm mốc về chủ quyền, các điểm cao ít người qua lại. Cũng giống như, với các nơi khác, quy hoạch tổng thể kiến trúc cột cờ cần có thêm rất nhiều các hạng mục khác bổ sung vào như hệ thống nhà nghỉ dừng chân, nhà lưu niệm, nhà bảo tàng thậm chí cả hệ thống phòng lưu trú được bố trì quy hoạch gần đó. Điều này thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân tới tham quan, góp phần tạo ra sự phổ biến và hiểu biết sâu rộng về chủ quyền biên giới đất nước. Kiến trúc và thiết kế trang trí cột cờ cũng nên tạo sự khác biệt, đặc biệt nhấn mạnh đến giá trị biểu tượng và văn hóa dân tộc tương tự như loại hình kiến trúc cổng cửa khẩu hiện nay. Tuy nhiên cũng không nên hiểu một cách cứng nhắc là sử dụng các mô típ truyền thống mà là sự kế thừa các tinh hoa kiến trúc và nghệ thuật trên cơ sở kết cấu và kiến trúc hiện đại như là một sự kế thừa và phát huy có chọn lọc.

Kiến trúc cột cờ (hay kỳ đài) là một loại hình kiến trúc độc đáo và chuyên biệt trong tổng thể kiến trúc đô thị. Đây là một trong những loại hình kiến trúc duy nhất thể hiện được sự biến đổi của ý niệm xã hội trong quy hoạch đô thị cảnh quan theo các thể chế xã hội khác nhau. Đời sống xã hội hiện nay đã biến đổi nhiều hơn, bộ mặt kiến trúc cảnh quan đô thị cũng đã thay đổi nhiều, chính vì vật rất cần có những định hướng mới cho kiểu loại hình kiến trúc này để tiệm cận với các giá trị hiện đại và dân tộc.

TS.KTS Trần Cao Sơn
Nguồn ảnh: Internet
Theo tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 07/2011

  • Tags