0971.659.624 thuvienxaydungvn@gmail.com
Bài học về mối quan hệ giữa đô thị & vùng ven đô

Nông thôn Hà Tây cũ khớp nối thế nào với đô thị trong Hà Nội mới? Bài toán nào cho vấn đề nông thôn Hà Nội mới: từ kinh tế, xã hội đến bộ mặt kiến trúc, cảnh quan…?

 Cuộc trao đổi với TS Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam xung quanh vấn đề này, qua đây xin đề cập tới một khái niệm tương đối mới tại nước ta: Nông nghiệp đô thị. 

 

PV: Xin ông cho biết một số đánh giá của mình về hiện trạng nông thôn Hà Nội?

TS Phạm Sĩ Liêm: Nông thôn Hà Nội theo quan điểm của tôi có thể chia làm 2 vùng. Một vùng là ven đô, cách mép đô thị chỉ 5-7 km; còn lại là vùng nông thôn thực sự. Vùng ven đô không cứ là ven Hà Nội cũ, mà có thể là ven Sơn Tây, hay ven thị trấn... Vùng ven đô Hà Nội đã và đang có nguy cơ đất nông nghiệp biến thành đất phi nông nghiệp, tự phát hoặc theo quy hoạch. Dù bằng cách nào thì người dân và chính quyền nơi đó cũng khó có thể yên tâm mà phát triển nông nghiệp bởi không biết đất sẽ bị thu hồi khi nào.

Điểm thứ hai là quá trình đô thị hóa đang đánh mất đi bản sắc nông thôn. Các truyền thống lịch sử, các biểu tượng văn hóa làng như đình, chùa, cổng làng... giờ đang bị thay đổi theo hướng không mong muốn. Bản thân người dân nhiều nơi không thể ngờ mình sớm trở thành người đô thị, nhưng thực tế thì bàn tay của thị trường đang vươn tới khá xa. Câu chuyện thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng nhiều khi không thoả đáng đang khiến dân mất đất, mất nghề và không biết làm thế nào để hòa nhập với lối sống mới.

PV: Kéo theo quá trình đô thị hóa đó, vấn đề giao thông với những đường phố bất đắc dĩ trong lòng nông thôn đang đặt ra như thế nào, thưa ông?

TS Phạm Sĩ Liêm: Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đang xảy ra tình trạng đô thị hóa tự phát dọc các tuyến đường. Hà Nội mở rộng, cần nhiều con đường nối từ đô thị lõi ra các đô thị vệ tinh. Nhưng các con đường đã và đang mở rộng kéo theo nhà mọc hai bên mà không có hạ tầng, dần dần hình thành phố sḠnhư đường từ Hà Đông lên Nhổn, đường 32 lên Sơn Tây... Hiện tượng này khiến bộ mặt tuyến đường xấu xí, cản trở giao thông, tăng nguy cơ xảy ra tai nạn.

Vì vậy, nếu mở các tuyến đường, đặc biệt là tuyến đường lên các đô thị vệ tinh, cần kiên quyết không cho xây nhà hai bên đường. Thay vào đó là trồng 2 dải cây xanh, mỗi bên rộng 20m tạo ra hành lang xanh bên tuyến đường. Những người lẽ ra sống ven đường, tức là muốn sống kiểu đô thị thì chuyển về các đô thị vệ tinh, nơi có quy hoạch, có hạ tầng đầy đủ. Muốn làm được điều này, chính UBND thành phố phải đứng ra tổ chức, chứ để riêng rẽ làm đường là ngành giao thông, xây dựng là ngành xây dựng sẽ không thể làm được.

PV: Trở lại với câu chuyện nông thôn vùng ven, theo ông chúng ta phải làm thế nào để có thể chống lại làn sóng đô thị hóa tự phát, tức là giữ được vành đai xanh?

TS Phạm Sĩ Liêm: Theo tôi, cách giải quyết là phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị. Nông nghiệp đô thị là gì? Nông nghiệp đô thị chủ yếu không phải là sản xuất lương thực, mà là sản xuất thực phẩm. Làm nông nghiệp đô thị như thế nào? Chúng ta phải “quy hoạch” lại, tổ chức sản xuất lại, người nông dân trước trồng lúa phải học cách trồng rau, trồng hoa, nuôi cá, nuôi lợn theo công nghệ hiện đại. Làng mạc cũng phải được tổ chức cho tốt hơn và được trang bị đầy đủ kết cấu hạ tầng, nhà nông thôn sẽ dễ coi hơn.

Tấm gương mà cả thế giới khen ngợi là vành đai nông nghiệp của thành phố Thâm Quyến Trung Quốc. Thâm Quyến là thành phố phát triển rất nhanh, cần nhiều thực phẩm. Do đó, thành phố đã đầu tư cho vùng nông nghiệp cách xa đô thị chừng hơn chục cây số. Tại đây họ tổ chức sản xuất những thứ mà thành phố tiêu thụ. Do áp dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất tốt nên thu nhập của nông dân cũng cao không thua kém dân đô thị. Việc tổ chức lại cho ra đời các trang trại. Buổi sáng, người dân gom sản phẩm đã sơ chế lên ôtô chuyển vào thành phố, nơi có các siêu thị cũng như hệ thống cửa hàng của họ. Điều này mang lại rất nhiều cái lợi: Không phải trung chuyển, không phải tồn kho. Các thành phố lớn không cần phải có kho lạnh dự trữ thực phẩm dài ngày. Nông dân ven đô có nhiều việc làm hơn trong khâu chế biến và lưu thông.

PV: Vậy, chúng ta nên áp dụng bài học đó vào Việt Nam như thế nào, thưa Ông?

TS Phạm Sĩ Liêm: Ngoài HTX nông nghiệp kiểu mới, chúng ta khuyến khích những người có tiền gom đất lập trang trại. Nông dân không có vốn có thể cho thuê đất rồi làm thuê trong chính những trang trại đó. Việc tổ chức lại phải được sự lãnh đạo của Đảng và sự hướng dẫn của Hội Nông dân. Điểm mấu chốt để mô hình này có thể hoạt động được là người nông dân phải được bảo vệ và có thu nhập gần với thu nhập bình quân của người đô thị, người kinh doanh phải được tạo điều kiện. Chúng ta không thể để nông dân tự lo, mà phải tổ chức lại nông thôn. Việt Nam đang công nghiệp hóa, nhưng không thể buông lỏng nông nghiệp. Nếu người nông dân thu nhập thấp thì khó chống trả áp lực lấy đất của thị trường BĐS.

PV: Theo ông, khi nông thôn trong vùng Hà Nội mới được tổ chức lại sẽ kết nối với đô thị ra sao?

TS Phạm Sĩ Liêm: Lợi ích đầu tiên mà nông nghiệp đô thị mang lại là giúp người nông dân biết sản xuất cái gì, cho ai, chứ không đơn thuần sản xuất cây lương thực, ăn một phần rồi bán đi một phần cho ai không rõ. Họ phải biết rau quả, thịt đó là sản xuất ngay cho thành phố đó, thậm chí là khu vực nào trong thành phố. Dân đô thị cũng biết thực phẩm mình sử dụng là đến từ vùng nào trong vành đai xanh, không phải mang từ nơi khác tới. Sự gắn bó hữu cơ về mặt sản xuất tiêu thụ giữa 2 bên sẽ tốt hơn.

Thứ hai, nông thôn giữ được bản sắc văn hóa riêng. Nếu cứ để đô thị lan tỏa tự phát vô hạn định, người dân đô thị không sớm thì muộn cũng không biết nông thôn là gì. Tại London, họ giữ lại vùng nông thôn ven đô để người dân đô thị cuối tuần ra nghỉ. Chúng ta cũng có thể xây dựng mô hình nghỉ dưỡng tại nhà người dân để đem lại thu nhập cho chính nông dân. Câu chuyện tại Mai Châu là ví dụ. Ở Hungary, nông dân có thể xây nên những căn phòng đủ tiêu chuẩn nghỉ dưỡng để đón khách đến ở cùng. Tại đây cũng có các điều kiện như ở khách sạn: toilet, phòng tắm...

Nông thôn giữ được bản sắc sẽ mang lại rất nhiều cái lợi: bên cạnh vai trò môi trường sản xuất, môi trường nghỉ ngơi, vùng ven đô là môi trường giáo dục giúp thế hệ trẻ hiểu biết về nông thôn, về bản sắc dân tộc mình.

Trong thời đại mới, ta cần phải giúp cho nông thôn ngoại thành bảo tồn được bản sắc nếu không nó sẽ tự phát thay đổi theo hướng mình không mong muốn.

Về mặt môi trường, nông nghiệp đô thị tiêu tốn ít năng lượng hơn vì không chở lương thực thực phẩm ở xa đến, giảm thải rác cho thành phố nhờ khâu chế biến, tái sử dụng chất thải đô thị như nước thải đã qua xử lý có thể tưới cây, chất thải hữu cơ thành phân bón vi sinh. Trước đây, quan niệm đô thị là nơi tiêu thụ sản phẩm của nông thôn rồi lại trả lại chất thải ra đó. Nhưng nay, ngoại thành đô thị cũng là một bộ phận của thành phố, thành phố  tiêu thụ sản phẩm của mình và tự xử lý chất thải của mình. Qua đây cũng xin kiến nghị không nên xây các nhà máy xử lý chất thải tập trung công suất lớn, mà nên xây nhiều nhà máy công suất nhỏ, đặt rải rác, do các trang trại quản lý, thì sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Thậm chí, tiến tới các trang trại cũng có nhà máy chế biến rác thải do mình đầu tư.

Kinh nghiệm thế giới hoàn toàn có thể áp dụng được vào Việt Nam nếu chúng ta muốn mở một con đường mới đi cho nông nghiệp ngoại thành. Điểm mấu chốt của Tam nông là gì? Đó là giúp nông dân giàu lên. Còn cứ nói chính sách suông, trong khi thu nhập của nông dân chỉ được nâng cao tí xíu, thì không thể gọi là thành công được. Cần nhớ rằng công nghiệp hóa không có nghĩa là lấy đất nông nghiệp vô tội vạ, coi nhẹ vai trò nông nghiệp, làm cho khoảng cách thu nhập giữa người nông dân và người dân đô thị ngày càng sâu thêm.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn ảnh : Internet, VIAP

Theo Tạp Chí Kiến Trúc Việt Nam số 7/2010

  • Tags