0971.659.624 thuvienxaydungvn@gmail.com
Bài toán quản lý đô thị: cần lời giải đơn giản
Trong kiến trúc - xây dựng, quy hoạch và quản lí đô thị là thứ nhiều lí luận nhất, lí luận cao siêu nhất, nhiều lí thuyết nhất. Đương nhiên thôi. Vì một nét vẽ quy hoạch có thể ảnh hưởng tới vài thế kỷ sau, lâu gấp nhiều lần một nét vẽ kiến trúc, kết cấu, càng gấp nhiều lần hơn một nét vẽ nội thất hay cảnh quan.

Một sai lầm kết cấu có thể làm một cây dầm nứt, một cái nhà lún, tốn kém bạc tỉ. Một nét thẳng hay cong trong kiến trúc có thể làm một công trình đẹp hay xấu. Nhưng một nét thẳng hay cong trong quy hoạch có thể làm tốt, hay hỏng hàng trăm công trình, làm nghiêng lệch cuộc sống của hàng ngàn người. Một giải pháp quy hoạch - quản lí đô thị thiếu lý luận, kém tầm nhìn có thể để lại hậu quả không sửa chữa được, và thiệt hại không thể tính bằng bạc tỉ. Về cái việc quy hoạch - quản lí đô thị trước hết cần giải quyết lí thuyết, lí luận. Cách đây mười bốn năm, tôi có dịp viết rằng tôi với KTS Nguyễn Luận có sự gặp nhau trong nỗi băn khoăn rằng: Hiện nay, toàn bộ nền quy hoạch Việt Nam đang đi theo dòng lí thuyết - quy hoạch nào?

Thế nhưng lại cũng có hàng loạt vấn đề bức bối của quy hoạch và đô thị mà để gỡ rối thì không cần lí luận, lí thuyết, nghiên cứu luận văn, luận án khoa học là gì. Chỉ cần quan tâm, suy nghĩ và giải quyết theo con đường tư duy phổ biến nhất, bình thường nhất.

Ví như câu chuyện “nhà siêu mỏng, siêu méo”. Tại sao cần 30m để mở rộng đường thì đền bù đúng 30m? Trả giá cho mặt tiền rất đắt, thường chiếm phần lớn trong vốn đầu tư mở rộng đường. Nhà nước, nhà đầu tư lo vốn đền bù hơn lo vốn xây dựng đường mới. Những nhà mặt tiền cũ nhận đền bù cũng không đủ để mua mặt tiền khác tương đương. Nhà nước, nhà đầu tư và nhà mặt tiền cùng thiệt thòi lớn. Khoản đó “tự dưng trên trời rơi xuống” các anh ở mặt trong, tự nhiên trở thành mặt tiền, tự dưng có bạc tỉ. Nhà “siêu mỏng, siêu méo” cũng từ đó mà ra.

Sao không đền bù sâu vào 100m, giá mặt trong rất rẻ, sau đó Nhà nước, nhà đầu tư sở hữu cả một dải mặt tiền mới, giá trị cao hàng ngàn tỉ, lập dự án nhà lớn, cao ốc đàng hoàng, kinh doanh thắng lớn, mà đường phố lại đẹp đẽ. Các anh bên trong chỉ không được khoản “tự dưng giàu lên” thôi, không ảnh hưởng gì đến cuộc sống, vì ở bên trong và ở căn hộ giá cũng như nhau, phương thức kiếm sống cũng như nhau. Anh mặt tiền cũ nhận đền bù giá mặt tiền, đợi hai năm lại mua mặt tiền mới. Khỏi phải lo “cấm xây nhà dưới x mét vuông, x mét sâu...”

Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và nhiều đô thị khác đang chịu những vết “bạch biến” khổng lồ bao bọc hết vòng quanh. Vì các làng xóm ven đô đã “đô thị hóa tự phát”. Nhà 3 - 4 - 5 tầng kiểu phố, những đường làng quanh co, chật hẹp như mê cung, không hạ tầng, chịu không cứu thương cứu hỏa được.

Hà Nội là rõ nhất, cả một vành đai rộng lớn theo kiểu “nhà phố, đường làng” như vậy. Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh có khoảng 3.000 - 5.000 con hẻm. Thật khó xử. Nguy hiểm hơn là giờ này quá trình đó lại đang tiếp diễn ở vành đai ngoài nữa. Những nơi có thành công lớn về quy hoạch (như Mỹ Đình), thì các dự án cũng chỉ lấy ruộng (giá rẻ), còn cố tránh làng, cứ để làng tự phát thành “phố làng”. Sao không vẽ quy hoạch luôn các làng thành đường phố, giải thích sớm với bà con rằng, bác xây lùi vào 5m, thiệt một ít mét vuông nhưng nhà bác sẽ là nhà mặt phố, giá trị cao hơn nhiều lần (trừ làng nào có giá trị di tích, văn hóa thì bảo tồn, khi đó phải có giải pháp và đầu tư bảo tồn. Nhân tiện cũng muốn nói luôn rằng, tất cả mọi làng xã nông thôn đang cần được quy hoạch ngay, có lường trước sự phát triển của nông nghiệp lớn, trang trại, máy nông nghiệp, và - tại sao không - cả xe hơi của các hộ nông thôn. Vì mươi mười lăm năm nữa bà con không chỉ có xe đạp và xe máy Trung Quốc).

Ta thấy nhiều nơi làm lại đường, bà con hai bên làm nhà “đón lọng”. Ai cũng làm đúng chỉ giới, vì ai dám làm sai để mà bị cắt nhà. Nhưng có một việc mà nhiều người thất bại, là làm đường xong thì tầng trệt cao hơn đường hoặc thấp hơn đường tới cả mét. Có phải là ta đã không thông báo sớm cốt mặt đường, vỉa hè?

Lâu nay ta gần như bảo đảm được việc cấm xây nhà trên đất thổ canh, trừ phi có dự án được phê duyệt theo quy hoạch. Sao ta không bảo đảm được việc cấm xây nhà ôm hai bên các con đường cao tốc mới làm, để cho có con đường làm xong thì mất ngay tính “cao tốc”, và coi như thất bại?

Hoặc là vấn đề nhà hai ba chục tầng. Các nhà đầu tư giàu có mua đất đắt giá ở trung tâm, tất nhiên họ muốn xây nhà cao tầng để thu lại hiệu quả. Họ chỉ thích Hoàn Kiếm, Ba Đình với Quận Nhất, Quận Ba... Bhà ba mươi tầng thì nhu cầu hạ tầng (năng lượng, giao thông, cấp thoát nước...) gấp 10 lần nhà ba tầng. Thế là để đáp ứng phải đào đường, dựng “lô cốt” khắp mọi ngả. Chưa nói đến việc phá vỡ sự ổn định của không gian kiến trúc đô thị. Đáng lẽ từ đầu ta nên tập trung họ vào các khu trung tâm mới như Mỹ Đình, Nguyễn Văn Linh... các nơi đó sẽ nhanh chóng trở thành trung tâm thương mại mới, đầy hấp dẫn, và cũng rất cao giá, như kiểu khu La Défense ở Paris. 

Hoặc là vấn đề cung ứng thực phẩm an toàn cho thành phố. Không thể nào để dăm bảy triệu người sống tập trung mà được cung ứng thực phẩm bởi “tiểu nông”, “tiểu thương”, với hàng vạn người sản xuất riêng lẻ, hàng ngàn người vận chuyển tùy ý, gần như kiểm soát không thể nào xuể (ta vẫn thường nghe kêu ca có 200 nhân viên kiểm tra an toàn thực phẩm thì làm sao kiểm tra nổi hàng trăm ngả đường, hàng nghìn phương tiện, hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm mỗi ngày). Phương thức duy nhất có thể hiểu được là phải có một số giới hạn các công ty cung ứng có trách nhiệm và chịu đầy đủ trách nhiệm (vì thế họ sẽ có đủ chuyên viên và thiết bị kiểm định an toàn). Mỗi cân hàng thực phẩm, kể cả thịt cá, rau quả bán trong thành phố phải có bao bì, nhãn mác, kèm theo trách nhiệm. Rồi các công ty đó sẽ phát triển, sẽ tổ chức luôn cả các trang trại để cung ứng sản phẩm an toàn. Cứ vận động trồng rau an toàn, nhưng rồi ai chứng minh và ai tin mớ rau đắt hơn kia là an toàn?

Một thành phố bốn, năm triệu người trở lên không thể không có một phương tiện giao thông công cộng có tác dụng chiến lược, nhanh nhất, chở được nhiều người nhất, an toàn nhất, giải quyết cơ bản nhất bài toán giao thông, đó là tàu điện ngầm. Tại sao ta còn cứ né tránh mãi bài toán cơ bản đó?

Hoặc là một việc “có vẻ nhỏ” trong quản lí đô thị, đó là các thứ phạt, phạt trật tự, kể cả phạt giao thông. Phạt là để nhắc nhở, giáo dục, răn đe, nhưng mức phạt đã cao, mà cách nộp phạt lại rất rắc rối, phiền phức thì gần như đương nhiên vạch ra khe hở cho người xử phạt và người bị phạt tìm cách thỏa thuận cho “hai bên cùng có lợi”. Sao không phát cho mỗi người có trách nhiệm một tập “vé phạt”, động tác thực hiện trôi chảy, dễ dàng, sòng phẳng và dễ kiểm tra?

Tóm lại là có nhiều việc, nhiều việc hơn là những việc vừa kể có thể làm để cải tiến tình trạng đô thị của chúng ta với những giải pháp khá đơn giản mà có hiệu quả, được “tâm phục khẩu phục”.

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Cung

Nguồn tin: TC Kiến trúc VN
  • Tags