0971.659.624 thuvienxaydungvn@gmail.com
Đô thị hóa và kiến trúc nông thôn - Một vài gạch đầu dòng

Bài viết đề cập một số vấn đề cải tạo và phát triển kiến trúc nông thôn, với hạt nhân cơ bản là thôn làng, trong công cuộc xây dựng nông thôn ngày nay. 

 

Thịnh hành 3 cách nhìn sự phát triển kiến trúc nông thôn. Nông thôn đô thị hóa nhanh, với sự áp đảo của các hình thức kiến trúc dạng đô thị, sự bê tông hóa hoặc nhựa đường hóa và phố hóa những con đường làng, sự phổ cập các tiện nghi đô thị và đặc biệt sự gia tăng mật độ xây cất cùng độ cao của nhà cửa mang hình thái đô thị. Một cách nhìn khác: kiến trúc nông thôn nhại kiến trúc thành thị, cũng nhà ống và nhà chia lô, cũng mái bằng và sự thừa bứa những “tô điểm” dập theo hình mẫu từ thành phố và, đáng lo ngại hơn, vừa không mấy ích lợi lại vừa tốn kém. Cũng từ đó, phổ biến cách nhìn bi quan về sự biến đổi hình ảnh thôn quê truyền thống, sự tan vỡ không gian làng quê, sự phát triển mà không rõ đang đi về đâu, nỗi khắc hoải bởi hoài niệm về dĩ vãng khiến người thành thị ước muốn níu kéo nó lại cho quê hương mà không thể.

Đó là những cái nhìn phản ánh hiện trạng, nhiều bức xúc và lắm vấn đề. Có lẽ những cái nhìn ấy thuộc về những người quan sát hiện tượng. Song, nông thôn, kiến trúc thôn làng, biến đổi gốc rễ trong dòng cuốn của hiện đại hóa, đòi hỏi những cái nhìn khác, giải phẫu từ trong ra và từ ngoài vào, đặt thì dĩ vãng và thì hiện tại trong mối quan hệ ràng buộc chi phối, để giải những bài toán tổ hợp những “n” và “x”.

Chúng ta ngày càng cần tới đô thị học, một sự hiểu biết tường tận về những quy luật và tiếp biến trong sự tồn tại và vận hành của đô thị, làm nền tảng cho chiến lược và những quy hoạch phát triển. Chúng ta, cũng đã đến lúc cần tới bộ môn “làng học”. Khái niệm này tạm dùng để ám chỉ khối lượng tri thức về cấu trúc cộng cư đặc trưng này, từ nhiều phương diện, trong đó có kiến trúc, hễ chúng ta can thiệp vào sự phát triển kiến trúc nông thôn. Sử dụng khái niệm “can thiệp”, người viết đã có sự cân nhắc bởi quản lý phát triển đô thị là điều tất nhiên, còn với nông thôn thì không hẳn thế. Sự khác biệt sâu xa về bản chất chính là ở đây. Không hiểu thấu thì những gì ta hoạch định, những gì ta cho là “nên” và tiến bộ sẽ bị lũy tre làng, hệt bức tường, chặn đứng.

                   
                   Nhà cao tầng hiện diện tại vùng nông thôn

Văn minh ăn ở của người Việt khuôn đúc nên 2 hình thái cộng cư: Làng và Phố. Làng là sản phẩm định hình chín muồi của chế độ quân chủ và phong kiến cùng hệ tư tưởng tồn tại lâu dài mà ít biến đổi, của nền sản xuất nông nghiệp còn ít biến đổi hơn. Còn Phố là hình thái cộng cư của những người dân quê thoát ly, một phần hoặc toàn phần khỏi ruộng đồng, lấy trao đổi hàng hóa làm kế sinh nhai. Phố là một bước chuyển tiếp lên thành thị. Song bước ấy kéo dài nhiều thế kỷ, do quan hệ thị trường tư bản chủ nghĩa xuất hiện muộn mằn. Làng Việt cổ truyền là một cấu trúc chặt chẽ về tổ chức và về điều hành cộng đồng xã hội, gắn chặt đến khó bề nhúc nhích những quan hệ chằng chịt mà mạch lạc bởi hệ mạch dòng tộc huyết thống, bởi luật và lệ thành văn và bất thành văn, bởi sự xắp đặt tôn ti từ vai vế con người đến thứ hạng kiến trúc cùng vô vàn những ràng buộc khác mà, con người sinh ra, cứ thế mà tuân thủ. Tuân thủ, như lẽ tự nhiên. Từ cấu trúc xã hội ấy kết tinh mô hình tổ chức không gian ngôi làng Việt, mô hình tổ chức không gian khuôn viên và nếp nhà thôn quê. Ngàn vạn thôn làng và vạn triệu nếp nhà nông dân, khác nhau bởi những biểu hiện cụ thể tại chỗ, song không khác biệt bởi những định chế cơ bản. Xã hội phong kiến càng già nua, mô hình không gian làng và mô hình kiến trúc nhà dân quê càng đóng khép chặt hơn. Điều này nhận rõ ở mô hình làng - nhà khép kín bưng vùng châu thổ Sông Hồng, “làng - nhà” rào dậu ở Trung Bộ và làng - nhà mở toang ra tứ phía ở Nam Bộ.

Nơi trú ngụ của người làng gồm nếp nhà và khuôn viên là đơn vị hạt nhân, cấu tạo cũng theo sơ đồ khép: tường hoặc rào bao, nếp nhà, sân vườn và cái ao. Tự cung tự cấp hầu như tối đa: rau, củ, quả, gỗ, củi, nước, sự thụ và sự thải, tất tật theo chu kỳ khép. Nay, ta gọi đó là mô hình đơn vị sinh thái khép, là vòng tuần hoàn kín, với vai trò nổi trội của cái ao nhà vạn năng. Nhà và đất nhà là sở hữu ruột của người nông dân, là cái thành trì tư hữu khó bề chịu sự co vào, dù chỉ phân tấc. Hoàn cảnh lịch sử cùng những sự hạn hẹp đã khuôn đúc con người và tư duy tiểu nông, sở hữu nhỏ lẻ. Đó là những cản trở ghê gớm cho cải tạo và phát triển kiến trúc và xây dựng nông thôn nói chung, cho cả công cuộc đô thị hóa.

Chế độ phong kiến, sự áp bức và bóc lột kéo dài triền miên không chỉ sản sinh mô hình cộng cư nông thôn và mô hình cư trú hợp lý và tương đối hoàn chỉnh, mà còn sản sinh sự thống khổ và sự tăm tối của những kiếp người đời. Ngày nay chúng ta ngoái nhìn thôn quê xưa trong sắc màu hồng tím và quên đi: làng và cuộc sống muôn thủa ở làng đã từng là biển khổ, là cái ao tù của thời gian ngưng đọng, là cả những sự đổ máu, sự nhẫn nại chịu đựng cùng sự chắt chiu từ những cái tối thiểu để duy trì sự sống, để kiến tạo cái tổ người vật chất và cộng đồng thôn xã dung dị trong mình muôn vàn trái ngược. Với những ai chăm lo đến phát triển nông thôn, thì những gì ứ tồn, lỗi thời và phản tiến bộ, hễ đem đặt lên bàn cân cùng với những tinh hoa và giá trị, chưa chắc cán cân đã nghiêng về bên nào. Sở hữu vốn liếng từ quá khứ, làng thời nay phải cải tạo tận gốc tận rễ để phát triển. Làng và kiến trúc chỉ phát triển lành mạnh, khi ta lấy việc cải tạo cái vốn liếng ấy và cái hiện hữu làm cầu nối liền mạch liền dòng quá khứ - hiện tại - tương lai.

Những câu hỏi ở tầm vĩ mô đặt ra cho kiến trúc và xây dựng nông thôn: kế thừa cái gì, cải tạo thế nào, chọn con đường nào cho phát triển? Và, bao trùm lên trên tất cả là câu hỏi: Làm cách nào để chủ động chi phối, can thiệp một cách khả thi vào quá trình “đô thị hóa” tự phát đang diễn ra ở nông thôn? Người viết bài chủ ý đặt ngoặc kép thuật ngữ “đô thị hóa” cũng là để nhắc tới nhu cầu làm rõ khái niệm này đối với phát triển cơ ngơi vật chất kỹ thuật và phát triển nông thôn nói chung.

Lời đáp cho câu hỏi ấy chỉ có thể tìm thấy ở chính thực tiễn xây dựng và đời sống nông thôn. Thực tiễn này đặc trưng bởi 3 cục diện: biến đổi, mâu thuẫn và thách thức, xu hướng phát triển.

Trong vô vàn những biến đổi chủ yếu theo hướng tích cực ở nông thôn, cần nhận biết một hiện tượng có bản chất bước ngoặt, đó là thiết chế cộng cư nông thôn, vốn tĩnh và khép, nay đã trở nên động và mở. Tương tự như đô thị, đương nhiên chậm hơn. Có thể đặt dấu ngang bằng giữa động và mở với phát triển. Hai vế này vừa đứng trong quan hệ tương tác, vừa là những điều kiện tiền đề của nhau. Có thể dẫn ra nhiều biểu hiện của xu thế này: sơ đồ cấu trúc công năng và không gian thôn làng, vốn khép và chặt, đã tan vỡ, bung ra mà hầu như không chịu sự kiềm chế. Cơ thể kiến trúc tan vỡ về phương diện hình thái học, bộc lộ sự bất định hình của khung cảnh kiến trúc. Trong trường hợp này, sự bung ra của phát triển tự đặt dấu ngang bằng với sự hỗn độn. Hỗn độn chưa bao giờ là thuộc tính của thôn làng truyền thống. Một biểu hiện khác của xu thế động và mở, đó là hiện tượng thoát ly ồ ạt của nguồn nhân lực. Hiện tượng này góp phần quyết định tạo nên sự đa dạng hóa nguồn thu nhập cho nông dân vốn có quá ít sự lựa chọn, tác động quyết định đến sự đổi đời về nhiều phương diện, đặc biệt trong việc tạo lập quỹ kiến trúc vật chất chưa từng có, song cũng dẫn tới sự “bỏ rơi” dần những miền đất quê, nếu có thể nói như vậy. Mới bước vào hiện đại hóa, nông thôn ở ta có vẻ đang lặp lại thân phận những làng quê ở các nước công nghiệp hóa. Hội chứng ấy phát đi những tín hiệu về những hậu họa nhân văn. Có cái gì đó giông giống hiện tượng khe mạch đang cạn tắc dần dà. Và cũng như thiên nhiên trời đất, thiên nhiên nhân văn đang suy chuyển.

Phát triển kiến trúc nông thôn trong dòng chảy hiện đại hóa đang bộc lộ những mâu thuẫn và thách thức, chẳng khác mấy về độ gay gắt và độ nan giải so với thành phố. Mâu thuẫn sâu xa hơn cả là giữa sự giới hạn của đất và nhu cầu phát triển, giữa sự chật hẹp của mảnh đất gia đình với sự nhân lên gấp bội con cháu, giữa quỹ kiến trúc vật chất cũ và đòi hỏi phát triển, giữa lực quán tính của nhận thức và tư duy nảy sinh từ tất yếu phát triển ... Lúc này mâu thuẫn nhiều hơn thách thức. Càng phát triển mâu thuẫn càng giảm đi, còn thách thức, hễ không được lường trước, thì ngày càng tăng và càng lớn. Đối với phát triển nông thôn và kiến trúc nông thôn hôm nay lộ rõ những thách thức về sự xuống cấp của môi trường sống cùng với quá trình nâng cao tiên nghi sống (nghịch lý), trong đó đặc biệt sự thách thức của nhịp độ sống hiện đại hóa ùa tràn hỗn độn vào thôn quê, nơi sự yên bình vốn là tài nguyên (thời nay là sự xa hoa). Công cuộc xây cất thiếu sự dè xẻn đang xóa bỏ những khuôn viên gia đình, nhân tố tạo nên hệ sinh thái làng vi và vĩ mô, đồng thời mật độ xây dựng cao cũng đang biến những thôn làng trở thành những tổ người chen chúc, tương tự những ngôi làng - đảo ốc trong lòng những đô thị lớn. Trong quỹ kiến trúc, tương ứng với sự xuất hiện trở lại phân tầng giàu - nghèo, những ngôi nhà đồ sộ xây không chỉ để sống đủ tiện và đủ đẹp, đang tạo nên sự tương phản với mảng nhà già nua lụp xụp, mà chủ nhân là những người kiếm sống quanh quẩn trong làng - ngoài đồng. Thách thức lớn nhất vẫn là sự suy thoái toàn diện của mô trường.

                   
                   Kiến trúc biệt thự mới trên đất làng nông thôn

Khó có thể phủ định về một số phương diện nào đó, nông thôn đang bước vào đô thị hóa. Song, như đã trình bày ở trên, đô thị hóa ấy chưa thật sự theo nghĩa đầy đủ của khái niệm này. Tuy nhiên, bất chợt nảy sinh câu hỏi: Có nên hướng nông thôn theo con đường đô thị,  trở thành những đô thị nhỏ? Hay, phát triển theo hướng riêng, yếu tố đô thị không lấn át những yếu tố cốt lõi khác: sản xuất nông nghiệp + thiên nhiên tự nhiên nhiên là chủ đạo + nếp sống thiên về sự tiếp nối và thư thả với cái mới lạ? Xã hội không thể cứ lao vào sự bất tận trong khai thác trí khôn Người và Máy, dần dà cuộc chạy rượt sẽ phải chuyển sang sự khoan nới, tìm kiếm lại sự cân bằng ở những cấu trúc cộng cư thôn quê. Sự cân bằng, đó là câu chuyện về mô hình đô thị và thôn quê tương lai.

Trở về với hiện tại, quan sát và đánh giá sự mở mang thôn quê về phương diện kiến trúc và xây dựng, phải nhận định đó là một quá trình tự phát là chủ yếu, theo nhu cầu và tùy khả năng. Vai trò của những công cụ chỉ đạo như kế hoạch, quy hoạch và chuyên môn mờ nhạt. Điều này thật dễ hiểu, - các đô thị, nơi những gì của nhà nước và công cộng có tỷ trọng lớn, nơi hiện hữu hệ thống thiết chế quản lý và chuyên môn, song chúng vẫn định hình không theo hẳn những kịch bản quy hoạch và những văn bản ràng buộc nào. Chúng phát triển thiên về tự phát. Liên quan đến cục diện này, chủ trương hiện nay về việc phủ kín quy hoạch các đơn vị xã, xây dựng mô hình nông thôn mới, theo chúng tôi nên đặt trong bài toán mà những vấn đề như nền sở hữu tư nhân nhỏ lẻ, tính đa dạng của những xuất phát điểm và hình thái của các làng xã, tính uy lực của luật pháp trong các quy hoạch, khả năng đầu tư vốn liếng, và nhân lực điều hành của các cấp... cần đặt lên bàn cân quyết định tính khả thi. Quy hoạch nên chăng mang tính định hướng, mô hình xây dựng nên chăng trên cơ sở những tiêu chí cơ bản, không duy ý chí, không áp đặt, không cứng nhắc. Điều tiết và dẫn dắt có thể là những cách thức để công cuộc phát triển nông thôn và kiến trúc nông thôn đi theo định hướng.

Sự hiện thực hóa mọi chủ trương xã hội, mọi ý tưởng quy hoạch và kiến trúc ở nông thôn chỉ xảy ra khi người nông dân bị thuyết phục, đem lòng tin và tự nguyên bắt tay vào thực hiện. Những văn bản, những quy hoạch, đồ án, hình mẫu chưa đủ sức thuyết phục họ, bởi họ vốn thiên những gì tai nghe mắt thấy. Nhà chủ trương, nhà quản lý, nhà kiến trúc cần tạo ra những mô hình trong thực tế, sát hoàn toàn với thực tế của từng vùng miền, với những giải pháp vừa đúng, vừa hay và vừa dễ bắt chước. Sự bắt chước bởi một vài làng quê, bởi một vài nông dân sẽ có sức lan tỏa hơn bất cứ cuốn sách hoặc cuốn film nào. Lâu nay nhiều ý tưởng sở dĩ chưa đến được với nông thôn, chính là ở sự chuyển tải.

Chúng tôi muốn kết thúc bài viết bằng một gợi ý mô hình cho thiết chế cộng cư nông thôn thời hiện đại - đó là NÔNG THỊ (agrotown), kết hợp trong mình các hoạt động sản xuất nông nghiệp, thủ công và công nghiệp nhỏ, dịch vụ, văn hóa và gíao dục... Nông thị cấu trúc bởi các khu nhà thấp tầng có khuôn viên đủ để tăng gia và thư giãn, những đường phố rộng vừa phải dành cho các cơ sở thương mại, dịch vụ và giải trí, các khu đất dành cho văn hóa, thể thao, trường học. Làm nền cho tất cả và chiếm dụng đất nhiều hơn cả là không gian xanh và mặt nước. Chính nhân tố này sẽ làm cho nông thị khác biệt với các đô thị.

Thời đại ngày nay là bước ngoặt trong tiến trình lịch sử. Bước ngoặt ấy sớm muộn rồi cũng khuôn đúc nên những mô hình cộng cư nông thôn, những kiểu kiến trúc cư trú mới, nơi người nông dân tìm thấy sự cân bằng giữa lao động và hưởng thụ, giữa mình và đất trời, giữa mình và thời đại.


GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính


Nguồn ảnh: Internet
Theo Tạp Chí Kiến Trúc Việt Nam số 4/2012

  • Tags