0971.659.624 thuvienxaydungvn@gmail.com
Hà Nội: Chính quyền bất lực với xây dựng trái phép?
Mặc dù UBND thành phố Hà Nội đã có hàng loạt văn bản quy định về hoạt động xây dựng nhưng trên thực tế, xây dựng trái phép lại diễn ra phổ biến.

Điều đáng nói là tình trạng trên không chỉ xảy ra ở những công trình nhỏ lẻ mà ngay cả những tòa nhà cao tầng, các chung cư thương mai, tổ hợp văn phòng,… cũng xây dựng không phép. Đã có rất nhiều ý kiến hoài nghi cho rằng: Phải chăng chính quyền đã bất lực với xây dựng trái phép?

Từ nhà nhỏ…

Hàng chục công trình xây dựng trái phép trên đường Trần Quốc Hoàn đang chờ mọc lên.

anh-6_0a76e.jpg

Cách đây không lâu, UBND phường Dịch Vọng Hậu đã tiến hành giải tỏa và giải phóng mặt bằng đường Trần Quốc Hoàn theo chủ trương và chỉ đạo của UBND TP Hà Nội và quận Cầu Giấy. Có thể thấy, đây là việc làm thể hiện sự quyết tâm cao của chính quyền và nhân dân phường Dịch Vọng Hậu nhằm xây dựng tuyến đường theo đúng quy hoạch xây dựng thủ đô Hà Nội văn minh, sạch đẹp.

Đồng thời, việc làm này sẽ góp phần xóa bỏ nút thắt cổ chai đã làm ách tắc giao thông, gây ô nhiễm môi trường, làm mất cảnh quan đô thị và vi phạm trật tự xây dựng kéo dài trong nhiều năm qua trên đường Trần Quốc Hoàn mà dư luận xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng đã nhiều lần lên tiếng phê phán.

Qua trao đổi với đại diện của hơn 40 hộ đại diện cho tổ 23, phường Dịch Vọng Hậu thì đại đa số người dân ở đây đều tỏ ra hết sức đồng tình với cách làm này của các cấp chính quyền thành phố. Họ đều hy vọng việc mở rộng tuyến đường Trần Quốc Hoàn sẽ giải quyết những vấn đề nhức nhối trước đó và Hà Nội sẽ có một tuyến phố rộng rãi, khang trang, góp phần nâng cao tầm vóc và vị thế Thủ đô.

Tuy nhiên, khi mà công tác giải phóng mặt bằng còn chưa hoàn thành thì một số hộ dân ở đây đã đào móng, chuyên chở vật liệu đến để xây nhà không phép một cách ồ ạt, tràn lan.

Sự việc này khiến đông đảo người dân ở đây tỏ ra rất bức xúc, lo lắng vì mục đích mở rộng con đường là góp phần chỉnh trang lại bộ mặt đô thị trong khu vực, xóa bỏ nút thắt cổ chai vốn có từ trước,… Con đường rộng rãi, khang trang sẽ tiếp tục bị thắt cổ chai, trên tuyến phố sắp được giải tỏa lại mọc lên các quán xá, nhà siêu mỏng, làm méo mó, trái quy hoạch, sẽ hết sức phản cảm và không thể chấp nhận được…

Điều đáng nói ở đây là hàng chục hộ gia đình sau khi bị giải tỏa đã tiến hành xây dựng nhà không phép và chính quyền thì lại tỏ ra không biết gì cho đến khi dư luận cùng các cơ quan báo đài lên tiếng thì sự việc mới “tạm” dừng lại.

Đến nhà to…

Tòa nhà Sakura Tower dù là công trình xây dựng cao tầng nhưng sau hơn 1 năm xây dựng không phép mới bị tuýt còi.

Sakura-Tower11.jpg

Không chỉ dừng lại ở đó, tình trạng xây dựng không phép còn xảy ra ở một loạt các dự án nhà cao tầng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Điển hình có thể kể đến trường hợp xây dựng không phép tại chung cư 93 Lò Đúc do Công ty TNHH Kinh Đô làm chủ đầu tư và tòa nhà Sakura Tower do Công ty Cổ phần Hùng Tiến Kim Sơn làm chủ đầu tư.

Tại tòa nhà chung cư 93 Lò Đúc, mặc dù chưa được phép của cơ quan chức năng nhưng chủ đầu tư đã ngang nhiên cho xây dựng trái phép tại tầng 27. Và sự việc chỉ được phát giác khi hơn 300 hộ gia đình sinh sống tại chung cư 93 Lò Đúc có văn bản gửi Bộ Xây dựng, UBND thành phố Hà Nội, phòng Quản lý đô thị quận Hai Bà Trưng.

Đáng lưu ý, trong văn bản có đoạn : “Trong vài tháng gần đây, Công ty Kinh đô (chủ đầu tư – pv) đang cấp tập tiến hành các hoạt động xây dựng tại tầng 27 chung cư Lò Đúc, vận chuyển vật liệu vào ban đêm bằng cầu thang máy chở hàng và chở người để xây dựng. Đến nay, tầng này đã được xây nhiều tường ngăn, lắp đặt hệ thống điều hòa trung tâm, lắp tấm trần, hệ thống đường điện và cấp thoát nước… tất cả mang biểu hiện của mặt bằng cho thuê làm dịch vụ”.

Như vậy có thể thấy rằng: Mặc dù đây là công trình xây dựng không phép và có quy mô lớn (cao 30 tầng, trong đó có 3 tầng hầm, 26 tầng nhà ở dịch vụ theo thiết kế và 1 tầng xây trái phép), lại nằm ngay trục đường lớn mà các cấp chính quyền không biết là một điều vô cùng phi lý.

Và gần đây, một vụ việc xây dựng không phép khác ở tòa nhà thương mại, dịch vụ và nhà ở Sakura Tower càng khiến dư luận hoài nghi về tính nghiêm minh trong hoạt động xây dựng ở Thủ đô.

Theo thiết kề, tòa nhà Sakura Tower  là tổ hợp căn hộ, văn phòng, thương mại nằm tại số 47 phố Vũ Trọng Phụng (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cao 21 tầng, có tổng diện tích đất hơn 2.668 m2, diện tích đất xây dựng là 1.288 m2 tương ứng mật độ xây dựng đến 48,2%, chiều cao tòa nhà là 86,4 mét. Tuy nhiên, sau gần 1 năm xây dựng, khi phần thô của công trình đã cơ bản hoàn thành thì mới “bị” chính quyền phát hiện.

Điều đáng bàn là dù chính quyền sở tại đã rất nhiều lần tiến hành kiểm tra, lập biên bản yêu cầu các bên liên quan ngừng mọi hoạt động thi công nhưng… bất thành và sự việc chỉ thật sự ngã ngũ khi Thanh tra Bộ Xây dựng có văn bản chính thức xử phạt chủ đầu tư cũng như đơn vị thi công.

Đó chỉ là một trong những vụ việc có thể coi là bề nổi về việc xây dựng trái phép ở Hà Nội được các phương tiện truyền thông đại chúng phản ánh trong thời gian qua. Theo tìm hiểu của PV thì tình trạng này đang diễn ra khá phổ biến và phức tạp tại nhiều địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội khiến dư luận xã hội hết sức bất bình.

Nguồn tin: Petrotimes