0971.659.624 thuvienxaydungvn@gmail.com
Kết nối quy hoạch với quản lý đô thị
Dù Thủ tướng đã phê duyệt từ hai năm trước nhưng dự kiến đến cuối tháng 11/2011, chính quyền TPHCM mới chính thức công bố và triển lãm Đồ án quy hoạch xây dựng chung TPHCM đến năm 2025…

Chậm công bố chờ để hoàn thiện

Theo ông Huỳnh Xuân Thụ, Giám đốc Trung tâm Thông tin quy hoạch, Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM, sở dĩ đồ án quy hoạch xây dựng chung TPHCM đến năm 2025 chậm công bố (gần hai năm sau quyết định phê duyệt của Thủ tướng) là do phải chờ cập nhật thông tin, chỉnh sửa, hoàn thiện cho phù hợp với thực tế.

  • Ảnh bên: Mô hình quy hoạch khu trung tâm TP.HCM tại Trung tâm thông tin quy hoạch TP  (nguồn: Tuổi Trẻ)

Trong thời điểm làm quy hoạch xây dựng chung thì một số dự án giao thông đang được nghiên cứu về hướng tuyến. Vì vậy, dù đã được Thủ tướng phê duyệt, nhưng để hoàn thiện đồ án, thành phố phải chờ kết quả tư vấn của các cơ quan về những dự án giao thông này. Cụ thể đó là các dự án đường sắt đô thị, các tuyến đường vành đai 1, 2… và cả dự án thiết kế đô thị khu trung tâm 930 héc ta nữa.

Đến nay, theo ông Huỳnh Xuân Thụ, công tác cập nhật thông tin mới vào đồ án quy hoạch mới hoàn chỉnh. “Đây là đồ án quy hoạch được thiết lập từ tầm nhìn bao quát, toàn diện với phản biện độc lập từ bên ngoài”, ông Thụ nói. Cụ thể, với đồ án quy hoạch này, các ý kiến của tư vấn nước ngoài (Công ty Nikken Sekkei - Nhật) và phản biện quốc tế (Cộng đồng đô thị Lyon cùng các chuyên gia đô thị vùng Rhône Alpes của Pháp) được tiếp nhận.

Khác với các đồ án quy hoạch trước đây, đồ án quy hoạch lần này đặt TPHCM trong mối liên hệ với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Theo đó, quy hoạch ưu tiên phát triển bốn hành lang: (i) dọc quốc lộ 22 (liên kết với đô thị Đức Hòa, Trảng Bàng, Thủ Dầu Một); (ii) dọc tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (kết nối với các đô thị Nhơn Trạch, Long Thành, Biên Hòa); (iii) dọc trục đường Nguyễn Văn Linh (kết nối các khu đô thị phía Nam thành phố, khu đô thị Tân Kiên, trung tâm huyện Bình Chánh); (iv) dọc trục đường Nguyễn Hữu Thọ (kết nối các khu đô thị dọc tuyến và khu đô thị cảng Hiệp Phước).

Do phục vụ cho yêu cầu phát triển ra bốn hướng, TPHCM sẽ xây dựng một số tuyến đường sắt, đường sắt trên cao, đường sắt chuyên dụng (từ đường sắt quốc gia tới cảng Cát Lái và Hiệp Phước…); đồng thời đầu tư 19 cầu đường bộ vượt sông Đồng Nai, Sài Gòn, Nhà Bè, Lòng Tàu, Thị Vải.

Đến năm 2025, vùng phát triển của thành phố gồm 13 quận nội thành hiện hữu và sáu quận mới (quận 2, 7, 9, 12, Bình Tân và Tân Phú) với tổng diện tích khoảng 49.400 héc ta. Các quận mới và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè và Bình Chánh sẽ phát triển thành vùng công nghiệp… Tất nhiên, quy hoạch cũng đặt ra yêu cầu bảo tồn và phục hồi sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ và các khu rừng đặc dụng, phòng hộ.

Với quy hoạch này, dân số thành phố sẽ có khoảng 10 triệu người (trong đó các quận nội thành là 7,4 triệu người); diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 100 ngàn héc ta, với bốn khu đô thị mới là: Thủ Thiêm (737 héc ta), Hiệp Phước (3.900 héc ta), Tây Bắc (6.000 héc ta) và Khu công nghệ cao (872 héc ta).

Nặng về quản lý theo địa giới hành chính

Quy hoạch xây dựng chung TPHCM đến năm 2025 được thiết kế theo hướng chia thành phố thành một số khu vực có cùng điều kiện, tính chất… Ví dụ như quy hoạch phân biệt khu trung tâm hiện tại với vùng sông nước ở phía Nam, khu vực cửa ngõ phía Đông với khu vực chạy dọc theo sông Sài Gòn (Củ Chi, Hóc Môn, quận 12)… Tuy nhiên, triển khai quy hoạch theo cách làm mới thư thế này không hề đơn giản vì chúng ta vẫn còn nặng về quản lý theo địa giới hành chính.

Theo Trung tâm Thông tin quy hoạch, Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM, hiện nay quy hoạch chi tiết 1/2000 của tất cả các quận, huyện đang được các quận, huyện triển khai (chỉ mới một vài quận làm xong và được phê duyệt). Tuy nhiên, kiểu “mạnh ai nấy làm” (các quận huyện quy hoạch theo địa giới của mình), cũng khiến giới chuyên môn lo ngại.

KTS Nguyễn Trường Lưu, Hội Kiến trúc sư TPHCM, cho rằng quy hoạch theo địa giới hành chính đã lạc hậu, vì nó không tạo ra được sự đồng bộ trong tổng thể. Thực tế đã từng xảy ra hiện tượng có những con đường giữa hai quận bị “trật chìa” tại điểm nối kết. Vì vậy, mới đây, Bộ Xây dựng đã yêu cầu TPHCM thực hiện việc quy hoạch chi tiết 1/2000 theo từng khu vực theo như Luật Quy hoạch đô thị. Đó là những khu vực, những vùng, có cùng tính chất thì lập riêng một đồ án quy hoạch - dù có thể khu vực đó nằm trên địa bàn nhiều quận, huyện.

Tuy nhiên, cái khó của TPHCM là hiện nay các đồ án quy hoạch của quận, huyện đã đến giai đoạn hoàn thiện. “Thành phố đã chi ra rất nhiều tiền cho việc lập quy hoạch chi tiết cho các quận, huyện, giờ chẳng lẽ bỏ dở”, một quan chức của Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM nói. Vì vậy, vị này đề xuất thay vì chia thành phố ra nhiều khu vực để quy hoạch theo tính chất vùng (như yêu cầu của luật) thì cũng có thể coi 22 quận, huyện là 22 vùng. Tuy nhiên, đây là một đề xuất mang tính chất “đối phó”, cho qua chuyện đã rồi!

Nhưng nếu hủy bỏ tất cả các quy hoạch chi tiết 1/2000 của quận, huyện (kể cả những đồ án đã được duyệt) để thực hiện các đồ án quy hoạch theo tinh thần của quy hoạch xây dựng chung, thì TPHCM lấy cơ sở gì để quản lý quy hoạch khi quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quản lý chưa có? Vì vậy, việc lập quy hoạch, quản lý quy hoạch và thực hiện quy hoạch hiện nay ở TPHCM đang đứng trước một giai đoạn cần có quyết định mang tính đột phá hơn để kết nối việc quy hoạch và quản lý đô thị.

Quy hoạch phân khu chức năng của TPHCM

1. Khu nội thành cũ (gồm 13 quận nội thành hiện hữu):
- Khu nội thành cũ có trung tâm hỗn hợp chính nằm trên địa bàn các quận 1, 3, một phần quận 4, Bình Thạnh với chức năng hành chính, văn hóa, lịch sử, du lịch và dịch vụ đa ngành có quy mô 930 héc ta.
- Khu vực cần bảo tồn di sản kiến trúc, lịch sử, cảnh quan, cần rà soát, giữ nguyên các công trình, biệt thự có kiến trúc đặc thù có giá trị tại khu 930 héc ta; khu vực Bà Chiểu (Bình Thạnh), Chợ Lớn (quận 5, 6) có quy mô 120 héc ta.
- Các khu vực còn lại quy hoạch, cải tạo, chỉnh trang kết hợp với xây dựng mới một số ô phố theo hướng không tăng dân sô, tầng cao phù hợp và giảm mật độ xây dựng, để dành quỹ đất phát triển các công trình phúc lợi công cộng, cây xanh có quy mô 13.150 héc ta.

2. Khu nội thành phát triển (gồm 6 quận mới) với diện tích 35.200 héc ta: tập trung đầu tư xây dựng các khu đô thị mới có quy mô lớn, hiện đại, đồng bộ về hạ tầng...

3. Các thị trấn, khu dân cư nông thôn và khu đô thị mới tại địa bàn ngoại thành (gồm 5 huyện ngoại thành) với tổng diện tích 160.200 héc ta: tập trung đầu tư xây dựng các điểm dân cư nông thôn theo mô hình nông thôn mới và đầu tư xây dựng một số đô thị vệ tinh hiện đại, tạo động lực phát triển các huyện ngoại thành, có mô hình ở đặc thù với địa hình vùng sông nước...

Nguồn tin: TBKTSG