0971.659.624 thuvienxaydungvn@gmail.com
Chiến lược phát triển Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô: Cơ hội đi cùng thách thức

 

Việc triển khai đồ án Quy hoạch chung (QHC) xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang đặt ra cho Hà Nội những vấn đề lớn.
Làm thế nào để hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, nguồn lực nào đưa quy hoạch vào cuộc sống, làm sao để đạt được tốc độ đô thị hóa theo yêu cầu nhưng vẫn đảm bảo được sự tồn tại mang tính bền vững cho khu vực nông thôn…?

 

Cơ hội phát triển

Ngày 16/5, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đã tổ chức hội thảo với chủ đề "Chiến lược phát triển quy hoạch xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 - tầm nhìn 2050". Hội thảo hướng tới mục tiêu tìm ra được những giải pháp, phương pháp ứng xử và kết nối đa chiều, nhằm xây dựng các quy hoạch, kế hoạch và chương trình phát triển ngắn, trung và dài hạn cho Thủ đô trong quá trình triển khai đồ án QHC đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi đánh giá, để QHC đi vào cuộc sống, Hà Nội còn rất nhiều việc phải làm. Thủ đô được mở rộng là cơ hội song cũng đặt ra nhiều thách thức, khó khăn, vì vậy cần sớm đặt ra hướng đi lâu dài mang tính chiến lược, bền vững. 
Theo QHC, thủ đô Hà Nội sẽ được phát triển trên nguyên tắc xuyên suốt là hài hòa, cân bằng giữa nhu cầu bảo tồn và phát triển. Quy hoạch không chỉ khắc họa hình ảnh Hà Nội trong tương lai với các giải pháp về định hướng quy hoạch, tạo lập các cơ hội phát triển và sức hấp dẫn cho Thủ đô mà còn đặt ra các giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử vốn có. Đưa di sản trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, sẽ bảo tồn và phát huy các không gian cảnh quan sinh thái tự nhiên (không gian xanh chiếm tỷ lệ khoảng 70% diện tích đất tự nhiên) và các không gian văn hóa, lịch sử đặc trưng.

Bà Lã Thị Kim Ngân, Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội cho rằng, việc xác định các trọng tâm, trọng điểm, các khu vực động lực rất quan trọng để chọn những bước đi ưu tiên cho các đồ án quy hoạch. Vì vậy, Viện đã lựa chọn đô thị trung tâm mở rộng là bước đi đầu tiên cho các quy hoạch phân khu đô thị. Đơn cử, đối với phía Tây, khu vực phía Tây sông Nhuệ, khu vực sông Đáy - hai khu vực phát triển mới của vùng ven đô để có thể tạo ra môi trường ở hấp dẫn, môi trường sống tiêu chuẩn. Đây cũng là cơ hội để tạo ra một nhóm giải pháp để giải quyết vấn đề khó - giảm tải cho dân số cho khu vực lõi của Hà Nội. Bà Ngân khẳng định, trục không gian Nhật Tân - Nội Bài chính là động lực để tạo ra sức sống cho khu vực phía Bắc sông Hồng. Còn tại trục Tây Ba Vì sẽ tạo ra những khu vực, công trình mang tính điểm nhấn, giải tỏa những chức năng còn thiếu của khu vực trung tâm.

Việc xác định trọng tâm, trọng điểm, các khu vực động lực rất quan trọng để chọn những bước đi ưu tiên cho các đồ án quy hoạch.

 

Nguồn lực - câu hỏi lớn

Đã rất nhiều quy hoạch được nghiên cứu, lập và phê duyệt nhưng thực tế, các kế hoạch đầu tư xây dựng theo quy hoạch chưa bao giờ được như mong muốn. Nguyên nhân để lý giải luôn là thiếu vốn. Theo TS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở QHKT, bên cạnh việc cụ thể hóa QHC bằng các đồ án quy hoạch, vấn đề quan trọng nhất là triển khai năng lực quản lý và nguồn lực đầu tư để thực hiện.

Chung quan điểm, KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam chỉ ra thực tế, công tác triển khai QHC ở các huyện ngoại thành đang đặt ra không ít khó khăn, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư. Riêng trong năm 2012, tổng kinh phí đầu tư cho hạ tầng của huyện Thạch Thất khoảng 130 tỷ đồng. Theo tính toán sơ bộ, nhu cầu khi triển khai xây dựng nông thôn mới của Hà Nội cần số vốn lên tới… 4.500 tỷ đồng.

Để hạn chế tình trạng đầu tư dàn trải, chạy theo lợi nhuận nhưng vẫn tạo điều kiện cho các các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư thực hiện QHC, ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, cần có sự chỉ đạo tập trung thống nhất, môi trường pháp lý phù hợp. Các khu vực, hạng mục và dự án ưu tiên đầu tư cần được quy định ngay khi phê duyệt các quy hoạch phân khu và quy hoạch chuyên ngành./.

"Quy hoạch chung đã đưa ra danh mục ưu tiên, việc Hà Nội cần làm là đề xuất danh mục các dự án để kêu gọi đầu tư, tổ chức đấu thầu như đã từng làm khi triển khai QHC năm 1998. Với tốc độ tăng trưởng rất nhanh, tỷ lệ đô thị hóa của thành phố sẽ tăng 5 lần trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Do vậy, cần đặc biệt quan tâm đến các tiêu chí để xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội." - TS Đào Ngọc Nghiêm

Theo sở quy hoạch kiến trúc hà nội

 
  • Tags