0971.659.624 thuvienxaydungvn@gmail.com
Đô thị thông minh - hiệu quả hóa công tác quy hoạch xây dựng

Tương lai của đô thị là quy hoạch và phát triển theo xu hướng đô thị sinh thái thông minh bền vững (Sustainable Smart Eco City).

Sự thất bại các thuyết về đô thị như thuyết lý tưởng đô thị của Le Corbusier, thuyết Neighborhood unit theory của Perry, thuyết cội nguồn đô thị của Howard,... ở nửa đầu thế kỷ 20 đã dẫn đến sự mất lòng tin về những khái niệm quan trọng về phát triển đô thị mà trước đó chúng được coi như là tiêu chuẩn của quy hoạch đô thị trên thế giới. Tuy nhiên không tiếp nối những thất bại đó vào cuối thế kỷ 20 những thuyết như phát triển bền vững (ESSD), New Urbanism, Smart Growth (tăng trưởng thông minh)... đã khởi động lên những định nghĩa mới về đô thị. Các thuyết này đều đưa ra quan điểm chung cho đô thị sinh thái là đô thị phải chú trọng tới sự phát triển bền vững, tăng cường tính tuần hoàn tự nhiên, đa dạng hệ sinh thái.  


Một mô hình Thành phố thông minh ở Hàn Quốc 

Thuyết phát triển bền vững (ESSD) đã được tổ chức liên hợp quốc Brundtland Commission đề cập đầu tiên trong lần phúc trình “Tương lai của chúng ta” (Our Common Future)” tại hội nghị liên hợp các quốc gia về Môi trường và Phát triển năm 1987. “Ủy ban thế giới (WCED) về môi trường và phát triển” của UN đã định nghĩa về phát triển bền vững như sau: “Phát triển bền vững là sự phát triển nhằm thỏa mãn các yêu cầu hiện tại nhưng không tổn hại cho khả năng của các thế hệ tương lai để đáp ứng yêu cầu của chính họ”. Nguyên lý căn bản của sự phát triển bền vững đưa ra rất nhiều công cụ cho phát triển đô thị hướng tới sự bền vững như phải biết sử dụng tài nguyên đất bền vững, có tránh nhiệm với khí hậu trái đất, phải biết quản lý tài nguyên hệ sinh thái và phòng tránh ô nhiễm sinh thái, phát triển xã hội nhưng phải bảo tồn được các di sản văn hóa lịch sử, cải tiến kinh tế đô thị, nâng cao sự tham gia và tránh nhiệm của người dân với chính quyền địa phương… 

Sau New Urbanism được đưa vào năm 1990, tiếp theo là các luận thuyết của A.Duary, P.Calthope… cũng được công bố, rồi phong trào quy hoạch đô thị - kiến trúc để giải quyết những vướng mắc tồn tại của đô thị thông qua thiết kế và quy hoạch môi trường để phát triển đô thị và khu vực tại Mỹ. Tiếp theo cũng dựa trên nguyên lý cơ bản trên, vào năm 1991 Ahwahnee cũng phát biểu những quan điểm tương tự. Nguyên lý căn bản của New Urbanism là tính hiệu quả như tạo nên hành lang đi bộ thân thiện với môi trường, mở rộng vùng kết nối không gian cho người đi bộ an toàn với các đường dành cho xe, sử dụng tài nguyên đất đa dạng, nâng cao chất lượng thiết kế đô thị và kiến trúc tòa nhà , xây dựng các khu dân cư nhiều hình thái và đa chức năng, cung cấp đủ không gian sinh hoạt công cộng, xem xét mật độ sử dụng đất hiệu quả, xem xét tính phát triển bền vững cho hệ sinh thái, nâng cao chất lượng cuộc sống…



Tăng trưởng thông minh (smart growth) là phương thức quản lý quy hoạch đô thị nhằm phát triển kinh tế song song với bảo tồn môi sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống… Khái niệm này được Gleddeniny - thống đốc của Maryland lần đầu tiên thực hiện vào năm 1997 trong chương trình Tăng trưởng thông minh và quy hoạch bảo vệ các vùng lân cận (Neighborhood Conservation Program). Nguyên tắc cơ bản của tăng trưởng thông minh nhấn mạnh vào tính hiệu quả, dung hợp giữa các mục đích sử dụng đất, lựa chọn phương thức thiết kế kiến trúc mật độ cao, cung cấp đa dạng sự lựa chọn về nhà ở, xây dựng hành lang thân thiện cho người đi bộ, tạo nên sức hút hấp dẫn và tính khác biệt cho các khu công cộng, quy hoạch không gian mở, đất nông nghiệp, bảo tồn các khu vực quan trọng để gìn giữ môi sinh và cảnh quan tự nhiên, cung cấp các phương tiện giao thông đa dạng, nâng cao sự hợp tác giữa các cơ quan, tổ chức liên quan với ban quản lý về quy hoạch và chính sách đô thị... 

Xu hướng phát triển tương lai của đô thị còn được đề cập rất nhiều và đa dạng trong các quan điểm như Compact City, TND (Traditional Nighborhood Development), Underground Development, Waterfront Development, TOD, Mixed Landuse Development, MXD... Điểm chung của những xu hướng mới này là đưa ra chủ trương phải bảo tồn và duy trì môi trường sinh thái tự nhiên, quản lý hiệu quả sự biến động gia tăng của dân số thành thị thông qua việc phân bố hợp lý mật độ không gian thích hợp. 

Thêm vào đó tương lai của phát triển đô thị sẽ tập trung chủ yếu thông qua máy tính, thể hiện thông qua số người sử dụng máy tính ngày càng cao. Vì vậy, việc tích hợp thông tin từ hiện thực đang diễn ra trên thế giới để thông qua máy tính kết nối mạng cung cấp nhiều thông tin cho người dùng cũng là xu hướng được quan tâm nhiều. 



Về cơ bản sự thay đổi này cũng bắt nguồn từ sự nhận thức nhu cầu của người dân. Điều này có nghĩa là ngày càng có nhiều người dân muốn cải thiện nâng cao chất lượng cuộc sống để thỏa mãn nhu cầu bản thân thông qua cải thiện cơ sở xung quanh môi trường sống của họ. Họ cũng dần dần bỏ đi thói quen thụ động chỉ biết tiếp nhận những thông tin cuộc sống được cung cấp và hướng tới xu hướng điện tử du mục (digital nomad) như những người dân du mục chủ động để đòi hỏi mong muốn nhiều hơn nữa về các thông tin và dịch vụ đang diễn ra ở thế giới xung quanh.

Để phục vụ cuộc sống cho người dân đô thị tương lai này thì xu hướng tất yếu cần phải xây dựng đô thị thành những đô thị thông minh (smart city) thông qua ứng dụng các kỹ thuật thông minh (smart technology) để kiến tạo không gian đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống bằng sự liên kết tuần hoàn giữa người với người, người và sự vật, giữa sự vật và sự vật. 


YẾU TỐ XÂY DỰNG KHÔNG GIAN CẦN THIẾT CHO ĐÔ THỊ THÔNG MINH

Chúng ta thử suy nghĩ về quá trình xây dựng không gian của đô thị thông minh.

Đầu tiên chúng ta phải ứng dụng kỹ thuật công nghệ để xây dựng cơ sở hạ tầng vật lý cho đô thị. Cơ sở hạ tầng đô thị vật lý có nghĩa là thông qua một hệ thống về các cảm biến quan sát được lắp đặt trong đô thị chúng ta có thể thu thập được các thông tin theo thời gian thực về hiện trạng đang diễn ra trên đường phố, giao thông, các tòa nhà... tất nhiên để có thể thu nhận được cơ sở dữ liệu thông tin này thì đô thị phải có cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin được quản lý tập trung bởi cơ quan điều khiển trung tâm thông minh như một bộ não có thể thu nhận lưu trữ phân tích xử lý thông tin. Có thể nói cách khác cơ sở hạ tầng vật lý cho đô thị là một hệ thống được xây dựng trên nền tảng thiết bị của đô thị thông minh, nền tảng này được vận hành quản lý thông qua một hệ thống thông minh được xây dựng từ ba yếu tố cơ quan điều khiển trung tâm, các thiết bị thông minh, hạ tầng kết nối công nghệ thông tin. 

Các thiết bị thông minh là những thiết bị chức năng thông qua ứng dụng dung hợp kỹ thuật công nghệ thông tin và kiến trúc, được dùng để thu nhận, dự báo thông tin và truyền phát báo cáo. Mặc dù có rất nhiều định nghĩa khác nhau về thiết bị thông minh tuy nhiên thiết bị thông minh trước hết phải được kết nối với nhau thông qua mạng thông tin và thực hiện được chức năng thu nhận, cung cấp và chuyển thông tin đó tới cơ quan điều khiển trung tâm. Hạ tầng kết nối công nghệ thông tin là hệ thống vật lý để truyền tải các dịch vụ thu nhận được từ việc xử lý các thông tin, nó gần giống định nghĩa của BcN, RFIID/USN. 

Cơ quan điều khiển trung tâm là hệ thống vận hành quản lý tích hợp được hoạt động trên cơ sở ứng dụng kỹ thuật hạ tầng công nghệ thông tin, kết hợp các thông tin nhu nhận được từ các thiết bị quan sát để thu, lưu trữ, phân tích và xử lý thông tin. Hạ tầng cơ bản của đô thị thông minh chính là việc ứng dụng kỹ thuật công nghệ thông tin để kết nối các thiết bị thông minh rồi truyền tải thông tin về cơ quan điều khiển trung tâm, tại đây các thông tin sẽ được cơ quan được coi là đầu não của hệ thống sẽ tiếp nhận, lưu trữ, phân tích và xử lý các thông tin đó để phục vụ cho mục đích quản lý phát triển đô thị. 



Tiếp theo chúng ta hãy thử suy nghĩ với những thông tin đang được quản lý ở cơ quan điều khiển trung tâm sẽ được sử dụng như thế nào để cung cấp dịch vụ cho cộng đồng. Các dịch vụ đó được gọi là S-service (hệ thống dịch vụ thông minh). S-service được cung cấp dựa trên nền tảng công nghệ thông tin thông qua “xử lý, truyền tải, dự báo thông tin”. Các kết quả phân tích đó được sử dụng để tạo nên những giá trị dịch vụ thông minh cung cấp cho cộng đồng như các dịch vụ S-giao thông, S-môi trường, S-hành chính… 

Trên cơ sở vận dụng các yếu tố cần thiết để xây dựng không gian đô thị thông minh là quy hoạch xây dựng đô thị phát triển dựa trên hệ thống thiết bị thông minh để cung cấp các dịch vụ thông minh S-service cho cộng đồng thông qua cơ quan điều khiển trung tâm trên ứng dụng liên kết của hạ tầng công nghệ thông tin. Nhờ các S-service, người dân sống trong các đô thị thông minh sẽ được bảo vệ an toàn và nâng cao chỉ số hài lòng về cuộc sống hơn. Theo đó để quy hoạch đô thị thông minh thì phải xem xét kỹ việc đầu tư các thiết bị thông minh để cung cấp hệ thống S-service theo từng giai đoạn nhằm tăng cường tính cạnh tranh với các đô thị khác, tăng cường sự phát triển bền vững, lâu dài cho đô thị và hiệu quả hóa chi phí quy hoạch xây dựng đô thị. 

Park Chan Ho - Giám đốc phòng kinh doanh dự án Smart City, Công ty JUNGDO UIT (Hàn Quốc)

Theo Ashui.net

  • Tags