0971.659.624 thuvienxaydungvn@gmail.com
Không gian đa chiều Tokyo & không gian đơn chiều Hà Nội

Thành phố Tokyo nổi tiếng cô đặc bởi mật độ dân số trên diện tích đất cao nhất nhì thế giới. Nhưng cũng dễ nhận thấy thành phố 13 triệu dân này có rất nhiều không gian thoáng đãng trên mặt đất. Điều ấy được lý giải bởi tổng chiều dài đường ngầm dưới đất lớn hơn đường trên mặt đất và đường trên cao. Phần lớn cư dân Tokyo có mặt dưới mặt đất để di chuyển khắp thành phố, để lại sự thoáng đãng, tĩnh lặng trên mặt đất.

Mặt tiền của ngôi nhà mặt phố Tokyo phản ảnh khá đầy đủ sự tinh tế trong tận dụng không gian thành phố. Một số ngôi nhà có một dãy cầu thang máy bên tay trái đi từ đường vào. Cuối hành lang lại một cầu thang máy nối lên các tầng trên, ở nách bên trái là một cầu thang xuống tầng hầm. Tokyo là vậy, chi li tận dụng tối đa mặt đất, trên trời và dưới ngầm. Ở đây, những tuyến đường trên cao đan xen chồng lớp, những không gian ngầm đông vui nhộn nhịp, con người đi lại, gặp gỡ, giải trí và mua sắm dưới mặt đất. Tại các trung tâm mua sắm sầm uất, nơi có cầu dẫn từ trên cao, có tuyến tàu chui vào tòa nhà và những cầu thang dẫn xuống tầng ngầm. Những tổ hợp giải trí rộng lớn không biết đang đứng trên mặt đất, dưới tầng ngầm hay trên mái nhà. Một điều dễ nhận thấy tại tất cả các ga tàu đều tập trung những công trình thương mại lớn. Tại khu vực quanh các ga, giá BĐS rất cao và từng mét vuông được khai thác tối đa về chiều cao vươn lên trời và chiều sâu dưới mặt đất.

Quay lại với Hà Nội hôm nay, mỗi khi cần xây một cái cầu vượt trên cao hay làm một ống đường ngầm chui dưới vài ngôi nhà... ắt hẳn sẽ nảy sinh cuộc bàn cãi nhiều ngày, nhiều tháng, đôi khi nhiều năm và cũng có thể không bao giờ kết thúc. Điều ấy chứng tỏ các bản Quy hoạch hiện có có giá trị như sự khởi đầu của các cuộc bàn thảo tương lai TP hơn là phương án cuối cùng mô tả viễn cảnh thành phố trong tương lai.

Sẽ có vài quan ngại là Hà Nội rất khó có những không gian lớn để làm nơi hội tụ các tuyến giao thông ngầm dưới mặt đất. Bởi vì những điểm nút chí tử xuyên qua trung tâm TP theo hướng từ Tây sang Đông như Ga Hà Nội, giữa phố và cuối phố Trần Hưng Đạo đã chốt cắm những dự án BĐS thương mại hoặc sẽ là như vậy. Còn theo hướng Bắc Nam: điểm đầu quanh cầu Long Biên, xuyên qua quanh Hồ Hoàn Kiếm, xuôi xuống Hàng Bài, Ô Cầu Dền, Chợ Mơ (Bạch Mai) Trương Định... ta cũng dễ nhận thấy các vị trí này đã có các BĐS triển khai dự án và vài nơi đã có những tòa tháp cao tầng đang hoàn thiện. Nếu theo một ngả khác song song, các điểm nút ấy là Kim Liên, Bệnh viện Bạch Mai, bến xe khách Nam thành phố, ga Giáp Bát... mặt bằng cũng thoáng hơn nhưng mật độ tích tụ thấp hơn.


Nghịch lý là các dự án đô thị thương mại đang được tiến hành hay vội vàng triển khai đang đi ngược lại xu thế: đáng lẽ dẫn tuyến các luồng khách hàng về phía mình thì nó lại đẩy ra xa, khu trụ cát cứ, đôi khi né tránh. Những tổ hợp BĐS thương mại lớn lọt giữa đô thị đông đúc đáng lẽ cần khai thác không gian ngầm nổi, rất nhiều tầng ngầm để đưa đón người đến và người đi thì đến nay không BĐS nào cụ thể mục tiêu ấy. Cái thiệt thòi này bởi hai phía: chủ đầu tư và các cơ quan quản lý, cả hai đều chưa hoàn thành sứ mạng của mình một cách chuyên nghiệp.

Cơ hội hé mở cho không gian đa chiều (trên cao và ngầm) của Hà Nội nảy sinh trong hoàn cảnh kinh doanh BĐS ảm đạm. Khi các nhà quản lý phát đi những tín hiệu xúc động nhằm “giải cứu” BĐS, các nhà đầu tư gồng mình cuồn cuộn cơ bắp, tỏ vẻ cho thiên hạ khả năng tiềm tàng của mình có thể vượt qua cơn bĩ cực, thì các định chế tài chính thờ ơ, lo âu, thận trọng thắt chặt hầu bao, đôn đáo đòi nợ xấu..., ấy là lúc những phương án canh tân cải thiện đô thị có cơ hội được chú ý.

Nên chăng ngay bây giờ, trong lúc này, ngành Xây dựng hay các quy hoạch gia tổ chức một cuộc bàn thảo rộng rãi, với nội dung hấp dẫn, đại loại: "Không gian ngầm cứu rỗi thành phố nổi", hay "Làm thế nào để không gian ngầm nổi TP có thể giải cứu BĐS?". Rất có thể có nhiều ý hay, bàn luận sổi nổi vui tươi, hâm nóng không khí ảm đạm do BĐS đóng băng hiện thời.

Theo: kientrucvietnam.org.vn

  • Tags