0971.659.624 thuvienxaydungvn@gmail.com
Kinh nghiệm Á châu cho đô thị Việt Nam

Phát triển bền vững có thể coi là kết quả hợp nhất giữa kinh tế - xã hội và môi trường để tìm ra vùng chung/ tiếng nói chung đảm bảo tính bền vững. Những kinh nghiệm từ một số nước châu Á sẽ là bài học tham khảo cho các đô thị Việt Nam trong tiến trình phát triển bền vững. 

 

Thượng Hải (Trung Quốc): Ở Thượng Hải không gian các công trình và cao ốc mang tính hiện đại, tôn vinh đường thẳng và góc vuông. Tính hậu hiện đại phổ cập các đương cong và góc vát tạo cho hình tượng kiến trúc khả năng biểu cảm, cùng tồn tại khá phong phú. Song Thượng Hải có ý thức nâng cao giá trị của không gian ký ức làm cầu nối liên tục từ quá khứ đến tương lai, nét nổi bật là đường phố ven sông Hoàng Phố. Trong lịch sử đó là địa điểm khu cảng ngay kề mặt nước ở vị trí chiến lược về tài chính trong tô giới nước ngoài. Kiến trúc của nó được sao chép từ phong cách tân cổ điển châu Âu. Nó phản ánh một cách hoàn toàn rõ ràng về sinh hoạt thường nhật có tính đế vương và quá khứ nửa thuộc địa Trung Hoa đã được biểu tượng hóa một cách đầy quyền lực. Khung cảnh ngoạn mục tuyệt vời của đường ven sông Hoàng Phố, cũng  như sự biến đổi thành không gian công cộng để nghỉ ngơi giải trí cho nhân dân, là nơi hấp dẫn khách du lịch khác xa với chức năng tài chính ban đầu của nó. Đường ven sông Hoàng Phố đã trở thành đường phố lớn có tính biểu tượng, tạo ra hình ảnh không thể nào quên được về ký ức cho cả du khách và nhân dân địa phương.

Các cụm nhà cũ của Thượng Hải được gọi là “lộng đường”, là nhà ở tập thể có sân trong và tường bao bọc xung quanh. Được bố trí thành dãy, chúng dễ tiếp cận bằng những lối đi nhỏ nối liền với lối đi chính dẫn ra đường thông qua một cổng lưới thép. Kiến trúc lai tạp và mặt bằng sắp đặt tại các lộng đường là sự phản ánh đích thực của thành phố quốc tế và lối sống đang tiến hóa. Vào năm 1940 đại đa số dân cư Thượng Hải gần 3 triệu người kể cả phương Tây đã sống trong các lộng đường  và bây giờ được coi là những nhà ổ chuột. Trong khu đó là chỗ ở và làm việc cho công nhân không lành nghề và dân nông thôn mới chuyển ra thành thị, song đó chính là sản phẩm của Thượng Hải và thuộc về nhân dân Thượng Hải. Việc bảo tồn các không gian ký ức nêu trên tạo ra bản sắc địa phương của Thượng Hải.

          
         Trung tâm thành phố Kualalumpua, Malaysia với mô hình phát triển đô thị mới gắn với bảo tồn di sản

Hồng Kông (Trung Quốc): Hiệu ứng đảo nhiệt đô thị luôn là vấn đề được các thành phố quan tâm để có giải pháp giảm thiểu. Đối với thành phố có mật độ cao nhà chọc trời dày đặc như Hồng Kông thì vấn đề này càng bức xúc hơn, để giảm thiểu đảo nhiệt sinh ra do đô thị xây dựng trên đảo cần có nhiều giải pháp quy hoạch cụ thể:

Phân cách các tòa nhà nhằm nâng cao chất lượng khí lưu thông và môi trường dành cho người đi bộ.

Khoảng lùi tòa nhà áp dụng cho người đi bộ tiếp giáp với các đường phố hẹp cũng nhằm tăng chất lượng khí lưu thông và môi trường giành cho người đi bộ và để giảm hiệu ứng “hẻm phố sâu”.

Phủ xanh khu vực từ 20-30%, mang đến màu xanh cây cỏ cho các khu vực địa điểm khác nhau, nhằm tăng chất lượng môi trường cho không gian sống. Ngoài ra còn trồng cây gần khu người đi bộ mang lại tiện ích trên diện rộng và trồng cây tại nhiều địa điểm khác nhau tại các tầng trệt, các bậc thềm, mái nhà và các tầng khác.

Seoul (Hàn Quốc): Trước năm 1970 đa số dân cư sống ở phía bắc sông Hàn hạt nhân của nó là quận thương mại với diện tích 9,2km2 (chiếm 1,5% toàn bộ đất đai của thành phố Seoul) nó cũng là điểm tụ lại của các đầu mối giao thông tỏa ra các hướng. Để giảm tải khu vực trung tâm cũ, thành phố đã sớm ban hành Luật Quy hoạch và Luật Xây dựng cao ốc, trong đó hạn chế tới mức tối đa việc xây dựng cao ốc và nhà chọc trời ở khu vực trung tâm này. Quá trình đô thị hóa nhanh chóng phía Nam sông Hàn, dân cư bố trí được cân bằng hơn, và hình thành khu trung tâm khu vực phía Nam với những tổ hợp nhà cao tầng hiện đại và quy mô rất lớn. Tỷ lệ dân cư sống phía Nam sông Hàn từ 25% năm 1970 lên 42% năm 1981. Đường giao thông chiếm 15% đất đai. Để thành phố vượt sông Hàn, bắc qua sông Hàn là 13 cầu đường cao tốc và 4 cầu đường sắt, sẽ có đến trên 20 cầu trong tương lai theo quy hoạch.

Tokyo (Nhật Bản): Ở biên giới Tokyo, khu Shinbashi băng qua cầu Vồng  (Rainbow bridge) nối với Odaiba trước đây là vùng đất lấn biển, nay được lấp đầy xây dựng thành một trung tâm đô thị mới ven biển 448ha chỉ cách trung tâm thành phố 6km dự kiến có 63.000 cư dân. 

Mục đích của dự án này là biến đổi cấu trúc Tokyo từ một thủ đô chỉ có một trung tâm thành thủ đô đa trung tâm, tạo nên một trung tâm đô thị lý tưởng có khả năng đáp ứng nhu cầu tương lai về một xã hội theo hướng thông tin toàn cầu. Khu trung tâm mới Tokyo với cảnh quan mặt nước hấp dẫn. Trung tâm viễn thông Tokyo cho ta thấy cảnh quan cây xanh kết hợp với mặt nước mà ở đây mọi người có thể thưởng thức một cuộc sống thành thị lành mạnh và sinh động. Quảng trường và công viên tất cả đã góp phần phục vụ cho người dân sống ở đây, công nhân viên chức làm việc hàng ngày và khách vãng lai có một cuộc sống thú vị. Odaiba trung tâm đô thị mới đang phát triển, cạnh đó Tsukudajima và Tsukisama thuộc thời xa xưa. Hai bộ mặt cổ và kim này luôn hấp dẫn du khách tham quan trong vịnh Tokyo.

           
           Hồng Kông, Trung Quốc với hình ảnh rừng bê tông và hệu ứng đảo nhiệt đô thị

Singapore: Một quốc gia - thành phố với hệ thống quản lý đô thị tập trung cao độ, cả nước chỉ có một tổ chức chịu trách niệm về xét duyệt quy hoạch và đầu tư là Cơ quan phát triển đô thị. Tính tập trung, công khai và mục đích quy hoạch cùng với công tác kiểm soát và quản lý theo quy hoạch rõ ràng nên quản lý quy hoạch và kiến trúc ở Sigapore có hiệu quả. 

Singapore đã trở thành một thành phố kiểu mẫu (Model city) và được tổng kết thành 4 tiêu chí: Thành phố dễ dàng lui tới (An Accessible City); Thành phố thương mại (A Business City); Thành phố hấp dẫn (An Attractive City); Thành phố sống tốt (A City for Living). Tuy nhiên trong quá trình đô thị hoá Singapore đã “ phá sạch” các công trình cũ theo kiểu truyền thống nên mất đi bản sắc. Từ cuối những năm 1980, vấn đề giữ gìn bản sắc đô thị mới được đặc biệt chú ý. Nguyên tắc phổ biến vế bảo tồn các di sản kiến trúc đô thị Singapore lúc này chủ yếu là xây dựng mới theo hình thức cũ và bổ sung các chức năng mới theo hướng hiện đại.

Bảo tồn và phát triển các giá trị truyền thống, hình thức kiến trúc nhà ở và các di sản văn hóa có giá trị (đền chùa, thành quách, dinh, thự..). Khai thác các giá trị truyền thống tạo được thế mạnh trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ du lịch, đây là quan điểm bảo tồn quần cư truyền thống khá triệt để, có chọn lọc, thậm chí mang cả ý nghĩa giáo dục thông qua các tổ chức tham quan du lịch và bảo tồn.

Tại Singapore hàng loạt khu ở được xây dựng rất đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội và kỹ thuật, từ mạng lưới giao thông đến cấp thoát nước, cấp điện thông tin liên lạc, cây xanh và bảo vệ môi trường từ năm 1980. Nhiều khu ở của Singapore đã trở thành mẫu mực cho các đô thị về nhà ở và cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Nhiều hệ thống được xây dựng trước theo định hướng phát triển đáp ứng nhu cầu tương lai.

Kulua Lumpur (Malaysia): Tại Kulua Lumpur quy trình lập, xét duyệt và xây dựng các quy định kiểm soát phát triển đô thị không khác nhiều so với các nước khác. Sự khác nhau chủ yếu ở đây là ở hệ thống xét duyệt đầu tư xây dựng. Nếu như Singapore có đặc điểm tập trung cao độ thì Kulua Lumpur là hệ thống các Ban hoặc Ủy ban trên cơ sở phân cấp, phân quyền quản lý. Hệ thống các Ban này làm việc theo nguyên tắc phối hợp tập thể trước khi ra quyết định đầu tư phát triển đô thị. Mô hình quản lý của Kulua Lumpur thể hiện tính dân chủ trong các quyết định. Mô hình này chỉ thực sự hoạt động có hiệu quả khi các thành viên trong hội đồng làm việc công tâm và trên các nguyên tắc quy định chặt chẽ. Trong lĩnh vực phát triển đô thị thành công cần được nhấn mạnh trong trường hợp Kulua Lumpur là vấn đề bảo tồn và phát triển làng trong đô thị với cấu trúc đô thị hiện đại.

Jakarta và Surabaya (Indonesia): Ở các thành phố lớn như Jakarta  hay Surabaya, cải tạo nâng cấp và xây dựng mới hệ thống kỹ thuật hạ tầng cho các Kampung đã thực sự thành công của chính cộng đồng dân cư ở đó. Chương trình cải tạo Kampung được hình thành bắt đầu vào năm 1990 tại thành phố Surabaya thành phố lớn thứ hai của Indonesia với số dân khoảng 3 triệu người. Chương trình cải tạo Kampung bao gồm nâng cấp các đường phố, các hẻm nhỏ, hệ thống cấp thoát nước, các điều kiện vệ sinh và quản lý rác thải... có sự phối hợp giữa cộng đồng dân cư và chính quyền qua 3 phương thức: Các dự án do người dân đóng góp tự thực hiện; Các dự án có sự hỗ trợ một phần của chính quyền; Các dự án được chính quyền địa phương và trung ương tài trợ cùng khoản viện trợ của Ngân hàng Thế giới (WB).

Manila (Philippine): vùng đô thị Manila được xem là khu vực ô nhiễm nặng nhất thế giới. Khí thải từ các phương tiện vận tải là nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm. Gần 50% các phương tiện vận chuyển có đăng ký trên toàn quốc tập trung ở Manila. Mặt khác việc xả rác tùy tiện và chất thải công nghiệp cũng làm cho nguồn nước ô nhiễm tới mức báo động.

Trong các loại ô nhiễm không khí chủ yếu, các vấn đề phóng xạ được xác định là gây nhiều hậu quả tai hại nhất. Độ nhiễm chì trong không khí cao (trên 10mg/m3) là vấn đề rất nghiêm trọng. Rất khó khắc phục mức ô nhiễm không khí nhất là nguyên do từ các phương tiện vận tải gây nên. Sau nữa là lượng khí thải từ các xí nghiệp, nhà máy điện cũng góp phần gây ô nhiễm càng gia tăng.

Tình trạng không thể xử lý nước ô nhiễm của vùng đô thị Manila là do 80% vùng đô thị vẫn chưa có hệ thống thoát nước. Ước tính hàng ngày có khoảng 85% trong số 500 tấn thải rắn được thu gom, nhưng 15% còn lại thì chủ yếu là thải vào nước. Hơn nữa chỉ có 15% hộ dân ở Manila sử dụng hệ thống thoát nước. Phần còn lại là thải nước vào các thùng nước hôi thối và thải vào các giòng sông, các con rạch.

Các hệ thống thải rác ở vùng đô thị cũng có ảnh hưởng trực tiếp đến ô nhiễm đất. Bên cạnh vấn đề lượng rác thải cần thu gom ngày càng tăng, một vấn đề khác là không có đủ các khu tập trung rác thích hợp.

         
        Mô hình Singapore xây dựng  mới theo hình thức cũ và bổ sung các chức năng mới theo hướng hiện đại

Bangkok (Thái Lan): Thách thức quan trọng đối với việc quản lý đô thị tốt ở Bangkok là tốc đô đô thị hóa và dân số tại Bangkok tăng nhanh. Bangkok đang trở thành siêu đô thị trên 10 triệu dân. Việc mở rộng thành phố đang làm cho ranh giới của Bangkok không còn rõ ràng nữa, không thể tách biệt các tỉnh lân cận với Bangkok. Tình hình giao thông, nhập cư đô thị, ô nhiễm môi trường ngày càng tồi tệ, phương tiện giao thông công cộng nghèo nàn, và lụt lội theo mùa là vấn đề diễn ra trên quy mô lớn, đang trở nên ngày càng phức tạp và vượt quá khả năng quản lý của chính quyền thủ đô Bangkok. Vấn đề chính quyền địa phương đáp ứng những nhu cầu và áp lực ngày càng gia tăng ra sao, nhằm quản lý tốt hậu quả của quá trỉnh đô thị nhanh là vấn đề bức xúc đang được đặt ra.

 

Colombo (Srilanka): Chính quyền thành phố Colombo ngày càng nhận rõ vai trò của người dân trong nâng cấp các khu định cư và bắt đầu hỗ trợ người dân xây hoặc nâng cấp ngôi nhà thay vì xây sẵn nhà cho họ. Tổ chức Quốc gia về Phát triển nhà đã sọan thảo ra những hướng dẫn về sự tham gia của người dân ở mức độ địa phương trong các tiểu chương trình nhà ở thuộc Chương trình “Triệu căn nhà”. Những hướng dẫn này cho biết làm thế nào để có thể thiết lập được những yêu cầu hỗ trợ ở mức địa phương và cộng đồng. Tổ chức Quốc gia về Phát triển nhà góp phần chủ động trong các hội thảo và gặp gỡ những nhóm mục tiêu và không có những quan điểm áp đặt của chính quyền, nó  đóng vai trò tác nhân trong nâng cấp các khu định cư ở địa phương.

Kinh nghiệm châu Á rất đa dạng, phong phú và gần gũi với Việt Nam. Cần tham khảo có chọn lọc để xây dựng định hướng PTĐTBV ở nước ta.


Nguyễn Đăng Sơn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và phát triển Hạ tầng

Theo Tạp Chí Kiến Trúc Việt Nam

  • Tags