0971.659.624 thuvienxaydungvn@gmail.com
Quảng trường trong quy hoạch xây dựng đô thị
Quảng trường là bộ mặt, là biểu tượng và là nơi thể hiện các giá trị thiêng liên, gợi mang những dấu ấn lịch sử trọng đại, hào hùng của một dân tộc, có vị trí quan trọng trong đời sống chính trị, văn hóa và tinh thần của một quốc gia.

            Quảng trường đô thị là một khoảng không gian rộng và tương đối bằng phẳng được giới hạn bởi các công trình kiến trúc, xây dựng… hoặc bởi các điều kiện địa hình tự nhiên.

            Quảng trường là điểm đến, điểm xuất phát của nhiều tuyến đường giao thông. Trong quá trình phát triển đô thị, quảng trường là nơi tổ chức các hoạt động công cộng như mít tinh, diễu binh, diễu hành quân chủng nhân các ngày lễ lớn, các hoạt động về văn hóa xã hội với các quy mô khác nhau đồng thời quảng trường cũng là nơi tập trung các công trình văn hóa, hành chính, thương mại… với các hình thức, kiểu dáng kiến trúc phong phú và bố cục đa dạng.

            Quảng trường là bộ mặt, là biểu tượng và là nơi thể hiện các giá trị thiêng liên, gợi mang những dấu ấn lịch sử trọng đại, hào hùng của một dân tộc, có vị trí quan trọng trong đời sống chính trị, văn hóa  và tinh thần của một quốc gia.

            Thành công của việc xây dựng quảng trường đó là sự kết hợp hài hòa giữa các công trình kiến trúc, nghệ thuật, kỹ thuật với nhau và tổ chức trong một không gian công cộng được quy hoạch một cách hợp lý của đô thị.

            Trên thế giới, tại nhiều nước khi quy hoạch xây dựng cho đô thị việc xác định vị trí, quy mô, hình thức, tổ chức không gian và bố trí kiến trúc cảnh quan quảng trường được các nhà quy hoạch – kiến trúc nghiên cứu một cách nghiêm túc, công phu và khá bài bản. Bài viết khái quát về quy hoạch và xây dựng quảng trường tại một số đô thị lớn trên thế giới và ở Việt Nam như sau:

red_sq.jpg            Khi nói đến nước Nga người ta nghĩ ngay đến quảng trường Đỏ. Vị trí quảng trường được đặt giữa trung tâm của thành phố Moska. Quảng trường Đỏ có quy mô khoảng 5ha (kích thước 130x382m) đây là một quảng trường công cộng lớn, là nơi tổ chức các cuộc mít tinh, duyệt binh, diễu hành nhân các ngày lễ lớn trong năm, là nơi đón giao thừa bước sang năm mới… xung quanh quảng trường là những công trình kiến trúc tầm cỡ thế giới như Lăng Lênin, Mộ người chiến sĩ vô danh, quần thể điện Kremlin cổ kính (một công trình kiến trúc cổ xưa nhất của Moskva), nhà thờ Vasili Blazhui được xây dựng vào những năm 1955 – 1960.

            Quảng trường Đỏ là nơi hội tụ đầy đủ các giá trị văn hóa và lịch sử của nhiều thời đại của thế giới nói chung và của nước Nga nói riêng. Thành phố Xanh Petecpua có quảng trường trung tâm thành phố được quy hoạch ngoài 4 đường hình chữ thập cắt nhau còn có 4 đường chéo hình thành một hệ giao thông với 8 đường chính. Quảng trường cung điện mùa đông được thiết kế theo hình bán nguyệt, một bên là Cung điện Mùa đông lộng lẫy và một bên là tòa nhà Tổng hành dinh đồ sộ.

            Thủ đô Paris của nước Pháp có rất nhiều quảng trường. Mỗi một quảng trường đều gắn với những giai đoạn lịch sử nhất định hoặc gắn với những công trình văn hóa – chính những quảng trường này đã làm cho thành phố có những nét rất đặc trưng riêng:

            Quảng trường Charles-de Gaule: Quảng trường được xây dựng vào năm 1806 dưới thời Napoleon hoàn tất vào năm 1836 là nơi hội tụ của 12 đại lộ lớn. Giữa quảng trường là một hòn đảo lớn có bán kính lớn với Khải Hoàn Môn hùng vĩ và bề thế - xung quanh là các công trình kiến trúc mặt tiền uốn tròn kết hợp với các dải cây xanh lớn.

            Quảng trường Concorde: Được xây dựng khoảng giữa năm 1757 và 1779. Hiện tạo ở giữa quảng trường nổi bật hình tháp Ai Cập bên đền thờ Louxor.

            Quảng trường Cộng hòa: Quảng trường được xây dựng vào năm 1854, đây là quảng trường hình chữ nhật rộng lớn. Giữa quảng trường là đài kỷ niệm có bức tường Republic đặt trên một bệ được trang trí bức phù điêu bằng đồng.

            Quảng trường Des Rosges có chiều dài mỗi chiều 107m khép kín bởi 36 ngôi nhà cổ, giữa quảng trường là bức tượng  Vua Louis XIII cưỡi ngựa bằng đá hoa cương

            Thủ đô Bắc Kinh – Trung Quốc: Trung tâm thủ đô Bắc Kinh là Thiên An Môn (đây là biểu tượng của Bắc Kinh). Quảng trường Thiên An Môn, còn gọi là Quảng trường Nhân dân là trái tim của nước Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa, nơi đã chứng kiến nhiều biến cố lịch sử. Quảng trường rộng khoảng 50ha có sức chứa 0,5 triệu người. Xung quanh quảng trường là những công trình kiến trúc quốc gia tiêu biểu: Đại lệ đường nhân dân, Nhà bảo tàng lịch sử, Cổng Thiên An Môn, Nhà tưởng niệm Mao Trạch Đông, Nhà hát Quốc gia… Quảng trường là nơi du ngoạn và hoạt động nghỉ ngơi của nhân dân ngoài giờ làm việc và hoạt động thường xuyên và nhộn nhịp của khách du lịch. Ngoài ra còn phải kể đến quảng trường Đông Phương chiếm trọn cả khu giao nhau giữa đại lộ lớn Vương phủ tỉnh và trục trung tâm đô thị Tràng An – Đây là một quần thể kiến trúc tổng hợp với khu nhà Văn phòng và trung tâm Thương mại.

            Thủ đô Madrit – Tây Ban Nha: là một thành phố có nhiều quảng trường. Các quảng trường thường có đồng hồ, tháp, pho tượng, bên dưới là các suối nước phun, vườn hoa. Trong đó quảng trường Côlômbô là nơi sầm uất nhất thành phố. Phía Tây quảng trường là một thành phố cổ được xây dựng vào thế kỷ XX với các đường phố rộng, xung quanh là các tòa nhà chọc trời nằm sát nhau. Trung tâm quảng trường là bia kỉ niệm nhà hàng hải Colombo được xây dựng bằng đá cẩm thạch, bên dưới quảng trường (dưới mặt đất) là Cung nghệ thuật bao gồm: nhà hát kịch, rạp chiếu phim, thư viện, khu vui chơi của thiếu nhi.

            Tại Rome – Thủ đô của Italia mỗi quảng trường là một tổng thể kiến trúc và mỹ thuật khác nhau. Hầu hết quảng trường đều có tượng đài, vòi phun nước, đường sá rộng rãi, các kiến trúc xung quanh hài hòa và những nơi thưởng ngoạn mỹ thuật, âm nhạc cho công chúng. Quảng trường thánh Pheerro được xây dựng vào các năm 1656-1667 là một trong những quảng trường đẹp nhất thế giới, rộng mênh mông hình bầu dục dài 340m rộng 240m hay Quảng trường Capitol lại có dạng hình thang với cạnh dài và ngắn khoảng 40-60m; sâu 70m. Quảng trường Roma: Là nơi hội họp của nhân dân được bắt đầu xây dựng vào thế kỷ VI Tr.CN và là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và tôn giáo. Xung quanh quảng trường các công trình kiến trúc được xây dựng.

            Hà Nội– Việt  Nam có nhiều quảng trường nhưng phần lớn có quy mô vừa và nhỏ có thể điểm qua một vài quảng trường nổi tiếng như sau:

            Quảng trường Ba Đình: Là quảng trường chính của đô thị có dạng hình chữ nhật. Lễ đài là một phần Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trướng lăng là đường Hùng Vương và bãi cỏ. Kích thước quảng trường là 190x380m với diện tích khoảng 7,2ha. Quảng trường Ba Đình là nơi Đảng và Nhà nước tổ chức các cuộc mít tinh quần chúng, diễu binh, diễu hành nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc. Tại quảng trường này cách đây 50 năm Hồ Chủ tịch đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa:

            Quảng trường 1-5: là quảng trường giao thông gắn với mặt tiền của Cung Văn hóa Hữu Nghị

            Quảng trường Cách mạng tháng tám là quảng trường trung tâm đô thị gắn với Nhà hát lớn Thành phố. Gắn với lịch sử cách mạng của Thủ đô Hà Nội

            Ngoài các quảng trường trên, Hà Nội có một số quảng trường giao thông khác như: Quảng trường Cửa Nam; Ga Hà Nội: Ngã 5 Bà Triệu; Ô Chợ Dừa… nhưng hầu hết có quy mô nhỏ dưới 1 ha.

            Qua nghiên cứu về quy hoạch và xây dựng các quảng trường cho thấy:

            1. Quảng trường của nhiều đô thị lớn được coi là bộ mặt, biểu tượng cho các đô thị này. Số lượng, vị trí, quy mô và tổ chức không gian của nhiều quảng trường được nghiên cứu ngay khi lập quy hoạch ví dụ trong các quy hoạch xây dựng Tp Moskva, Xanh Petecpua: Bắc Kinh, Rome, Paris, Luân Đôn… sau này được chỉ đạo xây dựng theo quy hoạch. Không gian và chức năng của quảng trường đa dạng nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt phong phú của con người. Không gian của quảng trường vừa mang tính động lại vừa tĩnh.

            2. Vị trí của các quảng trường phần lớn thường là các đầu mối giao thông quan trọng nơi giao cắt của nhiều trục đường, đại lộ lớn hay trước các công trình kiến trúc như tòa thị chính, cung điện, bảo tàng, nhà hát, nhà văn phòng hay trung tâm thương mại…

            3. Tùy theo mục đích sử dụng, chức năng, nhiệm vụ mà người ta có thể phân loại quảng trường trong đô thị thành các loại như sau: Quảng trường chính đô thị quảng trường trước các công trình công cộng, quảng trường văn hóa, quảng trường tôn giáo, quảng trường thương mại, quảng trường giao thông…

            Tuy nhiên đối với quy hoạch xây dựng đô thị thì phần lớn quảng trường được phân thành 3 loại chủ yếu như sau:

+Quảng trường chính đô thị: Đây là nơi tập trung chủ yếu hoạt động sinh hoạt về chính trị, văn hóa và xã hội của đô thị. Quảng trường chính là nơi tổ chức các hoạt động mang tính lễ nghi, lễ hội như mít tinh, diễu binh, diễu hành… của các tầng lớp nhân dân. Quy mô, hình dạng và kích thước của quảng trường phụ thuộc vào tính chất và quy mô đô thị.

+ Quảng trường trước các công trình công cộng: Thông thường trước các công trình công cộng lớn như: Nhà hát, nhà thờ, bảo tàng, cung văn hóa, nhà triển lãm, sân vận động, nhà ga, sân bay, bến cảng… người ta bố trí xây dựng quảng trường rộng lớn, vừa góp phần tôn cao vẻ đẹp công trình kiến trúc vừa tạo nên sự hài hòa giữa công trình kiến trúc với cảnh quan môi trường xung quanh.

+ Quảng trường giao thông: Được hình thành ở những nơi giao nhau của các tuyến đường giao thông. Chức năng chính là để phân bố các luồng giao thông ở chỗ giao nhau một cách hợp lý nhằm đảm bảo giao thông thông suốt, thuận tiện và an toàn. Quy mô, hình dạng và kích thước của quảng trường được quyết định bởi việc tổ chức các tuyến và luồng giao thông, các giải pháp quy hoạch giao thông cũng như quy hoạch tổ chức không gian đô thị.

            4. Hình dạng và quy mô quảng trường: Phần lớn có hình dáng hình học thường là hình chữ nhật, hình thang, hình vuông, hình elip… Tỷ lệ các cạnh của quảng trường hình chữ nhật (rộng : dài) là 2:3. 1:2, 3:4, 4:5… mặt chính của quảng trường thường năm trên cạnh dài để thuận lợi bố trí các công trình kiến trúc chính. Ngoài những quảng trường có dạng hình học hoàn chỉnh thì cũng có nhiều quảng trường có hình dạng kết hợp hình chữ nhật và hình bán nguyệt, hình bầu dục, hình thang, giữa hình chữ nhật và parabol. Tùy theo quy mô của đô thị, mục đích sử dụng và loại quảng trường mà mỗi quảng trường có quy mô khác nhau.         

            Kết luận:

            Quảng trường đóng vai trò quan trọng trong đời sống chính trị, văn hóa… của mỗi đô thị. Khi tiến hành quy hoạch chung xây dựng cho mỗi đô thị cần xác định số lượng, vị trí, hình thức, quy mô của quảng trường đặc biệt là quảng trường chính đô thị, quảng trưởng giao thông đô thị. Quy hoạch và thiết kế quảng trường kết hợp với tổ chức không gian đô thị hợp lý góp phần tạo nên một diện mạo hoàn chỉnh hơn về kiến trúc cảnh quan đô thị.

                                                                                                                                                            PGS.TS. Nguyễn Hồng Tiến

Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật