0971.659.624 thuvienxaydungvn@gmail.com
Quy hoạch Hà Nội, một cơ hội để làm lại
Trải qua thời gian, nhiều di sản kiến trúc của Hà Nội đã mai một vì biến động thời cuộc và sự vô cảm của con người. Ngày nay, việc xây dựng quy hoạch mới là một cơ hội để chúng ta cứu vãn những gì còn lại, và xây dựng một nền tảng văn hóa cốt lõi cho thế hệ mai sau.

Ba điều may mắn

Những ai đã từng đặt chân đến Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, nếu có dịp tới thăm Bảo tàng Mỹ thuật Singapore, sẽ không khỏi lấy làm tiếc cho bảo tàng của nước bạn và thấy rằng Việt Nam thật may mắn. Cùng được cải tạo từ các công trình thuộc địa do người Pháp để lại, nhưng bảo tàng của Singapore bị lạc lõng trong một không gian đô thị nhạt nhẽo, lọt thỏm giữa những nhà công trình vượt trội chiều cao nhưng đường nét kiến trúc khá tầm thường. Xét từ bên ngoài nhìn vào, một công trình văn hóa tầm quốc gia như vậy coi như đã bị bức tử.


Bảo tàng Mỹ thuật Singapore

Ngược lại, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có một vị trí vô cùng đắc địa, khi nhìn ngay sang đối diện bên kia đường là khuôn viên cổ kính tuyệt đẹp của Văn Miếu.

Hai công trình văn hóa khi đặt cạnh nhau phản chiếu nhau một cách tự nhiên, hình thành mối quan hệ đăng đối vô hình, làm tôn giá trị của nhau lên. Hãy hình dung Văn Miếu khi không có Bảo tàng Mỹ thuật đứng cạnh, thì sẽ bị bức tử bởi một mớ hỗn độn các cửa hiệu, ngân hàng, và nhà ở dân sinh. Ngược lại, nếu đặt Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ở một ví trí khác, dù có là giữa một không gian lý tưởng với quần thể hàng trăm các công trình văn hóa đặc sắc nào đó, thì cũng không thể so với khi đứng cạnh Văn Miếu – công trình mang trong nó sức nặng từ hàng nghìn năm văn hiến của người Việt.


Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam


Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Ở đây, người Việt có ba cái may mắn. Thứ nhất là đất nước ta có một lịch sử và nền văn hiến lâu dài. Thứ hai, lịch sử và nền văn hiến ấy tới nay vẫn còn lại những di sản kiến trúc quý báu. Thứ ba, những người lãnh đạo trong thế kỷ trước đã quyết định sáng suốt trong việc đặt Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam bên cạnh Văn Miếu.

Lịch sử đang mai một

Ở những cộng đồng có nền văn hóa phát triển, con người có đủ trình độ thẩm mỹ để nhìn nhận các công trình kiến trúc trên cả hai trục không gian và thời gian. Cảm quan lịch sử sâu sắc giúp họ có ý thức trân trọng bảo tồn những công trình mà quá khứ để lại.

Trong thiết kế, quy hoạch, những nền văn hóa phát triển là nơi biết phối hợp hài hòa giữa cái cũ và cái mới, tránh để cho cái cũ bị cái mới xâm lăng. Khi người Pháp xây một trạm bơm gần khu vực lăng tẩm Huế, họ đã rất cẩn trọng, công phu đưa vào công trình thuần túy kỹ thuật này những hoa văn, họa tiết, để đảm bảo tương quan hài hòa với các công trình cổ lân cận.

Trong xây dựng, họ biết lựa chọn tinh tế những chất liệu xây dựng phù hợp để giúp diện mạo công trình luôn được duy trì hài hòa theo những biến động ngoại cảnh của thời gian. Những bức tường mộc mạc phong sương trên những ngôi nhà cổ, dù là của người Ý, người Pháp, người Inca, hay người Tây Tạng, không chỉ ẩn chứa giá trị lịch sử cô đọng, mà còn hút hồn du khách tham quan, đem lại giá trị kinh tế không nhỏ cho những xứ sở này. 

Trong trường hợp này, những ai vô cảm với lịch sử sẽ không ý thức được ba điều may mắn trên đây. Khi nhìn vào một quần thể hay một công trình kiến trúc nào đó, nếu bỏ qua yếu tố lịch sử công trình, thì người ta sẽ chẳng thấy gì ngoài hình khối, đường nét, màu sắc, chất liệu bề mặt. Những yếu tố thuần túy về không gian này sẽ chỉ được thấy trong trạng thái hiện tại, không còn bất cứ mối gắn kết nào với quá khứ hay tương lai. Điều này làm xóa bỏ gần như hoàn toàn giá trị của công trình, Văn Miếu trở nên không khác là mấy so với một cái đình lớn, còn Quảng trường Ba Đình thì trở nên na ná như một sân vận động.

Ở Việt Nam, thiếu cảm quan lịch sử là một hiện tượng phổ biến. Với nhãn quan hời hợt, người ta chỉ nhìn thấy sự phôi pha cũ nát trên những di tích cổ là nhếch nhác, đáng phải thay thế, mà đâu thấy rằng ẩn sau lớp vỏ thời gian vô hình là vẻ đẹp từ nội lực công trình đã đứng vững qua những thăng trầm, biến động của thời cuộc.

Vì thiếu ý thức nên đa số các hoạt động duy tu đều chắp vá, không tôn trọng một trong hai nguyên tắc cơ bản khi xử lý các công trình cổ: hoặc là làm cho nó có diện mạo giống như khi vừa được xây; hoặc là chỉ làm chậm lại tối đa quá trình biến đổi tự nhiên theo thời gian của công trình.

Vậy nên, ngay giữa khu phố cổ Hà Nội ồ ạt rộ lên phong trào ốp đá granit và các vật liệu công nghiệp. Những thứ vật liệu này trải qua thời gian không tránh khỏi xỉn màu, xuống sắc, nhưng không thể nào có được vẻ phong sương thâm trầm của những di tích cổ. Nhưng chẳng sao, ai có tiền thì lại tiếp tục dỡ ra, làm mới từ đầu. Hệ lụy là những công trình cổ bị thay thế dần bằng là những công trình mới có, cũ có, nhưng tuyệt nhiên không có dấu ấn gì đặc sắc để biểu hiện cho thời gian, càng không có gì để gọi là hồn cốt của lịch sử. Ngay cả các chùa chiền cũng thay áo, lòe loẹt nước sơn công nghiệp. Có nơi còn dỡ đi ngói chùa tự nhiên, thay bằng mái tôn giả ngói.

Các cấp chính quyền chắc chắn biết về những hiện tượng này nhưng làm ngơ vì chính họ cũng hoàn toàn thiếu ý thức, mà có lẽ đúng hơn là thiếu trình độ. Điển hình nhất là việc người ta tân trang tháp nước Hàng Đậu, bằng cách trát vữa lên nguyên gốc mặt tường đá, tạo ra một bề mặt mới vừa không trung thành với nguyên bản, vừa xấu về thẩm mỹ. Một ví dụ điển hình khác là cách đối xử với di tích Hội Khai trí Tiến Đức, công trình lịch sử gắn bó những người trí thức Hà Nội một thời. Ngày nay, người ta biến di tích này thành cửa hàng ăn uống, phía đối diện thì cho phép dựng nên một cửa hàng với tên gọi không hề phù hợp chút nào: Playboy.

Phải chăng là chúng ta đang cố gắng trở nên giống với Singapore, một đất nước – thành phố hào nhoáng nhưng thiếu vắng giá trị lịch sử.  

Quy hoạch Hà Nội, một cơ hội để làm lại

Người Mỹ có tầm nhìn xa trông rộng hơn nhiều dân tộc khác khi quy hoạch cho thủ đô Washington DC của họ thành một khu trung tâm văn hóa đậm đặc, trong đó có sự kết hợp hài hòa giữa tòa nhà Quốc hội Capitol Hill, hệ thống Bảo tàng Smithsonions, với các công trình kỷ niệm danh nhân lịch sử. Các thế hệ người Mỹ đều có quyền tự hào về quần thể hùng vĩ này, nơi tập trung quyền lực chính trị đại diện cho người dân cũng là nơi dựng nên những di tích lịch sử để trân trọng tưởng nhớ những vị anh hùng lập quốc, đồng thời cũng lại là nơi nâng niu bảo tồn những giá trị tinh hoa của nhân loại.


Tòa nhà Quốc hội Capitol Hill (Mỹ)

  • Ảnh bên: Mô hình nhà Quốc hội mới của Việt Nam

Đa số các thủ đô khác trên thế giới không thể làm được như Washington DC. Có thể vì khi làm quy hoạch, họ không có được tầm nhìn xa như người Mỹ. Hoặc cũng có thể là họ không can đảm, không dám vượt qua những hạn chế, khó khăn về kinh tế xã hội trong nhất thời để đổi lấy cái sang trọng về văn hóa trong lâu dài. Để tới khi đất nước đã giàu mạnh về kinh tế, muốn sang trọng về văn hóa thì đã quá muộn, lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan. Trường hợp Bảo tàng Mỹ thuật Singapore là một ví dụ đặc thù.

Ngày nay, người Hà Nội chắc chắn vẫn đang có hai điều may mắn hơn người Singapore. Chúng ta có lịch sử lâu đời, và lịch sử đó vẫn còn để lại những di sản vô giá (dù con người đã vô cảm đánh mất đi rất nhiều). Để quy hoạch thủ đô một cách đúng đắn như người Mỹ, chúng ta chỉ cần có thêm điều may mắn thứ ba: những người lãnh đạo sáng suốt và có năng lực. Họ sẽ phải có trách nhiệm đặt ra những tiêu chuẩn cần thiết cho công tác bảo tồn di sản, và đảm bảo những công trình mới tôn trọng và hài hòa với các công trình cũ.

Hướng tới một quần thể kiến trúc làm trung tâm văn hóa

Trong quá khứ, Nhà nước đã sáng suốt khi đặt Bảo tàng Mỹ thuật cạnh Văn Miếu. Ngày nay, chúng ta có thể làm được hơn thế rất nhiều. Có thể mở rộng quần thể này thành một trung tâm văn hóa của Hà Nội. Ở đây có thể thấy ngay hai lợi thế rất lớn.

Thứ nhất, nếu kết nối được quần thể Nhà Quốc Hội, nền cung điện Lý – Trần, Quảng trường Ba Đình, Lăng Bác, Chùa Một Cột, Thành cổ Hà Nội với quần thể Lăng Miếu và Bảo tàng Mỹ thuật, thì sẽ tạo thành một cụm không gian văn hóa vô cùng giá trị, hội tụ được các yếu tố tinh hoa về lịch sử, chính trị, nghệ thuật (có thể bổ sung thêm cả khoa học nếu xây dựng một bảo tàng khoa học trong quần thể này). 

Thứ hai, việc kết nối này hoàn toàn trong tầm tay những người quản lý và hoạch định. Thay vì phải di dời, đền bù tốn kém cho những cụm dân cư, việc kết nối này chỉ liên quan tới việc thu hồi đất một số cơ quan Nhà nước. Không khó để chúng ta thay thế cụm cơ quan này bằng những chức năng sử dụng mới, như các bảo tàng hoặc vườn tượng danh nhân; trên cơ sở bảo tồn tối đa các công trình thời Pháp thuộc trong khu vực này.

Nếu làm được như vậy, diện mạo văn hóa của Hà Nội sẽ được nâng lên một tầm vóc mới. Quần thể kiến trúc trung tâm sẽ là một biểu tượng thường trực trong tâm thức người Việt, nhắc nhở chúng ta bảo tồn truyền thống quý báu, và trân trọng hướng tới những giá trị văn hóa tinh túy cốt lõi.

Phạm Trần Lê

Nguồn tin: Tia Sáng