0971.659.624 thuvienxaydungvn@gmail.com
Quy hoạch và sự tham gia của cộng đồng
Sự tham gia của cộng đồng trong quá trình hoạch định chính sách và chương trình phát triển, đặc biệt trong quá trình quy hoạch đóng vai trò quan trọng trong việc cải tiến quy trình quy hoạch, nâng cao chất lượng đồ án và giảm sự khoảng cách giữa quy hoạch trên giấy và thực tế cuộc sống.

Sự tham gia của cộng đồng trong quá trình hoạch định chính sách và chương trình phát triển, đặc biệt trong quá trình quy hoạch đã được thực hiện trong nhiều thập kỷ tại các nước phát triển.  Nhiều nước đang phát triển bằng nhiều biện pháp tiếp cận khác nhau đã có những tiến bộ nhất định trong việc sử dụng hay huy động sự tham gia của cộng đồng vào quá trình quy hoạch như Thái Lan, Indonesia, Ghana, Etiopia…

   Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy việc phát triển hay huy động sự tham gia của cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc cải tiến quy trình quy hoạch, nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch đặc biệt rút ngắn sự cách biệt giữa quy hoạch từ “trên xuống” (Top-down) hay “trên giấy” với thực tế cuộc sống. Hay nói một cách khác, các đồ án quy hoạch mang tính khả thi cao, hạn chế một phần những ý muốn chủ quan và áp đặt chủ ý. Ngày nay, sự tham gia của cộng đồng được thể hiện như là một định hướng quan trọng của sự phát triển môi trường bền vững mà trong đó con người là trung tâm của sự phát triển.

   Ngoài ra, việc khai thác các nguồn hỗ trợ từ cộng đồng thông qua sự tham gia của họ sẽ giảm bớt những chi phí không cần thiết đồng thời nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong việc thực hiện các đồ án quy hoạch và thực hiện còn tương đối mới đối với các nhà quy hoạch ở Việt Nam hiện nay, vì vậy vấn đề này cần phải được đầu tư nghiên cứu. Bài viết này chỉ là ề cập bước đầu.

   Các hình thức huy động sự tham gia của cộng đồng

   Hiệu quả của việc tham gia của cộng đồng phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Trình độ tổ chức, năng lực của các nhà quy hoạch, sự hiểu biết về cộng đồng, hình thức tổ chức và hình thức huy động

   1. Muốn hiểu biết về cộng đồng trước tiên cần phải phân tích về cộng đồng dựa trên một số khía cạnh

   + Đặc điểm của cộng đồng – người tham gia như: số lượng, đặc điểm xã hội (tôn giáo, dân tộc), trình độ năng lực.

   + Những mối quan tâm và mong muốn của cộng đồng;

   + Những tiềm năng và nguồn lực;

   + Những vấn đề của cộng đồng.

   Cuối cùng là khả năng tham gia đóng góp cho dự an. Hiểu được họ, chúng ta sẽ có các hình thức huy động họ tham gia một cách hợp lý.

   2. Hình thức huy động cộng đồng tham gia vào quá trình quy hoạch

   Theo kinh nghiệm nhiều nước, hình thức để huy động sự tham gia của cộng đồng rất đa dạng. Mỗi loại đều có những thuận lợi và không thuận lợi của chúng. Chúng có thể bao gồm:

   a) Sử dụng hệ thống thông tin đại chúng (Báo đài, vô tuyến truyền hình): Đây là hình thức phổ biến với lượng thông tin lớn, nhanh đến với mọi tầng lớp dân cư trên một địa bàn rộng. Hình thức này phát huy tối đa kỹ thuật hiện đại của các phương tiện thông tin. Tuy nhiên đây chỉ là thông tin một chiều, sự hiểu biết, tiếp nhận thông tin tùy thuộc vào trình độ và sự quan tâm của dân cư cộng đồng.

   b) Triển lãm (như Văn phòng KTST Hà Nội và một số QH chi tiết của Thủ đô năm 1994): Đây là hình thức triển lãm, trưng bày các đồ án, dự án quy hoạch nói chung (đã được phê duyệt hay đang trong giai đoạn nghiên cứu). Qua các bản vẽ, tài liệu trưng bày và được giới thiệu các tầng lớp nhân dân biết về các quy hoạch đã được phê duyệt hoặc đang được chuẩn bị: khu vực nào đang được xem xét khu vực nào đang có biến động và dự kiến chuyển đổi chức năng sử dụng… Tuy nhiên để hiểu được toàn bộ vấn đề trên còn phụ thuộc vào trình độ nhận thức của mọi người, việc tổ chức tương đối tốn kém và tốn thời gian.

   c) Hội thảo, hội nghị ý kiến: Hình thức này được tổ chức với thành phần tham gia chủ yếu là các nhà chuyên môn, đại diện các tổ chức cộng đồng với cơ quan làm công tác quy hoạch hoặc quản lý xây dựng. Hình thức này cho phép việc trao đổi ý kiến rộng rãi, thảo luận dân chủ mặc dù sẽ có những quan điểm khác nhau và không phải ai cũng đồng ý với các bản quy hoạch dự kiến. Tuy nhiên việc lựa chọn hình thức này có những mặt hạn chế như: lựa chọn thành phần tham gia, thời gian thích hợp, địa điểm tổ chức…

   Ngoài ra có thể sử dụng các hình thức này hay hình thưc khác tùy thuộc vào loại đồ án quy hoạch, mục đích và trình độ tổ chức triển khai của các cơ quan quy hoạch hay quản lý. Sự tham gia ý kiến của cộng đồng – dân cư trong các hình thức trên sẽ được tổng hợp, phân tích, nghiên cứu để bổ sung vào các đồ án QH một cách hợp lý và phù hợp.

   Kết luận

   Vai trò của sự tham gia cộng đồng trong quá trình quy hoạch và thực hiện các dự án cực kỳ hữu ích. Việc tham gia ý kiến của cộng đồng cần được xem xét như một đóng góp tích cực vào quá trình lập quy hoạch xây dựng đặc biệt quy hoạch chi tiết. Có rất nhiều hình thức huy động sự tham gia của cộng đồng, một vấn đề đặt ra là chúng ta có sử dụng nó hay không. Mặt khác, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quy hoạch – cơ quan quản lý xây dựng – chính quyền cơ sở và cộng đồng dân cư là một trong những yếu tố thực hiện thành công của các dự án quy hoạch. Tuy nhiên cho đến nay chúng ta vẫn chưa có một nghiên cứu đầy đủ về vấn đề này cũng như chưa có một quá trình nào mà thông qua đó sự tham gia của cộng đồng có thể được thể chế hóa. Bài viết này chỉ là một đóng góp nhỏ mong các nhà quy hoạch và quản lý quan tâm hơn về vấn đề nêu trên.

Cục trưởng Cục Hạ Tầng kĩ thuật

Nguồn tin: PGS.TS. Nguyễn Hồng Tiến