0971.659.624 thuvienxaydungvn@gmail.com
Thái Bình trước nguy cơ “xóa sổ” làng nghề

Hiện nay nghề và làng nghề ở Thái Bình đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức. Hàng loạt làng nghề bị sụt giảm sản xuất, một số làng nghề đã chính thức bị "xóa sổ", nhiều làng nghề khác đang lâm vào cảnh "thoi thóp". Làm thế nào để khôi phục, duy trì, phát triển các làng nghề và thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đang là bài toán khó.

 

Một thời “vàng son”

Sau 10 năm kể từ khi Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình khóa XVI ban hành Nghị quyết số 01 về phát triển nghề và làng nghề, mấy năm trước đây các làng nghề ở Thái Bình đã có bước phát triển toàn diện. Theo thống kê, toàn tỉnh có 229 làng nghề được cấp bằng công nhận, tăng gần gấp 3 lần; 147 xã, phường trong số 285 xã, phường, thị trấn đã có làng nghề được công nhận. Cơ cấu ngành nghề khá đa dạng, bên cạnh các nghề truyền thống như ươm tơ, dệt đũi, chạm bạc, chiếu cói, thêu… còn có thêm nhiều nghề mới như đồ gỗ mỹ nghệ, dệt may, đan mây tre xuất khẩu.

Không chỉ phát triển nhanh chóng về số lượng mà hiệu quả hoạt động của các làng nghề ở Thái Bình cũng ngày càng được nâng cao. Sự hình thành các làng nghề đã góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung của tỉnh, nhất là ở khu vực nông thôn, đồng thời tạo ra giá trị sản xuất hàng năm khá lớn. Đặc biệt, các làng nghề đã góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho gần 15 vạn lao động, chủ yếu ở khu vực nông nghiệp, nông thôn và làm tiền đề cho việc hình thành gần 200 doanh nghiệp trong các làng nghề…

Tuy nhiên, thời gian gần đây lĩnh vực nghề và làng nghề trong tỉnh có biểu hiện chững lại và bắt đầu suy giảm. Tính đến cuối năm 2010, toàn tỉnh có 78 trong tổng số 229 làng nghề rơi vào cảnh sụt giảm sản xuất và từng bước bị thu hẹp, chiếm tỷ lệ 34%.


Tại thời điểm đầu năm 2011, thực chất trên địa bàn tỉnh chỉ còn 151 làng nghề đạt chuẩn theo quy định. Đáng lo hơn là có tới 28 làng nghề có nguy cơ bị "xóa sổ" vì cả hai tiêu chí (tỷ lệ lao động có nghề và giá trị sản xuất từ nghề) đều đạt dưới 30%, thậm chí một số làng nghề cả hai tiêu chí chỉ còn chiếm có 2%.

Việc các làng nghề suy giảm không chỉ diễn ra ở một vài địa phương mà xảy ra ở cả 8 huyện, thành phố trong đó nhiều nhất là huyện Tiền Hải có tới 24/27 làng nghề dưới chuẩn (chiếm tỷ lệ 89%), tiếp đến là Vũ Thư có 18/24 làng nghề dưới chuẩn (chiếm 75%), Kiến Xương 10/39 làng nghề không đạt chuẩn (chiếm 26%)… Những làng nghề sụt giảm mạnh sản xuất chủ yếu liên quan đến nghề đan mây tre xuất khẩu (20/45 làng nghề), thêu ren xuất khẩu (14/27 làng nghề).

Đáng ngại là có một số nghề không còn làng nào đủ tiêu chuẩn, điển hình như nghề ươm tơ (cả 3/3 làng nghề đều không đạt chuẩn), nghề sản xuất vó (cả 2/2 làng nghề đều dưới chuẩn), nghề khai thác và đánh bắt hải sản (cả 5/5 làng nghề đều dưới chuẩn) và nghề thảm len (cả 6/6 làng nghề đều suy giảm).

Một số làng nghề đã cơ bản bị "xóa sổ" như làng nghề thảm cói Văn Hải (Đông Phong - Tiền Hải) hiện tỷ lệ lao động có nghề và giá trị sản xuất từ nghề chỉ còn chiếm chưa đầy 2%; làng nghề thêu ren Trung Đức (Đông Trung - Tiền Hải) hiện số lao động có nghề chỉ còn 4% và giá trị sản xuất từ nghề chỉ chiếm 1%; làng nghề đan mây tre xuất khẩu Tiên Bá (Quỳnh Thọ - Quỳnh Phụ) hiện số lao động có nghề giảm còn 14% và giá trị sản xuất từ nghề giảm chỉ còn 2%...


Tái cơ cấu các làng nghề: Phải làm ngay


Nghề và các làng nghề ở Thái Bình lâm vào cảnh suy giảm có nhiều nguyên nhân: Đó là suy thoái kinh tế thế giới làm cho nhu cầu tiêu dùng giảm tình trạng lạm phát trong nước, lãi suất tín dụng liên tục tăng và đứng ở mức cao khiến chi phí đầu vào tăng theo, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp, thậm chí dừng sản xuất.

Một nguyên nhân quan trọng nữa là do thu nhập của người lao động tại nhiều làng nghề rất thấp trong khi giá cả sinh hoạt liên tục leo thang, khiến họ phải bỏ nghề để làm việc khác có thu nhập cao hơn. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng khu vực làng nghề, nhất là hạ tầng giao thông, điện sản xuất và nước sạch vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; chưa quy hoạch được vùng nguyên liệu cung cấp cho làng nghề... đã dẫn tới nhiều làng nghề “chết yểu”.

Theo ông Vũ Quang Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thái Bình: mục tiêu của tỉnh là duy trì ổn định khoảng 200 làng nghề đạt chuẩn giá trị sản xuất khu vực nghề và làng nghề đến năm 2015 đạt khoảng 5.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 15 vạn lao động…

“Để đạt mục tiêu này, trước mắt tỉnh tập trung phân loại và tái cơ cấu các làng nghề, mạnh dạn xóa bỏ những làng nghề không còn phù hợp và thay thế bằng nghề mới. Khó cũng phải làm…” - ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, bên cạnh giải pháp cốt yếu trên, thì những làng nghề mà sản phẩm còn phù hợp nhưng bị suy giảm sẽ được tập trung đầu tư, hỗ trợ để bảo tồn và khôi phục, còn những làng nghề suy giảm do hình thành các khu, cụm công nghiệp liền kề sẽ hướng lao động vào làm việc hoặc làm vệ tinh cho các khu, cụm công nghiệp. Đồng thời, các cấp ủy, chính quyền cơ sở tích cực vào cuộc để tháo gỡ khó khăn, giúp các hộ và doanh nghiệp làng nghề.

Được biết để cứu làng nghề vượt qua thời kỳ khốn khó, cùng với nguồn vốn khuyến công, tỉnh Thái Bình có chủ trương thực hiện đa dạng hóa các nguồn vốn hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động, giúp các địa phương, doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn của tỉnh, của Trung ương và các tổ chức quốc tế; thực hiện cơ chế cho vay bảo lãnh tín dụng với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề và được hưởng chính sách ưu đãi tín dụng để phát triển sản xuất. Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích phát triển nghề và làng nghề cho phù hợp với tình hình mới.

Đó là các biện pháp trước mắt cũng như lâu dài, và chỉ có đồng thời tiến hành đồng bộ các giải pháp trên mới hy vọng các làng nghề ở Thái Bình tìm lại được vóc dáng xưa, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

 

Theo nong thon moi .gov

  • Tags