0971.659.624 thuvienxaydungvn@gmail.com
Công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm tại các đô thị Việt Nam

Sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước nói chung và của đô thị nói riêng gắn liền với xây dựng và phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị. Một đô thị hiện đại phải xây dựng một hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật nói chung và hạ tầng kỹ thuật ngầm nói riêng hiện đại, đồng bộ và hoàn chỉnh. Nhìn nhận, đánh giá lại hiện trạng hạ tầng công trình ngầm ở Việt Nam để từ đó có một hướng đi chắc chắn cho tương lai là một việc nên làm hiện nay.

Hiện trạng xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm đô thị

Hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm đang được tập trung đầu tư xây dựng tại các đô thị ở Việt Nam bao gồm: Hầm đường bộ, hầm cho người đi bộ, các công trình đường dây: Cáp điện, cáp quang, cáp thông tin; các công trình đường ống bao gồm: Đường ống cấp nước, đường ống thoát nước và các công trình cống, bể cáp kỹ thuật, hào và tuy nen kỹ thuật.

Hầm đường ô tô đã được xây dựng tập trung ở thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Tại Hà Nội, hầm đã được xây dựng trước cổng Trung tâm Hội nghị Quốc gia, tại nút giao thông Kim Liên... Đường hầm nút giao thông Kim Liên là một phần của hạng mục Đường Vành đai 1 trong thành phố Hà Nội. Trong khi đó tại TP. Hồ Chí Minh vừa khánh thành hầm Thủ Thiêm qua sông Sài Gòn. Đây là hầm đường bộ lớn nhất Đông Nam Á. Các hầm đường ô tô được xây dựng và đưa vào sử dụng đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết ùn tắc giao thông và tăng khả năng thông xe quan trọng của các thành phố này. Tuy nhiên, quá trình thi công kéo quá dài, ảnh hưởng rất lớn đến giao thông đi lại và sinh hoạt của cộng đồng dân cư.

Hầm cho người đi bộ là một trong những biện pháp qua đường an toàn nhất dành cho người đi bộ. Thành phố Hà Nội đã xây dựng 14 hầm cho người đi bộ trên một số tuyến đường trục chính và đường vành đai của thành phố như đường Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Trãi - Láng (vị trí Ngã Tư Sở), Ngã tư Kim Liên - Đại Cồ Việt, đường Giải Phóng tại vị trí Ngã Tư Vọng (công trình này còn đang dở dang). Tuy nhiên, khi đa số các công trình này đưa vào sử dụng thì chưa được người đi bộ hoàn toàn ủng hộ, việc sử dụng các hầm này hiệu quả chưa cao, khai thác các hầm này còn nhiều hạn chế.

Về đường dây và đường ống ngầm đô thị:

- Chôn ngầm dưới hè phố hoặc phần đường xe chạy một cách riêng lẻ: Việc xây dựng riêng lẻ các đường dây (cáp điện, cáp thông tin, cáp quang...), đường ống (đường ống cấp nước, thoát nước...)  đang là phổ biến tại các đô thị nước ta hiện nay. Hình thức này đơn giản, chi phí thấp và thường khi số lượng đường dây, đường ống không nhiều. Nhược điểm khó quản lý, đường, hè phố thường bị đào lên, lấp xuống để sửa chữa, cải tạo và cũng do không có quản lý thống nhất nên gây khó khăn cho việc xây dựng mới các công trình vì thường không biết chính xác vị trí nên thường xảy ra sự cố.

- Bố trí đường dây trong cống bể cáp kỹ thuật dưới hè phố hoặc dải phân cách: Loại này dùng để bố trí các loại đường dây cáp thông tin, cáp truyền hình, cáp điện lực, chiếu sáng công cộng. Loại này có kích thước nhỏ chủ yếu các đường ống chứa cáp và hố ga để luồn cáp và kiểm tra.

Trong thời gian qua Hà Nội đã hoàn thành hạ ngầm đường dây trong công bể cáp thuộc 23 tuyến phố chính. Dạng này có ưu điểm chi phí ban đầu thấp, thi công nhanh, phù hợp với các khu vực chưa phát triển, khi số lượng đường dây còn ít. Tuy nhiên dạng này cũng chỉ là tạm thời khi không đủ kinh phí để xây dựng hào, tuy nen kỹ thuật.

- Bố trí trong hào kỹ thuật và tuy nen kỹ thuật: Đây là giải pháp tiên tiến được nhiều nước áp dụng hào kỹ thuật/tuy nen có thể mang tính tổng hợp (các đường ống cấp, thoát nước, đường dây điện, thông tin, truyền hình...). hoặc tách riêng ví dụ chỉ bao gồm các đường dây hoặc chỉ cho thoát nước... tùy vào điều kiện cụ thể để lựa chọn. Ưu điểm: giảm đào, bới hè, đường; quản lý thống nhất, thời gian phục vụ lâu dài; công tác duy tu, sửa chữa dễ dàng thuận lợi; an toàn trong sử dụng. Tuy nhiên chi phí đầu tư ban đầu cao. Mà dù có đầu tư dạng công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm tốn kém này, thì hiệu quả sử dụng cũng còn là vấn đề phải bàn. Ví dụ như tuy nen kỹ thuật ngang đường tuyến Kim Mã, Liễu Giai (Hà Nội). Tuy nen có kích thước 3x3m đáng tiếc là hiện mới chỉ đặt cáp điện lực và bưu điện. Rồi tuy nen kỹ thuật dọc đường Phạm Hùng chiều cao 3m và chiều rộng 2,5m đã hoàn thành nhưng chưa đưa vào sử dụng bởi các dự án hai bên đang xây dựng, mới có rất ít số lượng dây được lắp đặt. Hiện tuy nen có chiều dài 5km này không được duy tu, bảo dưỡng và đang bị cát vùi lấp. Hào kỹ thuật cũng có những câu chuyện buồn tương tự. Tuyến hào kỹ thuật hai bên đường Nguyễn Trãi kích thước 1x1m dài 2x4km hiện mới chỉ có tuyến cáp 24kv đi trong hào ở phía Bắc; Tuyến Hào kỹ thuật đường Văn Cao kích thước 1,5x1,5 dài 2x850m; trên đường Lê Đức Thọ có kích thước 1,5x1.5m dài 2x3km mới chỉ có cáp điện lực và thông tin...

Việc xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm ở các khu đô thị mới cũng chưa được tuân thủ chặt chẽ. Qua kiểm tra của Sở Xây dựng Hà Nội tại 34 khu đô thị mới chỉ có 12 khu đô thị có bố trí hào kỹ thuật và thực hiện tốt việc hạ ngầm, sử dụng chung. Còn lại hầu hết bố trí đi nổi. Một số khu đô thị đã có hào kỹ thuật nhưng kích thước nhỏ (1x1,2m; 1,2x1,5m...) và không đồng bộ, mỗi nơi một kiểu - chưa có thiết kế thống nhất. Sự thiếu đồng bộ cũng thể hiện ở dự án xây dựng tuyến hào kỹ thuật trên đường Trần Hưng Đạo tại TP Hồ Chí Minh năm 2009. Tuyến dài 2,5km được xây dựng với tổng vốn đầu tư khoảng 50tỷ đồng (do Tổng công ty Điện lực TP HCM đầu tư). Tuy nhiên, khi hào đã xây dựng xong, đến nay chỉ có 1-2 tuyến cáp - vẫn còn nhiều cột điện và treo nhiều cáp thông tin... Cũng xu hướng ngầm hóa nhưng Công ty Viễn thông TP.HCM lại triển khai cống bể cáp trên một số tuyến phố Quận 1, Quận 3...

Có thể nói, hạ tầng công trình ngầm ở Việt Nam hiện đã manh nha phát triển. Xét về mặt trình độ kỹ thuật và quy mô, hạ tầng công trình ngầm ở Việt Nam mới ở trong thời kỳ đầu của sự phát triển. Trong tương lai, sẽ còn rất nhiều các loại hình hạ tầng ngầm mới, hiện đã có ở các nước tiên tiến trên thế giới được du nhập vào Việt Nam như tàu điện ngầm, bãi đỗ xe ngầm... Rất cần một tầm nhìn dài hạn cho phát triển công trình ngầm ở Việt Nam.

Quy hoạch dưới lòng đất

Cho tới nay, các văn bản pháp luật có liên quan đến quản lý và xây dựng công trình ngầm đô thị nói chung và công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm nói riêng không phải là ít. Như Điều 65 Luật Xây dựng về điều kiện cấp phép công trình xây dựng trong đô thị quy định khi xây dựng, cải tạo các đường phố phải xây dựng hệ thống tuy nen ngầm để lắp đặt đồng bộ hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật. Từ điều 64 đến điều 67 Luật Quy hoạch đô thị quy định về việc sử dụng hào kỹ thuật và tuynel trong công tác quản lý và xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đối với các khu đô thị mới, đô thị cũ, đô thị cải tạo cũng như quy định về việc sử dụng hào kỹ thuật và tuynel trong công tác quản lý và xây dựng không gian ngầm... Bên cạnh đó, các thành phố như Hà Nội, có quyết định về quản lý xây dựng công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị và cải tạo, sắp xếp lại đường dây, cáp đi nổi trên địa bàn thành phố hay sổ tay Quản lý và sử dụng hệ thống hào kỹ thuật của Đà Nẵng... Tuy nhiên, việc các văn bản có nội dung không thống nhất chính là một trong những nguyên nhân khiến việc phát triển hệ thống không gian ngầm, công trình ngầm ở Việt Nam nói chung và các đô thị lớn nói riêng vẫn dừng ở chỗ còn mới mẻ.

Quy hoạch dưới lòng đất rất phức tạp, bởi ngoài chuyện phải sử dụng kỹ thuật phức tạp, hiện đại, liên quan đến nhiều chuyên ngành như địa chất, thủy văn, xây dựng, văn hóa, lịch sử... với đội ngũ chuyên gia có trình độ chuyên môn cao, còn phải có nguồn lực về tài chính rất lớn và quan trọng nhất là tầm nhìn của các nhà quy hoạch. Đô thị càng hiện đại, quy mô đặc biệt (như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh), không gian ngầm càng phức tạp, khi thực hiện sẽ phải chi một khoản đầu tư lớn trong xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị. Tuy nhiên, Nhà nước cần có một chiến lược đi trước một bước, bỏ kinh phí để nghiên cứu lập quy hoạch mới một cách bài bản, nhằm tạo điều kiện cho việc phát triển không gian ngầm trong tương lai. Hơn nữa, do điều kiện kinh tế, công nghệ, kinh nghiệm ở Việt Nam còn thiếu, hầu hết các đô thị cũ đang trong quá trình cải tạo, công tác quản lý còn nhiều yếu kém nên việc lựa chọn công trình nào để xây dựng ngầm và xây dựng ở đâu, quy mô nào cũng cần phải được cân nhắc thận trọng.

Trước mắt, đối với các đơn vị thi công hạ tầng ngầm, cần có quy định khắt khe hơn để các đơn vị này sau khi hoàn thành công trình đều có các bản vẽ và cập nhật vào hệ thống số hóa hiện trạng công trình ngầm chung của đô thị. Thời gian tới cũng cần tập trung lập dự án khảo sát và đồng bộ hóa bản đồ hiện trạng hệ thống công trình ngầm tại các đô thị. Từ đó, trên cơ sở bản đồ hiện trạng lập bản đồ công trình  ngầm làm tiền đề cho việc quy hoạch và quản lý công trình ngầm tại các đô thị trong tương lai.

Sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước nói chung và của đô thị nói riêng gắn liền với xây dựng và phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị. Một đô thị hiện đại phải xây dựng một hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật nói chung và hạ tầng kỹ thuật ngầm nói riêng hiện đại, đồng bộ và hoàn chỉnh. Việc xây dựng một hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm để lắp đặt các công trình đường dây, đường ống và hạ ngầm các công trình đường dây đi nổi bảo đảm cảnh quan đô thị, phát triển hài hòa giữa không gian mặt đất với không gian ngầm, tăng cường an toàn trong khai thác sử dụng, hạn chế việc đào lên, lấp xuống; tăng hiệu quả trong đầu tư góp phần phát triển đô thị bền vững.

Kết luận

Để có một thành phố hiện đại, cần phải xây dựng các công trình ngầm đô thị. Việc xây dựng các công trình ngầm cần được thực hiện một cách tổng thể từ quy hoạch xây dựng, đầu tư, xây dựng.... khai thác sử dụng. Đầu tư ban đầu cho các công trình ngầm là tốn kém, chi phí lớn, tuy nhiên có lợi ích về lâu dài. Vì vậy công tác phân tích, đánh giá hiện trạng, đề xuất các giải pháp từ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đến hướng dẫn triển khai thực hiện là vô cùng cần thiết.

PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng

 

  • Tags