0971.659.624 thuvienxaydungvn@gmail.com
Đề xuất 5 biện pháp đổi mới đầu tư xây dựng hạ tầng ở Việt Nam
Kết cấu hạ tầng là một loại hình bất động sản đặc thù, sử dụng cả nguồn vốn đầu tư công và đầu tư tư nhân, gồm các lĩnh vực then chốt như giao thông, năng lượng, thủy lợi,... 10 năm qua, tổng đầu tư kết cấu hạ tầng tại Việt Nam đạt tỷ lệ trung bình 10%, cao hơn nhiều so với các nền kinh tế đang phát triển khác. Các lĩnh vực này có tầm quan trọng đặc biệt, tác động trực tiếp vào sự phát triển của nền kinh tế quốc gia nên rất được Chính phủ coi trọng.

Trong vòng 10 năm, từ 2001 - 2010, tỷ lệ đầu tư bình quân vào kết cấu hạ tầng của nước ta là 10%, cao hơn nhiều so với thời kì đầu tư trọng điểm vào lĩnh vực này của các quốc gia khác trong khu vực. Cụ thể, tỷ lệ đầu tư của Trung Quốc trong giai đoạn 2003 - 2004 là 8%, của Hàn Quốc là 8,7% (từ 1960 - 1990), của Đài Loan là 9,5% (từ 1979 - 1990).

Tuy nhiên, tới thời điểm này, kết cấu hạ tầng tại Việt Nam vẫn là “những điểm nghẽn cản trở phát triển” nền kinh tế, theo Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI - 2011.

Trước thực trạng đó, Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm (ảnh bên), Viện trưởng Viện nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam đưa ra 5 đề xuất biện pháp đổi mới đầu tư xây dựng hạ tầng ở Việt Nam trong diễn đàn "Đầu tư xây dựng và bất động sản Việt Nam 2011: Kinh tế và triển vọng" tại Hà Nội hôm 26/8.

1 - Cần lập quy hoạch tổng hợp hệ thống hạ tầng quốc gia

Để xác định tính hiệu quả của nguồn vốn đầu tư, có thể dựa vào hệ số sử dụng vốn (ICOR). Hệ số này được xác định bằng cách lấy tỷ suất tổng vốn đầu tư toàn xã hội/GDP chia cho tốc độ tăng trưởng GDP. Hệ số này càng nhỏ nghĩa là hiệu quả của nguồn vốn đầu tư hạ tầng đối với sự tăng trưởng GDP của đất nước càng cao.

ICOR của Việt Nam trong nhiều năm gần đây thường ở khoảng 5-6 và có xu hướng tăng lên trong khi các nước khác thường duy trì ở mức 2,5 - 3,5. Điều này dẫn đến việc lãng phí nguồn vốn đầu tư, làm chậm sự phát triển của kinh tế xã hội.

Bởi vậy, TS Liêm đề nghị Chính phủ lập và hoàn thành quy hoạch lãnh thổ Việt Nam vào giữa năm 2012, trong đó bao gồm cả quy hoạch tổng hợp hệ thống kết cấu hạ tầng cả nước và từng vùng. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm tới lĩnh vực giao thông, thủy điện, thủy lợi.

Đồng thời, để tránh việc đầu tư dàn trải, lãng phí, thất thoát trong quá trình thực hiện đầu tư bằng vốn Nhà nước, tiến sĩ Liêm cũng đề nghị thành lập các Hội đồng thẩm định quy hoạch và dự án lớn kết cấu hạ tầng cấp quốc gia và cấp vùng.


2 - Lập kế hoạch chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng 5 năm và hàng năm

Kế hoạch đầu tư xây dựng bao gồm 2 phần là kế hoạch chuẩn bị đầu tư và kế hoạch đầu tư. 

Tuy nhiên, kế hoạch chuẩn bị đầu tư (gồm việc lập báo cáo đầu tư, xác định địa điểm, khảo sát thiết kế, bồi thường giải phóng mặt bằng,...) thường bị coi nhẹ, ít được quan tâm. Điều này dẫn đến các vấn đề phát sinh trong khâu thực hiện đầu tư như tổng mức dự toán không phù hợp, tiến độ thực hiện dự án kéo dài do giải phóng mặt bằng chậm, tổ chức đấu thầu kéo dài,.... gây lãng phí và thất thoát nguồn vốn. 

Vì vậy, Tiến sĩ Liêm cho rằng, kế hoạch chuẩn bị đầu tư 5 năm và hàng năm cũng cần được coi trọng như chính kế hoạch đầu tư, cần được cấp vốn đầy đủ và giám sát chặt chẽ.

Đồng thời, các cấp có thẩm quyền nên xem xét việc chuyển khâu giải phóng mặt bằng từ kế hoạch đầu tư sang kế hoạch chuẩn bị đầu tư, chỉ cho phép tổ chức đấu thầu khi dự án đã có sẵn mặt bằng xây dựng.

Bên cạnh đó, tổng mức đầu tư cho dự án cần được cập nhất bằng cách rà soát điều chỉnh trong thời hạn không quá 3 tháng trước ngày tổ chức đấu thầu.

3 - Phân tích chi phí - lợi ích trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo nghiên cứu khả thi cho dự án hạ tầng

Trong các báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và khả thi của các dự án kết cấu hạ tầng đều có mục đánh giá hiệu quả kinh tế xã hội mà dự án có thể đem lại nếu được thực thi. 

Tuy nhiên, các báo cáo này thường được soạn thảo một cách đại khái, chiếu lệ, chỉ có những đánh giá mang tính chung chung nên thường không có giá trị đối với việc ra quyết định đầu tư. 

Vì vậy, việc đánh giá “hiệu quả kinh tế xã hội mà dự án có thể đem lại nếu được thực thi” nên được thay bằng việc “phân tích chi phí - lợi ích của dự án”. 

Đặc điểm của việc phân tích này là “quy ra tiền” các tác động cả tích cực lẫn tiêu cực mà dự án có thể đem lại đối với nền kinh tế xã hội, môi trường, văn hóa xã hội,.... Từ đó các nhà quản lý có thể căn cứ vào chỉ số lợi ích/chi phí để đưa ra các quyết định đầu tư hiệu quả và hợp lí.

4 - Nhanh chóng hoàn thiện thể chế hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực hạ tầng

Phương thức hợp đồng PPP đang ngày càng có ý nghĩa hơn và quan trọng hơn đối với việc tìm kiếm nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng khi nguồn vốn ODA vào nước ta đang giảm dần.

PPP thực chất là quan hệ 3 chia sẻ, nghĩa là chia sẻ lợi ích, trách nhiệm và rủi ro vì hợp đồng thường kéo dài trong khoảng 20 - 30 năm.

Hiện nay nước ta có khá nhiều dự án đầu tư được triển khai theo phương thức PPP nhưng kết quả đạt được khá nghèo nàn, nguyên nhân chủ yếu là do yếu kém về thể chế.

Bởi vậy, Nhà nước cần có các quy định, quy chế rõ ràng nhằm tạo hành lang pháp lí cho các đối tác tư nhân có nguồn vốn lớn có thể tham gia đầu tư vào lĩnh vực này.

5 - Nhà nước cần hoàn thiện thể chế thuê tổ chức quản lý dự án đầu tư hạ tầng

Ở nước ta, chủ đầu tư các dự án công quy mô lớn thường là các Bộ, UBND câp tỉnh và các doanh nghiệp Nhà nước.

Tuy nhiên, trên thực tế các chủ đầu tư công thường chọn hình thức tự quản lý dự án và giao nhiệm vụ quản lý này cho các ban quản lý dự án (các PMU) do Bộ hay cấp tỉnh lập ra.

Cách làm này đã tồn tại nhiều năm nay và đã bộc lộ nhiều hạn chế khi đây là kẽ hở dẫn đến việc tham nhũng, gây thất thoát nguồn ngân sách, giảm hiệu quả, chất lượng công trình, kéo dài thời gian thi công,... nhưng chưa được xem xét đổi mới.

Quy mô của các công trình đầu tư công đang ngày càng lớn, trong đó có cả những dự án khổng lồ như cầu vượt biển, đường tàu điện ngầm, điện nguyên tử,... nên cách quản lý của nhà nước cũng cần phải thay đổi cho phù hợp.

Nguồn tin: DVT
  • Tags