0971.659.624 thuvienxaydungvn@gmail.com
Điểm nhấn trong Kiến trúc và Quy hoạch
Nông thôn nước ta đang trong quá trình đổi mới, đó là một xu hướng tất yếu được Đảng và nhà nước ta tập trung thực hiện trong thời gian gần đây. Việc lưu giữ các điểm nhấn cảnh quan “lịch sử” làng quê Việt Nam đã khó, việc tìm ra điểm nhấn cho vùng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa xem ra còn nan giải hơn rất nhiều.

Hình ảnh nông thôn xưa - điểm nhấn dễ nhận diện

Nông thôn xưa, tiêu biểu nhất là vùng đồng bằng Bắc Bộ, bao giờ cũng nhìn thấy cổng làng, lũy tre, cây đa, bến nước, mái đình... hình ảnh ấy tạo nên bộ mặt nông thôn truyền thống, tạo nên những đặc trưng riêng không thể hòa lẫn vào bất cứ một không gian nào. Nếu lấy cổng làng là nấc không gian đầu tiên, sau cổng làng rồi đến cổng thôn, xóm, ngõ rồi mới đến cổng nhà, những lớp không gian cứ đi sâu mãi, thể hiện từng tầng lớp văn hóa cộng đồng.

Về mặt cảnh quan, không gian công cộng có lẽ được coi là điểm nhấn quan trọng trong các điểm dân cư nông thôn. Không gian này thường là nơi cô đọng rất nhiều giá trị văn hóa, tín ngưỡng cũng như kiến trúc đặc thù của từng địa phương, tạo nên các tinh hoa và giá trị đặc trưng của mỗi vùng miền. Về hình thái kiến trúc, làng quê thường gắn cạnh với con sông, hồ nước... đây là nơi người dân tụ họp, sinh hoạt qua nhiều thế hệ... Tựu chung lại, làng quê có cấu trúc gần giống nhau, là sự tụ họp của các họ tộc sống gần gũi với nhau sau những nếp nhà, lũy tre. Không gian làng quê được bắt đầu và kết thúc theo lối mở, tuy ước lệ nhưng rất rõ ràng và đặc trưng. Cổng trước là nơi chúng ta đi đến. Cổng sau là nơi tiễn biệt, trong đó là những ngõ xóm hết sức quen thuộc mà ở đó, ai cũng gắn liền những ký ức và hoài niệm trong mình. Mỗi làng quê tuy đều có cổng làng, nhưng tùy cá tính và văn hóa riêng của làng mà chiếc cổng có quy mô, kích thước, vị trí cũng như kiểu kiến trúc khác nhau, làm nên điểm nhấn ban đầu. Hà Tây là một ví dụ điển hình. Cũng là cái cổng để đi lại, nhưng có cổng thì có hình tượng người oai nghiêm, có nơi là hình đề cao việc học hành... chính vì thế, nó tạo dựng được những hình ảnh rất riêng, thú vị, tạo nên sự đa dạng giữa các làng nông thôn Việt Nam.

Các công trình trong làng, bao giờ cũng gắn liền với những cảnh quan xung quanh. Mái đình gắn với bến nước, cây đa; ngôi nhà gắn với vườn rau, ao cá... Phải chăng đó chính là những điểm nhấn đặc trưng rất dễ nhận diện? Đình làng này với đình làng kia khác nhau, vùng này vùng kia ra sao... đó là những sự khác nhau về họa tiết, quy mô và hình ảnh, được tạo dựng bởi lớp lớp truyền thống văn hóa từ bao đời trong làng.

Nhà ở truyền thống với mái ngói giản dị bên cạnh với những hình ảnh cây chuối, rặng tre... tạo nên sự thân thuộc và gần gũi. Tình cảm làng xóm được đẩy cao lên, mối quan hệ họ tộc cũng vô cùng gắn kết. Có thể thấy, đó là những hình ảnh thôn quê bao đời nay xây dựng lên. Điểm nhấn của làng quê xưa chính là đây - không bao giờ bị che khuất.




KTS. Ngô Doãn Đức

Nông thôn mới - Điểm nhấn vẫn đang đi tìm!
Làng quê đổi mới. Tương đối đột ngột. Trước kia làng quê hướng nội, đi dần vào qua các lớp không gian, lan tỏa. Tâm điểm của làng xã là sân đình, chùa, đền, miếu song hành cùng đó. Giờ khác, giờ lật ngược ra, tâm điểm của làng mới được chuyển dẩn ra ngoài, bám đường thành các thị trấn, thị tứ. Nhiều nơi hình thành những dãy nhà bao quanh một cái chợ bê tông xây “to tướng” không khác đô thị là mấy. Mình bảo nông thôn giờ không còn như xưa nữa, thế nhưng nếu cứ bắt họ như xưa, thì liệu có đúng không? Làng quê vẫn phải đổi thay, vẫn phải chuyển hóa, cuộc sống của nông thôn cần được nâng cao, cân bằng với đô thị. Có những thay đổi rất tích cực, sự giao tiếp mở, không khép, nhưng với hình ảnh cấu trúc cũ ta soi vào thì nó đã khác, nó đã có một diện mạo mới, cấu trúc mới, tính thời đại, tính xu thế. Ta phải xem, nhận diện xem nó là câu chuyện gì? Chúng ta liệu có nên quá nặng lòng, quá đắm đuối với cái cũ? Xã hội thay đổi, nông thôn cũng không thể không thay đổi. Vấn đề là, chúng ta cần xây dựng được những quy tắc, quy chế, những điểm sáng để tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.



Câu chuyện khang trang, tiện nghi hiện nay rất đáng mừng. Thế nhưng, cái gì cũng có hai mặt của nó. Song hành với sự khang trang đó hiện nay, thay vì khép kín, người dân đã đô thị hóa nông thôn. Sự tồn tại này dần hình thành kiểu nửa đô thị, nửa nông thôn, kéo theo sự mất dần những giá trị điểm nhấn cảnh quan truyền thống của làng. Đình làng bị bỏ hoang hay sửa mới sơn phết như “bánh ga tô”, trong làng xuất hiện những ngôi nhà bê tông lừng lững khoa trương và áp đảo. Người dân cũng vì thế mà ganh đua nhau, coi đó là “điểm nhấn”, “điểm ngắm” để cố gắng đạt cho được, để “bằng chị bằng em”, vô tình tạo ra sự lộn xộn, vô hồn và “không điểm nhấn”.
Hiện tại, chúng ta cũng không thể bắt họ xây nhà 3 gian, 5 gian như trước nữa. Thế nhưng cần phải tạo dựng một hình ảnh mới, phù hợp và hài hòa với làng quê Việt Nam. Như kiểu nhà sinh thái, hay là những đơn vị ở, những gia đình ở trong một khuôn viên đất mà có thể có cây, có vườn, có ao, có cổng...


Nhà cổ làng Đường Lâm - Hà Nội


Người dân hiện nay đang lúng túng ngay trên mảnh đất của mình khi nói về chuyện nhà cửa. Hơn đâu hết, làng quê nông thôn Việt Nam chính là nơi hội tụ đủ mọi điều kiện để có thể tạo dựng cho mình một không gian sống tốt nhất. Đô thị giờ rất hiếm đất và không gian, còn nông thôn thì đang có rất nhiều điều kiện để có thể bắt đầu một cái gì đó có giá trị từ điểm nhấn cho làng.
Nếu trước đây, điểm nhấn của mỗi làng quê là đình làng, nông thôn hiện nay có thể là nhà văn hóa, tồn tại song song với đình làng. Đây là nơi diễn ra rất nhiều những hoạt động đoàn thể, tạo sự hứng khởi, phong trào cho toàn thể người dân trong làng. Tuy vậy, câu chuyện hình ảnh nhà văn hóa lại là một chuyện còn nhiều trăn trở. Nhà văn hóa kiến trúc “nhái Pháp” giờ có thể gặp ở rất nhiều nơi trong làng quê Việt Nam cho dù điểm nhấn cần là những hình thức mang tính độc đáo và biểu trưng. Ở Tây Nguyên, các KTS đã làm rất tốt khi thiết kế các ngôi nhà cộng đồng mang dáng dấp ngôi nhà Rông truyền thống. Nhưng ở đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ thì sao? Nó, hầu như vẫn chưa có lời giải!


Kiến trúc "nhái" Pháp lấn át kiến trúc truyền thống
Bài toán đi tìm lời giải cho vấn đề tạo điểm nhấn nhận diện cho làng quê và điểm quần cư nông thôn thực tế nên bắt đầu từ cuộc sống. Trước hết, cần có những tiêu chí cơ bản chung quy định các giá trị cần có của một làng quê nông thôn khang trang hiện đại, cũng như những mô hình nông thôn mới được thực hiện hoàn chỉnh để mọi người có căn cứ và học hỏi. Sau đó, sử dụng các chất liệu văn hóa, kiến trúc xã hội đặc trưng tại mỗi vùng miền cụ thể để tạo nên điểm nhấn đặc trưng như khai thác các làng nghề thủ công truyền thống, các di tích lịch sử tôn giáo, các lễ hội văn hóa đặc trưng... Điều này chính là sự kết nối trở lại của hiện đại với các giá trị truyền thống tạo nên điểm nhấn đặc trưng và gần gũi cho kiến trúc làng quê Việt Nam.

Quá trình phát triển, đúc kết để làng quê Việt Nam xưa mang đậm dấu ấn mộc mạc, yên bình và thuần khiết không phải là ngày một ngày hai. Nông thôn thời đổi mới cũng vậy, cũng đang trong quá trình hình thành, hoàn thiện và đang tìm cho mình một hình ảnh đại diện phù hợp nhất với từng thời điểm, giai đoạn của đất nước.

KTS Ngô Doãn Đức

Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam
Theo Tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 04.2011

  • Tags