0971.659.624 thuvienxaydungvn@gmail.com
Kết nối các khu vực trong vùng Thủ đô
Ngày 10/9, tại Hà Nội, Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam và Hiệp hội BĐS Việt Nam phối hợp tổ chức hội nghị “Quy hoạch Hà Nội - Tiềm năng phát triển thị trường BĐS".

Theo Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam Phan Thanh Mai, việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (QHC Hà Nội) sẽ có tác động tích cực đến các DN trong ngành BĐS. QHC sẽ là cơ sở để các DN lựa chọn và tập trung tham gia phát triển lĩnh vực đầu tư, quy mô và vị trí dự án cũng như xây dựng kế hoạch nhân lực, chuẩn bị kế hoạch tài chính phù hợp.

Có quan điểm tương tự, ông Trương Văn Quảng - Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc - Quy hoạch Đô thị và Nông thôn cho rằng: Đất đai là nguồn lực vô cùng lớn và hiệu quả, đặc biệt là ở Thủ đô Hà Nội. Nguồn lực đất đai sẽ gia tăng giá trị rất lớn khi có quy hoạch tốt và Nhà nước có cơ chế, chính sách với nhiều phương thức đầu tư linh hoạt như BT, BOT, BOO, PPP… đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân - nhà đầu tư - Nhà nước, từ đó thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế, xã hội hóa lĩnh vực đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Vấn đề đặt ra đối với cơ quan quản lý Nhà nước là làm thế nào để kiểm soát và thu được nguồn lợi từ đất đai để đầu tư trở lại cho đô thị, chứ không để nó (đất đai - PV) rơi vào môi trường trung gian hoặc giới đầu cơ.

Cũng theo ông Quảng, nguồn vốn ngân sách của Nhà nước sẽ được sử dụng như nguồn vốn khởi động để khuyến khích các nguồn vốn ODA, FDI vào xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung và thực hiện phân kỳ đầu tư, có thứ tự ưu tiên đầu tư. Ví dụ, giai đoạn 2010 - 20120, Hà Nội nên tập trung nguồn lực xây dựng hạ tầng kỹ thuật như hoàn thiện các tuyến đường vành đai 3, vành đai 4, các tuyến giao thông huyết mạch, hạ tầng KCN, khu thương mại đầu mối… bảo đảm cân đối hợp lý giữa các mục tiêu và nguồn lực.

Khác với những nhận định mang tính lý thuyết của hai diễn giả nói trên, Phó Giám đốc Sở QH-KT Hà NộiDương Đức Tuấn điểm cụ thể một số đồ án quy hoạch, dự ánliên quan đầu tư xây dựng mà các nhà đầu tư BĐS không thể không quan tâm.

Thứ nhất, TP dự kiến xác lập một số quy hoạch quan trọng như tăng cường quy hoạch cơ bản 2 bên sông Hồng đoạn qua Hà Nội. Trước đây Seoul đã phối hợp với Hà Nội nghiên cứu quy hoạch này, sau đây Hà Nội phải tiếp tục nghiên cứu QHPK và điều chỉnh theo QHC Hà Nội đã được phê duyệt.

Thứ hai, TP đã xin phép Chính phủ và được Chính phủ cho phép triển khai quy hoạch tuyến từ Cầu Nhật Tấn đến cảng hàng không Nội Bài. Trên tuyến này đồng thời xác lập khu vực phát triển hai bên bao gồm khu văn hoa thể thao phục vụ ASEAN. Còn khu vực Mỹ Đình ở phía tây phục vục quốc gia.

Thứ ba, Hà Nội sẽ ráo riết triển khai quy hoạch phân khu chuỗi đô thị phía đông vành đai 4 và phía bắc Sông Hồng trong thời gian tới. Như vậy, dù Hà Nội mở rộng địa giới chủ yếu về phía tây nhưng việc phát triển vẫn tiến hành đồng bộ cả 4 phía tây - bắc - đông - Nam.

Thứ tư, đối với lõi đô thị trung tâm - lịch sử, Hà Nội sẽ tăng cường các quy định quản lý. Theo đó, khu vực này sẽ hạn chế phát triển nhà cao tầng. Nhìn ở góc độ đầu tư BĐS, ở khu vực lõi từ vành đai 2 trở vào, từ nam sông Hồng trở xuống sẽ không còn đầu tư mới nhà cao tầng mà sẽ tăng cường chất lượng đầu tư phát triển đô thị kể cả các không gian ngầm. Toàn bộ hệ thống quỹ đất liên quan đến cơ sở giáo dục, y tế, công nghiệp ở nội thị cơ bản sẽ được chuyển đổi. Trong đó, cơ sở y tế có thể cân nhắc chuyển đổi nhưng các cơ sở công nghiệp sẽ tuyệt đối chuyển đổi.

Vùng lõi cũng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh rà soát cao tầng. Bên cạnh đó, hình thành các chức năng hạ tầng quan trọng.

Thứ năm, Hà Nội sẽ chuẩn hóa công tác rà soát các dự án. Như vậy, toàn bộ các dự án trong vành đai xanh sông Nhuệ trong vòng 4.000ha chỉ cho phép chấp nhận dự án đầu tư có tính chất sinh thái, tầng cao không cao và phải bảo đảm yêu cầu hạ tầng chung.

Hiện nay, những dự án trong khu vực này rất đa dạng. Có dự án được giao đất, đã triển khai quy hoạch nhưng chưa cấp phép xây dựng… Thời gian tới, Hà Nội sẽ nghiên cứu, đưa ra quy định cụ thể. Riêng vành đai xanh sông Nhuệ sẽ có riêng quy hoạch phân khu.

Tương tự như vậy, các dự án nằm trong hành lành xanh, bao gồm phân cách đô thị trung tâm và đô thị vệ tinh cùng đô thị sinh thái và hơn 10 thị trấn sẽ không phát triển đô thị mạnh, hướng chủ đạo vẫn là phát triển đô thị sinh thái để kết nối các chức năng hệ thống hạ tầng tổng thể của cả khu vực.

Ngoài ra, ông Dương Đức Tuấn cũng lưu ý các nhà đầu tư BĐS 2 vấn đề nữa. Đó là việc điều chỉnh QH xây dựng vùng Thủ đô. Bởi theo ông, việc triển khai các dự án của Hà Nội và vùng ven Hà Nội vô cùng quan trọng trong việc kết nối các khu vực phát triển trong vùng Thủ đô.

Vấn đề thứ hai là Bộ Xây dựng đang đang triển khai soạn thảo Nghị định quản lý phát triển đô thị thay thế nghị định 02/NĐ-CP về quy chế KĐTM. Nghị định này được nâng tầm và là tiền đề để xây dựng luật Đô thị sau này. Nghị định quy định một số khái niệm mới trong quá trình đầu tư phát triển đô thị mà nhà đầu tư rất nên quan tâm.

(Theo ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam: Sau khi QHC Hà Nội được phê duyệt sẽ tiếp tục tiến hành điều chỉnh lại quy hoạch vùng Thủ đô. Điều này sẽ tạo sự phát triển cho các đô thị vệ tinh, các KCN trong vùng và kích thích sự phát triển của thị trường BĐS không những của Hà Nội mà còn của cả các tỉnh, TP thuộc vùng Thủ đô.)

Nguồn: Báo xây dựng điện tử

  • Tags