0971.659.624 thuvienxaydungvn@gmail.com
Không gian công cộng và phương pháp tiếp cận

Trong phương pháp tiếp cận, KGCC cần được nhìn nhận một cách tổng thể hơn, trên một quy mô lớn hơn, chú trọng tới các kết nối ra các không gian xung quanh, hơn là một không gian đơn lẻ độc lập. Cần nhận thức rằng đối tượng cuối cùng của các không gian công cộng cần hướng tới là con người, do đó việc tạo ra được các không gian thân thiện với con người là việc rất cần thiết. 

 

KGCC có ý nghĩa gì trong đô thị?


Không gian công cộng (Public Realm) là một thành phần vô cùng quan trọng của đô thị. Một thành phố phát triển thành công và bền vững phải là một thành phố có hệ thống không gian công cộng với chất lượng cao, cảnh quan đẹp, và bền vững về mặt môi trường.


Không gian công cộng của một đô thị góp phần rất lớn vào việc tạo ra hình ảnh cho thành phố, đồng thời mang lại những trải nghiệm sống cho con người. Sự thân thiện với người đi bộ và việc chú trọng đến đối tượng sử dụng cuối cùng (end - users) được coi là những yếu tố chủ chốt cho một thành phố hấp dẫn và thu hút khách du lịch. Ở quy mô khu ở, KGCC cần được nhìn nhận như một yếu tố quyết định trong việc mang lại chất lượng cuộc sống cho một khu đô thị, biến khu đô thị trở thành một môi trường sống tốt nơi con người cảm thấy thật sự gắn bó. Đồng thời, KGCC cũng mang lại giá trị gia tăng cho các khu vực xung quanh. Do đó, việc tạo ra một hệ thống KGCC tốt có ý nghĩa vô cùng quan trọng với một thành phố nói chung, cũng như từng khu đô thị nói riêng.


Thực tế tại Việt Nam cho thấy những KĐT chất lượng cao chưa có nhiều. Việc đánh giá chất lượng KGCC trong các khu ĐTM trong quá trình phê duyệt thường dựa trên những yếu tố dễ đánh giá như: diện tích đất dành cho KGCC có đảm bảo phục vụ số lượng dân số trong khu đô thị? Phân bố các KGCC có đảm bảo bán kính phục vụ? và chất lượng thiết kế của các KGCC có đạt yêu cầu? Thông thường khi quy hoạch các KĐT được phê duyệt, hệ thống KGCC thường đã đạt được hai yếu tố đầu tiên. Yếu tố cuối cùng là yếu tố tương đối khó đánh giá nhưng lại có ý nghĩa quan trọng đối với sự thành công của KGCC cũng như của KĐT. Thực trạng thường thấy tại các KĐT mới hiện nay là: Việc bố trí KGCC chưa có sự nghiên cứu tới tổng thể và mối liên hệ với các khu vực xung quanh. Do đó, khi hình thành, một KGCC có xu hướng trở thành một không gian độc lập với những hoạt động của riêng nó mà thiếu đi sự liên kết với những KGCC khác trong khu đô thị. Mặt khác, sự tiếp cận tới những KGCC này cũng chưa được coi trọng. Những con đường dạo bộ, đường khu ở... là những không gian có tính chất kết nối giữa các KGCC với nhau chưa được chú trọng về mặt thiết kế, do đó không thuận tiện và thân thiện với người sử dụng. Điều này dẫn đến KGCC chưa phát huy được tối đa tiềm năng và tác dụng của nó đối với KĐT, đôi khi bị quá tải, đôi khi bị lãng phí do ít được sử dụng.

 

Phương pháp tiếp cận cho việc thiết kế các KGCC


Không gian công cộng được hiểu là không gian bên ngoài công trình, từ các bãi biển công cộng, các không gian mở như đường và những nút giao thông, tới các công viên công cộng của thành phố, và công viên nhỏ, sân chơi trong khu ở.  Không gian công cộng là những nơi diễn ra những hoạt động cộng đồng, nơi con người được nhìn nhận như một xã hội, và nơi chúng ta giao tiếp với những người khác, đồng thời cũng là nơi nhắc chúng ta về tầm quan trọng và lợi ích của sự đoàn kết, tinh thần của cộng đồng. Từ đó KGCC hình thành nên đặc trưng và giá trị riêng cho từng khu ở thông qua các hoạt động như lễ hội, các lễ kỷ niệm và các cuộc tụ họp trong công viên, quảng trường.


Hiểu được bản chất và ý nghĩa của KGCC, để chúng ta có cái nhìn và phương pháp thiết kế hợp lý trong quá trình thiết kế quy hoạch và cảnh quan cho các không gian này. Thực tế dễ nhận thấy là các không gian đô thị ngày nay được thiết kế hướng tới đối tượng sử dụng là ô tô và các phương tiện giao thông, trong khi chú trọng rất ít tới không gian dành cho người đi bộ. Các KGCC cũng được thiết kế một cách riêng biệt, thiếu sự chú trọng đến tổng thể và bối cảnh xung quanh. Các giải pháp cho KGCC thường tập trung hơn vào việc đưa ra các giải pháp thiết kế kỹ thuật và kiến trúc hơn là các giải pháp hướng tới việc mang lại cảm nhận và trải nghiệm cho người sử dụng. Điều này dẫn đến việc các KGCC có chất lượng chưa cao, chưa khai thác được hết tiềm năng về kinh tế cũng như xã hội


Tính chất của KGCC


Nếu phân loại các KGCC dựa theo tính chất của không gian, dưới góc độ người sử dụng, KGCC có thể chia thành ba loại chính:


… KGCC là nơi tụ họp - Các quảng trường, không gian mở mang tính chất đô thị - Đây là không gian nơi con người gặp gỡ và giao tiếp, chính vì vậy cần được thiết kế phù hợp với tỉ lệ con người, tiện nghi, có các khu vực ăn uống, tiện ích trong khoảng cách gần, và không bị ảnh hưởng bởi các phương tiện giao thông.


… KGCC là nơi nghỉ ngơi, thư giãn - Các công viên cây xanh lớn - Công viên cây xanh được coi là nơi giải thoát khỏi các vấn đề căng thẳng do cuộc sống đô thị mang lại, là nơi con người có thể tận hưởng những thú vui thoát khỏi cuộc sống đô thị hàng ngày như chạy nhảy, chơi đùa, đi dạo hoặc đơn giản chỉ là ngồi thư giãn, ngắm cảnh. KGCC thuộc loại này cần có những đường đi dạo, đường đi xe đạp, trồng nhiều cây xanh và ít các dịch vụ tiện ích.


… KGCC là nơi vui chơi, giải trí thư giãn hàng ngày - Các công viên khu ở - Các khu vực công viên khu ở có ý nghĩa rất quan trọng đối với môi trường sống của con người, có thể làm tăng cao giá trị khu đất cũng như mang lại môi trường sống chất lượng cao. Không gian này cần được thiết kế sao cho dễ tiếp cận, không bị ảnh hưởng bởi phương tiện giao thông, thân thiện với con người, cũng như có các tiện ích và không gian vui chơi an toàn cho người dân ở mọi lứa tuổi.


       
       Công viên khu ở Residential Park You Yi Cheng (Hồng Kông)

Sự kết nối của KGCC


Thực tế dễ nhận thấy là các không gian công cộng thường được thiết kế một cách riêng biệt, thiếu sự chú trọng đến tổng thể và bối cảnh xung quanh. Khi nghiên cứu KGCC trong tổng thể KĐT, cần chú trọng tới hai yếu tố chính: Sự kết nối tới các không gian khác trong KĐT, và bối cảnh xung quanh của KGCC. Với ba loại KGCC đã đề cập ở trên, liên kết các không gian này chính này là một hệ thống giao thông liên kết, là các không gian cây xanh và các đường phố kết nối với nhau, tạo thành một hệ thống cây xanh liên tục, nối tất cả các công trình, không gian với nhau. Mỗi con đường cũng được coi là một không gian công cộng mang lại không gian và nhiều chức năng sử dụng khác nhau cho người đi bộ, đồng thời có tác dụng cải thiện vi khí hậu. Các không gian liên kết này cần được thiết kế thuận tiện cho người đi bộ, để tất cả mọi người có thể tiếp cận dễ dàng, an toàn tới các KGCC. Điều này đặc biệt quan trọng đối với KGCC cấp độ khu ở. Tại nhiều KĐT hiện nay, KGCC đôi khi là một không gian lớn bao quanh bởi đường giao thông, người dân rất khó tiếp cận do phải băng qua đường lớn. Chính điều này đã hạn chế sự sử dụng của các KGCC.


KGCC cần được chú ý bố trí trong mối quan hệ với tổng thể khu đô thị và các công trình lân cận. Các chức năng sử dụng đất có khả năng hỗ trợ cho nhau, được bố trí gần nhau sẽ làm gia tăng giá trị của nhau và tạo tính hợp lý trong sử dụng (ví dụ: trường học đặt gần sân thể thao, thư viện, nhà văn hóa đặt cạnh công viên khu ở (landuse symbiotic).


Trong phương pháp tiếp cận, KGCC cần được nhìn nhận một cách tổng thể hơn, trên một quy mô lớn hơn, chú trọng tới các kết nối ra không gian xung quanh, hơn là một không gian đơn lẻ độc lập.


Các yếu tố mang lại thành công cho KGCC


… Tính độc đáo và khác biệt (Unique and Differentiate): Cần phát triển một khung thiết kế KGCC để đảm bảo mối liên kết chặt chẽ với không gian xung quanh, cũng như tạo được sự chuyển tiếp mềm mại giữa các KGCC, bán công cộng, bán riêng tư, và riêng tư. Các công trình kiến trúc mang tính chất biểu tượng (iconic architecture).


… Gia tăng giá trị (Value Adding): Tối đa hóa sự tiếp xúc với công viên và không gian cây xanh để tăng thêm giá trị bất động sản cho các khu vực xung quanh.


… Tiện nghi và trải nghiệm (Comfort and Experience): Sự sử dụng của người dân cũng như du khách tại các KGCC sẽ mang lại tính đặc trưng, tạo nên bản sắc và thương hiệu cho không gian công cộng.


Nguyên tắc thiết kế KGCC


Tùy vào từng loại tính chất của KGCC khác nhau, các nguyên tắc thiết kế áp dụng cũng khác nhau. Tuy nhiên, cần chú ý tới các nguyên tắc thiết kế chung sao cho các KGCC có được sự thân thiện với người sử dụng: thiết kế phù hợp với tỉ lệ con người, các yếu tố mang lại tiện nghi cho người sử dụng, khuyến khích đi bộ. Bổ sung các tiện ích phục vụ cho người đi bộ như các chòi nghỉ, mái che, khu vực ăn uống một cách hợp lý; Tính tiếp cận đô  thị: xử lý giao diện tiếp xúc giữa các công trình xây dựng với không gian xung quanh chúng; Bản sắc và tinh thần của nơi chốn (genius loci): Yếu tố này phụ thuộc vào cả không gian vật lý, và các hoạt động xã hội của KGCC; Tính hiệu quả trong quản lý vận hành và bảo trì; Áp dụng các tiêu chuẩn và tiêu chí thiết kế quốc tế và tính bền vững về mặt môi trường.

 

Ví dụ nghiên cứu: Quy hoạch phủ xanh hồng kông


Hồng Kông vốn được biết đến là một thành phố phát triển với mật độ dân số cao thuộc loại hàng đầu thế giới. Việc phát triển quá nhanh để đối phó với sự bùng nổ dân số đã đem lại kết quả là một thành phố phát triển mức độ cao, nhiều nhà cao tầng, nhưng thiếu vắng bóng cây xanh. Khoảng hai thập kỷ gần đây, chính quyền Hồng Kông đã bày tỏ mong muốn biến Hồng Kông thành một thành phố xanh kiểu mẫu của châu Á, với các không gian xanh chất lượng cao, để đối phó với các tác động xấu của hiệu ứng đảo nhiệt cũng như cải thiện hình ảnh thành phố. Hồng Kông cần nâng cấp chất lượng môi trường cuộc sống thông qua hệ thống KGCC, mà cụ thể là việc nâng cấp hệ thống cây xanh để cải thiện KGCC trong đô thị, gia tăng các không gian cây xanh, tối đa hóa các cơ hội phủ xanh cho thành phố. Quy hoạch phủ xanh toàn bộ Hồng Kông được ra đời từ mong muốn đó.


Tổng thể, Quy hoạch phủ xanh Hồng Kông đã tạo ra định hướng và có tác dụng như những chỉ dẫn cho tất cả các bên tham gia trong quá trình quy hoạch, thiết kế, triển khai công tác phủ xanh nhằm tối đa hóa các lợi ích do cây xanh mang lại cho không gian đô thị. Bản quy hoạch đã đánh giá toàn bộ các KGCC bao gồm đường phố, các không gian mở tại Hồng Kông một cách chi tiết để tìm ra những không gian bị bỏ sót, những không gian vẫn còn cơ hội để phủ xanh. Sau đó, bản quy hoạch phân ra các khu vực với các đặc trưng riêng về cảnh quan, nhằm mục đích tạo sự khác biệt cho các không gian khác nhau của thành phố, phù hợp với tính chất của không gian và điều kiện đặc thù từng khu vực. Tiếp đó là bước thiết kế cảnh quan chi tiết cho các không gian cần phủ xanh đó để mang lại không gian cây xanh cảnh quan đẹp và thân thiện với người sử dụng. Nhìn chung, quy hoạch phủ xanh Hồng Kông đã tạo ra được một định hướng tổng thể cho việc thiết kế cảnh quan cây xanh trong các KGCC, tạo ra được một mạng lưới cây xanh tổng thể kết nối Hồng Kông, nâng cao chất lượng môi trường không gian đô thị, và mang lại một hình ảnh mới về Hồng Kông như một thành phố xanh đẳng cấp thế giới, cũng là tầm nhìn mà 
Chính quyền đã đặt ra khi triển khai dự án.


Quy hoạch phủ xanh Hồng Kông thành công do nhiều yếu tố, trong đó có thể kể đến ba yếu tố chính:

Thứ nhất, là việc quản lý dữ liệu. Toàn bộ dự án được thực hiện với sự hỗ trợ của GIS trong quá trình thành lập cơ sở dữ liệu, bản đồ hóa toàn bộ hệ thống không gian mở và cây xanh tại Hồng Kông, cũng như theo dõi những không gian này trong quá trình vận hành để có một kế hoạch bảo trì thích hợp. Hơn 600 triệu dữ liệu đã được thu thập cho dự án này. Việc có một cơ sở dữ liệu đầy đủ cộng với phần mềm GIS đã mang lại thành công cho dự án.


Thứ hai, là sự tham vấn của cộng đồng trong quá trình thực hiện dự án. Cư dân Hồng Kông đặc biệt quan tâm đến chất lượng của không gian công cộng và cây xanh. Sự tham vấn cộng đồng sẽ đảm bảo cho mọi hoạt động của dự án đề mang lại lợi ích cho cư dân, làm cư dân cảm thấy gắn bó và được làm chủ không gian công cộng nơi mình sinh sống.


Yếu tố cuối cùng, đó là chất lượng thiết kế. Thiết kế tốt cộng với chất lượng cây xanh đạt yêu cầu, và sự bảo trì đều đặn, sát sao trong quá trình vận hành, sẽ đảm bảo chất lượng và lợi ích lâu dài cho các không gian này.

Một thành phố nói chung, hay một khu đô thị nói riêng, tạo được đẳng cấp không chỉ bởi phần “cứng”, bao gồm hệ thống hạ tầng, đường cao tốc hiện đại, hay những tòa nhà khổng lồ.  Yếu tố chủ chốt để phân biệt giữa một thành phố đẳng cấp với một thành phố hạng thường chính là phần “mềm” của thành phố, những cư dân, du khách, tài năng của họ, các kết nối và mạng lưới xã hội của họ. Để có thể thu hút và giữ chân những nguồn nhân lực tài năng nhất, thành phố cần phải thân thiện với con người. Không gian công cộng là cơ hội để các KTS, nhà thiết kế đô thị tạo ra hình ảnh cũng như chất lượng cuộc sống của thành phố, giúp con người tận hưởng được tối đa các lợi ích do cây xanh và thiên nhiên mang lại.


Theo Tạp Chí Kiến Trúc Việt Nam số 5/2012

  • Tags