0971.659.624 thuvienxaydungvn@gmail.com
Phát triển đô thị: Kinh nghiệm từ Nhật Bản

Cũng trải qua giai đoạn đô thị hóa nhanh, bên cạnh những thành tựu, đô thị Nhật Bản cũng đối mặt với không ít thách thức. Nhưng đất nước xứ hoa anh đào đã thành công trong phát triển đô thị theo quy hoạch.

Phát triển đô thị theo quy hoạch

Nhìn lại quá trình phát triển đô thị của Nhật Bản, Thứ trưởng Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT) nhấn mạnh, sau thế chiến thứ 2, Nhật Bản bước vào thời kỳ phát triển và đô thị của Nhật Bản cũng phải đối mặt với các vấn đề mà đô thị Việt Nam hiện đang gặp phải như dân số tập trung quá đông ở đô thị, giao thông công cộng, cơ sở hạ tầng không đáp ứng kịp, ô nhiễm môi trường…

Đơn cử như TP Yokohama những năm 1960 - 1980, dân số đột nhiên tăng gấp đôi (từ 1,37 triệu người lên 2,77 triệu người). Hậu quả của sự gia tăng đột biến về dân số đã dẫn tới đô thị phát triển không kiểm soát được, thiếu nhà ở, cơ sở hạ tầng (kể cả hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội) không đáp ứng kịp, ô nhiễm môi trường tăng nhanh, ùn tắc giao thông…

Phó Cục trưởng phụ trách kỹ thuật Cục Chính sách Tổng hợp (Văn phòng Bộ trưởng) Matsui Naohito khẳng định, “chìa khóa” để giải quyết các vấn đề tồn tại đầy thách thức trong quá trình phát triển đô thị như môi trường, tắc nghẽn giao thông, gia tăng dân số… bắt nguồn từ quy hoạch. Nhật Bản đã thực hiện quy hoạch phát triển đô thị trên diện rộng, xây dựng quy hoạch vượt địa giới hành chính như quy hoạch xây dựng vùng thủ đô Tokyo, đưa ra kế hoạch phát triển đồng bộ trên diện rộng giữa xây dựng đường sắt đô thị và phát triển KĐTM trong vùng thủ đô, đồng thời, thiết lập khu vực kiểm soát phát triển bằng tầm nhìn rộng, tiến hành xây dựng các KĐTM để mở rộng đô thị.

Trong thời kỳ kinh tế tăng trưởng cao, do dân số gia tăng quá nhanh, tập trung tại các đô thị lớn nên tình trạng đô thị phát triển tràn lan, tự phát đã xảy ra. Đối phó với tình trạng này, Nhật Bản đã đưa ra phương pháp hạn chế mở rộng đô thị: Kiểm soát mở rộng đô thị, đưa ra kế hoạch xây dựng hạ tầng đô thị bằng hệ thống phân chia khu vực: Khu vực điều chỉnh đô thị, khu vực đô thị hóa, mở rộng khu vực đô thị hóa. Trong đó, khu vực đô thị hóa là khu vực đã hình thành đô thị hoặc trong 10 năm được ưu tiên phát triển thành khu vực đô thị hóa theo quy hoạch, riêng khu vực điều chỉnh đô thị hóa tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc là khu vực hạn chế đô thị hóa, không đầu tư hạ tầng cơ sở các công trình công cộng ở khu vực này. Trong thời kỳ này, Nhật Bản mở rộng và phát triển đô thị bằng cách xây dựng các KĐTM. Với mục tiêu phát triển đô thị hài hòa với môi trường, xây dựng TP gọn - xinh và đô thị sinh thái.

Phát triển đô thị hài hòa

Theo ông Matsui Naohito, cơ chế đảm bảo nguồn vốn cho phát triển đô thị của Nhật Bản đó là sử dụng lợi nhuận từ phát triển cùng với dự án tái điều chỉnh đất, do giá đất tăng cũng tăng được nguồn vốn cho xây dựng hạ tầng đô thị (thực hiện xây dựng đô thị đồng thời với thu hồi vốn cho dự án)… Tất cả tạo vốn cho phát triển đô thị, giúp hoàn thiện liên tục hạ tầng đô thị. Ngoài ra, khi dân số tăng thì nhu cầu sử dụng BĐS tăng, lượng ôtô tăng, lượng hành khách sử dụng đường sắt cũng tăng vì thế việc tăng thu đối với thuế BĐS, thuế xăng (đối với ôtô), vé tàu… tạo ra nguồn vốn, giúp tăng vốn xây dựng hạ tầng đô thị, xây dựng mới và hoàn thiện hệ thống đường bộ, đường sắt. Ngoài ra, việc thu phí thoát nước cũng đem lại nguồn thu đáng kể, giúp đô thị xây dựng hệ thống thoát nước, đẩy mạnh cải thiện hạ tầng môi trường đô thị.

Bước vào thời kỳ tăng trưởng ổn định, đô thị Nhật Bản tiếp tục xây dựng ĐTM, xây dựng trung tâm phát triển đô thị hài hòa với môi trường. Cùng với việc tái phát triển đô thị, các đô thị Nhật Bản tiếp tục đẩy mạnh việc sử dụng không gian ngầm trong lòng đất để kết nối hệ thống giao thông đô thị, tàu điện ngầm, các khu phố xung quanh, tạo hiệu suất sử dụng đô thị cao…

Tuy nhiên, khi dân số giảm trong tương lai, Nhật Bản sẽ xây dựng đô thị nhỏ gọn, thân thiện môi trường (compact city), giảm lượng CO2, nâng cao sự tiện lợi của giao thông công cộng và phát triển đô thị trung tâm, đồng thời tiến hành chiến lược thông minh thu gọn các vùng ngoại ô, đạt được đô thị bền vững. Việc thay đổi cấu tạo đô thị từ hình thức khuếch tán sang chuyên sâu cũng sẽ được tính đến như TP cũ trung tâm là đô thị chính, mật độ dân số ở ngoại ô thấp sẽ được chuyển sang TP bị phân tán, mật độ giảm, hình thành các trung tâm dọc theo tuyến giao thông công cộng chính, thúc đẩy TP thấp CO2 qua các giải pháp: cấu tạo giao thông đô thị, cây xanh, năng lượng…

Đổi mới chính sách phát triển đô thị tại Việt Nam

Theo PGS. TS Đỗ Tú Lan - Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Việt Nam đang thực hiện một số giải pháp nhằm đổi mới quá trình kiểm soát phát triển đô thị như đổi mới cơ chế, chính sách phát triển đô thị; Tăng cường phân cấp quản lý đô thị; nâng cao quyền hạn, trách nhiệm của chính quyền đô thị các cấp, thực hiện chương trình đào tạo nâng cao năng lực chính quyền địa phương; Hình thành hệ thống quỹ đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, xây dựng cơ chế phát triển hạ tầng đô thị bằng nhiều nguồn vốn, theo hướng khuyến khích sự tham gia của các khu vực ngoài nhà nước… Nhiều mô hình phát triển đô thị tiên tiến trên thế giới như mô hình đô thị sinh thái - ECO city, đô thị kinh tế sinh thái-ECO2 city, đô thị thông minh-Smart city đã và đang được nghiên cứu, áp dụng tại Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhận xét, Nhật Bản là một trong những nước có nhiều kinh nghiệm trong quy hoạch đô thị, quản lý đất đai, quản lý và điều tiết tốt các hoạt động đầu tư phát triển đô thị, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; tái thiết, chỉnh trang phát triển mới đô thị cũng như phát triển mạng lưới giao thông công cộng hiện đại… Bộ trưởng hy vọng kinh nghiệm trong quá trình phát triển đô thị của Nhật Bản sẽ góp phần vào quá trình phát triển bền vững đô thị Việt Nam, tăng cường quan hệ Việt Nam - Nhật Bản.


Theo Báo Xây dựng điện tử

  • Tags