0971.659.624 thuvienxaydungvn@gmail.com
Quy hoạch phân khu: Cơ hội vàng cho đô thị lịch sử

Thủ đô Hà Nội được mở rộng và Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 (QHC) được phê duyệt là cơ hội để Hà Nội phát triển đáp ứng các mục tiêu, nhiệm vụ của Quy hoạch phát triển KT-XH Thủ đô.

Đây chính là thời cơ có một không hai để giải quyết các vấn đề tồn tại của đô thị lịch sử.

Qua kinh nghiệm xem xét, thẩm định một số đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, trên địa bàn Hà Nội, có một số vấn đề cần quan tâm và giải quyết trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch xây dựng, cụ thể là:

Trong tổ chức lập quy hoạch, cần coi trọng công bố công khai tới người dân, phổ biến nội dung quy hoạch; đưa việc triển khai thực hiện quy hoạch trở thành nghị quyết, chương trình và các họat động thường xuyên của cấp ủy, chính quyền các cấp. Coi trọng quá trình phân cấp và tổ chức xin ý kiến cộng đồng để bảo đảm tính khả thi của đồ án. Khảo sát hiện trạng, rà soát, cập nhật các dự án đã triển khai để điều chỉnh các nội dung không hợp lý.

Các quy hoạch phân khu trước hết phải phù hợp với các nội dung yêu cầu của đồ án QHC như dân số, tạo quỹ đất hỗ trợ nội đô trong di dời cơ sở sản xuất, trường đại học, bệnh viện, cơ quan bộ, ngành, Trung ương; xây dựng các cơ sở hạ tầng kỹ thuật (HTKT) đầu mối, tạo nguồn lực từ quỹ đất... nhưng phải đáp ứng các nhu cầu cấp bách của Thành phố, chia sẻ các chức năng còn thiếu với đô thị trung tâm thông qua việc dành các quỹ đất di dời, các quỹ đất đấu giá, đất dịch vụ, giãn dân, phục vụ HTKT và xã hội... Các sở, ngành cần có sự phối hợp để khớp nối, đồng bộ với các quy hoạch chuyên ngành như quy hoạch phát triển KT-XH, quy hoạch sử dụng đất, HTKT.

Khi triển khai quy hoạch phân khu cần có sự quan tâm thích đáng đối với các làng xóm, khu dân cư hiện hữu nhằm hỗ trợ, bổ sung các chức năng hạ tầng đô thị còn thiếu và bảo tồn, phát huy các giá trị không gian làng xóm truyền thống, di tích; xử lý tốt ranh giới giữa đô thị mới và làng xóm. Việc khai thác và xử lý tốt các điều kiện địa hình địa lý tự nhiên, cùng với hệ thống giao thông và định hướng phát triển kinh tế sẽ là các yếu tố hình thành nên ý tưởng tổ chức cơ cấu và không gian kiến trúc đặc thù, những nét riêng biệt cần thiết của từng đồ án quy hoạch phân khu.

Cần kiến tạo lại các trung tâm công cộng chính, kể cả các trụ sở quận, huyện và khu vực nằm trong quy hoạch phân khu tại các vị trí cửa ngõ, tuyến đường lớn, với chỉ tiêu khống chế và các không gian cao tầng tạo điểm nhấn kết hợp không gian mở. Tạo lập các không gian đặc trưng, không gian tổ chức các sự kiện, tạo hình ảnh đặc sắc cho mỗi phân khu, mỗi quận, huyện.

Hệ thống HTKT phải được khớp nối giữa trong và ngoài khu vực nghiên cứu đối với hiện trạng hoặc các HTKT lớn khác như giao thông, san nền, thoát nước...  Tạo việc làm tại chỗ, cân đối với dân số trong các phân khu, tránh tạo ra giao thông "con lắc" vào trung tâm. Cùng với việc cập nhật các dự án là đề xuất các giải pháp phân đợt xây dựng khả thi theo giai đoạn và theo các dự án ưu tiên tạo nguồn lực, không để đô thị xây dựng kiểu manh mún, chắp vá. Tổ chức không gian xanh, nêm xanh kết nối liên hoàn và tạo nên các khoảng trống đô thị cần thiết, tránh hiện tượng đô thị bị kết dính kiểu "vết dầu loang". Các không gian cũng có thể được kết nối với làng xóm, các nêm xanh và vành đai xanh

QHC được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cơ hội đặc biệt cho Hà Nội để có thể thay đổi diện mạo đô thị. Khác với khi lập các  quy hoạch chi tiết quận, quy hoạch chung của huyện thuộc địa bàn Hà Nội cũ, đồ án quy hoạch phân khu đô thị đợt này không còn phụ thuộc vào ranh giới hành chính của mỗi quận, huyện. Đây là cơ hội vàng và có thể là cơ hội cuối cùng để hoàn thiện và chỉnh trang lại đô thị lịch sử. Những nội dung cần ưu tiên được đề xuất trên đây chính là các yêu cầu, nhiệm vụ mà mỗi đồ án quy hoạch cần quan tâm, giải quyết trong mối quan hệ đã được định hướng trong QHC.

Với sự quyết tâm và sự đồng thuận các cấp, ngành từ Trung ương đến Thành phố, đồ án QHC sẽ dần dần trở thành hiện thực, các đồ án quy hoạch phân khu sẽ là những gạch nối quan trọng, hiệu quả, giữa đồ án QHC với thực tiễn cuộc sống, là hình ảnh sinh động, góp phần xây dựng Hà Nội trở thành một Thủ đô "Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".

Theo báo kinh tế đô thị

  • Tags