0971.659.624 thuvienxaydungvn@gmail.com
Sức mạnh của làng ven đô

Là các làng xã nông nghiệp nằm cận kề đô thị

 

Những ngôi làng ven đô đang gặp nhiều thách thức, bởi một bên là cảnh quan nông thôn, sản xuất nông nghiệp và đời sống thôn quê, một bên là sự hấp dẫn của tiện nghi đô thị, dịch vụ thương mại và đời sống của người thành phố.  

...Nhà cao đất chật người thừa 
Đô thành đổ bóng chẳng chừa làng tôi 
Giàu sang kẻ khóc người cười 
Giật mình một bóng trăng rơi như đùa... (Thơ Nguyễn Quế) 


PHỐ VỀ QUÊ 

Đô thị phát triển tiến dần về các làng cận kề, chuyển hóa hoàn toàn hoặc một phần vào trong đô thị. Níu kéo cho sự tồn tại của những ngôi làng bé nhỏ này chính là những yếu tố hoặc sức mạnh bất tử xuất phát từ các giá trị nội tại độc đáo. KTS nổi tiếng Nhật Bản Hiroshi Hara trong buổi giới thiệu các công trình Kiến trúc tuyệt vời của mình đã thừa nhận học được rất nhiều điều từ khoảng 50 làng quê trên thế giới mà ông đã trải qua, từ đó tạo cho các công trình kiến trúc hiện đại của mình một hơi thở và sức sống mới. 

Sức mạnh đó, trước hết nằm ở Văn hóa. Giá trị văn hóa dân gian, văn hóa cộng đồng và văn hóa dòng họ luôn ẩn náu trong không gian làng xã truyền thống, trở thành nền tảng của nông thôn. Nếu đô thị đông đúc, ồn ào, bụi bặm, đắt đỏ và văn minh thì các làng ven đô vắng vẻ, yên tĩnh, tinh khiết. Đời sống nơi đây không hoàn toàn tiện nghi nhưng dễ sống. Tuy nhiên, ở mặt khác, không gian làng xóm lại thiếu hụt mạng lưới hạ tầng, hệ thống dịch vụ công cộng và tiện ích đô thị. Việc quản lý đất đai ở các làng ven đô cực kỳ lỏng lẻo khiến cho các doanh nghiệp, các chủ đầu tư đã đầu tư hàng chục, thậm chí hàng trăm hecta đất nông nghiệp để biến chúng trở thành đất dự án. Đây là lúc rất cần chúng ta nhận thấy rõ vai trò quan trọng của làng ven đô đối với thành phố.

Các làng ven đô đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp thực phẩm và nguồn nhân lực cho trung tâm đô thị. Với vị trí cách trung tâm khoảng vài ba chục km, các làng ven đô đã cung cấp cho đô thị nhiều mặt hàng nông sản, đặc biệt là rau củ quả. Mỗi buổi sáng tại các chợ đầu mối, người ta có thể nhận thấy một lượng nông sản tràn về Hà Nội (về rau quả có chợ Long Biên, chợ Hoàng Mai, về hoa có chợ đường Âu Cơ, về thực phẩm gia súc có chợ Bắc Qua)… Nguồn nhân lực cho đô thị từ nông thôn cũng rất phong phú và đa dạng. Những người nông dân sản xuất nông nghiệp theo vụ mùa. Ngoài thời điểm đó, họ tìm đến đô thị để cung cấp sức lao động giản đơn. Ở một nước mà trình độ công nghiệp hóa chưa cao như Việt Nam thì nguồn nhân công giản đơn và chi phí thấp có ý nghĩa hết sức quan trọng. 

Các làng ven đô là một lá phổi xanh, một môi trường thiên nhiên được tạo nên bởi cây xanh, mặt nước, sự thông thoáng và cảnh quan đồng quê. Nó như một môi trường sống trong thiên nhiên bổ sung cho môi trường sống đô thị. Theo mô hình Quy hoạch của các nước, những vùng cận kề đô thị này sẽ duy trì mật độ xây dựng thấp, cây xanh nhiều và người dân đô thị có thể tới đây sống và nghỉ ngơi vào hai ngày cuối tuần bằng ngôi nhà thứ hai của mình hoặc bằng các ngôi nhà cho thuê. Nếu quan niệm làng ven đô chỉ là sự tiếp tục mở rộng cơ học (grandir, élargir) của đô thị thì rõ ràng là một phần thiên nhiên của của làng đã bị thâu tóm, và về cơ bản đã làm mất đi một phần chất lượng của cuộc sống làm việc - nghỉ ngơi thời kỳ hiện đại. 

  • Ảnh bên: Làng ven đô ngoại thành Hà Nội 


PHÍA SAU CÁC " MỸ TỪ "

Các mỹ từ “sinh thái", “vành đai xanh”… đã được gán cho các làng ven đô, với định hướng về một môi trường xanh cần thiết cho đô thị. Điều đó có vẻ rất hình thức. Bản thân nông thôn đã là không gian xanh, đã là môi trường sinh thái. Đô thị cần phải học ở nông thôn cách sử dụng năng lượng của thiên nhiên một cách có hiệu quả, và làm giàu thêm môi trường xanh, sạch và không ô nhiễm. Tuy nhiên, ở bên trong những ngôi làng đáng quý đó là một đời sống khó khăn. Sự cám dỗ của đô thị là sức hút kéo người nông dân bỏ quê ra thành phố làm ăn, và là cơ hội để họ thay đổi cuộc đời. Những ông chủ mới xuất hiện cùng với những ý tưởng đô thị hóa nông thôn, và sự buông lỏng của quản lý đã khiến bộ mặt làng ven đô thay đổi.

Sự biến đổi được thể hiện cả về lượng và chất. Về lượng, nhà cửa xây dựng nhiều hơn, thậm chí mọc cả ra ngoài cánh đồng, đường xá mở rộng, và thêm nhiều tuyến mới. Diện tích xây dựng tăng đồng nghĩa với diện tích thiên nhiên bị thu nhỏ lại. 

  • Ảnh bên: Khu đô thị mới ngoại thành Hà Nội 

Các công trình xây dựng của người dân mọc lên bám theo các tuyến đường mới mở, một hội chứng phổ biến của phố thị - nhà chia lô mặt phố. Đường và Phố đã trở thành yếu tố dẫn dắt đô thị vào nông thôn. Vì vậy sự lộ diện của các nhà dân ra mặt đường trở thành niềm hãnh diện (về mặt tâm lý) và là phương tiện kinh doanh thương mại (về mặt mưu sinh). Lối sống bám vào đồng ruộng đã chuyển sang lối sống bám theo mặt đường. Ngôi nhà dàn trải có khuôn viên tường rào, tiếp xúc với thiên nhiên bao quanh biến thành ngôi nhà vươn cao chỉ tiếp xúc với thiên nhiên ở mặt tiền và sân thượng. Cùng với chính sách “đổi đất lấy hạ tầng” hỗ trợ, không gian của các làng ven đô, vốn rộng rãi phân tán đã trở nên chật chội, chen chúc, tập trung theo tuyến và chia cắt với không gian mở hai bên đường. Các lô đất lớn tách thành nhiều lô đất nhỏ, các mảnh đất hình vuông, chữ nhật biến thành các dải đất nhỏ hẹp, một mặt nhìn ra đường, một mặt hướng ra đồng ruộng. Đây chính là cái gạch nối đầu tiên giữa nông thôn và thành thị, trở thành cấu trúc điển hình - phần Thị của làng ven đô. 

Biến đổi thứ hai của làng ven đô nằm ở phần Đô của nó. Các trung tâm hành chính, văn hóa của làng vốn trước đây nằm rải rác trong khu dân cư nay được tập trung trong các khu hành chính với những tòa nhà khang trang. Các dự án phát triển cũng bám theo trục đường, với các trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng, các xí nghiệp sản xuất… Tất cả đang làm cho đời sống nông thôn khởi sắc. Thanh niên có công ăn việc làm, lại có điều kiện tiếp cận với văn minh đô thị. Có một điều quan trọng là, ở mỗi làng ven đô vẫn còn cái lõi truyền thống của nó, mà quá trình đô thị hóa không làm cho nó có thể biến đổi. Đó là văn hóa làng. Chợ phiên của làng vẫn mở một tháng hai kỳ, lễ rước Tổ làng cùng với trăm họ vẫn được tổ chức hàng năm, và các Tổ làng nghề vẫn duy trì các tập tục sinh hoạt cộng đồng ngày xưa, kể cả việc phải họp trong gian nhà trưởng họ, dù đó có thể là ngôi nhà tầng sang trọng. 

Người ta bàn nhiều tới chính sách sử dụng đất và chỉnh trang phát triển làng ven đô như thế nào để những vùng đất cận kề đô thị rất có giá trị này phát triển giàu mạnh nhưng không bị mất bản sắc văn hóa, không bị đô thị hóa cưỡng bức. Trong các dự án phát triển làng ven đô, Vườn, công viên sinh thái, khu nghỉ dưỡng cuối tuần… là những hạng mục được tính đến, bởi lẽ chúng có thể mang lại những lợi ích sau: 

- Không băm nát một hình thái thiên nhiên nguyên vẹn thành các mảnh nhỏ vụn; 

- Hình thành các không gian công cộng dạng mở cho cộng đồng đô thị, chúng có thể thu hút và giãn dân đô thị ra ngoài khu vực trung tâm; 

- Triệt tiêu sự nhòm ngó ngoài quy hoạch của các Dự án đặc biệt. 

Mặt khác trong quá trình biến đổi không gian làng ven đô dưới tác động của đô thị, cần tạo nên một cấu trúc hình thái không gian đặc trưng, được xuất phát từ đặc điểm của làng, trong đó tôn trọng phần lõi văn hóa, và phần nghề truyền thống trong hoạt động sản xuất của người dân. Cần có chính sách ưu tiên về đất đai và ưu tiên vốn đối với các gia đình hoặc các tổ hợp gia đình có truyền thống trong sản xuất làng nghề, ưu tiên bảo tồn các nhà thờ họ, các cảnh quan đặc trưng, đặc biệt là các cây xanh có tuổi và mặt nước gắn liền với các sự tích huyền thoại… Đó chỉ là một vài trong số những cách thức tiếp cận làng ven đô trong quá trình đô thị hóa. 

PGS.TS.KTS Doãn Minh Khôi 

Theo ashui.com

  • Tags