0971.659.624 thuvienxaydungvn@gmail.com
Việt Nam ứng phó như thế nào với biến đổi khí hậu?
Trong các ngày từ 18 - 19/8, Diễn đàn Kiến trúc sư châu Á 16 (Forum Arcasia 16) với chủ đề “Đô thị châu Á thế kỷ XXI - xu hướng và thách thức” được tổ chức tại Đà Nẵng. Một trong những vấn đề chính được đề cập tại Diễn đàn lần này là những thách thức của toàn cầu hóa, của biến đổi khí hậu (BĐKH) đối với phát triển đô thị và trong hành nghề kiến trúc ở châu Á. Vậy với riêng Việt Nam, BĐKH, nước biển dâng (NBD) có tác động như thế nào?

Việt Nam là 1 trong 5 nước chịu tác động lớn nhất thế giới của BĐKH

Theo kết quả nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố năm 2007, Việt Nam là 1 trong 5 nước chịu tác động lớn của BĐKH. Với NBD 1m (vào nửa cuối thế kỷ XXI), 10,8% dân số, 5,3% diện tích đất, 10,2% GDP và 10,9% diện tích đô thị của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.

Phân tích những tác động đối với lĩnh vực xây dựng đô thị, GS Phạm Ngọc Đăng - Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam - BĐKH và NBD cho biết: NBD sẽ làm giảm quỹ đất dành cho phát triển đô thị, thay đổi quy hoạch vùng và thay đổi các giải pháp kỹ thuật trong xây dựng, cấp thoát nước đồng thời tăng chi phí cho các giải pháp này.

Cũng theo ông Đăng, BĐKH và NBD sẽ dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn tăng, gây ra thiếu nước ngọt cấp cho đô thị đồng bằng và ven biển. Không gian đô thị ngầm sẽ bị tác động rất lớn. Lũ quét và sạt lở đất, đá tăng, đe dọa các đô thị vùng trung du - miền núi. Các hiện tượng xói lở bờ biển, bờ sông, tần suất và cường độ của bão lụt, lốc tố, hiệu ứng đảo nhiệt ở các đô thị lớn trong các đợt nắng nóng… đều gia tăng.

Sau khi đưa ra những dẫn chứng về sự tác động của BĐKH đối với phát triển đô thị ở Việt Nam trong những năm gần đây, TS Đỗ Tú Lan - Phó cục trưởng Cục Phát triển Đô thị nhận định: Hiện tượng NBD và bão lũ đã khiến nhiều người dân bị mất nhà và phải buộc di dời đến những vùng khác. Bão lũ không chỉ làm hàng nghìn người chết và mất tích mà còn phá hủy hàng nghìn căn nhà và những công trình đê biển…

Bà Đỗ Tú Lan cảnh báo: Đối với hệ thống đô thị hiện nay đang có xu thế hướng ra biển, xây dựng những khu nghỉ dưỡng, resort sẽ phải chịu ảnh hướng lớn của NBD và bão lũ. Những đô thị như TP Phan Thiết, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu đang có những hiện tượng xói mòn bờ biển, làm ảnh hưởng đến cảnh quan và những công trình trên biển.

Nghiêm trọng hơn, ở các đô thị của Việt Nam, hầu hết hệ thống thoát nước thải sinh hoạt đều chưa được xử lý. Trừ các đô thị loại I và II, hệ thống xử lý chất thải rắn của các đô thị còn lại không hợp vệ sinh. Đây sẽ trở thành nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường trong những tác động của BĐKH và NBD…

Thích nghi và ứng phó với BĐKH

Trước thực trạng và nguy cơ nói trên, điều mà Việt Nam cần là những giải pháp hữu hiệu để giảm thiểu và ứng phó sự tác động của BĐKH và NBD.

Theo ông Phạm Ngọc Đăng, trên thế giới có 3 nhóm giải pháp ứng phó với BĐKH trong xây dựng đô thị. Nhóm thứ nhất là rút lui hay chạy chốn vĩnh viễn bằng cách di dời đô thị lên chỗ cao hơn, xa hơn những nơi thường xảy ra tai họa lớn như sóng thần, vòi rồng, lũ lụt lớn… sẽ gây ra thiệt hại về kinh tế và xã hội vô cùng to lớn trong khi các tác động của BĐKH mới là dự báo có khả năng xảy ra. Vì vậy, trên thực tế chưa có nước nào có kế hoạch rút lui đô thị vĩnh viễn.

Nhóm giải pháp thứ hai là né tránh các tác động của BĐKH. Ông Phạm Ngọc Đăng cảnh báo: Việt Nam không nên phát triển đô thị ở bờ biển, bờ sông có hiện tượng xói lở lớn hoặc thường xuyên ngập lụt đồng thời hạn chế phát triển đô thị ở vùng ven biển thấp có rừng ngập mặn. Trong trường hợp vẫn phát triển đô thị ở vùng ven biển thấp thì hệ thống thoát nước phải ở độ cao thoát nước được khi NBD. Móng công trình phải cắm sâu xuống tầng đất thiên nhiên vững chắc.

Các vùng trung du, miền núi không phát triển đô thị ở những nơi có khả năng xảy ra trượt, sụt lở đất lớn, lũ ống, lũ quét. Các vùng đồng bằng trũng có nguy cơ lũ lụt nặng thường xuyên, nhất là khi mực NBD cao hơn thì không nên phát triển đô thị. Ở vùng có nguy cơ động đất lớn như TP Điện Biên thì nên tránh xây dựng công trình trên và gần vết nứt địa chất.

Nhóm giải pháp thứ ba là cố thủ và thích nghi với BĐKH. Theo ông Phạm Ngọc Đăng, đây là nhóm giải pháp quan trọng nhất, có tính phổ biến nhất. Theo đó, Việt Nam cần xây dựng kịch bản về tác động của BĐKH đối với từng vùng đô thị; củng cố và phát triển đê ở vùng ven biển và vùng đồng bằng; phát triển vùng đệm bảo vệ các đô thị ven biển…

Ngoài ra, Việt Nam cần tăng cường lưu trữ nước mưa, hạn chế khai thác nước ngầm, chống ô nhiễm môi trường nước mặt đồng thời cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước mưa để chống úng ngập đô thị. Việc thiết kế và xây dựng các không gian đô thị ngầm thích ứng với BĐKH, cải tạo đô thị hiện có và phát triển xây dựng đô thị sinh thái, phát triển cây xanh đô thị, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm và phát thải khí “nhà kính” trong đô thị… cũng là những giải pháp ưu việt mà Việt Nam cần ứng dụng mạnh mẽ.

Tương tự như vậy, TS Đỗ Tú Lan cũng đề xuất một số giải pháp giảm thiểu tác động của BĐKH. Theo đó, các đô thị cần tiết kiệm năng lượng, đồng thời tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng tự nhiên thay cho năng lượng hóa thạch; cải tạo công nghệ nhằm hạn chế tối đa lượng phát thải ô nhiễm môi trường. Việt Nam cần phát triển nhiều KĐT sinh thái và các TP có nồng độ CO2 thấp. Trong đô thị cũng nên phát triển các loại VLXD thân thiện với môi trường, tăng cường hệ thống giao thông công cộng, hạn chế số lượng xe hơi, xe máy gây phát thải ô nhiễm môi trường…

Đề cập đến các giải pháp ứng phó và thích nghi với BĐKH, bà Đỗ Tú Lan cho rằng: Việt Nam cần rà soát quy hoạch sử dụng đất để có kế hoạch bố trí di dời dân cư ở các khu vực nhạy cảm dễ bị tổn thương bởi tác động BĐKH, đặc biệt là với dân cư ven biển, rìa sông, các khu dân nghèo.

Việt Nam cần khoanh vùng khu vực thường xuyên úng ngập để có biện pháp xử lý kịp thời và xác định khu đất dự trữ phát triển có ưu thế về độ cao, dễ tiếp cận dịch vụ đô thị trong tương lai…

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần thiết lập hệ thống quan trắc đô thị đối với tác động của BĐKH theo các khu vực nhạy cảm và đông dân cư để có kế hoạch ứng phó kịp thời và nhất là nghiên cứu, áp dụng các mẫu nhà phù hợp với các vùng miền khác nhau trong bối cảnh chịu tác động của BĐKH.

Cư dân thành thị phải thay đổi cách sống

Tại hội nghị lần thứ 16 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 16) tổ chức ở TP Cancun (Mexico) hồi tháng12 năm ngoái, Ngân hàng Thế giới (WB) và Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc đã phát hành báo cáo cho biết: Việc cư dân thành thị thay đổi cách sống và xử lý rác thải hiệu quả có vai trò quan trọng trong ứng phó với BĐKH. Theo đó, hiện tại đã có hơn 50% dân số thế giới sống ở các đô thị. Có thể 3/4 dân số hoặc hơn sẽ tiến về các TP vào giữa thế kỷ này. Trong khi đó, cư dân thành thị là những người tạo ra 80% khí nhà kính toàn cầu, tác động nghiêm trọng đến BĐKH. Báo cáo của WB kết luận: Người dân đô thị phải thay đổi lối sống. Các TP cần tạo ra chính sách phát triển hợp lý và bền vững. Nếu được quản lý, TP dù đông dân cư cũng có thể giảm phát thải khí nhà kính và đảm bảo phát triển bền vững.

Nguồn tin: Bao xay dung
  • Tags