0971.659.624 thuvienxaydungvn@gmail.com
Xây dựng nông thôn mới - Kỳ 1: Nan giải bài toán giao thông

Đến thời điểm này, cụm từ "xây dựng nông thôn mới" (NTM) đã trở nên quen thuộc với hầu hết người dân trong tỉnh. Phong trào xây dựng NTM đang được triển khai rộng khắp và đã xuất hiện nhiều điển hình. Tuy nhiên, ngay từ bước đầu triển khai đã nảy sinh nhiều vấn đề đòi hỏi sự quan tâm, nghiên cứu để có những bước đi phù hợp trong lộ trình xây dựng NTM.

 

Chuyện của xã nghèo...

Xuân Trạch là một xã miền núi nghèo của huyện Bố Trạch. Hiện nay, cùng với các địa phương trong huyện, Xuân Trạch cũng đang bắt tay vào xây dựng NTM. Ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Toàn xã hiện có gần 62% hộ nghèo. Đây là một thách thức rất lớn đối với Xuân Trạch trong hành trình xây dựng NTM nói chung và hoàn thành tiêu chí giao thông nói riêng.

Hiện toàn xã có 22,8/25,2 km đường xã, liên xã, 6,5/19,4 km đường thôn đã được cứng hóa, tuy nhiên một số tuyến đường vẫn chưa bảo đảm về chiều rộng theo tiêu chí. 35,5/51,2km đường xóm, ngõ xóm có mặt đường, số còn lại chỉ mới có mặt bằng theo quy hoạch. Bên cạnh đó, với tổng diện tích tự nhiên toàn xã là 17.697 ha, đất lâm nghiệp chiếm đến 15.526 ha, quá trình giao đất, giao rừng cho các hộ dân cũng có những tác động nhất định đối với việc hoàn thành tiêu chí giao thông. Nếu mở rộng đường, chắc chắn sẽ liên quan đến việc giải tỏa đất đai. Vì thế hiện nay, Xuân Trạch đang đẩy mạnh việc tuyên truyền để người dân hiểu về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tạo thuận lợi trong quá trình triển khai chương trình nói chung và hoàn thành tiêu chí giao thông nói riêng...

Bên cạnh những xã miền núi, một số xã biển ở huyện Lệ Thủy nơi có địa bàn rộng, dân cư phân bố thưa thớt, cũng đang đau đầu với bài toán giao thông. Xã Ngư Thủy Trung hiện chỉ mới có 9/14 km đường liên xã được nhựa hóa, 11 tuyến đường liên thôn được hoàn thành cấp phối, đường ngõ, ngõ xóm gần như 100% đường cát. "Hệ thống đường liên thôn tuy đã được rải cấp phối, nhưng hầu hết chiều rộng mặt đường chưa bảo đảm theo yêu cầu. Bên cạnh những trăn trở về nhóm tiêu chí kinh tế, thì mở rộng và cứng hóa hệ thống đường giao thông trên địa bàn là những mục tiêu hàng đầu của địa phương hiện nay...", ông Ngô Gia Ngãi, Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Trung trao đổi.

Bài toán giao thông của xã Hưng Trạch (Bố Trạch) lại còn nan giải hơn, vì gộp cả 2 cái khó của các địa phương. Trong tổng số 18 thôn của xã, có 4 thôn, gồm Gia Hưng 1,2,3 và Thanh Hưng, mật độ dân số rất cao. Nhà ở tại khu vực này được xây dựng san sát, theo đó, các tuyến đường giao thông cũng chật hẹp. Để vận động người dân các thôn này mở rộng đường là rất khó, vì quỹ đất ở đây đã quá hạn hẹp. Trong khi đó, 14 thôn còn lại, đặc biệt là thôn Bồng Lai thì dân cư sống rải rác trên đồi, địa hình khó khăn và quá rộng, nên việc cứng hóa các tuyến đường theo quy định của tiêu chí cũng vô cùng nan giải...

Và "người giàu cũng khóc"

Nếu những địa phương nói trên đang gặp khó khăn bởi địa bàn rộng, tỷ lệ hộ nghèo cao, thì các xã như Cảnh Dương (Quảng Trạch), Hải Trạch (Bố Trạch)... lại đau đầu với bài toán giao thông theo hướng ngược lại. Ông Nguyễn Trung Thành, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương quả quyết: "Đối với địa phương chúng tôi, để cứng hóa hệ thống đường liên thôn, liên xã... là việc rất đơn giản. Nhưng bảo đảm độ rộng mặt đường đạt tiêu chí là việc vô cùng khó khăn.

Hiện tại ở Cảnh Dương có rất nhiều tuyến đường chỉ có chiều rộng từ 1,5 đến 2m. Cho dù địa phương có nguồn ngân sách để đền bù cho người dân thì cũng khó thực hiện khi quỹ đất ở của xã chỉ có 58 ha, mật độ dân số đạt mức kỷ lục của vùng nông thôn với 5.316 người/km. Vì vậy, hướng của địa phương trong thực hiện tiêu chí giao thông là chỉnh trang các tuyến đường hiện có để tạo thuận lợi cho người dân trong quá trình tham gia giao thông...".

Tương tự như Cảnh Dương, hệ thống đường liên thôn, liên xã tại Hải Trạch đã được bê tông hóa từ nhiều năm trước. Đối với tuyến đường liên thôn và các ngõ xóm, hầu hết các hộ dân đều tự giác bỏ kinh phí để hoàn thiện. Nhưng với việc mở rộng các tuyến đường đạt chuẩn NTM, chính quyền và người dân nơi đây gần như bó tay. Quá trình hoàn thành tiêu chí giao thông theo hướng chỉnh trang cũng đã là một bài toán khó, nói gì đến việc nâng cấp và mở rộng các tuyến đường đạt chuẩn NTM ở nơi "tấc đất tấc vàng" này. "Đối với các trục đường chính, chúng tôi sẽ cố gắng để đạt các yêu cầu của tiêu chí. Còn với hệ thống đường xóm, ngõ xóm thì nói thật, dù có kinh phí để đền bù giải tỏa mặt bằng cũng khó mà thực hiện được...", ông Hồ Thăng Long, Chủ tịch UBND xã Hải Trạch chia sẻ.

Lời giải cho bài toán giao thông

Ông Hồ Thanh Ngọc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT, Chánh Văn phòng điều phối Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đã có nhiều ý kiến tâm huyết về vấn đề này. Ông Ngọc cho rằng, những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn xây dựng NTM, cụ thể ở đây là khoảng cách giữa tiêu chí giao thông với thực tế các địa bàn nói trên, là rất đáng lưu tâm. Bộ tiêu chí về xây dựng NTM với 19 tiêu chí là chuẩn để chúng ta phấn đấu dài hơi, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn. Tiêu chí giao thông cũng thế. Để hoàn thành được tiêu chí này, cần có sự đồng thuận của người dân, sự quyết tâm của chính quyền địa phương.

 Lời giải cho bài toán giao thông đối với các xã có địa bàn rộng, đời sống người dân còn nhiều khó khăn như Cự Nẫm, Xuân Trạch (Bố Trạch), Ngư Thủy Bắc, Trung, Nam (Lệ Thủy)..., theo ông Ngọc, trước hết cần phải hoàn thiện quy hoạch của hệ thống đường liên thôn, liên xã, cắm mốc các tuyến đường bảo đảm đạt yêu cầu về chiều rộng của chuẩn NTM. Khi sức dân chưa đủ và nguồn ngân sách đầu tư còn hạn hẹp, các tuyến đường này tạm thời rải cấp phối để bảo đảm thuận lợi trong giao thông. Còn về vấn đề giao thông ở các địa phương đất chật người đông như Cảnh Dương, Hải Trạch và một số thôn ở Hưng Trạch, nên triển khai theo hướng "chỉnh trang thay vì phá bỏ".

Cũng bàn về vấn đề này, ông Trần Quang Vũ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Bố Trạch, Phó trưởng ban thường trực BCĐ xây dựng NTM huyện Bố Trạch cho rằng: Đến thời điểm này, bộ tiêu chí nói chung và tiêu chí giao thông nói riêng, vẫn là chuẩn để các địa phương phấn đấu. Về trường hợp xã Hải Trạch, là một địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế, nhưng vẫn không được chọn làm xã điểm xây dựng NTM bởi huyện đã thấy trước những khó khăn của Hải Trạch trong việc hoàn thành tiêu chí giao thông. "Có thể trong tương lai, sẽ có sự nghiên cứu chỉnh sửa bộ tiêu chí để phù hợp với thực tế của một số địa phương đặc thù, nhưng trước mắt, trong quá trình triển khai xây dựng NTM, các địa phương cần phải đối chiếu với bộ tiêu chí và nỗ lực hoàn thành mà thôi...", ông Vũ khẳng định.

                                                                                                                                                                                                                                                                                                           Theo Báo điện tử tỉnh Quảng Bình
Sưu tầm : Nguyễn Minh Tiến
Nguồn :    Báo điện tử tỉnh Quảng Bình

 

  • Tags