0971.659.624 thuvienxaydungvn@gmail.com
Xây dựng nông thôn mới - Kỳ 2: "Loay hoay" với nhóm tiêu chí kinh tế

Để nâng cao đời sống của người dân nông thôn thực sự có tính bền vững, thì phát triển kinh tế được xem là vấn đề căn bản. Từ nhóm tiêu chí kinh tế, các địa phương sẽ có những giải pháp về đào tạo nghề, tổ chức sản xuất, giải quyết việc làm nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo... Nhưng xem ra với vấn đề này, nhiều địa phương vẫn còn "loay hoay", chưa tìm ra lối thoát.

 

"Khó lắm!", ông Ngô Đức Thắng, Chủ tịch UBND xã Hưng Trạch (Bố Trạch) khẳng định như đinh đóng cột, khi chúng tôi đề cập đến chỉ tiêu giảm tỷ lệ lao động trong độ tuổi làm việc ở lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp xuống 35%.

Là một xã thuần nông, nằm ở vùng miền núi, lâu nay, thu nhập của người dân nói riêng và kinh tế của xã nói chung đều chỉ dựa vào nông, lâm nghiệp. 70% lao động trong độ tuổi làm việc ở lĩnh vực nông, lâm nghiệp, chỉ có 30% lao động thuộc ngành nghề khác là cơ cấu lao động của xã hiện nay. Địa hình rừng núi, không có làng nghề và vị trí không thuận lợi cho giao thương buôn bán đang là những trở ngại để xã Hưng Trạch có thể chuyển cơ cấu lao động sang các lĩnh vực CN-TTCN, dịch vụ.

Năm 2003, ở xã cũng có chương trình đào tạo nghề mây tre đan, nhưng làm được 1 năm, thấy đầu ra thấp so với ngày công lao động, người dân chẳng mấy ai mặn mà nên cuối cùng cũng bỏ. "Phát triển mô hình sản xuất nông lâm kết hợp, nuôi trồng các loại cây, con có hiệu quả kinh tế cao như trồng cây ớt, hồ tiêu, cao su... rồi chăn nuôi lợn, đặc biệt là lợn rừng... là thế mạnh bền vững của vùng gò đồi. Chúng tôi sẽ phát triển theo hướng này để nâng cao thu nhập cho người dân trên một đơn vị diện tích, còn nói chuyện phát triển TTCN, dịch vụ... trong điều kiện của Hưng Trạch là khó", ông Thắng cho biết.

Đến xã Ngư Thủy Trung (Lệ Thủy), ông Ngô Gia Ngãi, Chủ tịch UBND xã bày tỏ: "Chúng tôi lo ngại nhất hiện nay đó vấn đề giải quyết việc làm. Cái này theo chúng tôi là khó nhất. Địa phương đang vạch ra định hướng, phát huy tiềm năng lợi thế gần biển, sẽ quy hoạch, nâng cấp làm bãi tắm, kết hợp làm nhà truyền thống di tích đại đội pháo binh Ngư Thủy... từ đó phát triển du lịch cùng các dịch vụ kèm theo.

Chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh việc nuôi trồng, chế biến thủy hải sản." Hướng đi đã mở dựa trên những lợi thế về kinh tế biển, nhưng để Ngư Thủy Trung làm được việc này cũng không phải dễ, khi nguồn kinh phí của xã không có, người dân thì còn nghèo. Lao động trong lĩnh vực ngư nghiệp, nông nghiệp chiếm tới 89%, tỷ lệ hộ nghèo còn 19,3% đang là lực cản lớn đối với Ngư Thủy Trung trong chuyển đổi cơ cấu, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Đến năm 2020, lao động trong lĩnh vực nông - lâm - ngư còn 35%, tỷ lệ hộ nghèo còn 5% là cái đích không phải "gần" đối với Ngư Thủy Trung cũng như nhiều địa phương khác.

Về vấn đề này, ông Trần Quang Vũ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Bố Trạch, cho biết: "Cơ bản, Bố Trạch vẫn là huyện nông nghiệp, định hướng chuyển cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp theo tiêu chí đó, tính khả thi không cao, khó mà đạt được. Các xã vẫn đang loay hoay tìm hướng, ngay cả những xã điểm cũng còn khó khăn chứ chưa nói đến các xã khác".

Giảm tỷ lệ hộ nghèo, chờ các cụ "đi"...

Còn "loay hoay" tìm hướng đi trong phát triển nghề, tổ chức sản xuất, giải quyết việc làm... cũng có nghĩa là các địa phương chưa tìm ra giải pháp để có thể giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng thu nhập bình quân đầu người. Ở xã Cự Nẫm (Bố Trạch), trên 70% lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng trên thực tế, thời gian dành cho sản xuất nông nghiệp của số lao động này chỉ có 30%.

Thời gian còn lại, họ xoay trở, tìm kiếm mọi việc để tăng thu nhập cho gia đình nhưng cũng rất bấp bênh. Thu nhập bình quân của xã hiện chỉ đạt 8,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo là 18,87%. "Trong hơn 18% tỷ lệ hộ nghèo này, chỉ có 3% thuộc diện gia đình trẻ, có khả năng thoát nghèo, còn lại 15% là hộ gia đình người già cả, tàn tật, neo đơn... Cho nên, giảm xuống 5% là rất khó, đến năm 2020, giỏi lắm chúng tôi cũng chỉ giảm xuống được 10%". Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch UBND xã Cự Nẫm chia sẻ.

Còn ông Ngô Đức Thắng, Chủ tịch UBND xã Hưng Trạch thì cho rằng: "Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 5% cần có thời gian, chứ không thể làm trong ngày một ngày hai được. Thu nhập bình quân đầu người của Hưng Trạch mới chỉ đạt 8-9 triệu đồng/năm. Hiện chúng tôi còn gần 24% hộ nghèo. Với các hộ nghèo trong độ tuổi lao động còn có thể có giải pháp, chứ các hộ nghèo trong diện ngoài độ tuổi lao động, chúng tôi nói đùa chỉ còn cách chờ các cụ... đi thôi".

Trọng tâm thành thứ yếu

Ngoài những khó khăn mang tính đặc thù của một số địa phương, thực tế, hầu hết các địa phương còn chưa quan tâm nhiều đến nhóm tiêu chí kinh tế. Điểm qua một số đề án Xây dựng nông thôn mới của các địa phương, kinh phí dành cho xây dựng hạ tầng kinh tế- xã hội chiếm phần lớn nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Trong khi đó, đầu tư phát triển kinh tế với con số rất "khiêm nhường".

Ví dụ như ở xã Hoàn Trạch (Bố Trạch), trong tổng nguồn vốn dự toán đầu tư xây dựng nông thôn mới 101,450 triệu đồng, thì có tới 94 tỷ đồng (chiếm 92,9%) dành cho xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, chỉ có 3.080 triệu đồng dành cho phát triển sản xuất (chiếm 3%). Ở xã Đại Trạch (Bố Trạch), kinh phí dành cho hạ tầng kinh tế - xã hội chiếm 93,45% nguồn vốn xây dựng nông thôn mới (198,705/ 212,627 triệu đồng), kinh phí cho phát triển sản xuất chỉ có 4,94% (10,500/ 212,627 triệu đồng).

Ngay như ở Ngư Thủy Trung, một xã quan tâm nhiều đến phát triển sản xuất kinh doanh thì kinh phí dành cho lĩnh vực này cũng chỉ có 34 tỷ, chiếm 19,3% nguồn vốn xây dựng nông thôn mới. Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Thanh Ngọc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT, Chánh VP điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh thừa nhận: "Phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo là mục tiêu lớn nhất và có tính bền vững trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, quá trình triển khai, các địa phương vẫn ưu tiên nguồn lực, tập trung đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế- xã hội hơn là đầu tư cho phát triển kinh tế".

Thực tế, để hoàn thành tiêu chí về hạ tầng kinh tế- xã hội, có thể chỉ cần vài ba năm. Nhưng với việc đào tạo nghề, phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu lao động lại cần nhiều thời gian và có tính kế hoạch hơn, nên cần sớm được quan tâm, đầu tư. Ấy vậy nhưng, các địa phương dồn trọng tâm vào kết cấu hạ tầng, còn xem nhẹ nhóm tiêu chí về kinh tế. Phải chăng, vì kết cấu hạ tầng là những gì dễ nhận thấy khi kiểm tra, đánh giá? Vì thời gian hoàn thành ngắn? Vì các địa phương chưa tìm được lối đi trong câu chuyện tìm nghề, giải quyết việc làm, thay đổi cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập? Hay còn một nguyên nhân nào khác? Phải khẳng định, hạ tầng kinh tế- xã hội là những điều kiện thiết yếu để nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân.

Song nếu không có sự tâm huyết, vì một bộ mặt nông thôn đổi mới về thực chất, thì e rằng: sẽ có những nông thôn mới với con đường mới, trường học, trụ sở... đẹp đẽ, khang trang, mà người dân ở đó vẫn theo tư duy sản xuất cũ; đời sống thực sự của họ vẫn chưa chuyển mình theo kịp sự đổi mới về kết cấu hạ tầng.

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                        Theo nongthonmoi.gov

 

  • Tags