0971.659.624 thuvienxaydungvn@gmail.com
Xây dựng nông thôn mới - Kỳ 3: Xây dựng nông thôn mới hay đô thị hóa nông thôn?

Trong các báo cáo về xây dựng nông thôn mới ở các địa phương, số liệu về cổng, hàng rào, cây cối... chặt phá được xem như là kết quả, thành tích của phong trào hiến đất làm đường giao thông. Hình ảnh chặt bỏ những bờ rào làm bằng cây trồng lâu năm được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng thể hiện sự quyết tâm của các địa phương trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Nhưng... đằng sau các con số, sự kiện rầm rộ ấy là cả một câu chuyện về văn hóa ở các làng quê hiện nay.

 

Chuyện hàng chè tàu hay bức tường đá san hô...

Hàng cây được chặt bỏ, thôn xóm làm đường mới, "tiện thể" nhiều gia đình đua nhau xây bờ tường bê tông. Nhà nào cũng kín cổng cao tường. Còn đâu hình ảnh làng quê trù phú, thanh bình với những hàng rào cây được chăm sóc kĩ lưỡng...?

Nhà nghiên cứu văn hóa Văn Tăng chia sẻ: "Ở nông thôn, trồng hàng rào bằng cây xanh rất phù hợp với môi trường, nó còn có ý nghĩa về mặt phong thủy, tạo sinh khí cho ngôi nhà. Trồng lên, cắt cho nó vuông, tròn theo ý mình phải mất bao nhiêu năm, nhưng chặt phá 1 phát là xong. Để có con đường rộng mà phá đi biết bao hàng rào như vậy, tiếc lắm! "

Ở Cảnh Dương (Quảng Trạch)- một xã anh hùng với danh hiệu làng chiến đấu kiểu mẫu trong kháng chiến chống Pháp, bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, chính quyền xã đã thấy trước một số khó khăn, nhất là bài toán về giao thông với những quy định về độ rộng của con đường. Nhưng với truyền thống của một đơn vị anh hùng, Cảnh Dương quyết tâm tìm ra lời giải cho bài toán giao thông và sẽ đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015 theo đúng lộ trình. Đấy sẽ là cái được rất lớn từ chủ trương xây dựng nông thôn mới. Nhưng với một địa phương có nhiều nét đặc thù như Cảnh Dương, nếu làm không khéo, chúng ta cũng sẽ mất rất nhiều...

Qua trao đổi với một số người dân địa phương, không ít ý kiến lo ngại: mở rộng đường đạt chuẩn nông thôn mới là việc nên và cần phải làm, nhưng như vậy cũng đồng nghĩa với sự biến mất vĩnh viễn của những bức tường đá san hô hàng trăm năm tuổi. Đây chính là nét văn hóa riêng biệt của Cảnh Dương mà không phải làng quê nào cũng có được.

Dù trong vài thập kỷ qua, quá trình đô thị hóa nông thôn cũng đã ít nhiều tác động đến nơi này, nhưng hiện tại, Cảnh Dương vẫn còn nhiều ngõ xóm cổ kính được xây dựng từ xa xưa. Phía sau những bức tường ấy là đời sống tinh thần của nhiều thế hệ, là dấu ấn của những bàn tay người thợ tài hoa và tâm huyết. Nếu những bức tường này bị phá bỏ, nét văn hóa đặc thù ấy cũng sẽ không còn. Và đấy sẽ là một thiệt thòi rất lớn cho thế hệ con cháu sau này.

Đô thị hóa nông thôn?

Nếu xu thế bê tông hóa, cứng hóa được triển khai một cách ồ ạt, không tính toán thì phong trào xây dựng nông thôn mới sẽ trở thành đô thị hóa nông thôn. Và người dân nông thôn lạc lõng ngay trong chính môi trường sống của mình... Ông Hàm, một người dân ở xã Lộc Thủy nói: "Tôi không thích thay những hàng cây chè tàu bằng những hàng rào bê tông. Hàng rào bằng cây xanh phù hợp với cảnh nông thôn hơn chứ! Biết là đổi mới, nhưng cái gì đáng gìn giữ thì nên gìn giữ."

Ông Hồ Thanh Ngọc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT- Chánh VP Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh cho biết: "Chương trình xây dựng nông thôn mới không khuyến khích việc phá hàng rào cây, thay thế bằng tường bê tông. Ngược lại, chúng tôi ủng hộ việc giữ lại các hàng rào bằng cây đó. Nhưng các địa phương khi triển khai đã không hướng dẫn người dân một cách cụ thể".

Thực tế, trong bộ tiêu chí và hướng dẫn thực hiện xây dựng nông thôn mới, vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa và nét đặc thù của từng vùng miền đã được nêu rõ. Song quá trình triển khai thực hiện, nhiều địa phương chưa chú ý vấn đề này. Mặt khác, áp lực về tiến độ thực hiện, cùng sự "cẩu thả" của các đơn vị tư vấn đã dẫn đến những quy hoạch chung chung. Thêm vào đó là sự ưu tiên nguồn lực (cả về kinh phí lẫn nhân lực) "quá mức" cho kết cấu hạ tầng "vô tình" đã biến phong trào xây dựng nông thôn mới thành đô thị hóa nông thôn.

Nhà nghiên cứu văn hóa Văn Tăng cho rằng: "Đây là xu thế của xã hội, nhưng cần phải giữ được những nét đẹp truyền thống. Không nên làm vội vàng và máy móc, mà cần có sự tính toán kĩ lưỡng, kẻo phá hết những gì cần gìn giữ."

Lời kết

Với thực tế của các địa phương hiện nay, thì xây dựng nông thôn mới một cách đúng nghĩa, thực chất theo bộ tiêu chí và kịp tiến độ thì chỉ có phép màu... nếu không có sự huy động tổng lực từ mọi cấp và toàn xã hội.

Phải khẳng định rằng, xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng đắn, bộ tiêu chí đặt ra là cái đích chung cần hướng đến để bảo đảm cuộc sống tốt đẹp cho người dân nông thôn. Nhưng nếu như không có các giải pháp cụ thể, định hướng mang tính lâu dài thì sợ rằng sẽ chỉ vẽ ra được nông thôn mới trên "bàn giấy", hoặc một nông thôn mới được hiểu phiến diện theo cách nghĩ chủ quan của một số người trong quá trình triển khai, chứ thực sự không phải vì cuộc sống thực thụ như mong muốn của đại đa số người dân.

Bởi vậy, các địa phương cần cẩn trọng trong lộ trình xây dựng nông thôn mới, để tránh những mặt trái không đáng có từ việc triển khai một chủ trương đúng đắn.

 Theo nongthonmoi.gov

  • Tags