Nếu không được vẽ ra trên giấy....
Nếu không được vẽ ra trên giấy, bản quy hoạch của Le Corbusier đã không thể trở nên đầy uy quyền đến thế. Với mong muốn cải tạo thành phố công nghiệp ô nhiễm, kiến trúc sư theo chủ nghĩa hiện đại người Pháp này đã đề xuất mô hình “những tòa tháp trong công viên”. Ở đó, công nhân có thể sống trong các tòa nhà cao tầng với không gian xanh bao quanh và nằm cách xa khu nhà máy. Ý tưởng của ông trở thành nền tảng cơ bản vào những năm 1930 và được hình ảnh hóa thông qua các biểu đồ. “Nó tác động đến hầu hết tất cả mọi người”, Benjamin Grant, Giám đốc chương trình Thiết kế đô thị và khu vực công cộng thuộc Hiệp hội Quy hoạch & Nghiên cứu đô thị San Francisco nhận định. “ Chúng thật sự là những bản vẽ thiết yếu cho một ý tưởng thiết yếu như thế.”
Do đó, bản quy hoạch mang tính biểu tượng của Le Corbusier về “Thành phố tươi sáng” trở thành sự lựa chọn hiển nhiên khi Grant và SPUR khởi động một triển lãm mới, “Những sự lược giản vĩ đại: 10 biểu đồ đã làm thay đổi diện mạo quy hoạch đô thị.” (Grand Reductions: Ten diagrams that changed urban planning). Trong bản quy hoạch này, “Những ngọn tháp trong công viên” được mặc định xây dựng trên một vùng đất hoàn toàn trống. Ý tưởng đã gây ảnh hưởng cho các nhà quy hoạch nhiều thập niên sau đó. Một số biểu đồ khác cũng có nhiều điểm thú vị.
Với tựa đề “Những sự lược giản vĩ đại” (Grant reductions), triển lãm đề cao sức mạnh của việc dùng thể hiện đơn giản khái quát ý tưởng phức tạp. Với lý do này, để tìm giải pháp phù hợp cho các thành phố, các thế hệ kiến trúc sư, quy hoạch sự và các nhà tư tưởng đã tái hiện lại những cấu trúc phức tạp (với thành phố vệ tinh, trong mạng lưới đường ô bàn cờ hay trong các siêu vùng (Megaregion)). Trong bối cảnh đô thị, các biểu đồ có một sức mạnh rất lớn bởi chúng nhanh chóng tạo ra những câu hỏi có trọng lượng về vấn đề sử dụng đất. Tuy nhiên, minh họa bản quy hoạch của Le Corbusier đã cho thấy rằng, chúng cũng có thể lược giản quá mức những vấn đề của thành phố. 10 biểu đồ này đã tạo ra rất nhiều ảnh hưởng, nhưng không phải lúc nào các ảnh hưởng này cũng mang tính tích cực.
Những biểu đồ có tác dụng 2 mặt: “Chúng tinh lọc ý tưởng tốt nhất, làm nổi bật các vấn đề phức tạp và tạo ra cách tiếp cận đến các giải pháp một cách tốt nhất,” Grant nói. “Ngược lại, chúng cũng có thể đơn giản hóa vấn đề một cách quá mức cần thiết.” Trong nhiều năm qua, có lẽ một số bản vẽ đã được thực hiện và dễ dàng nhận ra trong thực tế, trong khi một số khác lại ẩn đâu đó phía sau những địa danh thú vị trong thành phố. “Kể cả khi bạn không biết về các biểu đồ,” Grant nói, “bạn nên biết những nơi mà biểu đồ này truyền cảm hứng.” SPUR chia sẻ những hình ảnh buổi trưng bày được khai trương trong tuần này. Nếu bạn có cơ hội đến San Francisco, bạn có thể tự tham quan triển lãm tại trung tâm trưng bày Đô thị SPUR (654 Mission Street) vào tháng Hai.
1. Thành phố vườn của Ebenezer Howard
Biểu đồ này được công bố trong bài luận “Những thành phố vườn trong tương lai” của Howard năm 1903. Howard mong muốn tạo ra một thiết kế nhằm thay đổi những thành phố công nghiệp vốn đã quá ô nhiễm và chật chội. Giải pháp của ông tập trung vào việc xây dựng “những thành phố vườn” nhỏ hơn, (với 32000 dân cho mỗi thành phố) liên kết với nhau bằng những kênh đào và đường giao thông, được thiết lập trong một vành đai xanh vĩnh viễn. Bản quy hoạch của ông bao gồm những không gian mở rộng lớn với mục tiêu mang đến điều kiện sống tốt nhất cho tầng lớp dân nghèo thành thị.
2. Thành phố tươi sáng của Le Corbusier
Thành phố tươi sáng (Le Corbusier)
Khảo sát địa lý tại Mỹ
Le Corbusier cũng nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề tương tự về ô nhiễm và sự tập trung dân cư quá đông đúc ở đô thị, nhưng khác với Howard, ý tưởng của ông thiên về phát triển chiều cao hơn chiều rộng. Bản quy hoạch “Những tòa tháp trong công viên”đề xuất rằng: rất nhiều tòa nhà cao tầng được bao quanh bởi các không gian xanh. Mỗi tòa nhà được xây dựng trên những khu đất mà ngày nay các nhà quy hoạch đã chế giễu nó như những khối phố khổng lồ. Không gian được phân biệt rõ ràng bởi các chức năng khác nhau (bao gồm nhà ở, trung tâm thương mại, nhà máy và kho bãi). Ý tưởng của Le Corbusier đã được tái hiện sau đó trong dự án thiết kế nhà ở công cộng đồ sộ tại Mỹ trong thời kỳ “ cách tân đô thị”. Đây là hình ảnh của dự án nhà ở nổi tiếng Pruitt-Igoe tại St. Louis. Chúng bị phá hủy sau 18 năm xây dựng.
3. Thành phố Broadacre của Frank Lloyd Wright
Pháp lệnh đất đai ở Mỹ năm 1785 đã chia hầu hết nội vùng lãnh địa phía Tây chưa được quy hoạch bên dòng sông Ohio thành một mạng lưới các ô vuông có kích thước 6 dặm mỗi chiều (mỗi ô vuông gồm 36 dặm vuông đất, tương đương 15,5 cây số vuông, cho một xã hội nông nghiệp và sở hữu đất mà Thomas Jefferson đã hình dung). Nếu bạn lái xe hoặc bay ngang qua khu vực Trung Tây nước Mỹ ngày nay, những ảnh hưởng của việc chia đất như thế này vẫn còn để lại dấu ấn trên những con đường vuông góc và những trang trại vuông vức. Frank Lloyd Wright đã nghĩ đến một xã hội không tưởng (utopia) khi dự kiến rằng mỗi gia đình sẽ sống trên một mẫu đất (tương đương hơn 4000 mét vuông) trong mạng lưới hình học này. Mật độ này sẽ dẫn đến sự mở rộng vùng ngoại ô trên toàn bộ lãnh thổ.
4. Mạng lưới ô bàn cờ
Mạng lưới đường đơn giản và hợp lý này đã trở thành một sự lựa chọn mặc định cho các nhà quy hoạch trong nhiều thế kỷ (vào những năm 50, chúng bị phá bỏ trên diện rộng ở Mỹ khi người dân chuyển về vùng ngoại ô hoặc ưa chuộng các đường cụt). Năm 1811, bản quy hoạch cho thành phố Manhattan đã nỗ lực áp dụng một cách nghiêm ngặt mạng lưới hình ô cờ cho những khu vực còn lại. Một vài thập niên sau đó, bản đồ 1852 của San Francisco đã thực hiện tương tự, nó bỏ qua những hình dạng tự nhiên của địa hình và đường bờ biển.
5. Siêu vùng
“Siêu vùng” (Jean Gottamn)
Ngày nay, những vấn đề giao thông, kinh tế và môi trường được các nhà quy hoạch đề cập nhiều hơn không chỉ ở quy mô cộng đồng hay thành phố mà trên quy mô vùng, nơi các tuyến tàu điện ngầm được kết nối với nhau. “Siêu vùng” không phải là một ý tưởng mới. Bản đồ năm 1961 trong cuốn sách Megalopolis của Gottman minh họa một siêu vùng tiếp nối một siêu vùng khác từ Washington, D.C., Boston.
6. Lát cắt (the transect)
Lát cắt được các nhà quy hoạch sử dụng như một công cụ trực quan để phân chia cảnh quan thành nhiều chức năng sử dụng. Minh họa của kiến trúc sư Andres Duany (hình trên) là một ví dụ. Nó thể hiện phân cấp từ nông thôn – thành thị giữa khu vực thiên nhiên và vùng đô thị mật độ cao và trở thành một khuôn mẫu phổ biến cho Chủ nghĩa Đô thị Mới (New Urbanism).
7. Nguyên tắc về khoảng lùi
Vào những năm đầu của thế kỷ 20, khi các thành phố tràn ngập những tòa nhà chọc trời, các nhà quy hoạch đã chuyển hướng quan tâm vào cách bố trí của các đơn vị ở thấp tầng đến số lượng các tòa nhà cao tầng đang vươn lên trên bầu trời. Luật quy hoạch mới ở thành phố New York vào năm 1916 yêu cầu các tòa nhà càng xây gần nhau thì càng phải cao hơn để đảm bảo ánh sáng ban ngày vẫn có thể rọi xuống đường phố. Hình bên dưới minh hoạ sự bùng nổ của các tòa nhà chọc trời.
8. Bản đồ của Nolli
Bản đồ 1748 tại Rome được Giambattista Nolli thể hiện. So với ngày nay, trông nó không có gì đặc biệt, nhưng bản đồ này đã mô tả thành phố từ trên cao mà không có điểm hội tụ của mắt (do đó các mặt bằng tòa nhà được “gióng” thẳng xuống mặt nền, cũng là mặt bản đồ, thay vì nếu như nhìn từ một điểm duy nhất, các công trình phía xa sẽ bị biến dạng do góc nhìn nghiêng). Hình trên đã phác họa mạng lưới đường của thành phố và mô hình phát triển của nó.
9. Địa tâm lý (psychogeography)
Những kiến trúc sư và những họa sĩ “tình huống” (Situationist) vào những năm 50 đã nỗ lực “nắm bắt” lấy (hình ảnh/tình trạng) thành phố thông qua trải nghiệm của con người thay vì bằng các bản vẽ theo theo kiểu (áp đặt) từ-trên-xuống (top-down) (vào thời điểm đó, họ đã dấy lên phong trào chống lại công cuộc xây mới đô thị vốn xóa bỏ hiện trạng đô thị một cách không thương tiếc). Cách tiếp cận của họ đã góp phần nâng cao vai trò về kinh nghiệm và thông tin của người dân theo phương thức từ dưới lên. Bản đồ 1961 ở trên do Kevin Lynch (Viện Công nghệ Massachusetts) được thực hiện từ một dự án khảo sát yêu cầu người dân phác họa lại bản đồ và thể hiện những nơi đáng nhớ nhất của thành phố ở Boston bằng trí nhớ. Những bản đồ ngày nay được tạo nên từ FourSquare checkins, Twitter traffic hoặc bikeshare usage dựa trên ý tưởng này.
10. Cây gậy môn khúc quân cầu trên băng (Hockey)
Có thể bạn đã nhìn thấy những biểu đồ này trong nhiều trường hợp khác nhau liên quan đến chủ đề quy hoạch đô thị. Hình ảnh nổi tiếng này từ nhà khoa học khí tượng Michael Mann minh họa các đợt tăng nhiệt độ ở Phía Bắc Hemisphere kể từ khi cuộc cách mang công nghiệp bùng nổ. SPUR kết thúc cuộc triển lãm bằng biểu đồ này nhằm nhấn mạnh mối liên hệ giữa “sự phát triển thông minh” (Smart growth) và biến đổi khí hậu. “Đây thực sự là một bản tường thuật về quy hoạch có tổ chức trong thế kỷ 21”. Grant nói. “Ý tưởng về một mối liên hệ mạnh mẽ giữa hình dáng của thành phố và các mô hình các khu dân cư cũng như tác động của biến đổi khí hậu trở nên ngày càng mạnh mẽ. Vì thế, có rất nhiều ý tưởng khác được lồng ghép vào bản tường thuật này.”
Emily Badger / Phan Trần Kiều Trang (dịch từ The Atlantic Cities)
(Bài viết được đăng trong Tạp chí Quy hoạch Đô thị số 12)