Theo đó, hệ thống đường ngang nối với đường Hồ Chí Minh bao gồm các tuyến đường bộ để kết nối giữa đường Hồ Chí Minh với các tuyến đường bộ quốc gia theo trục dọc Bắc - Nam (quốc lộ 1, đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường bộ ven biển), các cửa khẩu quốc tế, cảng biển, cảng hàng không, các quốc lộ quan trọng và các trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tạo nên mạng lưới giao thông đường bộ hoàn chỉnh nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư của đường Hồ Chí Minh...
Hệ thống đường ngang nối với đường Hồ Chí Minh được hình thành trên cơ sở các tuyến đường hiện có kết hợp với việc nâng cấp, cải tạo hoặc xây dựng mới một số đoạn phù hợp với chiến lược phát triển giao thông vận tải, các quy hoạch đã được phê duyệt và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh có tuyến đường đi qua; đảm bảo đáp ứng được nhu cầu vận tải trước mắt cũng như lâu dài.
Trước mắt sẽ tập trung xây dựng các đường ngang có nhu cầu cấp thiết để nâng cao hiệu quả đầu tư, tiếp theo sẽ đầu tư các tuyến còn lại.
Hệ thống đường ngang nối với đường Hồ Chí Minh bao gồm 108 tuyến đường bộ với tổng chiều dài khoảng 10.466km.
Cụ thể, đường cao tốc (có kết hợp một số đoạn quốc lộ) gồm 8 tuyến với tổng chiều dài khoảng 1.313km; quy mô 4-8 làn xe. Các tuyến đường này phù hợp với Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020.
Quốc lộ gồm 37 tuyến với tổng chiều dài khoảng 5.867km; các quốc lộ có quy mô quy hoạch tối thiểu đường cấp III. Riêng các quốc lộ đi qua khu vực địa hình khó khăn, quy mô tối thiểu đường cấp IV miền núi phù hợp với Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Đường tỉnh và đường huyện gồm 63 tuyến với tổng chiều dài khoảng 3.286 km; quy mô tối thiểu cấp IV 2 làn xe.
Phân kỳ đầu tư trong 3 giai đoạn
Quy hoạch này sẽ được thực hiện trong 3 giai đoạn. Giai đoạn từ nay đến năm 2015 sẽ tập trung đầu tư các đường ngang câp thiết nối đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 với quốc lộ 1, các khu kinh tế, cửa khẩu quốc tế để phát huy hiệu quả đường Hồ Chí Minh.
Giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2020 sẽ đầu tư nâng cấp, cải tạo các quốc lộ quan trọng và các tuyến đường tỉnh theo quy mô của quy hoạch để tăng hiệu quả đường Hồ Chí Minh.
Giai đoạn sau năm 2020 tùy vào nguồn lực và nhu cầu vận tải để đầu tư nâng cấp, cải tạo các tuyến đường còn lại theo quy mô của quy hoạch.
Dự kiến, tổng quỹ đất cần thiết để thực hiện quy hoạch hệ thống đường ngang nối với đường Hồ Chí Minh khoảng 35.086 ha (bao gồm các tuyến đường thuộc các quy hoạch khác đã được phê duyệt).
Nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống đường ngang nối với đường Hồ Chí Minh (gồm kinh phí xây dựng các tuyến đường thuộc các quy hoạch khác đã được phê duyệt) được huy động từ nguồn vốn ngân sách trung ương, vốn ngân sách địa phương, vốn trái phiếu Chính phủ và vốn huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác.
Theo VGPNEWS