Định dạng tài liệu (pdf)
I. GIỚI THIỆU CHUNG
Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông đã nghiên cứu, xây dựng Hướng dẫn áp dụng Bộ tiêu chí đô thị thông minh bền vững – Phiên bản 1.0. Bộ tiêu chí này được xây dựng trên cơ sở cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo và mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm được xác định tại Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Các chỉ tiêu cụ thể được xác định tại Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 định hướng đến năm 2030;
Bộ tiêu chí đô thị thông minh bền vững – Phiên bản 1.0 được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu, tổng hợp các tiêu chuẩn của Việt Nam, các tổ chức quốc tế như ISO, BSI và quy định của một số quốc gia liên quan đến phát triển đô thị thông minh bền vững; kết quả đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ về “Nghiên cứu xây dựng các tiêu chí đánh giá đô thị thông minh tại Việt Nam” đã được nghiệm thu; sản phẩm nghiên cứu của Dự án “Thành lập Trung tâm hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng”; thực tiễn tình hình triển khai thực hiện Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam trong thời gian vừa qua.
II. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG
2.1. Hướng dẫn áp dụng Bộ tiêu chí đô thị thông minh bền vững – Phiên bản 1.0 là tài liệu để phục vụ công tác chỉ đạo, xây dựng chương trình, kế hoạch, giải pháp phát triển đô thị thông minh; theo dõi, định kỳ đánh giá mức độ phát triển đô thị thông minh theo các cấp độ; cơ sở để xây dựng quy định chi tiết phục vụ đánh giá, công nhận đô thị thông minh.
2.2. Đối tượng áp dụng của Bộ tiêu chí đô thị thông minh bền vững – Phiên bản 1.0 là Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ủy ban nhân dân các các thành phố, thị xã; các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác đánh giá, công nhận đô thị thông minh.
III. NỘI DUNG BỘ TIÊU CHÍ
3.1. Bộ tiêu chí đô thị thông minh bền vững – Phiên bản 1.0 được xây dựng dựa trên các trụ cột phát triển đô thị thông minh bao gồm: Quy hoạch đô thị thông minh; Xây dựng và quản lý đô thị thông minh; Cung cấp các tiện ích đô thị thông minh cho các tổ chức, cá nhân trong đô thị với Cơ sở nền tảng là Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và hệ thống hạ tầng ICT trong đó bao gồm cơ sở dữ liệu không gian đô thị thông minh được kết nối liên thông và hệ thống tích hợp hai hệ thống trên.
3.2. Bộ tiêu chí đô thị thông minh bền vững – Phiên bản 1.0 gồm 17 nhóm tiêu chí với 60 tiêu chí cụ thể và được chia thành 04 cấp độ trưởng thành:
- Cấp độ 1 (Cơ bản) có 16 tiêu chí;
- Cấp độ 2 (Nâng cao) có 16 tiêu chí cấp độ 2 trên tổng số 32 tiêu chí của cả hai cấp độ 1 và 2;
- Cấp độ 3 (Tiên phong) có 18 tiêu chí cấp độ 3 trên tổng số 50 tiêu chí của cả ba cấp độ 1, 2 và 3;
- Cấp độ 4 (Bền vững) có 10 tiêu chí cấp độ 4 trên tổng số 60 tiêu chí của cả bốn cấp độ 1, 2, 3 và 4 .
Chi tiết danh mục các tiêu chí, cấp độ trưởng thành của đô thị thông minh theo các tiêu chí và giải thích các tiêu chí tại các Phụ lục 1, 2, 3 kèm theo văn bản này.
IV. PHƯƠNG PHÁP ÁP DỤNG VÀ CÁC YÊU CẦU CƠ BẢN
4.1 Phương pháp áp dụng
a) Việc áp dụng Bộ tiêu chí đô thị thông minh bền vững – Phiên bản 1.0 dựa trên cơ sở tự nguyện.
b) Tùy điều kiện cụ thể (quy mô, cơ sở hạ tầng, mục tiêu phát triển) đô thị có thể lựa chọn:
- Áp dụng các tiêu chí theo từng cấp độ trưởng thành;
- Áp dụng toàn bộ 17 nhóm tiêu chí hoặc một số nhóm tiêu chí;
- Quá trình lựa chọn áp dụng các nhóm tiêu chí nên ưu tiên áp dụng tuần tự theo các cấp độ trưởng thành.
c) Khi đánh giá mức độ trưởng thành đô thị thông minh, đô thị cần hoàn thành tối thiểu 75% số tiêu chí quy định tương ứng với cấp độ được đánh giá.
d) Tổ chức, cá nhân đủ điều kiện, năng lực đánh giá, công nhận đô thị thông minh có trách nhiệm cụ thể hóa các tiêu chí và chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá.
4.2 Các yêu cầu cơ bản
a) Đô thị áp dụng Bộ tiêu chí đô thị thông minh bền vững – Phiên bản 1.0 cần đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc cảnh quan khu vực nội thành, nội thị đối với đô thị từ loại III trở lên theo quy định tại Bảng 5A, Phụ lục 1 Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 về phân loại đô thị. Đô thị loại IV và V khuyến khích áp dụng.
b) Các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình, giải pháp số hóa, liên thông, tích hợp, chia sẻ và khai thác dữ liệu phục vụ xây dựng và phát triển đô thị thông minh, các tiện ích đô thị thông minh phải đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin mạng theo các quy định của pháp luật liên quan.
(acudvn24)