Định dạng tài liệu: (.doc), (.pdf), (.jpg)
Về vị trí địa lý, thành phố Thái Nguyên tiếp cận thuận lợi với hệ thống giao thông quốc gia như: Quốc lộ 3, Quốc lộ 37, Quốc lộ 1B, Quốc lộ 3 mới (Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên); đường sắt Hà Nội - Quán Triều, Thái Nguyên - Kép - Lạng Sơn, Thái Nguyên - Núi Hồng; đường thủy có sông Cầu, sông Công nối Thái Nguyên với Bắc Giang - Bắc Ninh - Hà Nội, để phát triển giao thương trong nước & quốc tế. Trong đó tuyến Quốc lộ 3 mới và sau này là tuyến Vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội đóng vai trò quan trọng kết nối thành phố Thái Nguyên với các tỉnh trong vùng Thủ đô Hà Nội, hành lang kinh tế Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng và hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Về địa hình, cảnh quan, thành phố Thái Nguyên có địa hình đa dạng, cảnh quan đẹp, như: Hồ Núi Cốc, sông Cầu, sông Công, hệ thống đồi bát úp xen kẽ là những lợi thế tự nhiên cho phát triển thành phố.
Về lịch sử - văn hóa, thành phố Thái Nguyên là mảnh đất gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, là nơi có đời sống văn hoá mang tính chất hội tụ, giao lưu giữa các vùng miền, các dân tộc, mang đậm nét văn hoá vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ. Những di tích gắn với lịch sử văn hóa thành phố, như: Đền Đội Cấn, Chùa Phủ Liễn, … và Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam, nơi lưu giữ và trưng bày các hiện vật, tài liệu về lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân các dân tộc Việt Bắc và di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, thành phố Thái Nguyên còn là địa danh gắn liền với cây chè và sản phẩm trà nổi tiếng trong và ngoài nước, chè Tân Cương.
Về kinh tế - xã hội, thành phố Thái Nguyên là trung tâm giáo dục - đào tạo lớn thứ 3 của cả nước với nhiều trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, hàng năm đào tạo trên khoảng 100 nghìn sinh viên. Là trung tâm y tế lớn của vùng với nhiều bệnh viện đa khoa, chuyên khoa của Trung ương và địa phương, với tổng công suất phục vụ khoảng trên 2000 giường. Thành phố Thái Nguyên còn là cái nôi của nền công nghiệp nặng nước nhà, với sự hình thành và phát triển Khu công nghiệp gang thép Thái Nguyên.
Về du lịch, thành phố Thái Nguyên nằm trong các tuyến du lịch Hồ Núi Cốc - Hồ Ba Bể (Bắc Kạn) - ATK Định Hóa - Khu di tích lịch sử Tân Trào (Tuyên Quang) - Chùa Hang - Động Linh Sơn (huyện Đồng Hỷ) - Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng (huyện Võ Nhai). Những đặc điểm và lợi thế kể trên, nói lên vị thế nổi trội của thành phố Thái Nguyên trong vùng Trung du và Miền núi phía Bắc và có tầm ảnh hưởng quan trọng trong vùng Thủ đô Hà Nội.khu vực lập quy hoạch được giới hạn như sau:
- Phía Bắc: Giáp xã Cổ Lũng, xã Vô Tranh (huyện Phú Lương), xã Hóa Thượng, xã Khe Mo (huyện Đồng Hỷ)
- Phía Nam: Giáp thành phố Sông Công
- Phía Đông: Giáp xã Bàn Đạt (huyện Phú Bình)
- Phía Tây: Giáp huyện Đại Từ và thành phố Phổ Yên
- Mục tiêu quy hoạch: Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Thái Nguyên đến năm 2035 nhằm mục tiêu tổng quát là: Phát triển thành phố Thái Nguyên bền vững, hiện đại, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch, dịch vụ của tỉnh Thái Nguyên & vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ; là một cực phát triển của vùng Thủ đô Hà Nội. Căn cứ mục tiêu tổng quát nêu trên, Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Thái Nguyên đến năm 2035 nhằm các mục tiêu cụ thể sau: Xây dựng thành phố Thái Nguyên phát triển thịnh vượng: Có cơ cấu GDP hiện đại (Dịch vụ - Công nghiệp - Nông nghiệp) với những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, GDP bình quân đầu người ở mức cao; đáp ứng đầy đủ các nhu cầu về vật chất, tinh thần, cung cấp việc làm, tạo ra thu nhập và cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi người; xứng đáng với vị thế của một trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế của vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ; một trung tâm dịch vụ hiện đại & hiệu quả của Quốc gia, vùng Thủ đô Hà Nội & tỉnh Thái Nguyên. Xây dựng thành phố Thái Nguyên có cấu trúc đô thị bền vững: Đạt hiệu quả trong sử dụng đất đai; cải tạo, chỉnh trang các khu vực hiện hữu; xây dựng hệ thống trung tâm và các khu đô thị mới hiện đại; phát triển các khu vực nông nghiệp, hiện đại hóa các khu vực nông thôn; xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại; bảo vệ & nâng cao chất lượng môi trường; tạo ra các nguồn lực, hình thành các dự án trọng điểm để phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng thành phố Thái Nguyên sinh thái, xanh, có tính đặc trưng cao: Có không gian hòa nhập với hệ sinh thái môi trường, tạo dựng những giá trị cảnh quan đặc trưng đậm sắc thái vùng miền; chú trọng thiết lập các không gian mở, khai thác cảnh quan hai bên bờ sông Cầu, tổ chức không gian đi bộ, công viên chuyên đề, quảng trường đô thị với chất lượng kiến trúc được đặt lên vị trí hàng đầu… Cụ thể hoá những chiến lược, định hướng phát triển của Quốc gia, Vùng, Tỉnh và thành phố Thái Nguyên, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa - không gian đô thị - kiến trúc cảnh quan trên địa bàn Thành phố. Làm cơ sở để chính quyền địa phương, các tổ chức, đơn vị triển khai quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, lập dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn Thành phố theo quy định và là công cụ pháp lý để chính quyền các cấp quản lý, kiểm soát hoạt động đầu tư xây dựng và phát triển của thành phố theo quy hoạch được duyệt.
- Được phê duyệt tại quyết định số: 2486/QĐ-TTg về việc phê duyệt đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đến năm 2035
- Thời điểm quy hoạch: năm 2016
* Thành phần hồ sơ bao gồm:
- Thuyết minh:
+ Thuyết minh Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đến năm 2035
+ Văn bản pháp lý đi kèm
- Bản vẽ (jpg):
+ Bản đồ quy hoạch hiện trạng sử dụng đất, kiến trúc cảnh quan và hệ thống hạ tầng xã hội
+ Bản đồ quy hoạch định hướng phát triển không gian
+ Bản đồ quy hoạch sử dụng đất
+ Bản đồ quy hoạch giao thông
+ Bản đồ quy hoạch tổng hợp đường dây, đường ống
(Thanh Thao – Acud 21)