National Technical Regulation on Technical Infrastructure System - Lighting Works
1.1 Phạm vi điều chỉnh
1.1.1 Quy chuẩn này quy định các yêu cầu kỹ thuật và yêu cầu quản lý bắt buộc phải tuân thủ trong hoạt động đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các công trình chiếu sáng đường giao thông đô thị, đường hầm, đường ngầm, các vùng xung đột giao thông, đường trong khu dân cư, trong công viên và vườn hoa, nơi đón trả khách của các sân ga, bến cảng, bến xe, bãi đỗ xe ngoài trời.
1.1.2 Các qui định trong quy chuẩn này không áp dụng trong các trường hợp: đường giao thông trong các khu công nghiệp; chiếu sáng toàn bộ diện tích quảng trường, nhà ga hoặc cảng hàng không; sân thể thao trong nhà hoặc ngoài trời.
1.1.3 Các thiết bị của công trình chiếu sáng bao gồm: trạm biến áp, cột đèn, hệ thống đường dây, tủ điều khiển và thiết bị chiếu sáng không thuộc quy chuẩn này.
1.2 Đối tượng áp dụng
Quy chuẩn này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp và quản lý vận hành các công trình chiếu sáng.
1.3 Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu được viện dẫn dưới đây là cần thiết trong việc áp dụng quy chuẩn này. Trường hợp các tài liệu viện dẫn được sửa đổi, bổ sung và thay thế thì áp dụng theo phiên bản mới nhất.
QCVN 02:2022/BXD, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về số liệu điều kiện tự nhiên dùng trong xây dựng.
1.4 Giải thích từ ngữ
Trong quy chuẩn này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1.4.1
Chiếu sáng dự phòng (emergency lighting)
Chiếu sáng duy trì trong điều kiện khẩn cấp, ví dụ khi có sự cố của nguồn cấp điện.
1.4.2
Cường độ sáng (luminous intensity)
Tỷ số giữa quang thông của nguồn sáng truyền đi trong góc khối chứa hướng đã cho (hướng α) và phần tử góc khối đó.
1.4.3
Độ chói (luminance)
Tỷ số giữa cường độ sáng phát ra từ một điểm trên bề mặt nguồn sáng (hoặc mặt phát sáng thứ cấp) và diện tích mặt bao của góc khối nhìn vào điểm đó theo hướng đánh giá.
1.4.4
Độ chói mặt đường trung bình (average road surface luminance)
Độ chói tính trung bình trên bề mặt đường.
1.4.5
Độ đồng đều độ chói chung (overall luminance uniformity)
Tỷ số giữa độ chói cực tiểu (Lmin) và độ chói trung bình (Ltb) của toàn bộ mặt đường.
1.4.6
Độ đồng đều độ chói dọc (longitudinal luminance uniformity)
Tỷ số giữa độ chói cực tiểu (Lmin) và độ chói cực đại (Lmax) theo chiếu dọc của bề mặt làn đường.
1.4.7
Độ rọi (illuminance)
Tỷ số giữa quang thông của đèn tới phần bề mặt được chiếu sáng và diện tích bề mặt đó.
1.4.8
Độ đồng đều độ rọi mặt đường (illuminance uniformity of the road surface)
Tỷ số giữa độ rọi cực tiểu (Emin) và độ rọi trung bình (Etb) mặt đường.
1.4.9
Độ rọi đứng bán trụ hay độ rọi bán trụ (vertical hemicylindrical illuminance or hemicylindrical illuminance)
Độ rọi trung bình trên bề mặt một hình bán trụ đứng. Đối với đường đi bộ, độ rọi đứng quy định ở độ cao 1,5 m từ mặt đường.
1.4.10
Độ rọi mặt đường trung bình (average illuminance of the road surface)
Độ rọi tính trung bình trên bề mặt đường.
1.4.11
Độ tăng ngưỡng (threshold increment)
Tỷ lệ phần trăm cần tăng thêm độ tương phản cần thiết giữa vật và nền để nhìn thấy rõ vật ngang bằng như trước khi có nguồn gây lóa.
1.4.12
Giao thông cơ giới (motorized traffic)
Giao thông dành riêng cho xe có động cơ (ô tô, xe máy).
1.4.13
Giao thông hỗn hợp (mixed traffic)
Giao thông có cả xe cơ giới và người đi bộ, đi xe đạp.
1.4.14
Hiệu suất sáng (luminous efficacy)
Tỷ số giữa quang thông phát ra của nguồn sáng và công suất tiêu thụ bởi nguồn.
1.4.15
Khoảng cách dừng (stopping distance)
Khoảng cách cần thiết để một chiếc xe di chuyển ở tốc độ thiết kế đến lúc dừng lại hoàn toàn trước cửa hầm. Khoảng cách dừng là chiều dài vùng tiếp cận hầm.
1.4.16
Lóa khó chịu (discomfort glare)
Lóa gây khó chịu mà không nhất thiết làm giảm sự nhìn rõ vật thể, do trong trường nhìn xuất hiện những tương phản độ chói cao.
1.4.17
Lưu lượng giao thông (traffic flow)
Số lượng phương tiện giao thông đi qua một vị trí cụ thể trong một giờ được chọn theo một chiều của đường.
1.4.18
Quang thông (luminous flux)
Đại lượng đặc trưng cho khả năng bức xạ ánh sáng của nguồn phát sáng trong không gian.
1.4.19
Sự thích ứng thị giác (visual adaptation)
Hiện tượng cảm nhận ánh sáng của mắt người thay đổi khi di chuyển trong các không gian có độ chói khác nhau. Sự thích ứng sáng xẩy ra khi di chuyển từ nơi có độ chói thấp sang nơi có độ chói cao. Sự thích ứng tối khi di chuyển từ nơi độ chói cao sang nơi độ chói thấp.
1.4.20
Tốc độ giới hạn (speed limit)
Tốc độ tối đa của dòng xe được phép lưu thông trên đoạn đường chỉ định.
1.4.21
Tốc độ thiết kế (design speed)
Tốc độ được chọn theo mục đích cụ thể khi thiết kế một con đường.
1.4.22
Tỷ số độ rọi hè đường (surround illuminance ratio)
Tỷ số giữa độ rọi trung bình trên hè (bề rộng tới 5m) hai bên đường với độ rọi trung bình của các làn đường liền kề.
1.4.23
Vùng xung đột giao thông (conflict areas)
Nơi các luồng xe cơ giới giao nhau (nút giao thông) hoặc nơi có xe cơ giới chạy vào khu vực có người đi bộ, người đi xe đạp hoặc những người tham gia giao thông khác đang có mặt (trên quảng trường, khu hoạt động vui chơi công cộng trong đô thị).
NGUỒN <<luatvietnam.vn>>
NHẤN TẢI XUỐNG ĐỂ XEM BẢN ĐẦY ĐỦ