0971.659.624 thuvienxaydungvn@gmail.com
Cột cờ - một điểm nhấn không gian đô thị
Với lợi thế vươn cao trên bầu trời, cột cờ dù là sản phẩm của lịch sử để lại hay mới được tạo dựng, đều đóng góp cho không gian đô thị một điểm nhấn, hơn nữa một dấu ấn, mà việc thiết kế đô thị rất nên khai thác một cách có hiệu quả.

Cột cờ thể hiện tinh thần và sức mạnh dân tộc

Ở Việt Nam, nhiều đô thị thừa hưởng di sản lịch sử này và làm nên dấu ấn của mình như cột cờ ở Hà Nội, Kỳ đài Huế, cột cờ Thành Nam (Nam Định). Thế hệ ngày nay góp sức tạo nên những dấu ấn mới, có thể sẽ là những “chứng nhân lịch sử” nói với thời sau những sự tích anh hùng của thời nay, như cột cờ bên cầu Hiền Lương (Quảng Trị), cột cờ “canh giữ biên giới phía Bắc” ở núi cao Lũng Cũ (Hà Giang).

Cột cờ xưa, như một chứng nhân lịch sử mà nhìn vào đó, người ta thấy được sự phát triển của một thời. Với mỗi một chế độ, hình ảnh cột cờ như công cụ thể hiện sức mạnh oai hùng của nhà cầm quyền thời đó. Chính vì vậy, cột cờ của một khu vực, một kinh đô hay một đế chế cũng là sự thể hiện và khẳng định vị thế của một đất nước. Với những khu vực vùng biên, cột cờ còn góp phần tạo dựng hình ảnh và chủ quyền dân tộc.

Thời xưa, người ta chỉ huy quân sự từ trên cao, phất cờ cho quân báo hiệu tiến - lui. Như cột cờ của Hà Nội là chỗ để liên lạc, thả bồ câu đưa thư và nhận thông tin về. Chúng ta có thể trực tiếp nhìn thấy vị tướng chỉ huy trên tháp.

Theo các tài liệu lịch sử ghi lại: Cột cờ Hà Nội được xây dựng năm 1812 vào thời Vua Gia Long, phần đế có ba tầng mặt bằng hình chữ nhật có kích thước giảm dần, tầng dưới cùng có cạnh dài 42m, tầng trên cùng 15m. Ở tầng hai có cửa nhìn ra các hướng, cửa phía Đông có tên “nghênh húc” (đón rạng đông), cửa phía Tây “hồi quang” (tia sáng quay lại), cửa phía Nam “hướng minh” (quay về chỗ sáng). Thân cột cờ tạo thành hình khối rỗng được chiếu sáng từ những ô cửa sổ và được xây cầu thang xoắn ốc với 54 bậc. xung quanh xây ốp gạch. Có hai thang gạch dẫn lên tầng một (thang phía Tây - hướng ra đường Hoàng Diệu và thang phía Đông hướng ra đường Nguyễn Tri Phương). Thời nhà Nguyễn, kỳ đài còn có chức năng là vọng canh, vì theo trục Bắc - Nam, kiến trúc này chỉ cách Đoan Môn khoảng 300m, cách điện Kính Thiên 500m và cách cửa Bắc chừng gần 1.000m. Vào những ngày lễ, trên cột cờ có treo cờ vàng là biểu tượng của nhà Vua thời phong kiến. Lầu quan sát ở đỉnh tháp như ta thấy ngày nay là do Pháp xây thêm sau khi chiếm thành Hà Nội.

Sách “Hà Nội giai đoạn 1873 - 1888” của tác giả người Pháp André Masson (Lưu Đình Tuân biên dịch, NXB Hải Phòng 2003) cho ta nhiều thông tin bổ ích. “Cột cờ thoạt tiên được dùng làm tháp truyền tin bằng quang học. Trên đỉnh tháp có một ngọn đèn dầu hỏa gắn với gương. Một tấm che cho phép che ánh sáng trong những khoảng thời gian theo quy luật của tín hiệu Morse để gửi tới trạm Bắc Ninh, nơi cũng có một trạm tương tự. Hệ thống này hoạt động rất có hiệu quả cho tới khi thiết lập đường dây điện tín giữa Hải Phòng và Lạng Sơn vào năm 1885” - Các tài liệu cũng ghi, khi người Pháp dùng công trình này, họ gọi là “tháp canh” (mirador), trong khi ở phía trên cửa ra vào để lên tháp có khắc chữ “Kỳ đài”.

Theo các nhà sử học, xưa kia, Cột Cờ và Cửa Bắc được coi như vị trí đánh dấu điểm đầu và điểm cuối của trục chính tâm, trục thần đạo, trục thiêng không chỉ của thành Hà Nội mà còn của cấm thành Thăng Long xưa (Trục trung tâm của Cấm Thành: Bắc Môn - Hậu Lâu - Kính Thiên - Đoan Môn - Cột cờ). Ngày nay, cột cờ Hà Nôi nằm ở đường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội, trong khuôn viên Bảo tàng lịch sử Quân sự. Trong mối quan hệ với cảnh quan xung quanh, cột cờ Hà Nội là vị trí đắc địa bấy giờ.

Thời điểm đó, cột cờ Hà Nội có chiều cao lớn nhất kinh thành Thăng Long. Quan sát từ mọi góc nhìn, Cột cờ là một khối hoàn chỉnh kiến trúc nghệ thuật hài hòa, uy nghi, cổ kính; là nơi biểu tượng cho chủ quyền quốc gia, thể hiện ý chí vươn lên với tinh thần bất khuất đối với các thế lực xâm lược ngoại bang.


Kỳ đài Huế trong cảnh quan khu Đại Nội




Tương đồng với cột cờ Hà Nội, Cột cờ thành Nam Định cao 23,84m, kiến trúc cao nhất trong Thành Nam được xây vào năm Gia Long thứ 11 (1812) ở phía Nam nội thành, cách Vọng Cung khoảng 100m. Cột cờ được xây trên hai tầng bệ, cột hình vuông thu dần từ dưới lên. Tầng dưới cùng hình vuông mỗi cạnh dài 16,33m, cao 2,40m. Hai phía Đông và Tây của tầng một có hai cầu thang xây bằng gạch 10 bậc dẫn lên tầng hai. Tầng này mỗi cạnh dài 11,42m, cao 3,10m. Bốn mặt bệ đều xây lan can, trổ bốn cửa. Trên khuôn cửa Đông có hai chữ Nghênh húc (đón ánh ban mai). Khuôn cửa Nam có hai chữ Hướng quang (hướng theo đức sáng). Khi Cột cờ là điểm nhấn không gian đô thị

Với những cột cờ trong lịch sử, nó trở thành một dấu ấn oai hùng. Việc gìn giữ là nhiệm vụ của chúng ta. Còn, với các khu vực muốn xây dựng cột cờ mới như một điểm nhấn, thường là trong các công viên, quảng trường thì nên thiết kế theo lối kiến trúc hiện đại với những vật liệu mới. Xây dựng cột cờ cần tính đến chức năng sử dụng lâu dài, độ bền cao. Có thể, cột cờ không chỉ là một công trình đơn thuần mà nó có thể là một tổ hợp nhiều công trình như Cột cờ, đài phun nước, quảng trường, công viên, cây xanh, khu vui chơi... Có thể có những mẫu thiết kế điển hình, có những phân loại cho từng khu vực, từng tính chất mà mức độ, quy mô cũng như chiều cao cột cờ. Làm như vậy để tránh tình trạng đua chen, cái sau cao và to hơn cái trước.

Việc đưa yếu tố văn hóa, dân tộc vào thiết kế cột cờ là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, không được áp đặt và khiên cưỡng. Khó mà đòi hỏi khi ta nhìn vào một cột cờ nào đó, ta sẽ biết được nó ở khu vực nào, hay thuộc thời đại nào. Bởi lẽ, bản thân những đường nét dân tộc của kiến trúc Việt Nam vẫn là một câu hỏi nhiều đáp án. Kiến trúc hiện đại biểu hiện tính dân tộc chứ không nhất thiết phải là kiến trúc dân tộc. Tính địa phương trong các thể loại thiết kế này cũng khá quan trọng, nó sẽ mang lại sự phong phú, đa dạng cho kiến trúc cột cờ vốn rất khô cứng. Cột cờ xây mới có thể ứng dụng pin năng lượng mặt trời, hệ thống đèn LED để làm đểm nhấn. Trong một vài vị trí, có thể xây dựng quy mô, đặt các loại kính thiên văn phục vụ mục đích du lịch. Thiết nghĩ, đó cũng là những điều không quá xa lạ!

PGS.KTS Trần Hùng
Trần Anh (ghi)
Nguồn ảnh: Internet
Theo tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 07/2011