Một khía cạnh quan trọng của quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị trên thế giới là sự phát triển nhanh dân số ở khu vực đô thị và sự gia tăng số lượng các thành phố cực lớn. Dân số đô thị toàn thế giới chiếm tỉ lệ thấp, khoảng 28%-31% dân số khu vực. Năm 1995, số lượng siêu thành phố ở khu vực này chiếm 50% số lượng các siêu thành phố của thế giới nêu ở trên. Nhiều nước đang phát triển, hầu hết các hoạt động kinh tế, tài chính, văn hóa, khoa học kỹ thuật, công nghiệp… đều tập trung ở các đô thị, đặc biệt là ở các đô thị cực lớn hoặc siêu đô thị. Sự di dân từ nông thôn ra đô thị ngày càng tăng đã gây ra sự quá tải ở các đô thị này ngược lại khu vực nông thôn, ngày càng trở nên bần cùng và nghèo khổ. Sự cách biệt giữa đô thị và nông thôn, giữa vùng phát triển và kém phát triển ngày càng trở nên gay gắt hơn.
Ở Việt Nam, quá trình đô thị hóa diễn ra chậm, đặc biệt là trong thời gian chiến tranh. Sau 1975 quá trình đô thị hóa đã lấy lại nhịp độ bình thường trong điều kiện hòa bình sau một số năm khôi phục những gì đã bị chiến tranh tàn phá, tỷ lệ cư dân đô thị có chiều hướng tăng trong những năm gần đây. Mạng lưới đô thị của cả nước đã được hình thành và đang phát triển với hơn 600 đô thị lớn nhỏ, trong đó có hai đô thị loại 1 với dân số hơn 1 triệu người: là Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, còn có hành chục đô thị loại II khác. Khu vực đô thị ngày càng trở thành khu kinh tế quan trọng trong toàn bộ nền kinh tế - quốc dân (chiếm khoảng 30 – 50% và dự báo đến năm 2010 chiếm khoảng 60 – 65% GDP).
Hiện nay Việt Nam đang thực hiện chiến lược CNH, HĐH đất nước để đến năm 2020 trở thành một nước công nghiệp phát triển. Đi kèm chiến lược này là quá trình đô thị hóa tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trên cả hai mặt: theo bề rộng và theo chiều sâu trên quy mô toàn quốc. Đô thị hóa theo bề rộng thể hiện ở sự gia tăng dân số và sự mở rộng không gian lãnh thổ, còn đô thị hóa theo chiều sâu thì lại hướng tới nâng cao chất lượng của cuộc sống đô thị và xã hội, đó là những biến đổi quan trọng trong cơ cấu lao động, lối sống đô thị cũng như những thay đổi về bộ mặt kiến trúc, quy hoạch, giao thông và nhịp sống đô thị.
Nhằm phục vụ mục tiêu đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước giữ vững phát triển, kinh tế, xã hội, văn hóa, đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường sinh thái, việc hình thành, phát triển và tổ chức hệ thống không gian, hệ thống đô thị của cả nước đến năm 2020 đã được xác định như sau:
- Mạng lưới đô thị trong cả nước đưuợc hình thành và phát triển trên cơ sở các đô thị trung tâm, gồm TP trung tâm cấp quốc gia như Hà Nội, Hải Phòng, Tp Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế; Các TP trung tâm cấp vùng như TP Cần Thơ, Biên Hòa… các TP, thị xã cấp tỉnh; đô thị cấp huyện; các đô thị trung tâm cấp tiểu vùng bao gồm các thị trấn là các cụm dân cư nông thôn hoặc các đô thị vệ tinh trong các vùng ảnh hưởng của đô thị lớn.
- Đô thị trung tâm các cấp được phân bổ hợp lý trên 10 vùng đô thị hóa đặc trưng của cả nước.
- Các đô thị trung tâm lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế được tổ chức thành các chùm đô thị có vành đai cây xanh bảo vệ hạn chế tối đa sự tập trung dân số, cơ sở kinh tế phá vỡ cân bằng sinh thái, tránh sự hình thành các siêu đô thị.
Theo định hướng trên, các đô thị trung tâm cực lớn được tổ chức và phát triển theo xu hướng chùm đô thị (Urban Agglomeration). Mà trong đó, đô thị trung tâm sẽ tiếp tục phát triển hoàn thiện. Các đô thị vệ tinh, đô thị đối trọng và các đô thị khác được hình thành và phát triển trong một quy mô hợp lý không phụ thuộc vào ranh giới hành chính hiện tại liên quan đến một loạt các vấn đề tổ chức không gian lãnh thổ, phát triển kinh tế xã hội và cơ sở hạ tầng kỹ thuật.
Chùm đô thị và sự phát triển không gian phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Xin phân tích một số yếu tố cơ bản như sau:
Quan niệm về chùm đô thị:
Chùm đô thị được tạo nên bởi một vùng đô thị trung tâm và một nhóm các đô thị điểm dân cư khác trong vùng ảnh hưởng có quan hệ mật thiết và tương hỗ với nhau về các hoạt động kinh tế - xã hội (sản xuất, lao động, dịch vụ, nghỉ ngơi, giải trí…) và đặc biệt chúng được liên kết chặt chẽ với nhau bằng một hệ thống giao thông hiện đại và phát triển.
Những yếu tố cơ bản tác động đến sự phát triển không gian của chùm đô thị.
*Các yếu tố bên trong
- Vị trí về kinh tế: Vị trí địa lí kinh tế có tác dụng to lớn đối với sự phát triển và mở rộng quy mô của chùm đô thị. Phần lớn chùm đô thị nằm trong vùng kinh tế trọng điểm, đô thị trung tâm vừa là trung tâm kinh tế, công nghiệp, đầu mối giao thông quan trọng, vừa là nơi có lực lượng giao thông dồi dào, có nhiều cơ quan nghiên cứu khoa học, cơ sở đào tạo… Vị trí đại lý kinh tế có lợi và mối liên hệ gắn bó trong một vùng kinh tế phát triển của chùm đô thị dẫn đến sự hưng thịnh và phát triển nhanh của chính nó.
Điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và môi trường: Các yếu tố này tác động vào sự phát triển không gian của chùm đô thị trên các mặt: Các điều kiện về địa hình: núi cao, sông ngòi, hồ nước… (thuận lợi và hạn chế); Các vùng cấm xây dựng; kiến trúc và cảnh quan.
- Tài nguyên đất đai: Quỹ đất để xây dựng, mở rộng, phát triển; Nguồn nước và khả năng đáp ứng nhu cầu dùng nước hiện tại và tương lai phát triển (không có, gần hay xa nguồn nước đều có tác động nhất định); Tài nguyên về năng lượng.
- Môi trường địa chất: Địa chất khu vực, địa chất kĩ thuật, địa chất thủy văn, các nguồn địa chất tai biến tự nhiên, tai biến lũ lụt, tài nguyên khoáng sản, các trường địa vật lí… tác động trực tiếp vào công tác lựa chọn địa điểm xây dựng hoặc mở rộng các đô thị, xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp; quy hoạch; sử dụng đất… và cuối cùng đóng vai trò quan trọng trong định hướng phát triển không gian và phát triển bền vững của chùm đô thị.
- Phát triển CN, CNH: Công nghiệp giữ vai trò động lực và nòng cốt trong quá trình CNH, tạo ra tiềm lực to lớn để chuyển dịch cơ cấu kinh tế. CNH làm thay đổi căn bản hình thức sản xuất nhỏ sang hình thức sản xuất lớn dẫn đến tập trung lực lượng sản xuất với mật độ cao tác động đến việc phân bố lao động xã hội. Phân bố lại các điểm dân cư và tổ chức cơ sở hạ tầng kỹ thuật. CNH đẩy nhanh tốc độ đô thị là động lực quan trọng để phát triển đô thị - chùm đô thị
- Thị trường: Chùm đô thị là một thị trường rộng lớn về tiêu thụ hàng hóa, là thị trường về lao động ( nơi tập trung dân cư đông đúc) tạo sức hút và hấp dẫn đối với các nhà sản xuất, mở rộng tái sản xuất, mở rộng quy mô sử dụng đất và quy mô hoạt động kinh tế phát triển của chùm đô thị.
- Kết cấu hạ tầng: Kết cấu hạ tầng là bộ phận hết sức quan trọng của quá trình phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời để thu hút đầu tư thì kết cấu hạ tầng thông thường lại trở thành điều kiện tiên quyết. Sự phát triển kết cấu dẫn đến sự hình thành hệ thống các công trình đầu mối, các trung tâm dịch vụ ở ngay tại bản thân của chùm đô thị và ngoài chùm đô thị. Sự hoàn thiện và đồng bộ của hệ thống kết cấu hạ tầng thúc đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội mở rộng thị trường, mở rộng mối quan hệ và trong và ngoài chùm đô thị, đồng thời góp phần mở rộng không gian chùm đô thị.
- Giao thông: Giao thông là một bộ phận của kết cấu hạ tầng kĩ thuật và giao thông bao giờ cũng là yếu tố đầu tiên khi được đề cập đến trong các nghiên cứu về đô thị - chùm đô thị. Sự ưu việt của hệ thống giao thông góp phần mở rộng phạm vu hoạt động của chùm đô thị . Đa số các chùm đô thị lớn trên thế giới với các trung tâm phát triển đều nằm trêm các đầu mối giao thông quan trọng, có nhiều cửa ngõ thông thương ra vào thuận tiện (đường bộ, đường sắt, sân bay, cảng sông – biển…) với nhiều loại phương tiện vận tải khác nhau tạo điều kiện thuận lợi cho liên kết, giao lưu và trao đổi hàng hóa, thúc đẩy đầu tư góp phần quan trọng trong việc mở rộng và phát triển không gian chùm đô thị. Giao thông vận tải trên một mức độ nhất định còn có ý nghĩa đi trước khai phá, tạo cơ sở cho một công trình mới, một khu vực và một vùng kinh tế, xã hội phát triển. Ngược lại hệ thống giao thông lạc hậu kém phát triển, sự giao lưu, liên hệ không thuận lợi sẽ khó có thể đảm bảo cho việc phát triển trên.
Ngoài ra yếu tố sinh thái nhân văn (là các yếu tố về con người, xã hội, lịch sử truyền thống, trình độ văn hóa – tri thức…), sinh thái đô thị sẽ là các điều kiện để đảm bảo sự phát triển của đô thị, chùm đô thị trong quan hệ cân bằng ổn định và bền vững.
* Các yếu tố bên ngoài
- Cơ chế - chính sách: Trong thực tế yếu tố về cơ chế - chính sách tác động trực tiếp đến sự phát triển của chùm đô thị trên các mặt:
+ Định hướng phát triển (trong đó bao gồm cả ý đồ bố trí chiến lược: an ninh quốc phòng).
+ Tạo động lực để phát triển.
+ Tạo điều kiện thúc đẩy nhanh về chuyển dịch cơ cấu kinh tế
+ Đầu tư phát triển công nghiệp
+ Ưu tiên vốn phát triển và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng
+ Mở rộng thị trường và môi trường đầu tư phát triển
+ Tạo điều kiện thúc đẩy nhanh về chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
- Đầu tư (trong nước và quốc tế): Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng là chìa khóa để tạo tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng đô thị, để điều chỉnh cơ cấu kinh tế và để phát triển công nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH. Nguồn việc trợ song phương (ODA), nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng tăng tạo khả năng phát triển các khu công nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn lực và công nghệ góp phần đẩy nhanh tốc độ xây dựng và phát triển của nền kinh tế nói chung và chùm đô thị nói riêng.
- Sự tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN): KHCN là một trong những động lực thúc đẩy quá trình phát triển. Nhờ tiến bộ của KHCN có thể làm cho các yếu tố về không gian và thời gian… được rút ngắn lại (ví dụ: phương tiện vận tải hiện đại, mạng lưới thông tin, liên lạc phát triển cao…) tăng sức hút của đô thị góp phần mở rộng không gian đô thị. Ngoài ra nhờ tiến bộ KHCN, những ảnh hưởng của các yếu tố tác động tiêu cực đến quá trình phát triển được giảm bớt.
- Toàn cầu hóa và quốc tế hóa là những yếu tố tác động bên ngoài mang tính quốc tế và những yếu tố này ngày nay đang góp phần làm giảm bớt các cách biệt giữa các quốc gia, các cộng đồng và giữa các đô thị lớn. Sự liên kết về kinh tế, thương mại, thị trường, hợp tác quốc tế đầu tư, trao đổi lao động, hợp tác liên đô thị - chùm đô thị. Hợp tác xây dựng mạng thông tin, mạng giao thông vận tải trong phạm vi khu vực và toàn cầu đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và hòa nhập của các quốc gia, đồng thời cũng tạo điều kiện cho sự phát triển chung của chùm đô thị.
Ngoài ra, yếu tố ổn định chính trị của quốc gia đã và đang đóng vai trò quyết định trong sự phát triển kinh tế xã hội nói chung, trong đó có sự phát triển của chùm đô thị.
Chùm đô thị lớn trên thế giới đã tạo ra những điều kiện tốt nhất thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng và của khu vực. Các yếu tố tịch cực tác động đến sự phát triển không gian của chùm đô thị sẽ bổ sung cho các lợi thế so sánh của các chùm đô thị trên thị tường đầu tư thế giới. Nghiên cứu đầy đủ các yếu tố tác động trên, chúng ta sẽ có những giải pháp tốt hơn khi lập hồ sơ quy hoạch các chùm đô thị để triển khai chương trình khung thực hiện Định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020.