0971.659.624 thuvienxaydungvn@gmail.com
Hà Nội có thể giảm ách tắc giao thông bằng sự trung thực!
Từ kinh nghiệm thực tế của các nước trong vấn đề giải quyết ách tắc giao thông, KTS Trần Huy Ánh, một người tâm huyết với cộng đồng cho rằng, nếu trung thực với chính mình, Hà Nội có thể giảm ùn tắc giao thông...

Liệu cơm gắp mắm

Vào những năm 1997-1998, khi những “con hổ” châu Á rền rĩ vì nợ nần thì ở cách xa vạn rặm, hòn đảo sương mù Ireland lại rộn ràng với cơ hội mới: Đất nước nông nghiệp truyền thống trở thành địa điểm lý tưởng đầu tư công nghệ cao trong linh vực tin học và dược phẩm. Người Ireland nói vui là từ “khoai tây chiên giòn – potato chips” chuyển thẳng sang “máy tính điện tử - compute chips”.

Giai đoạn 2002-2004, từ vị thế là “người hàng xóm nghèo khổ” của nước Anh, Ireland với 4 triệu dân, đã có GDP gấp 1,5 lần GDP của Anh quốc (36.360 USD so với 26.150 USD). Chín trong 10 tập đoàn dược phẩm lớn nhất thế giới, 16 trong 20 tập đoàn sản xuất thiết bị y tế lớn nhất thế giới, 7 trong 10 công ty phần mềm lớn nhất thế giới có mặt tại Ireland. Cả nước là công trường lớn, nhà cửa đường xá, cầu cống...

Từ năm 1997 đến 2007, giá BĐS tăng gấp 4 lần .

Ireland tháng 10/2011: Nữhng con đường nhỏ được thay bằng xa lộ lãng phí. Những dãy nhà treo biển bán không ai mua và cả khu đô thị không có người ở.

Cho đến 2008, kinh tế toàn cầu suy thoái, bong bóng BĐS nổ tại Mỹ, các tập đoàn công nghệ rút đi, thị trường lao động và BĐS sụt giảm, rắc rối tài chính tràn lan. “Con hổ Celtic” – biểu tượng của nền kinh tế phát triển nóng Ireland biến thành chú mèo hen chỉ sau một đêm bẽ bàng.

Tháng 10/ 2011, khắp nơi ở Ireland đều thấy biển “ bán và cho thuê” nhà ở, kho tàng, văn phòng, trung tâm mua sắm, có cả khu đô thị đóng cửa vắng tanh, giá BĐS chỉ còn 50% không ai mua. Đi trên những con đường lớn gấp cả chục lần trước đó, nhiều người xót xa “ lãng phí quá, nếu biết nợ nần thế này thà giữ lại những con đường nhỏ những cây cầu cũ như xưa còn hơn “

Tầm nhìn xa và việc trước mắt

Năm 2011, dự trữ ngoại tệ giảm, nợ công, nợ tư tăng, thị trường BĐS cả nước đóng băng dài dài... Nhưng, ở Hà Nội vẫn thấy khởi công các dự án BĐS lớn, thiết kế Nhà hát trị giá hàng trăm triệu USD, có nhà đầu tư công bố tài sản vài tỷ USD...


Quy hoạch đường sắt 2030 tầm nhìn đến năm 2050 có 8 tuyến nhưng hai tuyến 1 và 2 là cần kíp.

Kế hoạch đến 2015, Hà Nội sẽ xây dựng 6 tuyến đường trên cao hơn 2 tỷ USD. Đường vành đai 4, đường Tây Thăng Long, đường sắt đô thị đặt trên cao hay ngầm dưới đất... trị giá từ vài trăm triệu đến hàng tỷ USD đã được công bố sẽ khởi công vàinăm tới làm cho cư dân TP vừa mừng vừa lo. Mừng vì viễn cảnh giao thông HN thật đẹp, lo là lấy tiền đâu ra để làm! Khi mà các định chế tài chính quốc tế lớn đang vật lộn với các món nợ quốc gia khổng lồ, còn trong nước thì năng lực các nhà đầu tư thực sự tới đâu?. Với nguồn lực thực thì nên điểm huyệt vào đâu để cắt cơn ngay căn bệnh ách tắc giao thông nội đô trầm trọng?

QH đường sắt nội đô 2030, tầm nhìn 2050, có 8 tuyến nhưng 2 tuyến (1 và 2) là cần kíp.

Hà Nội với vài triệu xe máy, vài trăm ngàn xe ô tô của TP có chưa đến 5 triệu người đi lại nội thành thì vấn đề giao thông nội đô chỉ có 3 vấn đề lớn giải cứu cấp bách: một là giao cắt đồng mức dẫn đến dồn ứtại các vị trí nút giao cắt từ trong ra ngoài với 3 vành đai TP; Hai là giao thông tĩnh hầu như chưa có nên xe đỗ chiếm đường xe đi; Ba là không có nguồn tài chính bền vững để đầu tư tăng diện tích giao thông tương ứng với tăng phương tiện.

 

Tokyo: Hầu hết cầu vượt bằng thép, cầu cũ và cầu mới. Ga tàu điện nối với ga xe buýt. Bãi đỗ xe ngầm trong phố cổ. Đường đi nhỏ nhưng khéo xắp xếp vẫn đủ cho ôtô, xe đạp, đi bộ và lối vào nhà hàng, Bãi gửi xe đạp thu phí tự động.

Nếu thực sự các nhà đầu tư có 200 - 300 triệu USD thật thì thay vì làm 10 km đường trên cao, Hà Nội làm 100 cầu vượt dã chiến qua các nút giao cắt. Thay vì làm bằng bê tông nặng nề và thi công lâu thì làm sắt nhanh, nhẹ, rẻ và dễ di chuyển tháo lắp khi dần dần được bê tông hóa.

Nếu thực sự có 2 tỷ USD thì góp vốn đẩy nhanh tiến độ làm 2 tuyến đường sắt đô thị huyết mạch: Một là từ phía Tây Nam xuyên lên phía Bắc, nối Hà Đông qua ga Hà Nội đi tiếp lên Nội Bài (theo QH- 2030 thì là tuyến 2 và 2A). Hai là từ Đông Bắc đi xuống Nam: Ga Yên Viên đi về Giáp Bát).

Nếu có ít hơn thì thay vì làm những Nhà hát tốn kém mà chưa có đường tới hay các khu sinh thái xa hoa không có người mua để tập trung vào làm các nhà ga chuyển đổi phương tiện kết hợp trung tâm dịch vụ thương mại bình dân. Thay vì đầu tư nâng cấp cho nhà bảo tàng không mấy ai đến xem hãy tổ chức thi tuyển để chọn các phương án quy hoạch giao thông có chất lượng đạt tính khả thi một cách rộng rãi, thay cho các ý tưởng bất thườngrơi từ trên trời xuống…

Nếu thực sự muốn có đường cho xe đi thì các khu đất lớn nội thành, thay vì xây các công trình thương mại đơn lẻ, tủn mủn cần liên kết thành mạng lưới không gian ngầm và nổi làm bãi đỗ xe.

Nếu thực sự muốn có nguồn tài chính bền vững thì phải thu phí giao thông đi và đỗ. Trước mắt thu qua các cầu vượt dã chiến và đỗ xe theo giờ. Muốn công bằng thì tư nhân hóa, đấu thầu công khai và sử dụng rộng rãi công nghệ tự động hóa. Như vậy, hàng triệu chỗ đỗ xe được thu xếp, hàng tỷ USD thu về hàng năm.

Hà Nội là nơi tụ hội bốn phương, chẳng kể trong nước mà bạn bè quốc tế cũng sẵn lòng giúp tặng kế sách hay. Nếu trung thực giãi bầy khó khăn, mời gọi giúp sức. Và thực sự lắng nghe hẳn là có nhiều kết quả cụ thể, hiệu quả ngay thay cho những dự định xa vời.

KTS. Trần Huy Ánh

Nguồn tin: vnmedia