0971.659.624 thuvienxaydungvn@gmail.com
Mật độ - Cao hay không cao?

Có những thứ chưa lâu mà đã cũ, đã xấu, đã hỏng; nhưng cũng có những thứ qua cả trăm năm, vẫn long lanh như mới. 

 

 

Cùng với quá trình hội nhập, đô thị đang trong quá trình tự vận động và chuyển đổi. Bên cạnh các xu hướng quy hoạch mới, bản thân đô thị cũng tự biến đổi dựa trên các tiền đề và nội lực bên trong. Trong đó, mật độ là yếu tố then chốt tạo ra sức sống đô thị. Phát triển các khu đô thị cao tầng, có độ nén nhất định là một cách tạo năng lượng và sự sôi động cho đô thị. Nén là để dành đất cho không gian cộng đồng.  

Ngày nay, do hạ tầng và cảnh quan đô thị chưa đồng bộ và hoàn thiện, khái niệm đô thị mật độ cao bị đánh đồng với hình ảnh của sự đông đúc, chật chội, ô nhiễm như hình ảnh của Hà Nội hiện nay. Tuy nhiên, dưới góc độ đô thị học, quy hoạch mật độ cao nên được phân tích và hiểu một cách đúng đắn. Mô hình khu đô thị mật độ cao sẽ mang lại sức sống cho tương lai đô thị Việt Nam. Tuy nhiên cần xem xét kỹ càng về giới hạn và bài toán xử lý hạ tầng khi tạo mật độ cao trong đô thị. 


Không gian công cộng khu cao tầng, TP NewYork, Hoa Kỳ 

Từ kinh nghiệm của Pháp - một quốc gia phát triển và có bề dày kinh nghiệm về quy hoạch đô thị, cần hiểu rằng hai khái niệm mật độ cao và sức sống của đô thị rất khó đạt sự hài hòa một cách tuyệt đối mặc dù cả hai đều mang lại lợi ích cho cư dân của nó. Xã hội cần nhìn nhận rộng mở hơn về quá trình chuyển đổi của đô thị, từ đó có thể tiếp nhận những ý tưởng quy hoạch và tổ chức không gian đô thị theo các xu hướng mới. 

Ví dụ, xu hướng “biệt thự ngoại ô” trên thế giới ở các vùng nông thôn với các ngôi nhà biệt lập hiện nay được nhìn nhận lại là kém bền vững, ít tiết kiệm nguồn lực xã hội hơn là các đô thị tập trung. 

Việc sử dụng ô tô cho các nhu cầu như đi làm, mua sắm cũng như các hoạt động khác làm lãng phí nhiều thời gian hơn cho việc di chuyển cũng như gây nhiều ô nhiễm hơn cho môi trường. Điều này đi ngược lại với những nỗ lực xây dựng môi trường sống bền vững và không thể triển khai trên quy mô lớn. Mô hình khu đô thị mật độ cao sẽ mang lại sức sống cho tương lai đô thị Việt Nam. Tuy nhiên cần xem xét kỹ càng về giới hạn và bài toán xử lý hạ tầng khi tạo mật độ cao trong đô thị. 

MẬT ĐỘ CAO VỚI SỨC SỐNG CỦA ĐÔ THỊ 

Mật độ là một trong những yếu tố then chốt của phát triển bền vững trong tiến trình phát triển của đô thị. Tuy nhiên, khái niệm mật độ trên phải được nhìn nhận trong mối quan hệ với một hệ thống giao thông công cộng lớn, hiện đại để có thể phát triển một cách bền vững. Không nên có những suy nghĩ áp đặt, chối bỏ khái niệm quy hoạch mật độ cao cho khu đô thị hoặc chỉ soi xét trên một góc độ duy nhất là sự tiện nghi.

Mật độ cao giúp mang lại giá trị nhất định về kinh tế, bởi cộng đồng cư dân đông đúc chính là điều kiện đầu tiên cần thiết cho phát triển thương mại. Ngày nay chúng ta còn thấy rằng, mật độ cũng rất cần thiết để tạo ra một đô thị sinh thái. Mật độ cao cho phép giảm thiểu khoảng cách di chuyển và tăng tính kết nối cộng đồng, giúp tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, các trung tâm đô thị mật độ cao này cần được kết nối chặt chẽ với nhau. Một đô thị sinh thái bền vững là một đô thị mà trong đó các khu vực mật độ cao được kết nối với nhau bởi một hệ thống giao thông đô thị xanh. 

ĐƯỢC VÀ MẤT CHO ĐÔ THỊ MẬT ĐỘ CAO?

Ngày nay, do hạ tầng và cảnh quan đô thị chưa đồng bộ và hoàn thiện, khái niệm đô thị mật độ cao bị đánh đồng với hình ảnh của sự đông đúc, chật chội, ô nhiễm như hình ảnh của Hà Nội hiện nay. Tuy nhiên, dưới góc độ đô thị học, quy hoạch mật độ cao nên được phân tích và hiểu một cách đúng đắn.

Một mặt, có thể hiểu mật độ đô thị là tỷ lệ dân cư sinh sống trên mét vuông diện tích xây dựng và mật độ xây dựng của công trình. Xét trên khía cạnh này thì mật độ đô thị ở Hà Nội khá cao. Tuy nhiên, xét trên một khía cạnh khác, mật độ đô thị còn phụ thuộc vào tầng cao trung bình. Thực tế, Hà Nội có tầng cao trung bình của các khối công trình và tỷ lệ cư dân sinh sống thực tế trên diện tích khu đất thấp hơn rất nhiều so với các thủ đô khác trên thế giới. Và như vậy, Hà Nội chưa phải là đô thị mật độ cao.

Đề xuất của chúng tôi là trên cùng một diện tích đất đô thị, người dân cần có nhiều diện tích ở hơn nhưng cũng có nhiều không gian xanh và không gian công cộng hơn. Điều đó có nghĩa là xây dựng nhiều tòa nhà cao tầng hơn nhằm tạo ra nhiều không gian công cộng hơn. Điều này sẽ thay đổi một cách sâu sắc quan niệm về đô thị mật độ cao.

Ý tưởng này có thể thực hiện và áp dụng ngay cho khu phố cổ Hà Nội bằng cách khuyến khích người dân tăng số tầng nhưng giảm diện tích xây dựng ở mức hợp lý nhằm tạo ra nhiều không gian xanh và không gian công cộng. Tuy nhiên, cần có sự kiểm soát thận trọng nhằm đảm bảo sự cân bằng và tránh làm mất đi hình ảnh đặc trưng của khu phố cổ Hà Nội.

Xung quanh các trạm trung chuyển giao thông và các nhà ga, tỉ lệ không gian cần được thay đổi một cách mạnh mẽ với nhà cao tầng kèm theo các không gian công cộng lớn.

LỰA CHỌN MÔ HÌNH KHU ĐÔ THỊ MỚI “MẬT ĐỘ CAO” CHO ĐÔ THỊ HÀ NỘI

Rất nhiều đề xuất có thể được đưa ra. Đầu tiên, khu đô thị mới dù hiện đại đến đâu cũng không được bỏ qua yếu tố văn hóa và lối sống truyền thống của đô thị Hà Nội. Có rất nhiều bản sắc riêng của cấu trúc đô thị truyền thống Việt Nam cần được chuyển tiếp và tiếp nối trong quy hoạch các khu đô thị mới.

Đô thị mới nên được quy hoạch trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa các công trình di sản, văn hóa với các công trình mới hiện đại, tạo dựng các hình thái kiến trúc khác biệt.

Quy hoạch các khu phức hợp: Quy hoạch khu ĐTM nên hướng tới mô hình hỗn hợp đa chức năng, không nên phân chia quá rạch ròi các công năng của hoạt động sống. Mô hình này sẽ đáp ứng mọi nhu cầu của cuộc sống hiện đại cho người dân đô thị như cư trú, làm việc, học tập, vui chơi, giải trí… mà không cần phải di chuyển quá nhiều, tránh ô nhiễm giao thông.

Duy trì liên tục các hoạt động đô thị: Hai yếu tố trên sẽ đảm bảo rằng các khu đô thị mới luôn luôn “sống” vào mọi thời điểm trong ngày, trong tuần, tránh sự hình thành các không gian “chết”, trống rỗng và thiếu an toàn; đồng thời mang lại sức hấp dẫn cho đô thị nhằm thu hút đầu tư từ mọi nguồn lực trong xã hội và tạo ra các không gian sống cũng như các không gian công cộng tiện nghi.

Quy mô đơn vị ở: Thị trường nhà ở tại Việt Nam hiện nay đang có nhiều thay đổi. Các nhà đầu tư nên chú trọng phát triển các loại căn hộ có quy mô nhỏ, phù hợp với tình hình chung và khả năng đầu tư tài chính của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam.

Chú ý đến yếu tố khí hậu: Tất cả những căn hộ cao tầng mới nên được thiết kế với các tiện nghi sống hiện đại, thân thiện với môi trường. Chúng tôi cho rằng việc áp dụng các tiêu chuẩn thiết kế của các nước phương Tây không phù hợp với điều kiện khí hậu nóng ẩm bản địa, nhưng chúng ta cũng cần thiết lập một nguyên tắc chung cụ thể để tối ưu hóa việc sử dụng tiết kiệm năng lượng. Ví dụ như khuyến khích sử dụng các loại vật liệu cách nhiệt như bê tông bọt (AAC)... Tuy nhiên điều quan trọng nhất là kiểm soát chặt chẽ sự thất thoát nhiệt của công trình nhằm tiết kiệm năng lượng và chi phí. 

Quản lý chất lượng: Vấn đề quan trọng cuối cùng là quản lý chất lượng. Cần chú trọng đến việc quản lý chất lượng xây dựng công trình và các không gian công cộng. 

KTS Gael Desveaux (ảnh bên) - Tổng giám đốc công ty Arep Việt Nam 

Theo ashui.com(Bài đăng Tạp chí Kiến Trúc Việt Nam - 12/2012)