Từ nhiều năm nay, Quảng Ninh đã trở thành một trong những trung tâm xây dựng lớn của đất nước.
Chuỗi đô thị khá liên tục chạy xuyên suốt hơn 250km theo chiều dài của dải đất Quảng Ninh đã tạo lên một thị trường xây dựng sôi động rộng lớn. Lãnh đạo và người dân Quảng Ninh thừa hưởng môi trường công nghiệp nặng phát triển sớm nhất đất nước, nên tư duy về lĩnh vực quy hoạch đô thị khi xây dựng luôn ở tầm cao. Chiến lược quy hoạch dài hơi được đầu tư xây dựng rất bài bản, bởi vậy những hạn chế được các dự án phi khoa học, không hợp lý, không nhất quán trên địa bàn. Bức tranh quy hoạch đô thị Quảng Ninh từ trước đến nay có thể nói là khá đẹp so với một số địa phương khác.
Quyết định của Chính phủ về quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội định hướng đến 2020 đã chỉ đạo: “Xây dựng Quảng Ninh trở thành địa bàn động lực và là cửa ngõ giao thông quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ đối với khu vực và quốc tế…” là một cái gậy pháp lý cho các hoạt động đầu tư xây dựng. Trong hai năm 2012 và 2013 tỉnh Quảng Ninh xác định là thời điểm quyết định tập trung nguồn lực làm công tác quy hoạch, nhằm tạo cơ hội đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở tầm cao mới. Từ bối cảnh bức bách đó ngành Xây dựng Quảng Ninh đã tỏ rõ ý thức cố gắng thực hiện tốt vai trò nòng cốt của mình trong thời gian qua và coi nhiệm vụ tương lai là một thách thức.
Để tạo ra khu vực phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng cao và bền vững với các giải pháp định hướng trọng tâm, trọng điểm, chủ động hội nhập. Trong những năm qua đã chú trọng tạo điều kiện phát triển công nghiệp sản xuất VLXD trong đó đã đầu tư nhiều nhà máy sản xuất xi măng có công suất lớn ở Hoành Bồ, Cẩm Phả, Uông Bí; đầu tư dây chuyền sản xuất gạch không nung đến nay chiếm tỷ trọng trên 10% trong cơ cấu VLXD và phấn đấu đưa tỷ lệ gạch không nung sẽ nâng lên 30% vào năm 2020. Chính phủ chỉ đạo trong lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 tầm nhìn 2050 nội dung về quy hoạch xây dựng đô thị và hạ tầng kỹ thuật chiếm vị trí quan trọng số 1. Chương trình phát triển đô thị, Sở Xây dựng đã xúc tiến việc thành lập đô thị mới và nâng cấp đô thị cũ trong một quy hoạch tổng thể thống nhất trên địa bàn. Quảng Ninh trở thành địa phương duy nhất của cả nước đang có 4 TP trực thuộc tỉnh đó là Hạ Long, Móng Cái, Uông Bí và Cẩm Phả (xếp theo thứ tự thời gian và cấp loại). Từ sự thẩm định và đề nghị của Sở Xây dựng trong năm 2011, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định công nhận đô thị loại V cho 3 thị trấn Cô Tô, Cái Rồng và Đầm Hà. Đồng thời Sở Xây dựng đóng góp sức đáng kể trong việc hoàn chỉnh dự án thành lập mới các thị trấn Hoành Mô, Bắc Phong Sinh với quy mô đô thị loại V. Đề nghị nâng thị trấn Tiên Yên từ đô thị loại V lên loại IV vào năm 2014. Quyết định phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện chương trình nâng cấp đô thị cho Tiên Yên giai đoạn 2011 - 2014. Trong lộ trình khá nhiều địa phương trong tỉnh sẽ nâng cấp đô thị với kế hoạch chỉnh trang khá cụ thể như TP Hạ Long từ đô thị loại II lên loại I vào năm 2013; huyện Đông Triều lên TX vào năm 2014; thị trấn Trới (Hoành Bồ) từ đô thị loại V lên loại IV năm 2014.
Công tác quy hoạch xây dựng giao thông được các cơ quan có thẩm quyền chấp nhận Sở Xây dựng đề xuất quy hoạch vùng liên tỉnh Hải Phòng - Quảng Ninh dọc theo tuyến đường nối đường từ Hạ Long với đường cao tốc 5B Hà Nội - Hải Phòng. Tuyến QL279 nối Quảng Ninh - Bắc Giang và tuyến QL4B Quảng Ninh - Lạng Sơn. Việc quy hoạch xây dựng dọc các tuyến QL trên đã tạo thành những vành đai phát triển kinh tế và mở rộng không gian đô thị cho một số vùng đất giàu tiềm năng. Trong lập quy hoạch xây dựng, ngành Xây dựng đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương quy hoạch xây dựng vùng - tỉnh để thay thế cho quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị - khu dân cư như trước đây. Kết quả rõ nét nhất là việc lập quy hoạch liên vùng mà Sở Xây dựng Quảng Ninh thực hiện gần đây như quy hoạch khu vực Móng Cái - Hải Hà - Vân Đồn theo chỉ đạo của Chính phủ tại Thông báo số 2/TB-VPCP rất thành công. Trong kế hoạch lập và điều chỉnh quy hoạch chung, ngành Xây dựng thực hiện xong các địa phương Đông Triều, Cẩm Phả, Cô Tô vào năm 2011; các địa phương Hạ Long, Móng Cái, Đầm Hà đã xong trong năm 2012 và huyện Hải Hà, TX Quảng Yên sẽ xong vào năm 2013. Việc lập quy hoạch phân khu, bao gồm các khu đô thị, công nghiệp, cụm công nghiệp chủ yếu hoàn thành vào năm 2012 có khá nhiều nội dung như tuyến đường bao biển Hà Khánh - Hà Tu (Hạ Long); tuyến đường tránh phía bắc Hạ Long; tuyến đường tránh khu đô thị nam Uông Bí; khu đô thị trên tuyến tránh Đông Triều; khu đô thị tuyến đường vành đai nam Đông Triều; khu hợp tác biên giới cầu Bắc Luân 2 và quy hoạch vùng đệm cách ly hoạt động khoáng sản của ngành Than trên địa bàn Quảng Ninh. Trong kế hoạch phát triển khu công nghiệp, ngành Xây dựng đã có tác động đáng kể để định hướng phát triển các khu, cụm công nghiệp như đẩy nhanh tiến độ xây dựng, góp phần nghiên cứu để thành lập một số khu cụm công nghiệp gắn với các khu kinh tế, khu du lịch, khu dịch vụ như các KCN Cái Lân, Việt Hưng, Hải Yên, Ninh Dương, Chạp Khê, Phương Nam, Tiên Yên, Kim Sơn và KCN sạch thuộc Vân Đồn. Ngành Xây dựng chú trọng chất lượng kết cấu hạ tầng để đảm bảo phục vụ cho các lợi ích phát triển kinh tế - xã hội, trong đó nội dung phát triển nhà với chương trình đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đang được quan tâm dồn nguồn lực đầu tư khai thác để tạo cơ hội, động lực phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới đó là một thử thách lớn và những chiến sĩ trong ngành Xây dựng lại lấy những chiến công vẻ vang trong quá khứ làm niềm vui bước tiếp chặng đường mới!