Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, việc hoàn thành quy hoạch có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược xây dựng, phát triển bền vững thủ đô Hà Nội. Đây cũng là cơ sở pháp lý cho việc quản lý đầu tư xây dựng, phát triển đô thị và phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của thủ đô; từng bước nâng cao điều kiện sống của người dân...
Theo Thủ tướng, việc phê duyệt quy hoạch có ý nghĩa quan trọng, nhưng mới là kết quả bước, để quy hoạch đi vào cuộc sống còn nhiều việc phải làm. "Tôi yêu cầu UBND Hà Nội cần khẩn trương phổ biến quy hoạch cho các tầng lớp người dân; phối hợp với Bộ Xây dựng tập trung chỉ đạo xây dựng, ban hành quy chế quản lý quy hoạch, tổ chức lập và phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trên toàn thành phố, quản lý chặt việc đầu tư phát triển theo đúng quy hoạch được duyệt", Thủ tướng nhấn mạnh.
Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, từ quy hoạch chung xây dựng Hà Nội, cần rà soát, bổ sung cho quy hoạch vùng thủ đô, quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm phía bắc. Các bộ, ngành và địa phương khẩn trương rà soát quy hoạch chuyên ngành theo lĩnh vực trên địa bàn, tạo điều kiện đẩy mạnh thu hút nguồn lực.
Sa bàn tổng thể quy hoạch Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050. Ảnh : Hoàng Hà |
Việc công bố quy hoạch chung Hà Nội cũng đánh dấu sự khai trương của Cung triển lãm Quy hoạch quốc gia - công trình có chức năng trưng bày các mô hình, bản vẽ, đồ án quy hoạch. Hiện, ở Cung triển lãm, hàng chục sa bàn, bản vẽ thể hiện sự phát triển của Hà Nội trong tương lai được trưng bày khắp 3 tầng của tòa nhà...
Sau khi công bố quy hoạch chung xây dựng thủ đô, UBND Hà Nội sẽ có trách nhiệm triển khai các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.
Theo quy hoạch, đến năm 2050, thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, đô thị loại đặc biệt; là trung tâm văn hóa, giáo dục đào tạo và khoa học kỹ thuật quan trọng của cả nước; là một trong những trung tâm kinh tế, giao dịch, du lịch, thương mại, dịch vụ của cả nước và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.