Câu trả lời của Phó viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội Lê Vinh là: Không thể “một sớm một chiều”. Lý do ông Vinh đưa ra là mạng lưới đường nói riêng, cơ sở hạ tầng giao thông nói chung của Hà Nội chưa đáp ứng được nhu cầu. Các chỉ số quy hoạch như tỷ trọng đất giao thông (gồm đường và bãi đỗ xe), mật độ mạng lưới đường, chỉ tiêu kilômét đường/người, mật độ mạng lưới xe buýt… đều thiếu.
Về mạng lưới, theo quy hoạch, đường giao thông Hà Nội có dạng vành đai kết hợp xuyên tâm. Tuy nhiên, các đường hướng tâm và đường vành đai đều chưa hoàn thành, các nút giao thông quan trọng xây dựng chậm. Các tuyến đường chính đô thị ở nội thành mặt cắt ngang quá hẹp, không đủ số làn xe.
Một số nguyên nhân khác góp phần gây ùn tắc giao thông của Hà Nội là các nút giao thông quan trọng giữa đường chính của TP với đường sắt, đường liên khu vực hầu hết vẫn là nút giao bằng chật hẹp, tầm nhìn không bảo đảm và đều đang ở tình trạng quá tải vào giờ cao điểm. Vỉa hè, lòng đường bị lấn chiếm. Mật độ dân số ở khu vực đô thị trung tâm quá cao. Các trung tâm hành chính, trụ sở, trung tâm thương mại, các trường học, bệnh viện lớn hiện vẫn tập trung ở trung tâm TP. Trong khi đó, Hà Nội lại chưa có giải pháp tổ chức giao thông hiệu quả, phù hợp, thiếu các chế tài về hành chính, kinh tế, kỹ thuật… kiểm soát sự gia tăng phương tiện giao thông nói chung và cá nhân nói riêng… Hệ thống giao thông công cộng chưa đáp ứng yêu cầu. Các hành lang pháp lý như quy chế, quy định về xử phạt vi phạm Luật Giao thông, quy định về cư trú, lao động chậm được sửa đổi, bổ sung. Và nhất là ý thức chấp hành Luật Giao thông của người tham gia giao thông còn yếu.
Đề cập đến giải pháp khắc phục ùn tắc giao thông Hà Nội, các chuyên gia nghiên cứu đô thị cho rằng: Hà Nội cần đưa ra các giải pháp đồng bộ, từ giải pháp mang tính cơ bản lâu dài đến giải pháp tình thế trước mắt và phải tập trung chỉ đạo từ mọi cấp, đồng thời có sự tham gia của cộng đồng.
Theo ông Lê Vinh, Hà Nội cần tập trung triển khai các công trình giao thông quan trọng như các đường vành đai 3, 2 và 1, các trục hướng tâm như Láng - Hòa Lạc, QL32, đường Ngô Gia Tự, Lê Văn Lương kéo dài, đường Lê Trọng Tấn (Hà Đông), đường Nguyễn Phong Sắc, Lạc Long Quân, Cát Linh - La Thành.
Về giao thông công cộng, Hà Nội phải cơ cấu lại hệ thống xe buýt cho phù hợp với tình hình mới đồng thời đẩy nhanh việc triển khai các dự án vận tải hành khách công cộng bằng các loại phương tiện hiện đại, công suất lớn, tốc độ cao. Đó là xây dựng hệ thống đường sắt đô thị, hệ thống xe buýt nhanh trên các làn riêng. Trước mắt, Hà Nội đang tập trung triển khai các tuyến đường sắt đô thị số 1, 2, 2A và 3.
Đặc biệt, chính quyền Hà Nội chỉ đạo Sở GTVT lập quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mục tiêu đặt ra cho việc xây dựng hệ thống giao thông đô thị Hà Nội là đến năm 2030, đáp ứng được khoảng 55% nhu cầu đi lại của người dân TP, quỹ đất dành cho giao thông đạt 20 - 26%, quy hoạch 3 - 5% quỹ đất cho các bến bãi đỗ xe.
Bên cạnh đó, ông Lê Vinh cũng đề xuất một số giải pháp tình thế khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông Hà Nội trong đó có giải pháp phân làn, tách dòng giao thông theo phương tiện.v
Theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, về đường bộ, khu vực đô thị trung tâm sẽ tiếp tục xây dựng, cải tạo, hoàn thiện liên thông các đường vành đai, trục hướng tâm, trục chính đô thị đồng bộ với các nút giao thông. Đặc biệt, Hà Nội sẽ hoàn thiện và xây dựng đường tầng ở một phần của tuyến vành đai 2, vành đai 3 và một số tuyến hướng tâm.
Về giao thông tĩnh, Hà Nội sẽ tăng cường hệ thống bãi đỗ xe ngầm tại các công viên, vườn hoa, dưới các tổ hợp công trình quy mô lớn; bố trí các bãi đỗ xe tập trung kết hợp với các chức năng sử dụng đất khác trên cơ sở quỹ đất chuyển đổi các KCN, trụ sở cơ quan, trường học trong nội đô.