Với công nghệ tách bột giấy khỏi nhôm và nhựa, các nhà sản xuất giấy và bao bì trong nước đã bắt đầu tái chế thành công nguồn nguyên liệu sản xuất giấy, tấm lợp mái nhà từ vỏ hộp sữa tươi, nước uống và vỏ hộp giấy
Bột giấy tái chế từ vỏ hộp sữa giấy có chất lượng cao và xơ sợi dài hơn, thích hợp làm giấy chất lượng cao. Riêng phần nhôm và nylon tách ra từ vỏ hộp sữa giấy sẽ được xử lý bởi dây chuyền máy ép nhiệt để sản xuất ra tấm lợp sinh thái. Với độ dày gấp 3 so với các sản phẩm mái lợp khác nên loại tấm lợp này có khả năng chịu được môi trường có độ ẩm và nóng cao. Tính năng cách nhiệt và cách âm của loại sản phẩm này còn tốt hơn hẳn so với những loại tấm lợp khác.
Tấm lợp làm từ vỏ hộp sữa, hộp nước giải khát tái chế được các nhà khoa học đánh giá cao nhờ trọng lượng nhẹ và độ bền cơ lý cũng như khả năng cách nhiệt, cách âm tốt hơn so với loại tấm lợp làm từ nguyên vật liệu khác. Vỏ hộp giấy hiện được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp sữa nước, sữa đậu nành, nước trái cây. Loại vỏ này bao gồm 6 lớp, trong đó phần lớn là giấy và một ít là nhôm hoặc nhựa.
Ông Hoàng Trung Sơn, đại diện đơn vị sản xuất tấm lợp từ rác thải cho biết: để sản xuất phải tách các thành phần trong vỏ hộp sữa giấy đã qua sử dụng. Lượng nhựa và kim loại nhôm thu được dùng để sản xuất mái lợp, bột giấy còn lại dùng chế giấy bề mặt cao cấp cho thùng carton.
Kết quả thử nghiệm sản phẩm cũng cho thấy, tấm lợp làm từ vỏ sữa có khả năng chịu được môi trường ẩm và nóng cao, khả năng cách nhiệt và cách âm tốt hơn so với tấm lợp làm bằng tôn, nhựa mỏng hay fibro xi măng. Loại tôn này có tuổi thọ khá cao, không bị lão hóa trong môi trường khắc nghiệt, thích hợp dùng làm mái lợp nhà xưởng, chuồng trại chăn nuôi, nhất là các trại chăn nuôi gà giúp làm giảm tiếng ồn và nhiệt độ trong khu vực trại.
Dây chuyền tái chế chính thức được chuyển giao và đưa vào hoạt động từ tháng 11/2011, xử lý 50 tấn vỏ hộp sữa làm ra hơn 500 tấm lợp. “Vỏ hộp sữa giấy tái chế được 100%, nếu vứt bỏ là một lãng phí lớn và tốn chi phí xử lý, chưa kể còn ảnh hưởng xấu đến môi trường", ông Sơn cho biết.
Khó khăn lớn nhất đối với đơn vị sản xuất là tìm nguyên liệu đầu vào, do người dân chưa có thói quen thu gom vỏ hộp sữa cũng như các loại hộp nước giải khát khác. Ông Sơn nói: "Ở nước ngoài, dân có thói quen phân loại rác ngay từ đầu nên việc thu gom dễ dàng hơn, còn người Việt thường vứt hộp giấy chung với rác hữu cơ nên việc thu gom gặp nhiều khó khăn".
Vì vậy ông Sơn cho biết, cần khuyến khích người dân phân loại rác và thu gom vỏ hộp sữa, thông qua các hoạt động như: trao đổi vỏ hộp sữa lấy quà, khuyến mãi, trao thưởng cho những cá nhân hoặc đơn vị có thành tích thu gom vỏ hộp sữa nhiều nhất.
Năm ngoái, ước tính ở Việt Nam đã có 3800 tấn vỏ hộp sữa được tái chế, trong khi số lượng vỏ hộp sữa thải ra còn cao hơn gấp nhiều lần. Do đó, các nhà sản xuất đặt mục tiêu tái chế được ít nhất 20 nghìn tấn loại phế liệu này.