0971.659.624 thuvienxaydungvn@gmail.com
Cầu Sài Gòn kêu cứu
Các cơ quan chức năng có trách nhiệm quản lý cầu Sài Gòn đã lên tiếng báo động sự xuống cấp nghiêm trọng của cây cầu này. Cầu Sài Gòn với số tuổi gần tròn 50 đã thật sự mệt mỏi khi bình quân mỗi ngày phải “gánh” trên 41.000 lượt ôtô, cả trăm ngàn lượt xe gắn máy qua lại...

Cây cầu 50 tuổi “đầy thương tích”

Cầu Sài Gòn được xây dựng từ năm 1961, dài gần 1.000m gồm 32 nhịp. Khi mới xây dựng, bề mặt cầu chỉ rộng gần 20m nhưng là cây cầu lớn nhất Sài Gòn trước thời kỳ đổi mới. Sau gần 50 năm sử dụng, trải qua cuộc chiến tranh giải phóng, cầu Sài Gòn mang mang “đầy thương tích”.

Năm 1997, cây cầu được cải tạo, mở rộng mặt cầu thành 24m song vẫn không đáp ứng kịp nhu cầu. Lưu lượng xe qua cầu luôn vượt quá năng lực của cầu khiến nó xuống cấp nhanh chóng. Chưa kể, do cầu dài, độ dốc cao và lưu lượng xe lớn nên tai nạn thường xuyên xảy ra trên cầu, tạo nên không ít thương tích cho cây cầu già cỗi này và tại đây cũng đã xảy ra không ít sự cố.

Đầu tháng 10, một lỗ thủng xuất hiện trên cầu Sài Gòn (Q.2 - Q.Bình Thạnh, TP.HCM) báo hiệu cầu đã bắt đầu xuống cấp. Thế nhưng, cầu Sài Gòn vẫn tiếp tục gồng mình với dòng xe đặc kín qua cầu.Cầu Sài Gòn - cửa ngõ phía đông TP.HCM - luôn dày đặc dòng xe từ các quận ở nội thành hướng về Q.2, Q.9, Thủ Đức và tỏa đi các tỉnh miền Đông, miền Trung, miền Bắc và ngược lại.

Theo báo cáo mới nhất của Sở GTVT, các khe co giãn trên 3 nhịp chính của cầu bị hư hỏng làm thấm nước từ mặt cầu xuống hệ dầm gây rỉ sét dầm và một số bu lông đinh tán. Do bê tông mặt cầu tại vị trí các dầm phụ cũng hư hỏng gần hết nên nước thấm vào, làm rỉ sét các đầu dầm dọc phụ, dầm ngang; một số đầu dầm dọc phụ xuất hiện vết nứt…

Tại 29 nhịp dẫn, một số dầm chủ xuất hiện vết nứt trên cánh dầm, một số ụ neo cũng xuất hiện vết nứt. Ngoài ra, các thanh dầm và bản táp bị rỉ sét, một số khe co giãn bị hư hỏng nặng, bản mặt cầu bê tông cốt thép xuất hiện nhiều vết nứt rộng…

Theo lãnh đạo Công ty Quản lý công trình cầu phà TP.HCM, trước dòng xe dày đặc, các nhân viên quản lý cầu không thể kiểm soát được xe vượt quá tải trọng cầu 25 tấn và cũng không thể buộc các xe tải phải cách nhau 30m như quy định ở biển báo cầu. Không chỉ vậy, vào những lúc ùn ứ giao thông, dòng xe tải, xe container từ các cảng biển TP nối đuôi nằm dài trên mặt cầu thường xuyên xảy ra. “Đây là điều làm tuổi thọ cầu Sài Gòn giảm nhanh hơn” - ông Vũ Tiến Đạt, phó giám đốc Công ty Quản lý công trình cầu phà TP, cho biết.

Như vậy, cũng như cầu Đồng Nai, các cơ quan chức năng đều bất lực vì không thể kiểm soát được xe quá tải qua cầu Sài Gòn.

Nhiều sự cố

Cầu Sài Gòn đã sử dụng 48 năm

Cầu Sài Gòn do Hãng Johnson, Drake and Piper khảo sát thiết kế và được thi công từ năm 1959 đến tháng 4-1961 hoàn thành. Cầu dài 986,12m gồm 29 nhịp dầm bêtông dự ứng lực và ba nhịp dầm thép, cầu rộng 19,6m. Tháng 6-1998 khởi công sửa chữa, nâng cấp và mở rộng mặt cầu lên 24m cho bốn làn ôtô lưu thông ở giữa và hai bên là làn xe hai bánh, công trình hoàn thành tháng 6-2000 với kinh phí 54 triệu franc từ nguồn vốn ODA Pháp.

Theo Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM, hiện nay bình quân mỗi ngày có gần 41.000 lượt ôtô qua cầu Sài Gòn, chưa kể hàng trăm ngàn xe gắn máy.

Theo Công ty Quản lý công trình cầu phà TP, năm 2008 xảy ra ba vụ đụng xe gây hư hỏng cầu Sài Gòn. Trong đó vụ nặng nhất xảy ra ngày 27-9-2008, xe tải 57L-2217 lưu thông dưới dạ cầu phía quận Bình Thạnh đã va đụng vào dầm cầu nhịp số 8 làm bong tróc bêtông và lòi cốt thép. Các sự cố trên đã được chủ phương tiện sửa chữa khắc phục.

Từ đầu năm 2009 đến nay đã xảy ra mười sự cố ở cầu Sài Gòn, trong đó chín vụ do cầu xuống cấp và một vụ xe đụng ngã trụ biển báo tải trọng gắn ở chân cầu. Tình trạng cầu xuống cấp liên tục theo từng tháng. Cụ thể trong tháng 3-2009 xuất hiện hố sụp trên đường vào cầu cách mố 4m và vụ khe co giãn thứ 8 nằm ở làn ôtô bị hỏng tróc bêtông và ổ gà xuất hiện dọc khe. Tháng 4-2009, cũng khe co giãn thứ 8 bị bong bêtông.

Trong tháng 7-2009 xảy ra hai vụ, một vụ là khe co giãn thứ 2 ở làn xe hai bánh bị bong bêtông nhựa dài 1m và vụ cánh dầm dọc phụ ở nhịp thép của gối thứ 30 bị nứt. Tháng 8-2009 có hai vụ bêtông nhựa mặt cầu làn ôtô bị oằn, nứt chân chim. Tháng 9-2009 mặt cầu làn ôtô hướng Q.2 về Bình Thạnh xuất hiện ổ gà và ngày 1-10 xuất hiện một lỗ thủng mặt cầu bêtông lòi cốt thép có đường kính 0,2m trên làn ôtô hướng từ Q.2 về Bình Thạnh.

Ngăn chặn sớm

Từ các sự cố ở cầu Sài Gòn, ông Vũ Kiến Thiết - giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 - cho biết ngày 1-10 cầu Sài Gòn bị một lỗ thủng rộng 20 x 20cm làm vỡ lớp bêtông trên mặt cầu, còn xung quanh lỗ thủng là lớp bêtông bị rạn nứt có đường kính khoảng 1m. Đơn vị quản lý cầu đã sử dụng công nghệ cao sửa chữa trong thời gian ngắn nhất để bảo đảm giao thông thông suốt. Mặc dù đây là hư hỏng cục bộ nhưng cầu Sài Gòn được sửa chữa nâng cấp cách đây mười năm nay đã xuống cấp.

Theo Khu Quản lý giao thông đô thị số 2, cầu Sài Gòn xuống cấp nhanh vì đang chịu một mật độ xe quá lớn lưu thông qua cầu, đó là chưa kể lượng xe quá tải vượt cầu không thể kiểm soát được. Sau khi xảy ra lỗ thủng ở cầu Sài Gòn, Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 đang cùng với Công ty Freyssinet - đơn vị từng nâng cấp cầu Sài Gòn - kiểm tra “sức khỏe” cầu. Đồng thời khu tiến hành lập đề án và đề nghị cấp thẩm quyền sớm cấp vốn trong năm 2010 để duy tu cầu Sài Gòn. “Cần ngăn chặn sự xuống cấp nghiêm trọng của cầu Sài Gòn, thay vì chờ cầu hỏng nặng mới sửa chữa, lúc đó thiệt hại lớn hơn” - ông Vũ Kiến Thiết nhấn mạnh.

Cần 44 tỷ đồng để đại tu cầu Sài Gòn

Dù đang xuống cấp trầm trọng, nhưng do nằm trên tuyến đường huyết mạch vào Sài Gòn nên cầu Sài Gòn vẫn chưa một ngày được nghỉ ngơi, lượng xe qua cầu ngày càng nhiều, đặc biệt là các xe có tải trọng lớn.

Hơn 1 năm nay, khi Tân Cảng Sài Gòn di dời ra Cát Lái, lượng xe container qua cầu đã giảm bớt nhưng không đáng kể vì nhiều xe container đến hệ thống cảng ở quận 4, quận 7 và qua đường hàng lang phía Đông về miền Tây vẫn phải đi qua cầu.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, mỗi ngày có trên 40.000 lượt xe container, xe tải lưu thông qua cầu.

Để đảm bảo an toàn, cầu Sài Gòn cấm xe trên 25 tấn qua cầu và các xe phải đi cách nhau 30m. Tuy nhiên, 1 xe container, chỉ riêng tải trọng đầu kéo, rơ-moóc và thùng container trống đã lên đến 20 tấn nên xe vượt quá 25 tấn qua cầu rất thường xuyên. Chưa kể, mỗi lúc ùn tắc, các xe tải trọng cao phải chạy san sát nhau, không tài nào giữ nổi khoảng cách 30m như quy định. Điều này càng làm tăng nguy cơ xảy ra sự cố trên cầu.

Cầu Sài Gòn có nguy cơ sập rất cao vì chỉ cần một sự cố nhỏ có thể gây kẹt xe kéo dài. Trong ảnh: kẹt xe trên cầu Sài Gòn khi sửa chữa cầu ngày 4-10 - Ảnh: N.Hậu

Để hạn chế sự cố, Sở GTVT thực hiện các biện pháp khẩn cấp theo khuyến cáo của Công ty Freyssinet Việt Nam (đơn vị sửa chữa cầu Sài Gòn năm 1997) như sửa chữa các đường hàn bị nứt ở kết cấu thép và các vị trí bị nứt bê tông nhựa mặt cầu…

Tuy nhiên, theo Sở GTVT, để bảo đảm an toàn giao thông cho cầu Sài Gòn, trong thời gian tới cần phải đại tu lại cầu. Quan trọng nhất là phải xử lý hết các vết nứt trên đầu dầm, bóc vỏ và thay mới hoàn toàn bề mặt bê tông, thay thế các khe co giãn… Tổng kinh phí mà Sở GTVT xin TP bố trí vốn cho lần đại tu này là gần 44 tỷ đồng.

Hoặc...chờ cầu Sài Gòn 2

Nhiều chuyên gia về giao thông cho rằng để giải tỏa áp lực giao thông cho cầu Sài Gòn cần sớm xây dựng cầu Sài Gòn 2. Ông Nguyễn Thành Thái - tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ, đơn vị được UBND TP.HCM giao đầu tư dự án cầu Sài Gòn 2 - cho biết đang chờ các cơ quan thẩm quyền họp bàn và ký kết hợp đồng BOT xây dựng cầu Sài Gòn 2. Theo ông Thái, nhanh lắm là cuối năm 2009 mới khởi công xây dựng cầu và công trình hoàn thành sau hai năm rưỡi.

Rõ ràng, nếu chờ hai răm rưỡi nữa thì cầu Sài Gòn vẫn sẽ chịu áp lực giao thông lớn. Trong khi đó, các cầu Phú Mỹ và Thủ Thiêm được xây dựng trên 5.000 tỉ đồng nhằm chia tải với cầu Sài Gòn chưa phát huy hiệu quả vì “cầu thông, đường tắc”.

Theo Công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ, dự kiến giữa tháng 11-2009 sẽ cho xe tải qua cầu Phú Mỹ sau khi sửa chữa cầu Kỳ Hà 1 và Kỳ Hà 4 đang bị sự cố chuyển vị mố cầu. Còn Ban quản lý dự án đại lộ Đông - Tây và môi trường nước TP.HCM cho biết đến tháng 4-2010 sẽ hoàn thành đại lộ Đông - Tây từ đoạn đường kết nối với cầu Thủ Thiêm ra đường Lương Định Của, lúc đó xe tải có thể qua cầu Thủ Thiêm.

 

Nguồn tin: tổng hợp