0971.659.624 thuvienxaydungvn@gmail.com
Chùm đô thị với các mô hình tổ chức không gian
Chùm đô thị là một vùng không gian lãnh thổ trên đó thể hiện các hoạt động tổng hợp đô thị hóa cao giữa đô thị trung tâm và một nhóm các đô thị, điểm dân cư trong vùng ảnh hưởng có quan hệ mật thiết và tương hỗ lẫn nhau về các hoạt động kinh tế - xã hội (sản xuất, lao động, dịch vụ, nghỉ ngơi, giải trí…) và đặc biệt chúng được liên kết chặt chẽ với nhau bằng một hệ thống giao thông hiện đại và phát triển.

   Đô thị hóa là quá trình tất yếu diễn ra trong nhiều thế kỷ ở các nước tư bản phát triển và đang xảy ra mạnh mẽ ở các nước đang phát triển đặc biệt là các nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Tốc độ đô thị hóa – sự tăng trưởng đô thị liên quan rất chặt chẽ với tăng trưởng kinh tế tiến bộ khoa học kỹ thuật và môi trường xã hội của mỗi nước. Đô thị hóa không chỉ mang lại các lợi ích riêng về mặt kinh tế, mà còn có liên quan chặt chẽ đến thu nhập xã hội, cải thiện điều kiện sức khỏe, nâng cao dân trí và chất lượng cuộc sống của nhân dân. Ngược lại đô thị hóa cũng có những tác động tiêu cực đến môi trường xã hội. Có thể nói đô thị hóa vừa đóng góp cho quá trình phát triển vừa là kết quả tất yếu của quá trình này.

   Một khía cạnh quan trọng của quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị trên thế giới là sự phát triển nhanh dân số ở khu vực đô thị và sự gia tăng số lượng các thành phố cực lớn. Mạng lưới đô thị ở nước ta đã được hình thành và phát triển với hơn 600 đô thị lớn, nhỏ; trong đó có 2 đô thị loại 1 với số dân >1 triệu người là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài ra còn có hàng chục đô thị loại 2 khác. Khu vực đô thị ngày càng trở thành khu kinh tế quan trọng trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân (chiếm khoảng 30-50%) và dự báo đến năm 2020 chiếm 60-65% tổng sản phầm GDP).

   Hiện nay, chúng ta đang thực hiện chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước để đến hết năm 2020 trở thành một nước công nghiệp phát triển. Đi kèm chiến lược này là quá trình đô thị hóa tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trên cả hai mặt: theo bề rộng và theo chiều sâu trên quy mô toàn quốc. Đô thị hóa theo bề rộng thể hiện ở sự gia tăng dân số và mở rộng không gian lãnh thổ các đô thị hiện có, còn đô thị hóa theo chiều sâu thì lại hướng tới việc nâng cao chất lượng các đô thị. Dưới công cuộc đổi mới với chính sách kinh tế mở - kinh tế hàng hóa nhiều thành phần và cùng với sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế mạnh mẽ tác động đến hầu hết mọi mặt của cuộc sống đô thị và xã hội, đó là những biến đổi quan trọng trong cơ cấu lao động, lối sống đô thị cũng như những thay đổi về bộ mặt kiến trúc, quy hoạch, giao thông và nhịp sống đô thị.

   Nhằm phục vụ mục tiêu trên, việc hình thành, phát triển và tổ chức hệ thống không gian đô thị của cả nước đến năm 2020 đã được xác định như sau:

   Mạng lưới đô thị trong cả nước được hình thành và phát triển trên cơ sở các đô thị trung tâm, gồm thành phố trung tâm quốc gia như Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, các thành phố trung tâm cấp vùng như TP. Cần Thơ, Biên Hòa…; các thành phố thị xã trung tâm cấp tỉnh…; các đô thị trung tâm cấp huyện…; các đô thị trung tâm cấp tiểu vùng bao gồm các thị trấn là các cụm dân cư nông thôn hoặc là các đô thị vệ tinh trong các vùng ảnh hưởng của đô thị lớn.

   Các đô thị trung tâm các cấp được phân bố hợp lý trên 10 vùng đô thị đặc trưng của cả nước. Các đô thị trung tâm lớn như Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế phải được tổ chức thành các chùm đô thị có vành đai cây xanh bảo vệ để hạn chế tối đa sự tập trung dân số, cơ sở kinh tế và phá vỡ cân bằng sinh thái, tránh sự hình thành các siêu đô thị.

   Theo định hướng trên các đô thị trung tâm cực lớn được tổ chức và phát triển theo xu hướng chùm đô thị (Urban Agglomenration) mà trong đó đô thị trung tâm sẽ tiếp tục phát triển và hoàn thiện, các đô thị vệ tinh đối tượng và các đô thị khác được hình thành và phát triển trong một quy mô hợp lý không phụ thuộc vào ranh giới hành chính hiện tại liên quan đến một loạt các vấn đề về tổ chức không gian lãnh thổ, phát triển kinh tế-xã hội và cơ sở hạ tầng kỹ thuật.

   Một số quan niệm cơ bản, vị trí và vai trò của các đô thị, điểm dân cư chủ yếu trong tổ chức không gian của chùm đô thị.

   Chùm đô thị: Chùm đô thị được tạo nên bởi một đô thị trung tâm và vùng ảnh hưởng của nó. Chùm đô thị là một vùng không gian lãnh thổ trên đó thể hiện các hoạt động tổng hợp đô thị hóa cao giữa đô thị trung tâm và một nhóm các đô thị, điểm dân cư trong vùng ảnh hưởng có quan hệ mật thiết và tương hỗ lẫn nhau về các hoạt động kinh tế - xã hội (sản xuất, lao động, dịch vụ, nghỉ ngơi, giải trí…) và đặc biệt chúng được liên kết chặt chẽ với nhau bằng một hệ thống giao thông hiện đại và phát triển.

   Đô thị trung tâm (đô thị hạt nhân):Đô thị trung tâm được quyết định trước hết bởi vị trí địa lý kinh tế quan trọng, là nơi có hệ thống giao thông thuận tiện, có kinh tế phát triển, sự phát triển kinh tế xã hội của đô thị này thúc đẩy sự phát triển của các đô thị khác trong vùng. Đô thị trung tâm bao gồm cả ý nghĩa trung tâm chính trị, kinh tế, khoa học công nghệ, văn hóa giáo dục là đầu mối giao thông quan trọng mang ý nghĩa khu vực, vùng  và quốc gia hoặc quốc tế.

   Vùng ảnh hường (của đô thị trung tâm): Đây là vùng không gian lãnh thổ có liên kết chặt chẽ với đô thị trung tâm bằng mức độ quan hệ không gian mạnh mẽ, tạo nên một thể thống nhất giữa các điểm dân cư. Mức độ của quan hệ phải là sự tổng hòa các chức năng cao nhất mà nó có tác dụng thúc đẩy đô thị hóa toàn vùng.

   Đô thị vệ tinh:Là những đô thị nằm trong vùng ảnh hưởng của đô thị cực lớn chịu ảnh hưởng và tác động mạnh mẽ của đôthị này mặc dù về mặt địa lý tự nhiên và quản lý về hành chính nó tách rời khỏi đô thị đó. Trong quá trình kiếm soát hạn chế sự phát triển nhanh và quá tải của các đô thị cực lớn, một số chức năng của đô thị này được chuyển về các đô thị vệ tinh phụ thuộc vào độ rộng lớn của đất đai, khả năng tiếp cận đến hệ thống giao thông. Tuy nhiên khoảng cách phải đủ gần để điều chỉnh được quãng đường đi lại nhanh chóng cũng như khoảng không gian mở cần thiết để phân cách các khu dân cư của thành phố đồng thời cũng phải đủ xa để đảm bảo những đặc tính tự nhiên của một đô thị vệ tinh. Để các thành phố vệ tinh phát triển thì môi trường cảnh quan phải được cải thiện tốt hơn so với các khu vực khác trong đô thị trung tâm, đây phải là nơi có đủ điều kiện về nhà ở, công ăn việc làm và đặc biệt có hệ thống giao thông hiện đại và phát triển nhằm liên hệ thuận tiện với đô thị trung tâm và các vùng phụ cận.

   Đô thị đối trọng:Trong nghiên cứu về Phương hướng phát triển khu vực Hòa Lạc – Xuân Mai của TS. Nguyễn Bá Ân đã nhấn mạnh rằng việc xây dựng và phát triển các đô thị đối trọng nhằm làm giảm sức ép lên đô thị trung tâm nhưng vẫn đạt mục tiêu là tăng trưởng kinh tế cao trong bài toán cân đối vốn và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Các đô thị là đối trọng được tập trung đầu tư về công nghiệp, xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng đô thị. Các đô thị này sẽ phát triển tương đương với đô thị trung tâm và trong tương lai gần đây cũng có thể sẽ trở thành các đô thị trung tâm mới. Theo Gerd Hennings đô thị đối trọng là một phần hợp nhất của chiến lược phát triển vùng và của chùm đô thị, các đô thị này trong thời gian đầu sẽ là những đơn vị phụ thuộc và chúng sẽ phát triển độc lập ở giai đoạn sau. Việc lựa chọn các đô thị đã có thể xây dựng, cải tạo và phát triển thành đô thị đối trọng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: vị trí địa lý và khoảng cách địa lý giữa đô thị đó với đô thị trung tâm, điều kiện địa hình, kết cấu hạ tầng hiện có, quỹ đất đai, tài nguyên thiên nhiên và yếu tố giao thông đóng vai trò rất quan trọng.

   Trong điều chỉnh QHC thành phố Hà Nội, các nhà nghiên cứu QH đã chọn các đô thị hiện có là: Xuân Mai – Hòa Lạc – Sơn Tây, Sóc Sơn – Xuân Hòa – Phúc Yên là những đô thị đối trọng để tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng công nghiệp, khu công nghệ cao, văn hóa, nghỉ ngơi, giải trí… Các đô thị này cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km với hệ thống đường giao thông thuận tiện. Tương tự như vậy trong dự án điều chỉnh QHC Tp. Hồ Chí minh, các đô thị như: Biên Hòa, Nhơn Trạch, Tân An, Thủ Dầu Một… cũng được chọn là đô thị đối trọng cách trung tâm TP. Hồ Chí Minh từ 30-40km. Đây là những nơi có điều kiện xây dựng tốt, có mạng lưới giao thông phát triển và thuận tiện, trong tương lai sẽ hỗ trợ phát triển cho đô thị.

   Đô thị mới: Đô thị mới được hình thành tại các vùng đô thị lớn cùng các đô thị: vệ tinh, đối trọng… và các đô thị, điểm dân cư khác tạo nên chùm đô thị.

   Theo một nghiên cứu về Quy hoạch và phát triển đô thị mới ở Việt Nam, TS. Trần Trọng Hanh đã nêu rõ đô thị mới được hình thành từ một chính sách hoặc ý đồ chiến lược nhằm thực hiện quá trình điều tiết vĩ mô về kinh tế - xã hội và đô thị hóa để chống ách tắc tại trung tâm  và giải tỏa các đô thị lớn, phát triển phi tập trung theo mô hình đa cực nhằm tạo ra sự phát triển cân bằng trong cấu trúc lãnh thổ, kích thích sự phát triển các cùng nghèo, khai thác hợp lý tài nguyên ở các vùng giàu trữ lượng và phát triển hài hòa những vùng thịnh vượng. Theo kinh nghiệm và cũng như thành công của nhiều nước trên thế giới (Hàn Quốc, Pháp, Nhật Bản…) thì địa điểm lựa chọn xây dựng đô thị mới thường ở vị trí dễ dàng tiếp cận với hệ thống giao thông (gần các trục giao thông quan trọng, các sân bay, bến cảng…) nơi có nguồn lao động, quỹ đất để phát triển, có điều kiện thuận lợi về kết cấu hạ tầng kỹ thuật và thường cách trung tâm đô thị lớn khoảng 30-40km.

   Các điểm dân cư quan trọng khác trong chùm đô thị:

   Các điểm dân cư theo đô thị lớn: Các điểm dân cư này chịu sự tác động trực tiếp của việc mở rộng và phát triển đô thị, chúng có điều kiện đô thị hóa nhanh và dần trở thành một bộ phận nội thành.

   Các điểm dân cư nằm trên trục đường giao thông quan trọngđó là thị trấn, thị tứ, trung tâm xã, cụm xã trong vùng ảnh hưởng chúng là các trung tâm hành chính, chính trị và có thể là các trung tâm công nghiệp và dịch vụ. Trong quá trình đô thị hóa (đặc biệt là ảnh hưởng của sự phát triển đô thị trung tâm) chúng được đầu tư cải tạo và nâng cấp về cơ sở hạ tầng. Sự phát triển của các điểm dân cư này sẽ kéo theo các điểm dân cư xung quanh phát triển

   Ngoài ra, các khu vực có cảnh quan thiên nhiên, các công trình văn hóa, vui chơi, giải trí và du lịch được đầu tư phát triển sẽ là những nơi thu hút dân cư đô thị đến vào những ngày nghỉ ngắn hạn hoặc dài hạn (nghỉ cuối tuần, lễ, tết).

   Những mô hình tổ chức không gian của chùm đô thị

   Có nhiều mô hình tổ chức không gian chùm đô thị. Bài viết chỉ tập trung phân tích một số mô hình mà ở đó sự phát triển và tổ chức mạng lưới giao thông đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức không gian của các đô thị và chùm đô thị

* Mô hình theo tuyến/chuỗi

   Mô hình tuyến/chuỗi được nghiên cứu và đề xuất ở nhiều nước trên thế giới như Ba Lan, Đức, Tiệp Khắc và một số nước khác. Ý đồ cơ bản của mô hình này là: Các đô thị cũ, mới, các điểm dân cư được bố trí và phân bố trên các tuyến giao thông chính như đường bộ, đường sắt dẫn tới đô thị trung tâm. Phát triển theo nhiều tuyến xuất phát từ đô thị trung tâm hoặc phát triển có định hướng dọc một trục đã được lựa chọng có thể coi là một trong những dạng của mô hình này. Ưu điểm của mô hình này:

- Không tạo ra hệ thống đô thị tập trung lớn, góp phần làm giảm dòng di cư nông thôn ra đô thị.

- Tạo cơ sở để làm giảm bớt sự mất cân đối tổng phát triển kinh tế giữa các khu vực, đồng thời tạo điều kiện để thúc đẩy và phát triển nhanh các đô thị vừa và nhỏ.

- Về giao thông: tổ chức theo tuyến/chuỗi tạo điều kiện sử dụng và phát triển giao thông có tốc độ cao (tàu điện ngầm hoặc đường sắt) đi qua các điểm dân cư dọc trên tuyến. GS Luigi Piccinato (Italia) cho rằng thành phố có dạn tuyến là phương cách hữu hiệu để nối liền các thành phố điểm, hay thành phố có dạng tuyến tính là ổn định nhất để tổ chức hệ thống giao thông đô thị, qua đó giảm bớt chi phí đi lại; ngoài ra khi xây dựng, phát triển và kéo dài các tuyến này sẽ tạo điều kiện xây dựng các điểm dân cư mới. Theo Soria Y Mata (Tây Ban Nha) thì Dạng tuyến tính thuận lợi nhất cho các nhu cầu đi lại với tốc độ nhanh bằng cách sử dụng đường ô tô hay xe điện trên trục đường chính. Ông đưa ra chủ trương giao thông vận tải đặc biệt là giao thông đường sắt, là nhân tố quyết định sự phát triển của đô thị; hoạt động xây dưng phải có quy luật, phải lấy một tuyến đường làm cột xương sống. Mô hình tuyến/chuỗi này thích hợp với các địa bàn lãnh thổ rộng lớn và có địa hình thuận lợi ví dụ như không bị chia cắt nhiều bởi sông – suối, hay đồi núi.

            Tuy nhiên, hệ thống đô thị phân bố theo mô hình này bị kéo dài sẽ không thuận lợi về bố trí, sử dụng hiệu quả các khu chức năng của đô thị, hạn chế liên kết giữa các vùng xung quanh. Mô hình này không thích hợp ở các nơi có địa hình quá phức tạp.

* Mô hình thành phố vườn và thành phố vệ tinh

   Năm 1896, Ebenezer Howard, người Anh đã đưa ra học thuyết khoa học quy hoạch đô thị hiện đại: Đó là xây dựng các thành phố vườn – dựa vào ba nguyên tắc chủ yếu: 1) Kiểm soát sự bành trướng của đô thị và hạn chế việc tăng dân số lao động đô thị; 2) Loại trừ nạn đầu cơ đất đai; 3) Điều hòa các hoạt động sinh hoạt (ở nơi ở, nơi làm việc,… và các nơi nghỉ ngơi). Mô hình này được thể hiện như sau: Hệ thống thành phố vườn bao gồm 6 thành phố nhỏ (mỗi thành phố có 32 ngàn dân) bao quanh một thành phố trung tâm (thành phố mẹ có 58 ngàn dân). Một tập hợp 6 thành phố đó cộng với thành phố mẹ ở giữa tạo thành một liên bang (có thể coi đây là mô hình của chùm đô thị) có quy mô 25 vạn dân. Từ thành phố trung tâm liên hệ với 6 thành phố bằng 6 đường xe lửa và bản thân các thành phố nhỏ đó cũng được nối với nhau bởi một tuyến đường xe lửa và đường cao tốc.

   Năm 1922, Raymond Unvin trong cuốn sách “Thực tiễn quy hoạch đô thị” đã đưa ra lý thuyết thành phố vệ tinh, đó là thiết lập một mạng lưới các thành phố nhỏ - vệ tinh (gồm 9, 10 thành phố) bao quanh một thành phố lớn, người ta có thể phân tán bớt dân các đô thị lớn và đảm bảo cho trung tâm đô thị phát triển tương đối độc lập nhằm tạo điều kiện sống có lợi hơn cho nhân dân đô thị. Các thành phố vệ tinh đặt cách thành phố chính 40 – 50km. Tuy nhiên thành phố vệ tinh có những điểm bất lợi: Ngăn cách nơi ở khỏi nơi làm việc không có chức năng hoàn thiện của một đô thị cần có nên dễ trở thành chỉ là nơi ngủ của người dân.

   Ông Abercrombie P cũng là người Anh đã nghiên cứu việc điều hòa sự phát triển của các thành phố cực lớn bằng cách xây dựng các thành phố vệ tinh quanh nó. Ông xác định ranh giới vùng ảnh hưởng của đô thị cực lớn trên cơ sở liên hệ lao động và sinh hoạt của người dân đô thị. Nói cách khác, ranh giới cuối cùng của vùng ảnh hưởng trùng với nơi ở của người dân vào làm việc trong thành phố trung tâm… Từ đó trở đi việc xây dựng các đô thị vệ tinh quanh các đô thị cực lớn (hạt nhân) được xem là biện pháp chủ yếu và hữu hiệu nhất để giảm hiện tượng tập trung dân cư vào thành phố trung tâm.

* Mô hình hỗn hợp (Vùng đô thị hóa)

    Mô hình này nhằm tạo nên một hệ thống các điểm dân cư phát triển hài hòa cân đối, hạn chế sự phát triển quá nhanh và quá tải của đô thị trung tâm, tạo điều kiện phát triển các đô thị vừa và nhỏ qua đó dần dần xóa bỏ những sự khác biệt và chênh lệch trong điều kiện sống và lao động giữa đô thị và nông thôn

   Nội dung cơ bản của mô hình này là:

- Quản lý và kiểm soát sự phát triển đô thị trung tâm.

- Thiết lập các đô thị vệ tinh, đô thị mới xung quanh đô thị lớn trung tâm.

- Phát triển một số đô thị đối trọng mà ở đó xây dựng các khu công nghiệp, hạ tầng cơ sở tạo điều kiện tốt về phục vụ công cộng, sinh hoạt văn hóa, môi trường cảnh quan giống như đô thị trung tâm để thu hút lao động bố trí lại dân cư và góp phần giải tỏa đô thị trung tâm.

- Phát triển mở rộng ra các vùng dọc theo các trục đường giao thông sắt, bộ chính dẫn vào đô thị trung tâm hoặc theo hệ thống đường vành đai.

   Để tránh tạo các siêu đô thị, một số nước trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển trong định hướng phát triển hệ thống đô thị của mình cũng nghiên cứu và điều chỉnh theo xu hướng này.

    Ở Việt Nam theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Định hướng phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2020 về chọn đất phát triển đô thị đã khẳng định… từng bước mở rộng đô thị ra vùng ven đô và tùy theo điều kiện của từng vùng xây dựng các đô thị vệ tinh hoặc đô thị đối trọng tại các vùng ảnh hưởng các thành phố lớn; đẩy mạnh việc xây dựng các đô thị mới tại các vùng chưa phát triển, đồng thời tiến hành đô thị hóa các khu dân cư nông thôn với việc khangre định này là cơ sở cho việc nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch chung cho các đô thị cực lớn và lớn ở Việt Nam như Tp Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Lạt, Đà Nẵng…

   Qua các nghiên cứu trên cho ta thấy mô hình tổ chức không gian của chùm đô thị trên thế giới rất đa dạng, mỗi một loại đều có những ưu điểm và hạn chế cũng như khả năng ứng dụng. Tùy vào mỗi chùm đô thị cụ thể ( trong đó vị trí cả đô thị trung tâm đóng vai trò quan trọng) mà sự hình thành và phát triển cũng như tổ chức không gian và sự phân bố các đô thị khác rất khác nhau. Từ nghiên cứu các mô hình tổ chức không gian của chùm đô thị đến khả năng thực thi của nó cần phải được phân tích kỹ hơn về quy luật biến đổi cơ cấu dân cư xã hội; khả năng đầu tư tài chính; hiệu quả kinh tễ - xã hội; phát triển môi trường cảnh quan; xây dựng hạ tầng cơ sở cũng như năng lực trình độ quản lý hành chính – lãnh thổ.

    Nghiên cứu đầy đủ và có hệ thống về chùm đô thị cũng như mô hình tổ chức không gian của chúng, chúng ta sẽ có những giải pháp tốt hơn khi lập sơ đồ hay khi lựa chọn sơ đồ quy hoạch các chùm đô thị để triển khai chương trình khung thực hiện định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020 cũng như thưc hiện tốt chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2001 – 2010 của Đảng và Nhà nước.

            

Nguồn tin: PGS.TS. Nguyễn Hồng Tiến - Cục trưởng Cục Hạ tầng kĩ thuật