Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và lấy ý kiến nhân dân. Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, Dự thảo Luật phải cụ thể hơn nữa, quan tâm hơn đến quyền lợi của người dân.
Là người từng tham gia góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hồi tháng 8/2012, xin ông cho biết, Dự thảo Luật sau khi tiếp thu các ý kiến đóng góp, đã đáp ứng được yêu cầu thực tế chưa?
- Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tháng 1/2013 có 14 Chương với 206 Điều, tăng thêm 16 điều so với bản dự thảo tháng 8/2102. Điều này chứng tỏ Ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, các đại biểu và các tầng lớp nhân dân. Trong đó, phần thu hồi đất được bổ sung, sửa đổi nhiều nội dung.
Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu bản Dự thảo lần này, tôi thấy nhiều nội dung còn nặng về quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước. Trong khi, vấn đề người dân quan tâm là những nội dung thiết thực nói lên quyền lợi, phạm vi cho phép người dân được sử dụng đất đai lại chưa cụ thể…
Đất nông nghiệp tại xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm đang phải thu hẹp dần để phục vụ phát triển đô thị. Ảnh: Đức San
Vậy theo ông, những nội dung nào cần chỉnh sửa cho phù hợp?
Trong bản góp ý, tôi từng nêu lên những vấn đề như: Đổi tên "đất phi nông nghiệp" thành "đất xây dựng" trong việc phân loại đất quy định tại Điều 9; "thu hồi đất" đổi thành "trưng dụng, trưng mua đất" với mong muốn Nhà nước trưng mua thay vì thu hồi; bỏ trường hợp thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội ở Điều 61, bởi không được "khoác áo" kinh tế - xã hội để thu hồi đất của dân... Tuy nhiên, những góp ý này lại chưa được Ban soạn thảo ghi nhận.
Theo ông, nên sửa như thế nào?
- Theo tôi, tên gọi "đất phi nông nghiệp" trong Điều 9 không chỉ ở vấn đề từ ngữ, mà từ cách nhìn nhận đó nó còn ảnh hưởng không tốt cho phát triển đô thị, cho quá trình công nghiệp hóa. Ở một số địa phương, nhất là khu vực đô thị, việc giao đất phi nông nghiệp đã bị một số người dân lợi dụng xây dựng công trình nhà cửa, hoặc sử dụng vào mục đích khác, dẫn đến khi Nhà nước thu hồi gặp khó khăn.
Một vấn đề nữa, nguyên tắc nêu trong Điều 74 và Điều 107 về giá đất để tính bồi thường được xác định theo mục đích sử dụng đất tại thời điểm quyết định thu hồi đất là chưa hợp lý. Giá đất trong một năm thường có nhiều thay đổi, biến động, trong khi chưa kể vùng này, vùng kia.
Ở một số nước, họ quy định ngắn gọn là bồi thường, đền bù theo giá công bằng, còn thực hiện việc công bằng này thế nào thì luật sẽ giải thích trong các văn bản pháp quy. Theo tôi, chúng ta cũng nên sử dụng nguyên tắc "giá công bằng", tức là giá có thể giúp tạo ra tài sản tương đương tài sản bị thu hồi tại địa điểm khác tương tự và cộng thêm một khoản lợi ích do dự án phát triển đất đem lại. Đây là mô hình được áp dụng rất thành công ở Hàn Quốc và Brazil.
Tôi cho rằng, Nhà nước nên trưng mua thay vì thu hồi đất, sau đó bán đấu giá. Đây là chính sách ở các nước đã thực hiện, áp dụng chế độ dự trữ đất hay gọi là "ngân hàng đất". Nhà nước có thể mua cả một khu vực đất rộng lớn, đền bù xong xuôi rồi chia lô, có thể dành quỹ đất tái định cư, trường học, công viên, khách sạn, siêu thị… rồi đấu thầu, bán đấu giá.
Hơn nữa, không nên coi người bị thu hồi đất là người bị thiệt hại, mà phải xem họ là người góp đất vào sự phát triển chung. Do đó, ngoài phần được bồi thường, họ còn phải được hưởng lợi từ sự phát triển.
Xin cảm ơn ông!
Theo báo kinh tế đô thị