Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành VLXD Việt Nam, các dòng sản phẩm vật liệu xây, gốm sứ và kính xây dựng đang có những bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, trong bước phát triển chung này, công nghệ lạc hậu vẫn đang cùng tồn tại với công nghệ hiện đại, VL chất lượng thấp có mặt cùng VL chất lượng cao.
CŨ - MỚI SONG HÀNH
Hiện nay, thị trường công nghệ và vật liệu xây dựng nói chung đang trong quá trình chuyển đổi. Rất nhiều công nghệ và vật liệu mới tiên tiến được cập nhật và phổ biến nhưng chưa mang tính chất phổ quát có thể thay thế hẳn các vật liệu hiện có. Các công nghệ và vật liệu truyền thống vẫn chiếm ưu thế bởi sự phù hợp tương đối với nhu cầu thị trường về chất lượng và giá thành, mặc dù có rất nhiều bất cập khi sản xuất như ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên... Điểm mặt tại thời điểm này có thể chỉ ra một số chủng loại như:
Vật liệu xây gồm vật liệu nung và vật liệu không nung (VLKN). Vật liệu nung gồm các sản phẩm gạch chỉ, tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 10 - 12%. Năm 2011, sản lượng khoảng 25 tỉ viên quy tiêu chuẩn trên phạm vi toàn quốc. VLKN gồm gạch xi măng cốt liệu (sử dụng xi măng làm chất kết dính với cốt liệu là đá mạt, xỉ than, phế liệu các ngành công nghiệp), vật liệu nhẹ (bê tông khí chưng áp, bê tông khí không chưng áp và bê tông bọt) chiếm khoảng 15 - 17% thị phần vật liệu xây dựng. Ngoài ra, VLKN còn có sản phẩm đá chẻ, gạch silicat, gạch có cốt liệu từ đất đồi, tấm tường thạch cao, 3D.
Công nghệ sản xuất gạch nung đang tồn tại các loại hình từ thủ công lạc hậu tới hiện đại, gồm: Lò thủ công (truyền thống và cải tiến); Lò vòng (truyền thống và cải tiến); Lò đứng liên tục; Lò tuynel. Ngoài ra, ở miền Nam có loại lò thủ công dạng lửa đảo. Từ những năm 2000, Quyết định 15 của Bộ Xây dựng sau đó là Quyết định 115 của Thủ tướng Chính phủ ra đời, đã đưa ra lộ trình xóa bỏ lò thủ công. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, đến nay chúng vẫn còn tồn tại. Năm 2011, lò thủ công cung ứng ra thị trường khoảng 30 - 35% sản lượng vật liệu nung. Như vậy, những lò gạch nung lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường vẫn tồn tại song hành cùng các lò tuynel với công nghệ tiên tiến làm ra các sản phẩm có nhiều tính năng vượt trội.
Tòa nhà mới xây dựng trên đường Kim Mã - Hà Nội
Công nghệ sản xuất VLKN: Đối với bê tông khí chưng áp mới du nhập vào Việt Nam khoảng 3 năm nay, công nghệ và thiết bị chủ yếu của Trung Quốc. Ngoài ra, một loại vật liệu nhẹ khác là bê tông bọt cũng đã được chúng ta chủ động trong việc chế tạo thiết bị và sản xuất.
Gạch bê tông xi măng cốt liệu: Đây là loại sản phẩm có truyền thống lâu đời ở Việt Nam đi từ gạch xỉ, gạch papanh, block. Tuy nhiên, sản phẩm này trước đây được sản xuất thủ công, mẫu mã đơn điệu, kích thước lớn, mang một số nhược điểm là độ hút nước cao và trọng lượng nặng. Vì thế, ít được người dân sử dụng, chủ yếu dùng cho móng, tường rào... Mấy năm gần đây, cùng với việc du nhập công nghệ cũng như thiết bị sản xuất từ nước ngoài, các nhà khoa học đã đầu tư nghiên cứu công nghệ, chế tạo thiết bị, máy móc dây chuyền sản xuất có quy mô lớn, từng bước hiện đại, sản xuất với công suất lớn, năng suất và chất lượng cao hơn, mẫu mã phong phú hơn. Nhờ đó, VLXD không nung xi măng cốt liệu phát triển mạnh khắp các vùng, đặc biệt những nơi có nhiều phế thải của công nghiệp chế biến đá, nhà máy nhiệt điện, nhà máy luyện kim...
Về gốm sứ: Trước những năm 1990, công nghệ sản xuất gốm sứ còn lạc hậu. Từ những năm 1990 trở lại đây, một số tổng công ty, công ty đầu tư hoặc liên doanh với nước ngoài đầu tư công nghệ thiết bị hiện đại, nhập khẩu từ châu Âu để sản xuất. Nhờ đó, gốm sứ Việt Nam phát triển với tốc độ rất cao, cung cấp ra thị trường khoảng 8 - 13 triệu sản phẩm sứ vệ sinh/năm. Riêng gạch ốp lát, trước năm 2005 sản lượng mỗi năm chỉ khoảng 100 triệu m2 sản phẩm. Đến năm 2011, tổng công suất thiết kế của các nhà máy sản xuất gạch ốp lát đã là hơn 350 triệu m2/năm. Dây chuyền thiết bị hiện đại được nhập khẩu chủ yếu từ châu Âu, làm ra các loại sản phẩm có chất lượng và giá trị kinh tế cao, đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước.
Về kính xây dựng: Những năm 80 việc sản xuất kính xây dựng rất hạn chế. Do máy móc thiết bị lạc hậu nên mới chỉ dừng ở việc sản xuất kính cán vân hoa, kính kéo ngang. Trong hơn 10 năm trở lại đây, các doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống sản xuất bằng lò kính nổi với công nghệ cao, chất lượng sản phẩm tốt. Hiện trong nước có khoảng 7 nhà máy kính nổi, với tổng công suất khoảng 130 triệu m2 quy tiêu chuẩn/năm, 4 nhà máy kính cán vân hoa và kính kéo ngang với công suất khoảng 30 triệu m2 quy tiêu chuẩn/năm. Với kính nổi, đã sản xuất được loại kính đạt chiều dày cỡ 12ly. Cũng đã có nhà máy đầu tư sản xuất kính với công nghệ cao, sản xuất loại kính sử dụng làm pin năng lượng mặt trời (tại Vũng Tàu).
Tình trạng công nghệ vật liệu mới và cũ tồn tại song hành hiện nay cho thấy cần có thời gian để các công nghệ, vật liệu mới chứng minh được các ưu thế của mình về giá thành, chất lượng đối với người sử dụng. Xu thế sử dụng các sản phẩm vật liệu công nghệ mới thay thế cho các sản phẩm công nghệ lạc hậu, lỗi thời, gây nhiều tác động đến môi trường, con người, xã hội là tất yếu. Chúng ta cần xây dựng một lộ trình cụ thể để có thể chọn lựa, sàng lọc và thay thế công nghệ vật liệu cũ bằng các sản phẩm mới có giá trị chất xám cao, đóng góp cho quá trình phát triển của ngành công nghiệp xây dựng nước nhà.
NHẬN DIỆN CÔNG NGHỆ MỚI
Các yếu tố của một thị trường mới nổi ở Việt Nam, trong đó có cả thị trường công nghệ vật liệu xây dựng đã thể hiện rõ nét thời gian qua. Bên cạnh các công nghệ vật liệu mới thực sự mang tính đột phá về tư duy đổi mới, chất lượng, giá thành... thì cũng còn nhiều công nghệ “dán mác mới” nhưng thực chất chỉ là những công nghệ cũ, thậm chí là công nghệ “thải” của nước ngoài. Điều này vô hình trung tạo ra sự lộn xộn trong sân chơi công nghệ vật liệu, tạo ra những khó khăn không cần thiết về quản lý, giám sát, thử nghiệm, tạo áp lực bất lợi cho các đơn vị sản xuất ứng dụng công nghệ vật liệu chân chính trong nước cũng như lãng phí nguồn lực xã hội.
Về vật liệu xây: Tình trạng tương tự cũng đang xuất hiện trong ngành vật liệu xây. Các lò sản xuất gạch thủ công với công nghệ lạc hậu, phá vỡ canh tác, gây ô nhiễm môi trường vẫn tồn tại song hành cùng các lò nung tuynel hiện đại, các lò đất sét nung tiêu tốn tài nguyên môi trường cũng tồn tại song hành cùng các nhà máy VLKN.
Công trình với kết cấu bê tông cốt thép truyền thống
Theo Quyết định số 121/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020: Tiến tới tăng dần tỉ trọng vật liệu không nung (VLKN) từ 20 - 25% vào năm 2015, và 30 - 40% vào năm 2020. Chính phủ cũng ban hành một số chính sách phát triển VLKN, hạn chế việc phát triển gạch đất sét nung. Theo tính toán, với tòa nhà 9 tầng trở lên, vật liệu này phát huy ưu điểm rõ rệt nhờ trọng lượng nhẹ, giảm tải trọng móng, giảm kết cấu chịu lực của công trình qua đó giảm từ 8 - 10% giá trị công trình. Ngoài ra, nó còn có ưu điểm như cách âm, cách nhiệt... Nên dù tính theo khối xây có thể đắt hơn gạch chỉ truyền thống, nhưng nếu tính tổng thể (kể cả phương pháp thi công) thì giảm giá thành hơn và hiệu quả hơn. VLKN đã xuất hiện nhiều ở các công trình có vốn nước ngoài như Keangnam (sử dụng gạch xi măng bê tông cốt liệu) hay các công trình của Vincom (đưa gạch bê tông khí chưng áp vào ngay từ khâu thiết kế).
Doanh nghiệp sản xuất VLKN đang được hưởng những chính sách ưu đãi: miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, thuế nhập khẩu thiết bị. Tuy nhiên, việc tiếp cận thị trường còn nhiều khó khăn. Là sản phẩm mới nên bản thân nó cũng chưa hoàn thiện trong khi người sử dụng còn nhiều e ngại. Thêm vào đó, tiêu chuẩn, quy chuẩn, phương pháp thi công và nghiệm thu của cả sản phẩm lẫn xây dựng đều phải mất thời gian để dần xây dựng và hoàn thiện (đầy đủ vào cuối năm 2011). Do đó, trong giai đoạn này, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, có những cơ chế chính sách, biện pháp mang tính hành chính thúc đẩy đưa VLKN sớm đi vào cuộc sống.
Có thể thấy về mặt chủ quan, tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp trong ngành VLXD hiện không mạnh. Tỷ lệ vay trên tổng vốn đầu tư lớn, nên khi thị trường tài chính có biến động sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Thêm nữa, cũng vì tiềm lực tài chính yếu nên doanh nghiệp không mua được các thiết bị tốt, khi sản xuất dễ gặp trục trặc, dẫn tới ảnh hưởng chất lượng và giá thành. Ngoài ra, hoạt động quản lý sản xuất ở nhiều đơn vị còn chưa tốt nên chi phí cao, tiêu hao vật tư, thiết bị và năng lượng lớn. Xét về mặt khách quan, giai đoạn này ngành sản xuất VLXD ở nước ta tuy có thị trường lớn nhưng không ổn định, lại chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và sự suy giảm của thị trường bất động sản trong nước. Đồng thời, bị cạnh tranh gay gắt do các sản phẩm VLXD nhập ngoại, nhất là hàng Trung Quốc tràn lan thị trường nên tình hình tiêu thụ VLXD giảm mạnh. Trong lúc chờ đợi các giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ, các doanh nghiệp vật liệu xây dựng cần chủ động cấu trúc lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Một trong những hoạt động quan trọng là cải tiến công nghệ sản xuất để đạt năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn, chi phí thấp hơn; sử dụng tài nguyên hợp lý (sử dụng nguyên liệu là phế thải, nhiên liệu có thể tái tạo được và các nguồn năng lượng mới).
Trước thực trạng cấp bách hiện nay, vấn đề là cần xây dựng được một chiến lược dài hạn phát triển ngành công nghệ VLXD Việt Nam. Quy hoạch các chiến lược phát triển với những công nghệ mới mang tính đột phá, được lựa chọn kỹ lưỡng và đầu tư có trọng điểm (như vật liệu không nung thời gian qua). Quy hoạch các vùng nguyên liệu vật liệu xây dựng, có chiến lược khai thác và sản xuất cụ thể theo từng năm từ đó có các phương án nâng cấp chất lượng sản phẩm cũng như thay thế bằng các sản phẩm nhân tạo có giá trị sử dụng tương đương trong tương lai. Về góc độ quản lý Nhà nước, các cơ quan quản lý cần rà soát cập nhật các công nghệ vật liệu mới chuyển giao vào nội địa. Thẩm định và kiểm tra đánh giá rõ ràng các công nghệ vật liệu hiện nay và có quy trình công bố rộng rãi thông tin các sản phẩm không đạt chất lượng, hiệu quả không cao để người sử dụng nắm rõ. Kiên quyết loại bỏ các loại sản phẩm kém và rác công nghệ. Với các công nghệ đã chứng minh được hiệu quả, nên dần tiến tới áp đặt việc ứng dụng bằng hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn, bắt buộc một phần, từng phần tiến tới đa số các công trình phải sử dụng như gạch không nung thay thế cho gạch nung truyền thống. Có lộ trình bắt buộc sử dụng theo giai đoạn với tỷ lệ áp dụng nhất định từ 10% tiến tới 100% cho công trình xây dựng trong đó có các công trình xây dựng vốn ngân sách.
Tương lai của sân chơi công nghệ vật liệu xây dựng Việt Nam là đầy tiềm năng, nhưng thách thức cũng là không nhỏ. Một sân chơi công nghệ vật liệu mới sôi động chắc chắn sẽ là cơ sở rất tốt cho việc đổi mới ngành Xây dựng nói chung và xây dựng nhà ở nói riêng đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa toàn diện.
Phạm Văn Bắc - Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng - Bộ Xây dựng
TS. Lương Đức Long - Viện trưởng Viện VLXD - BXD
Theo: Tạp Chí Kiến Trúc Việt Nam số 10/2012